Wednesday, August 17, 2022

 

Lược sử Giáo xứ Nhà Đá

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :
 
            Nhà thờ Nhà Đá, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ Nhà Đá tọa lạc tại một đồi dốc thuộc thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, bên trái trục quốc lộ IA (từ Nam ra Bắc), cách thị trấn Phù Mỹ khoảng 06 km. Nhà thờ Nhà Đá ngày nay hoang phế trơ mình giữa nắng mưa như đang khát khao chờ đợi bàn tay tô điểm của con người.

            Ngược dòng lịch sử chúng ta tìm về cội nguồn giáo xứ Nhà Đá.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :

            Nhà Đá hay Truông Dốc là một giáo xứ đã đón nhận Tin Mừng từ tiền bán thế kỷ 18.

            Theo bảng thống kê Danh Sách Nhà Thờ, Nhà Nguyện năm 1747 do linh mục Guillaume Rivoal ghi phần Thừa Sai Ba-lê và Thánh Bộ Truyền Giáo; Linh mục Jakob Graff ghi phần Dòng Tên ; Linh mục Felipe de la Concepcion ghi phần Dòng Phanxicô thì  phần đất tỉnh Bình  Định  (Qui-ning) lúc bấy giờ có 02 nhóm Thừa Sai Truyền Giáo hoạt động : Từ Kiều Đông (Ki-dou) thuộc Phù Cát  vào phía Nam thuộc Hội Thừa Sai Ba-Lê (M.E.P.) có 13 giáo điểm; Từ Phù Mỹ  ra phía Bắc thuộc Dòng Phanxicô có 14 giáo điểm, trong đó có Mương lỡ [1] được 80 tín hữu, là nơi đón nhận Tin Mừng sớm nhất trong các giáo họ thuộc giáo xứ Nhà Đá ( Truông Dốc ) [2]

            Theo bảng thống kê của Thánh Giám mục Stêphanô Thể gởi về Hội Thừa Sai Ba-lê năm 1850 thì Bình Định có 04 giáo hạt, trong đó có hạt Phù Ly gồm 18 giáo điểm, trong đó có giáo điểm Mương lỡ : 230 tín hữu ; Truông Dốc : 78  tín hữu [3]. Nhà thờ Phù Ly nay không còn gì cả. Phía Tây Nam cầu Phù Ly có nhà thờ Xuân Hội, ngày nay cũng đã bình địa. Hiện nay còn di tích mộ giếng, theo lời truyền khẩu mộ giếng nầy là nơi chôn xác những tín hữu bị phong trào Văn Thân bách hại. Ngoài ra có một số mộ còn thánh giá do ông Phan Xuồng chăm sóc.

            Lúc bấy giờ số Linh mục còn ít ỏi, sự hiện diện của Linh mục nơi các giáo điểm có tính cách vãng lai. Mương Lỡ (Hòa Mục) là một giáo điểm có các Linh mục hiện diện thường xuyên hơn. Vào tháng 03/1882 Đức cha Luy Galibert bổ nhiệm Linh mục Théodule Joseph Hamon (cố Lựu) đến ở tại Truông Dốc với nhiệm vụ như một cha sở (comme curé). Lúc đầu cộng đoàn tín hữu Truông Dốc ở tại chân một gò đất trên triền núi phía Bắc, nơi đây trống trải, gió lạnh, nhất là mùa Đông sinh nhiều bệnh tật. Do đó đầu năm 1883, cha Hamon dời cộng đoàn lên đỉnh dốc như ngày nay. Đang lúc củng cố cơ sở vật chất tạm ổn định, đầu tháng 8 năm 1885 ngài phải dẫn một số đông tín hữu trong vùng về Qui Nhơn lánh nạn phong trào Văn Thân, sau đó vào Vĩnh Long cho đến khi phong trào Văn Thân chấm dứt. Tháng 07/1887 số tín hữu ở lại Qui Nhơn bắt đầu trở về quê, ngày 01/8/1887 ngài dẫn tín hữu tạm cư ở Vĩnh Long về lại Truông Dốc. Cha Hamon tổ chức truy tập thân xác các tín hữu trong xứ đã bị bách hại. Ngày nay tại nghĩa địa Truông Dốc có một trụ tứ giác với Thánh giá trên đỉnh, cao khoảng 02 m, xung quanh trụ có sân đất vuông, tục truyền đây là nơi an nghỉ của các vị ấy.

