Duyệt Trình Cuốn Sách Why Pleime
Cuốn sách mang tựa đề Why Pleime, khổ nhỏ 4.5in. x 7in., 180 trang mang tên tác giả Major General Vĩnh Lộc, ARVN viết xong tháng 4 năm 1966 (ngoại trừ chương X chót viết vào tháng 9 cùng năm) được in ấn tháng 9 năm 1966 tại nhà in Bộ Thông Tin, Việt Nam. Cho đến nay (*), không thấy có ấn bản tiếng Việt, mà chỉ thấy nói tới một cuốn sách mang tựa đề Pleime, Trận Chiến Lịch Sử. Cuốn sách Why Pleime không được mấy ai nhắc tới. Ngay cả các tác giả Mỹ viết về trận chiến Pleime cũng không thấy liệt kê cuốn sách này trong phần nguồn tham khảo. Tuy nhiên, khi duyệt trình cuốn sách, sẽ thấy nội dung rất là độc đáo và hoàn bị. Quả thật là một tuyệt tác về mặt quân sự.
Một Tường Thuật Xác Thật Nhất
Hình thức tổng quát của cuốn sách là một bản tường trình chiến trận của Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II gửi lên Trung Tâm Hành Quân, Bộ Tổng Tham Mưu, với các chi tiết quân sự mật được xóa bỏ. Ngoài ra, nó còn là sản phẩm của các loạt bài thuyết trình Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II trình bày cho giới chức quân sự cao cấp của các quân lực đồng minh: Hoa Kỳ, Đại Hàn và Đài Loan. Ngay sau khi trận đánh kết thúc, các tướng lãnh thuộc MACV từ Sài Gòn và US II Field Force từ Nha Trang lên Pleiku tìm hiểu chi tiết về trận đánh và đi tham quan để biết tỏ tường các chiến trường tại Pleime, Chu Prông và Ia Drang. Đầu năm 1966, một phái đoàn tướng lãnh Đại Hàn dẫn đầu bởi Tướng Lee Hyun Chin, tháng 4 năm 1966, một phái đoàn gồm các Tướng Tư Lệnh Quân Lực Đại Hàn dẫn đầu bởi Tướng Chang Chang Kuk, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Đại Hàn, rồi tiếp sau đó, một phái đoàn gồm 11 Tướng Lãnh Đài Loan dẫn đầu bởi Tướng Lo Yu Lun, Hành Quân đến bản doanh Quân Đoàn II để học hỏi về trận đánh và xin tài liệu. Do đó, những chi tiết ghi trong cuốn sách phải là xác thật tuyệt đối, vì mọi sai lầm sẽ không qua mắt được các Tướng Lãnh Hoa Kỳ thuộc US II Field Force và US 1st Air Cavalry trực tiếp tham gia và theo dõi rất sát các chiến trường trong suốt các trận đánh.
Những Chi Tiết Không Đâu Nhắc Tới
Vai trò chủ động của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II trong đợt đầu của trận Pleime giải vây Trại Pleime là chuyện đương nhiên: BTL QĐ II quyết định gửi hai toán Biệt Cách Dù Việt và một toán Biệt Kích Delta Mỹ tăng cường việc phòng thủ trại, điều động một chiến đoàn giải cứu, yêu cầu Quân Lực Mỹ yểm trợ một tiểu đoàn bộ binh phòng thủ Pleiku và một tiểu đoàn pháo binh yểm trợ cho cuộc hành quân tiếp cứu.
Nhưng ít ai biết đến vai trò chủ động của BTL QĐ II trong quyết định truy đuổi tàn quân địch với đợt 2 và đợt 3 của trận Pleime. Xin trích dẫn:
Ngày 26 tháng 10 năm 1965, đang khi đoàn quân tiếp viện và lính trú phòng trại Pleime thực hiện công cuộc càn quét xung quanh Trại, một buổi hội nghị diễn ra tại Trung Tâm Hành Quân của Quân Đoàn II với sự hiện diện của các cố vấn Mỹ và các đơn vị trưởng.
