Wednesday, April 6, 2022

 Trần Bá Dương – Wikipedia tiếng Việt

TRẦN = 4215 = 12 = 3.

BÁ = 21 = 3.

DƯƠNG = 46753 = 25 = 7

Cộng lại: 3 3 7 = 13 = 4. 

 ĐỖ = 47 = 11 = giữ nguyên.

ANH = 155 = 11 = giữ nguyên.

DŨNG = 4653 = 18 = 9.

Cộng lại: 11 11 9 = 31 = 

 VŨ XUÂN THÔNG - TRẬN PHƯỚC LONG .

. . .
Vào tháng 1 năm 1975 khi Biệt Đoàn chúng tôi được lệnh tăng viện cho Tiểu Khu Phước Long, lúc này đang bị trên một sư đoàn địch vây hãm, các đơn vị địa phương hầu như đã tan hàng. Nói là Biệt Đoàn nhưng thật ra chỉ có 2 Biệt Đội 811, 814 và Bộ Chỉ Huy, tổng cộng khoảng 320 nguời. Không Đoàn 43 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân là đơn vị yểm trợ và đổ quân, dưới cơn mưa pháo 105 ly, 155 ly, hỏa tiễn 122 ly và súng cối, các phi đoàn trực thăng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách phi thường với tổn thất không đáng kể.
Đích thân Chỉ Huy Trưởng của tôi, cựu Đ/Tá Phan Văn Huấn và Đ/Tá Triệu đã trực tiếp chỉ huy cuộc đổ quân. Nhìn từ trên trực thăng xuống thị xã Phước Long tôi nghĩ khó mà đáp được vì cả thị xã ngập trong khói lửa của đủ loại pháo chưa kể hỏa lực phòng không của địch tua tủa bắn lên đây trời với đủ loại từ đại liên 50,súng cá nhân, 23 ly và 37 ly. Tiếng đạn pháo nổ dưới đất cộng tiếng các loại phòng không nổ ngang trời nhắm vào các phi tuấn A-37 va F-5 đang cố thả những trái bom và bắn rocket yểm trợ cho cuộc đổ quân vang rền cả một vùng trời.
Tôi chỉ còn trông cậy vào tài bay bổng của các bạn đưa tôi an toàn xuống đất, chỉ cần chúng tôi đặt được chân xuống đất, dù chưa biết sau đó sẽ ra sao. Và thật như một phép lạ, cả hai lần đổ quân đều trót lọt, tất cả đều nhờ tài khôn ngoan của phi hành đoàn. Thay vì đáp ngay xuống thị xã, các phi hành đoàn của Không Đoàn 43 Chiến Thuật đã đáp xuống cạnh các khe suối cạnh thị xã, là những nơi khuất tầm quan sát của các tiền sát viên địch. Địch đã bố trí quanh khu vực Phước Long một trung đoàn phòng không với đủ mọi loại súng từ 12 ly 8 đến 23 ly và 37 ly. Tiền sát viên của địch ở khắp nơi, nhất là đỉnh núi Bà Rá đã bị địch chiếm mấy ngày trước. Biệt Đoàn I Chiến Thuật của tôi chỉ gồm có Bộ Chỉ Huy và 2 Biệt Đội (Biệt Đoàn -), không quá 300 người. Lực lượng trú phòng của Tiểu Khu Phước Long và các đơn vị tăng phái không còn bao nhiêu.
Tiểu Đoàn 7 thuộc Trung Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 chỉ còn không quá 100, Đại Đội 5 Trinh Sát, Sư Đoàn 5 chỉ còn hơn 10 người đã dạt vào đơn vị tôi, Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn 18 Bộ Binh còn Đại Đội Trưởng và hơn một trung đội. Hai Tiểu Đoàn Địa Phuơng Quân đã tan hàng, quân nhân còn lại cũng lẫn lộn trong hàng rào phòng thủ của Biệt Đội 811 của tôi. Cộng chung lại không quá 500 tay súng để chọi lại với lực lượng địch trên 10 ngàn với đủ bộ xe pháo mã tốt. F-5 và A-37 vẫn yểm trợ tích cực nhưng với một hệ thống phòng không chằng chịt không thể xuống thấp để có thể đánh bom chính xác hơn. Từ dưới đất tôi thấy chỉ một chút sơ hở là những chiếc F-5 và A-37 kia sẽ vỡ tung, có một vài trái bom đã rơi vào vị trí bạn …phải chấp nhận thôi .Dù sao sự hiện diện của những chiếc phi cơ này cũng khiến dịch không dám điều động thiết giáp tiến sát đến vị trí chúng tôi. Dân và lính bỏ đơn vị tràn ngập vị trí chúng tôi khiến không thể nào kiểm soát được, tuy vậy chúng tôi vẫn đẩy lui được nhiều đợt xung phong của địch và đã hạ được 4 chiến xa địch.