              Sau khi ổn định cuộc sống, cha Hamon xây dựng nhà thờ Truông Dốc bằng đá ong, một công trình đầu tiên bằng đá của giáo phận Đông Đàng Trong. Trước đó 200 năm, năm 1687 tại Phủ Cam, Huế, linh mục Pierre Langlois (1640-1700) thuộc Thừa Sai Ba-lê đã xây nhà thờ bằng đá lớn nhất Đàng Trong dài 49m rộng15m, dân chúng đã gọi cha Langlois là “cha Vêrô Đá’’. Nhà thờ Truông Dốc được khánh thành ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1889, lễ nầy cũng được chọn làm bổn mạng của giáo xứ, tên gọi Nhà Đá cũng phát xuất từ  ngôi nhà thờ đá nầy. Ngoài công trình nhà thờ,  cha còn xây 03 nhà :  Cho các chú giúp, cho người neo đơn, nuôi trẻ mồ côi. Một trong các giấy tờ ruộng đất liên quan  đến các cơ sở nầy có đoạn ghi “Giấy đất điền acheté 1500q, pour moi soussigné et payé de mon argent personnel pour mon orphelinat de Truông Dốc près Phù Mỹ” – Tạm dịch “ Giấy đất điền được mua 1500 quan, cho nhà mồ côi Truông Dốc của tôi ở gần Phù Mỹ do tôi ký tên dưới đây và được trả bằng tiền riêng của tôi [4]

            Sau khi hoàn thành nhà thờ  Truông Dốc, cha Hamon củng cố các giáo điểm, mua ruộng đất tạo nguồn kinh tế-tài chánh cung cấp cho những nhu cầu thờ phượng, bác ái, truyền giáo, giáo dục miễn phí. Ngài làm việc mục vụ tại đây 26 năm, năm 1908 ngài nghĩ hưu tại Nhà Đá, tháng 3/1910 trở về Pháp và qua đời tại Montbeton ngày 06/5/1911. [5] 

            Tiếp nối cha Hamon có các cha sở và các cha phụ tá[6]           

* CÁC CHA SỞ :
 

 
STTTÊN THÁNH HỌ TÊNTHỜI GIANGHI CHÚ
01Théodule Joseph HAMON1882– 1908 
02Gustave Paul DUBULLE1908– 1909 
03Charles Eugène SAULÇOY1909– 1914 
04Jean Marie GUÉNO1914– 1924 
05Giuse MIỄN1921-  1923Tạm Quyền
06Jean Liévin SION1925-  1931Giámmục 1941
07Phêrô NHÌ1931-  1933 
08Gioakim Phan Công SỬ1933-  1946 
09August Nguyễn Thanh LONG1946-  1948 
10Phêrô Nguyễn Sĩ TƯ1948-  1953 
11Giuse Lê Văn LY1953-  1957 
12Phêrô  Nguyễn Vĩnh LƯU1957-  1962 
13Bernard Phan Văn HOÀNG1962-  1965 
14Các cha Dòng Đồng Công1965– 1975 
15Phêrô Nguyễn Công SANH1975– 1996cha sở Phù Cát, kiêm nhiệm
16Anrê Đinh Duy TOÀN1996 -cha sở
 
*CÁC CHA PHỤ TÁ :        
 
 
SSTTTÊN THÁNH HỌ TÊNTHỜI GIANGHI CHÚ
01F.x.  SANH02/1907-10/1907Ở  Truông Dốc
02Cha TÁNH10/1907-8/1908 (1)
12/1911- 3/1912(2)
Ở  Truông Dốc
03Phêrô QUA1908 - 1911Ở   Cây Rỏi
04Gioan Bt. HẬU1912Ở  Truông Dốc
05Simon  THỌ1914 - 1916Ở  Truông Dốc
06Phêrô TỪ1916 - 1917Ở  Truông Dốc
07 Giuse Nguyễn TÝ1920 - 1922Ở  Truông Dốc
08 Simon TÔN1922 - 1926Ở  Suối Nổ
09Phêrô NHÌ1926 - 1929Ở  Truông Dốc
10Stêphan Cao Tấn TRUYỆN1933 – 1936Ở  Cây Rỏi
11Antôn Hoàng Liên MẦU1936 – 1938Ở  Cây Rỏi
12Giacôbê Nguyễn Hữu THIÊN1939Ở Truông Dốc
13Gioan Bt.  HỘ1938 – 1941Ở  Cây Rỏi
14Phêrô Nguyễn Văn QUYỂN1940 – 1941Ở  Suối Nổ
15Dôminicô Châu PHẬN1942 – 1946Ở  Cây Rỏi
16Phêrô Lê Đức CHÂU1946 – 1947Ở Cây Rỏi
17Antôn Hồ Ngọc HẠNH12/1947- 02/1948Ở  Cây Rỏi
           