[. . . ]
Quyết định của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II khai thác các kết quả của đợt một và đuổi theo địch được sự đồng thuận trọn vẹn của giới chức quân sự Mỹ và một sự thỏa thuận đã thành hình đi tới việc thiết lập một sự cộng tác chặt chẽ về mặt hành quân. Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ sẽ là nỗ lực chính với Hành Quân Long Reach và Lữ Đoàn Dù QLVNCH sẽ là lực lượng trừ bị, sẵn sàng can dự khi Quân Đoàn ra lệnh.
Tướng Westmoreland công nhận vai trỏ chủ chốt này của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, khi ông viết Lời Tựa:
Đối với việc xử dụng các lực lượng phối hợp, trận đánh Plei Me là một trường hợp điển hình. Các thành quả nổi bật của các giai đoạn sau có thể, có lẽ, không bao giờ thể hiện được nếu như không có đầu óc thẩm định và con mắt nhìn xa của giới lãnh đạo Việt Nam. Nỗ lực chuẩn bị tiên khởi trên chiến trường, mở đường cho việc xử dụng Sư Đoàn 1 Không Kỵ, đã do các lực lượng Việt Nam hoàn thành. Cũng vậy, thành quả khai thác của giai đoạn chót đã do Lữ Đoàn Dù Việt Nam phần lớn hoàn thành. Sự hữu hiệu của nỗ lực khéo tổ chức, ăn khớp mật thiết, cộng tác phối trí chung quả là hiếm thấy trong chiến tranh hiện đại.
Các tài liệu của Hoa Kỳ và của Cộng Sản Bắc Việt cố tình tạo "sa mù chiến trận" của trận Pleime bằng cách chỉ chú tâm và chỉ nhấn mạnh tới trận "Thung Lũng Ia Drang". Sự thật là trận đánh này gồm ba đợt với ba cuộc hành quân: Dân Thắng 21 (VN) tại Pleime, Long Reach (HK) tại rặng núi Chu Prông và Thần Phong 7 (VN) tại thung lũng Ia Drang.
Thái độ của các tác giả và sử gia Mỹ và Việt Cộng nhận chìm hành quân Long Reach của Sư Đoàn 1 Không Kỵ HK và hành quân Thần Phong 7 của Lữ Đoàn Dù QLVN; đồng thời đặt danh xưng sai cho trận đánh tại chân núi Chu Prông là trận đánh "Thung Lũng Ia Drang" thay vì là trận đánh "Rặng Núi Chu Prông", vì tên trận đánh "Thung Lũng Ia Drang" của Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ HK do Tiểu Đoàn Trưởng Harold Moore chỉ huy phải được dành cho trận đánh của Lữ Đoàn Dù QLVN do Lữ Đoàn Trưởng Ngô Quang Trưởng chỉ huy trong cuộc hành quân Thần Phong 7, vì trận này mới đúng là xảy ra tại thung lũng Ia Drang.
Khi các đơn vị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ truy lùng địch trong vùng từ Pleime đến Chu Prông, không như thiên hạ tưởng, họ không đơn phương hành quân nhưng luôn được sự yểm trợ của các toán Biệt Cách Dù VN. Chi tiết này không được giới quân sự VNCH hay Hoa Kỳ cho biết, có lẽ vì lý do bảo mật quân sự dính dáng tới một đơn vị "bí mật", mà là được một bản báo cáo chiến trường của Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Tây Nguyên Việt Cộng tiết lộ. Bản báo cáo về đặc điểm của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ này được đính kèm nơi chương IX của cuốn Why Pleime. Xin trích dẫn:
Đợt 2: xử dụng những đơn vị tăng phái nhỏ và phối hợp với Biệt Cách Dù ngụy để thực hiện những cuộc tấn kích vào hậu cứ của ta (28 tháng 10 đến 11 tháng 11 năm 1965).