Vào lúc chạng vạng tối ngày 5 tháng 1 năm 1975, chiến xa địch và bộ binh tiến sát vị trí Bộ Chỉ Huy của tôi, sau đợt pháo 130 ly, 155 ly, 122 ly và 105 ly, chúng thả một toán đặc công vào 2 lô cốt trống , nhờ phát giác kip thời nên đã bị tiêu diệt ngay sau đó.
Suốt trong thời gian từ ngày 4 tháng 1 năm 1975 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975, không lúc nào địch ngưng pháo vào vị trí chúng tôi, chúng mở nhiều đợt tấn công có chiến xa yểm trợ mong tiến sát vào vị trí chúng tôi. Sáng ngày 5 tháng 1 năm 1975, tôi đơn phương quyết định không cho C-130 thả dù tiếp tế nữa vì 1/2 khu vực thị xã đã rơi vào tay địch trước đó 2 ngày. Hầu như 9/10 những kiện hàng tiếp tế đều rơi vào tay địch, các phi vụ oanh kịch không hiệu quả, không còn pháo binh yểm trợ, không tiếp viện. Ở tại Quân Đoàn III, Trung Tướng Dư Quốc Đống từ chối lệnh thả phần còn lại của Liên Đoàn 81 BCND. Trong tình thế này, tôi buộc phải cho lệnh đơn vị rút khỏi Phước Long để bảo toàn đơn vị, tôi đã phải để lại hơn 60 xác đồng đội tại đây. Một điều đau đớn chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử của đơn vị tôi. Tôi đã phải phân tán đơn vị tôi thành từng toán nhỏ, lợi dụng đêm tối, vượt qua hàng rào bao vây của địch để thoát ra ngoài. Phước Long thất thủ vào sáng ngày 6 tháng 1 năm 1975.
Trong lúc đơn vị tôi còn đang tìm cách vượt qua vòng vây của địch thì ngày 7 tháng 1 năm 1975 đã có một buổi họp cao cấp của Quân Đội, giống như tòa án quân sự, họ cố gán ghép việc thất thủ Phước Long là do lỗi của Không Đoàn 43 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn III Không Quân Biên Hòa. Thật là vô cùng phi lý nếu không nói là ngược ngạo. Trong khi các phi cơ của các Phi Đoàn Trực Thăng 221, 223, 231 237 … phi cơ L-19 còn đang bay tìm kiếm và bốc các toán đã vượt qua được vòng vây địch thì tại hậu phương họ đang bị kết tội.
Trách nhiệm làm mất Phước Long nếu nói thuộc về tôi, người đã tự quyết định rút khỏi Phước Long, cao hơn là vì chỉ huy trực tiếp của tôi đã không buộc tôi phải hy sinh cả đơn vị để cố thủ một vị trí mà gần như đã hoàn toàn chiếm giữ bởi quân địch. Chúng tôi còn sống sót không trách cứ bất cứ cấp chỉ huy nào. Người lính chỉ biết tuân hành mệnh lệnh nhưng rõ ràng trách nhiệm làm mất Phước Long thuộc về người đã ra lệnh thả một đơn vị 300 người vào chỗ cầm chắc 90% để thua về một mục đích chính trị. Một ván bài tháu cáy, và đã thua, là khởi sự cho sự sụp đổ sau này.
Tôi đã ghi ở phần trước là giữa Không Quân và các anh em 81 BCND, ngoài tình huynh đệ chi binh, chúng tôi còn có một cái nghĩa “giang hồ”. Trong buổi họp, Đ/Tá Huấn, Chỉ Huy Trưởng 81 BCND đã dũng cảm tuyên bố trước mặt các tướng lãnh:
“Mất Phước Long, lý do tại sao quý vị đều biết nhưng không ai nói ra. Phần Liên Đoàn 81 chúng tôi vào chỗ chết đã đành bởi nghề nghiệp chúng tôi là chọn chỗ chết để đi vào. Riêng các anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, đã chết lây với chúng tôi, thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa, tôi cho là vô lý, nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả, tôi xin phép ra về vì còn nhiều việc phải làm”