            Ngoài các linh mục được chính thức bổ nhiệm trên đây, còn có các linh mục được phép Đấng Bản Quyền về nghỉ dưỡng tại các giáo họ như:
  • Cha Phaolô Nguyễn Minh Đoan về nghỉ ở Suối Nổ và qua đời tại đây năm 1949.
  • Cha Gioakim Phan Công Sử về nghỉ tại Cây Rỏi từ năm 1963 – 1965.
            Dọn đất, gieo hạt, chăm bón, thu hoạch là tiến trình tuần tự của nhà nông. Trong việc rao giảng Tin Mừng tiến trình ấy được kết nối đan xen với nhau. Năm 1931, cha Phêrô Nhì trùng tu công trình nhà thờ cũ do cha Hamon xây dựng. Công việc trùng tu chưa hoàn thành, trận bão tháng 10 năm Nhâm Thân ( 1932 ) đã làm sụp đổ hoàn toàn. Cha Gioakim Phan Công Sử xây lại nhà thờ, cha sử dụng nguồn gỗ từ những cây Sao do cha Hamon trồng khi ngài mới đến Truông Dốc. Theo gương vị tiền nhiệm, cha Sử đã trồng lại hàng Sao sau khi thu hoạch. Năm 1940 Nhà Đá trùng phùng niềm vui: Nhà thờ cha Sử xây dựng được khánh thành vào ngày 04/6/1940, và 18 học sinh thi Élémentaire đậu cả 18 [7]. Vào thời cha Hamon đã có trường học nhưng chưa đủ điều kiện để đi thi. Thời cha Sử, trường Nhà Đá do ông Louis Nguyễn Đức Bạng làm hiệu trưởng có đăng bộ với Ty Giáo Dục. Đạo và đời cùng phát triển, năm 1941 tổng số tín hữu Truông Dốc được 2.065 người trong 15 giáo họ : Họ chính Truông Dốc 288; Gò Vàng 64; Gò Đồng 255; Suối Nổ 387; Mương Lỡ 193; Bình Sơn 114; Gò Mít 71; Bình Tân 30;  Vĩnh Ân 17; Tân Hóa 56; Hiệp Luôn 52; An Điềm 63; Cây Rỏi 256; Hội Sơn 41; và Tùng Chánh 178 [8].

            Từ năm 1946 đến năm 1954 Cây Rỏi, Hội Sơn, Tùng Chánh, An Điềm, Hiệp Luôn, Vĩnh Ân và Tân Hoá được tách khỏi Nhà Đá lập thành địa sở Cây Rỏi do cha Anrê Nguyễn Văn Tường đảm nhiệm, sau năm 1954 nhập trở lại Nhà Đá.

            Năm 1955, do sự bất cẩn, nhà thờ Nhà Đá bị hỏa hoạn, liền sau đó Đức cha Marcello Piquet Lợi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn thuê ông thầu Võ Sĩ làm lại nhà thờ mới với cột kèo đúc bê-tông như  hiện nay vẫn còn thấy [9].

            Theo đúng Qui chế Giáo luật, ngày 30/01/1958 Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục giáo phận đã ký quyết định nâng lên hàng giáo xứ bán chính thức (Quasi paroisse) các nơi sau đây: Đà Nẵng, Trà Kiệu, cù Và, Gia Hựu, Nhà Đá, Gò Thị, Qui Nhơn và Mằng Lăng [10]. Ngày 06/02/1961 theo quyết nghị của Hội Đồng Địa Phận công bố các nơi trong địa phận thành giáo xứ chính thức (Paroisse), trong đó có giáo xứ Nhà Đá [11].