Đổ bộ thẳng bằng "nhảy cóc" vào hậu cần của ta bằng trực thăng (28 tháng 10 đến 10 tháng 11 năm 1965). Các lực lượng xử dụng: từ một tiểu đoàn đến một đại đội của lính Mỹ hay hai đại đội của lính Mỹ phối hợp với Biệt Cách Dù ngụy.
Trước khi đổ bộ. Thám sát các bãi đổ bộ bằng nhiều phi vụ thám sát hay bằng các toán nhỏ Biệt Cách Dù ngụy.
Biệt Các Dù ngụy hay các đơn vị thám sát Mỹ luôn đổ bộ trước để giữ an ninh bãi đổ bộ trước khi bộ binh, đơn vị yểm trợ và sở chỉ huy đổ bộ.
Sau khi đổ bộ quân. Biệt Cách Dù ngụy thường tiến xa tuần tiễu.
Chiến Đoàn Thiếp Cứu sơ khởi thành lập ngày 20 tháng 10, chỉ gồm có:
Đến ngày 23 tháng 10, Chiến Đoàn mới được tăng phái thêm Tiểu Đoàn 1/42. Đơn vị này được trực thăng vận từ Kontum tới Pleiku. Sở dĩ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II phải đợi đến mãi ngày thứ tư kể từ khi trại Pleime bị tấn công là vì tất cả các trực thăng bị trưng dụng để chuyển vận một tiểu đoàn đến tăng cường tỉnh Quảng Đức trong cuộc hành quân Thần Phong 6 đang tiếp diễn.
Đồng thời, Tiểu Đoàn 22 BĐQ, đơn vị chót trừ bị đóng tại Pleiku được Chiến Đoàn Ingram của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ đến thay thế trong công tác phòng vệ Pleiku "được trực thăng vận tới bãi đáp tại phía Tây của Liên Tỉnh Lộ 5, 10 cây số Bắc Pleime, với hai sứ mạng: một, càn quét hướng đông và dồn địch về hướng Liên Tỉnh Lộ 5; và hai, chận đứng và hủy diệt bất cứ địch quân nào kẹt giữa tiểu đoàn và Chiến Đoàn".
Có nhiều người giải thích sự kiện chiến đoàn tiếp cứu, sau khi xuất phát căn cứ Pleiku chiều ngày 20 tháng 10, lại dậm chân tại Phú Mỹ đến mãi ba ngày sau mới tiếp tục tiến tới trại Pleime là do tính rụt rè và quá thận trọng của Chiến Đoàn Trưởng Trung Tá Luật.
Thật sự ra thì Trung Tá Luật được lệnh của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II làm bộ chỉ phát động những cuộc hành quân càn quét quanh vùng Phú Mỹ vì hai lý do: một là tranh thủ thời gian đợi điều kiện về phương tiện chuyên chở bằng trực thăng như nêu trên; hai là để đối lại chiến thuật phục kích di động của đic̣h vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II biết được là khác như thường lệ trong quá khứ Việt Cộng dùng chiến thuật phục kích cố định, lần này họ dùng tới yếu tố di động để tránh cho đơn vị nằm phục kích bị thiệt hại bởi các vụ tiền oanh tạc bằng phi pháo. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II chỉ ra lệnh cho Trung Tá Luật cấp tốc lên đường trực chỉ trại Pleime một khi dụ được Trung Đoàn 32 BV xuất phát từ địa điểm tập trung gần rặng núi Chu Prông đi đến địa điểm phục kích ấn định tại đoạn đường dài 4 cây số trên Liên Tỉnh Lộ 5 từ Đồi 538 đến Đồi 601.