Mãi 2 ngày sau, tôi và Bộ Chỉ Huy mới thoát ra khỏi được vòng vây địch. Ban đêm di chuyển qua các bãi trống, tôi phát giác được nhiều chốt của địch đang bám giữ các bãi đáp này. Sáng cuối cùng chúng tôi tới được một nương sắn (khoai mì), đã thấy nhiều trực thăng đang bốc các toán lẻ cách thị xã khoảng 5 đến 10 cây số. Tôi không còn máy để liên lạc với họ vì chiếc mày truyền tin PRC-25 cuối cùng đã bị Hiệu Thính Viên của tôi đánh rớt xuống nước khi vượt qua sông vào buổi tối. Phương tiện liên lạc duy nhất là một mảnh kiếng nhỏ bằng 2 đầu ngón tay, tôi cũng không hy vọng được bốc ra. Ở tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, mọi người đều nghĩ tôi đã tử trận hoặc bị bắt . Còn đang kiểm điểm xem còn lại bao nhiêu người trong BCH của tôi, bất chợt tôi nghe lùng bùng ở tai. Tôi biết đang có trực thăng bay rất thấp vì tiếng quạt gió làm rung chuyển lớp không khí còn ướt hơi sương, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn chiếc chiếc trực thăng UH1 đã ở ngay phía trước. Anh em vội bẻ gẫy một số cây khoai mì, trong lúc đang ra dấu cho trực thẳng vào vị trí, tôi chợt nghe nhiều loạt súng cá nhân từ các đồi bên cạnh bắn qua, có lẫn cả tiếng nổ của đạn súng cối bắn vào vị trí quanh bãi đáp. Vì số cây khoai mì còn nhiều nên trực thăng chỉ lơ lửng trên đầu ngọn cây khoai mì, anh em tự nhảy lên bám vào càng leo lên rồi kéo người khác lên. Đạn bắn càng lúc càng gần, đốn gẫy các cây mì chung quanh.
Vì đạn địch bắn quá gần nên phi hành đoàn buộc phải cất cánh vội vàng. Tôi và Đ/Úy Thành, sĩ quan liên lạc Không Quân (ALO) phải nhảy lên mới bám được vào càng bên trái của chiếc trực thăng.
Khi anh em kéo tôi lên được trên sàn tàu, tôi phải xoay người lại nhờ anh em bám chặt hai chân, cúi xuống nắm lấy hai cổ tay của của Đ/Úy Thành và la lớn để anh thả hai tay ra thì tôi mới kéo anh lên được. Nhưng Anh Thành vẫn không chịu buông tay ra và la lên “Cho tàu đáp xuống” …khi chiếc trực thăng đã bốc lên cao khoảng 200 bộ , bỗng nhiên anh bỏ tay ra không báo trước nên tôi đã để vuột anh. Nhìn anh rơi xuống như một chiếc lá rụng, chiếc áo jacket da bò xòe ra như một cánh bướm mất hút với tiếng la thảm thiết của anh, tôi như người mất hồn…Cả phi hành đoàn đều cúi xuống nhìn anh rơi mà không màng đến hàng trăm viên đạn phòng không đang túa theo chiếc trực thăng đang nặng nề rời bãi .
Chiếc trực thăng duy nhất của Không Đoàn 43 đó Tr/Uy Sơn (Sơn Rỗ) lái đã phải cất cánh với 32 nguời kể cả phi hành đoàn, nó đã bị quá tải (overtorque), chỉ bay mà không đáp được nữa vì nếu đáp sẽ không còn có thể cất cánh được nữa.
Trong đời binh nghiệp của tôi từ khi còn là một toán trưởng thám sát cho đến khi trở thành một cấp chỉ huy cao hơn, chưa bao giờ tôi phải ân hận như thế, đã để rớt Đ/Úy Thành. Hình ảnh của anh còn mãi trong tôi như một cơn ác mộng luôn đè nặng lên tôi trong nhiều năm.
Có rất nhiều phi hành đoàn trực thăng đã chết lây theo chúng tôi. Vì là một đơn vị lấy phương tiện không vận và không yểm là con chủ bài, hầu hết các cuộc hành quân của Liên Đoàn 81 BCND đến nằm trong vùng địch và sau lưng địch, không nằm trong tầm pháo binh, có khi còn phải chuyển tiếp qua căn cứ tạm để tiếp nhiên liệu vì thời gian bay của trực thăng không đủ bảo đảm số thời gian bao vùng. Nếu nói một cách tàn nhẫn hơn thì dù 81 BCND chỉ là một đơn vị nhỏ nhưng đã làm thiệt hại rất nhiều phi cơ của cả hai phía Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi đã sống hết đời quân ngũ trong chỉ một đơn vị duy nhất, 12 năm khởi đầu bằng nghề Toán Trưởng, leo lên đến được BCH/ Biệt Đoàn, tôi đã chứng kiến được nhiều điều đau xót. Quên sao được khi lần đầu tiên bước chân lên chiếc H-34 nặng nề như một con voi của Phi Đoàn 215 Thần Tượng, nhớ những Anh Vui, Vinh, Khôi, Mành, Trắng, Hiếu …Những con