            Được sự đồng ý của Đức Giám mục giáo phận, đầu năm 1958 các tu sĩ Dòng Đồng Công đã đến làm việc truyền giáo tại Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Nguyên khu truyền giáo nầy do cha Phêrô Trịnh Hoài Ân gầy dựng  bao gồm các xã : Mỹ Thọ, Mỹ Chánh, Mỹ An, Mỹ Thành, Mỹ Cát và Cát Minh của huyện Phù Cát. Cơ sở vật chất trụ sở truyền giáo Mỹ Thọ do các tu sĩ Dòng Đồng Công xây dựng và khánh thành ngày 23/8/1958  [12]

           Năm 1965, cha Bernard Phan Văn Hoàng cùng với số đông tín hữu vào Qui nhơn để tránh bom đạn chiến tranh. Đến năm 1967 cha Hoàng xin chuyển về làm việc ở Đà Nẵng. Đức cha ĐaMinh Hoàng Văn Đoàn , Giám mục Qui Nhơn giao xứ Nhà Đá cho Dòng Đồng Công phụ trách. Trong nổ lực phát triển con người toàn diện, các tu sĩ Đồng Công mở phòng phát thuốc,  trường dạy học, ký túc xá, tất cả đều miễn phí. Niên khóa 1970 – 1971 số con em trong vùng đã đến trường do các tu sĩ Đồng Công phụ trách [13]:
           
            Bậc Trung Học :
 
            - Trường Đồng Công (ở Nhà Đá ) : 215 học sinh ( lớp cao nhất : Lớp 9)
            - Trường Toàn Mỹ (ở Mỹ Chánh) : 111 học sinh (lớp cao nhất : Lớp 6)
 
            Bậc Tiểu Học  :
 
            - Trường Đồng Công    ( Nhà Đá) : 744 học sinh (lớp cao nhất : Lớp 5)
           - Trường Toàn Mỹ  ( Mỹ Chánh)  : 357 học sinh (lớp cao nhất : Lớp 5)
           - Trường Thiên Mẫu (TT.Phù Mỹ):238 Học sinh (lớp cao nhất : Lớp 5).

            Vì là vùng đất thường đón nhận bom đạn chiến tranh, từ năm 1965 đến 1968 đa số dân chúng di cư đi nơi khác. Hầu hết họ đã ổn định cuộc sống nơi những vùng đất mới , nên khi hoà bình được vãn hồi nhiều người trong số họ không trở về quê quán. Tháng 3/1975 các Tu Sĩ Đồng Công rời khỏi Nhà Đá và cũng không trở lại.

            Tháng 4/1975, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Công Sanh làm quản xứ Phù Cát, kiêm nhiệm Nhà Đá.
           
             Ngày 18/9/1996, cha Anrê Đinh Duy Toàn được bổ nhiệm làm quản xứ Phù Mỹ, Nhà thờ Phù Mỹ nguyên là nhà thờ giáo họ Gò Đồng thuộc giáo xứ Nhà Đá, cách nhà thờ Nhà Đá khoảng 06 km về hướng Nam. Đây là nơi duy nhất trong xứ Nhà Đá có số giáo dân sum họp thường xuyên , nhà thờ các giáo họ khác đều sụp đổ hư nát.   

 
             III. CÁC LINH MỤC & TU SĨ XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ NHÀ ĐÁ :
 
* CÁC LINH MỤC :
 
 
STTTÊN THÁNH, HỌ TÊNGIÁO HỌGHI CHÚ
01Giuse ChungHòa Mục 
02Anrê CậyTruông Dốc 
03Micae ThiênHòa Mục 
04Phaolô BangSuối Nổ 
05Phaolô  Nguyễn TưởngBình Sơn 
06Phaolô BườngGò Mít 
07Phêrô GiảngTruông Dốc 
08Gioakim  Nguyễn LịchTruông Dốc 
09Phêrô Lê Vĩnh PhướcTruông Dốc 
10Phaolô Trương Công ChánhHòa Mục 
11Aug. Nguyễn Khắc CầnGò Đồng 
12Phaolô Võ Hữu TưSuối Nổ 
13Phanxicô Nguyễn Quang HiềnGò Vàng 
14Gioakim Huỳnh Văn HóaSuối Nổ 
15Phêrô Nguyễn Hữu SanhCây Rỏi 
16Martinô Nguyễn Trọng HuấnHòa Mục 
17Gioan M. Nguyễn Đức ThốngHòa Mục 
18Gioakim Nguyễn Thúc NênTruông Dốc 
19Gioakim Nguyễn Hoàng SơnTruông Dốc 
20Phêrô Nguyễn Vân ĐôngTruông Dốc 
21Giuse Võ Đình SenTruông Dốc 
22Gioakim Phạm Công VănTruông Dốc 
23Phêrô Trần Văn TâmGò Đồng 
24Giuse Lê Thu ThâuSuối Nổ 
25Gioakim Huỳnh Công TânCây Rỏi 
26Giuse  Phạm Ngọc TuấnTruông Dốc 
  