người hào hoa đã đưa chúng tôi vào những mặt trận “thắt cổ họng còn sướng hơn” như Bình Giả, Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài …và đã đón chúng tôi trở về trong niềm vui gặp lại vợ con, bằng hữu. Quên sao những bạn bè như Trọng, Vỹ, Bảo, Dõng, Duyên và hàng trăm phi công trẻ của Không Đoàn 43 Chiến Thuật, những cánh bay mong manh L-19 thủng hàng chục lỗ đạn. Quên sao được những buổi hàng đoàn trực thăng đáp xuống sân căn cứ hành quân ở Suối Máu, Biên Hòa, phi hành đoàn ngồi chờ phi vụ với một khúc bánh mì, gói xôi đậu xanh mua vội ở Biên Hòa. Những con người đã từng đối đầu với gian nguy cùng với chúng tôi qua bao nhiều mặt trận mà cuộc sống vật chất không đủ để nuôi vợ con, nhưng vẫn cười vang mỗi lần gặp gỡ.
Chúng tôi đã không có đủ khả năng để đãi các bạn một bữa cơm trưa thanh đạm mà phải để các bạn bay về căn cứ, nuốt vội bữa cơm ở Câu Lạc Bộ, để rồi lại phải tiếp tục suốt buổi chiều, có khi trở về khi trời đã tối. Thế mà các bạn vẫn cười, không có một lời phiền hà. Chúng ta đã cùng chiến đấu để không vì miếng cơm manh áo của chính mình mà vì để bảo vệ miền Nam tự do, tránh được cái họa cộng sản.
Mỗi lần đi tham dự ngày họp mặt của các Quân Binh Chủng bạn, nhìn lại các chiến hữu xưa, nay đầu đã bạc trắng bỗng bùi ngùi nhớ lại thân phận mình. Nhớ tới tôi đã chưa một lần gửi lời cảm ơn các bạn, vì lòng nhiệt thành của các bạn, biết bao nhiêu lần chỉ vì để cứu một người lính 81 BCND trong vòng vây địch, để rồi lại phải hy sinh cả phi hành đoàn, chúng tôi đã phải chấp nhận những tổn thất về nhân mạng. Chúng ta khác kẻ thù, chúng ta quý nhân mạng hơn, dù chỉ là một người lính bình thường. Biết bao lần tôi chứng kiến những chiếc trực thăng bị nổ tung khi vừa vào bãi đáp, không một người sống sót. Sự tiếp cứu sau đó chỉ để mang về những xác người đã cháy đen!!! Còn gì buồn hơn khi thấy người phi công thoát ra khỏi chiếc A-37 bị bắn cháy, chiếc dù cứ trôi theo gió rồi rơi vào đất địch. Hãy cảm nhận nỗi đau khổ của anh em chúng tôi, những người tiếp cứu một phi công L-19 của Không Quân Việt Nam bị bắn cháy chỉ mang về một thi thể trần truồng. Địch đã xỉ nhục hay căm thù đến nỗi lột hết quần áo của một người đã chết thân thế không còn nguyên vẹn. Cái bản chất cầm thú của kẻ địch đã đối xử với một người đã chết còn như thế, thử hỏi đối với những chiến hữu của chúng ta rơi vào tay địch còn phải chịu đựng những khổ nhục như thế nào? Bao nhiêu chiến sĩ Không Quân đã hy sinh, bao nhiêu người đã rơi vào tay địch?
Hoàng hôn ngày 27 tháng 4 năm 1975, giữa khung trời còn âm u khói từ kho bom phi trường Biên Hòa bị nổ trước đó vài ngày, tôi đứng bên nầy hàng rào nhìn hàng chục chiếc trực thăng cất cánh rời bỏ phi trường. Thế là hết, ẩn ý như một lời vĩnh biệt…đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những cánh chim ấy, những cánh chim đã cùng chúng tôi trải qua bao gian nguy.
Bây giờ những cánh bay ấy có thể đã nằm mục rã ở một vài bãi phế thải nào đó, hoặc năm sâu dưới đáy biển sau lần bay cuối cùng, hay may mắn hơn được nằm trong các viện bảo tàng chiến tranh. Nhưng những con người điều khiển chúng vẫn còn nhiều, lòng yêu nước và tinh thần dấn thân vẫn còn và mơ ước một ngày nào đó được bay trên vùng trời Tổ Quốc Việt Nam Tự Do .
Cuộc chiến tranh này chưa bao giờ chấm dứt, nó chỉ được thay đổi hình thức mà thôi …
alt
“Old soldiers never die; they just fade away.”
General Douglas MacArthur
Vũ Xuân Thông
Liên Đoàn 81 BCND