 CÁC TU SĨ :
           
 
STTTÊN THÁNH HỌ TÊNGIÁO HỌGHI CHÚ
01Tu huynh  Nguyễn SanhTruông DốcDòng Lasan, ở Canada
02Phêrô Nguyễn Đình PhụcTruông DốcDòng Phanxicô
03Rosalie Nguyễn Thị ĐâyTruông DốcDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
04Béatrice Nguyễn Thị LậpTruông DốcDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
05Anna Nguyễn Thị Bích NgaTruông DốcDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
06Maria Nguyễn Thị Bạch VânTruông DốcDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
07Maria Võ Thị TuyếtHòa MụcDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
08Têrêxa Nguyễn Thị Kim KhánhCây RỏiDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
09Luxia Nguyễn Thị Kim ThanhTruông DốcDòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
10Maria Nguyễn Thị Kim SơnTruông DốcDòng Nữ Vương Hòa Bình
11Matta Nguyễn Thị Lệ BânTruông DốcDòng Bác Ái Vinh Sơn
12Anê Huỳnh Thị ThảoCây RỏiDòng Nữ ĐaMinh Rosa Lima
13Maria Dương Thị Hồng ThủyGò MítDòng Đức Bà Truyền Giáo
14Maria Trần Thị Mỹ LoanGò ĐồngDòng Đức Bà Truyền Giáo
15Maria Trần Thị Mỹ LệGò ĐồngDòng Trinh Vương Bùi Môn
16Maria Trần Thị Mỹ VânGò ĐồngDòng Trinh Vương Bùi Môn
17Têrêxa Phan Thị Bang (Vân)Gò ĐồngDòng Trinh Vương Bùi Môn
18Ysave  Huỳnh Thị Kim TuySuối NổDòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
 
           
              V.  HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI   

               Giáo họ Truông Dốc hay Nhà Đá đã từng chiếm vị trí trung tâm sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ trong một thời gian dài. Ngày nay vị trí ấy được nhường lại cho giáo họ Gò Đồng với tên gọi mới : Nhà thờ Phù Mỹ, giáo xứ  Phù Mỹ.

              Nhà thờ Nhà Đá ‘vang bóng một thời’ nay đang hoang phế rêu phong làm cho phong cảnh mang màu ảm đạm và lòng người không khỏi xót xa ngậm ngùi, cho dù là :

              “Không phải con chiên chưa lần chịu lễ
               Lòng vẫn chùng trong thoáng nghĩ bâng quơ
               Này phế tích cho hỏi lời rất nhẹ
              Người xưa đâu ? năm tháng mấy ai về .”

                                                     ( Lê Thanh Lành)
            Cho dẫu ‘người xưa năm tháng mấy ai về’, thì nhiệm vụ lịch sử  trong giây phút hiện tại vẫn là của người hôm nay. Ước mong nhà thờ Nhà Đá được tô điểm để cùng hòa mình với nét đẹp của quê hương, với sự thay da đổi thịt từng ngày của đất nước, của non sông.

 

[1] Tức Hòa Mục, ngày nay thuộc xã Cát Tài, huyện Phù Cát
[2] (LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Vol.II, p.187-191; ĐỖ QUANG CHÍNH, Sống Trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên, tr. 295).
[3] Mémorial số 58, ngày 31/10/1909, tr. 151-153
[4] Giấy nầy hiện nay ông Lê Văn Tường tổ 05, Hiền Hòa, Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai còn lưu giữ.
[5] Fiche individuelle d Hamon ; Mm.no.76/1911, p.64; Compte-Rendu 1941,p.30 - 35.
[6] Theo sổ Rửa Tội, Hôn Phối, Mémorial , Archivesmep.mepasie.org và Thông Tin Địa Phận 
[7] Mm. Mai-Juin 1940, p. 04
[8] Compte-Rendu 1941, p.30
[9] Trên vách tường bên phải cung thánh (dưới nhìn lên) có mộ cải táng cha Micae Chương. Cha Micae Chương nguyên quán Ngọc Kinh, Quảng Nam. Cha qua đời tại Mương Lỡ (Hòa Mục) năm 1850 và được cải táng về Nhà Đá.
[10]  Thông tin địa phận số 03/1958, tr.03
[11]  TTĐP số 22/1961. tr.13
[12] Thông tin Địa Phận số 6/1958, tr. 7
[13] Thông tin Địa Phận số 66/1970, tr.54
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com 


Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Nhà Đá

< chưa có >