Cuốn Why Pleime chứa đựng một chi tiết quan trọng không mấy ai biết hay để ý tới. Đó là Bộ Tư Lệnh Tây Nguyên, sau khi lui quân về rặng núi Chu Prông vì thất bại đánh chiếm trại Pleime đợt đầu với hai Trung Đoàn 32 và 33, dự tính trở lại đánh chiếm trại Pleime lần thứ hai, lần này với ba Trung Đoàn 32, 33 và 66. Ngày N được ấn định vào ngày 16/11/65. Xin trích dẫn:
Tin chắc các lực lượng của ta đánh mất vết tích của các đơn vị của họ, Mặt Trận Việt Cộng liền lấy một quyết định để lấy lại ưu thế với một cuộc tiến công. Mục tiêu lại là Pleime và ngày tiến công được ấn định vào ngày 16 tháng 11. Kế hoạch được biết trong nội bộ cán bộ Việt Cộng như là đợt hai của cuộc tiến công Pleime. Tất cả ba trung đoàn sẽ can dự vào lần này, cũng như một tiểu đoàn pháo kích 120 ly và một tiểu đoàn súng phòng không hai nòng 14,5 ly; cả hai đơn vị này đang trên đường xâm nhập và dự tính sẽ tới kịp thời cho cuộc tiến công. Theo lời tuyên bố của một sĩ quan chính trị viên hàng binh, mục tiêu chính của cuộc tấn công mới là hủy diệt trại.
Nhưng ý đồ này không được đem ra thực hiện vì trước đó hai ngày, tức ngày 14 tháng 11, Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ bất thần đổ bộ tấn công địch ngay tại hậu cứ dưới chân núi Chu Prông.
Sau này phía Việt Cộng che dấu sự kiện này để có thể chuyển thua thành thắng và rêu rao kế hoạch đánh Pleime là để dụ đánh lính Mỹ nhảy vào Pleime. Có một số tác giả và tướng lãnh Việt Cộng, tỉ như Chu Huy Mân và Nguyễn Nam Khánh, còn bạo miệng hơn cho kế hoạch đánh Pleime là để dụ đánh lính Mỹ nhảy vào thung lũng Ia Drang.
Một điểm độc đáo của cuốn Why Pleime là nguồn tham khảo chính là các tin tức tình báo gặt hái được về tình trạng của Việt Cộng ngay trên chiến trường. Ngoài ba tài liệu Việt Cộng - (a) Tiêu Lệnh Tác Chiến Điều Trung Đoàn 32 Lập Ổ Phục Kích, (b) Đặc Điểm của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ, và (c) Sổ Nhật Ký của Một Cán Binh Việt Cộng - trong số 32 nguồn tham khảo liệt kê trong cuốn sách, 23 nguồn còn lại là các báo cáo tình báo lấy từ các lời khẩu cung hàng binh và tù binh Việt Cộng.
Một điểm đặc biệt đáng lưu ý: sở dĩ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II lấy những quyết định hành động thích ứng với kết quả đánh bại đic̣h ở Pleime cả tại trại lẫn tại ổ phục kích, ở Chu Prông và ở Ia Drang là vì những quyết định đó dựa trên những phân tách và thẩm định các tin tức tình báo chính xác ban 3 quân báo gom góp được.
Những Chiến Thuật Được Nêu Lên
Ngoài chiến thuật phục kích di động, cuốn Why Pleime còn bàn đến những chiến thuật khác đôi bên đem ra áp dụng trong trận Pleime. Xin trích dẫn:
- Một chiến dịch thực hiện với chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện" chắc chắn sẽ gây hoang mang cho sự phân tích và ước tính về tác dụng của nỗ lực chính của Việt Cộng. "Điểm" sẽ được lựa chọn cách nào để không cho phép lực lượng QLVNCH tránh những khuyết điểm và những bất lợi, ngoại trừ không chấp nhận sự thách thức. Chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện" có nghĩa là "một nỗ lực chính và hai nỗ lực phụ" hay "một cuộc tấn công chính và hai cuộc tấn công nghi binh". - Trận đánh Điện Biên Phủ chấm dứt cuộc chiến Đông Dương (1947-1954) kéo dài hai tháng nhưng chỉ là một cuộc vây lấn một cứ điểm tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Trận đánh Pleime với nhiều khác biệt trên nhiều phương diện chiến thuật: bao bọc, chống phục kích, giải tỏa, truy đuổi, phục kích, khai thác, tấn công và tiêu diệt, hẳn là trận đánh to lớn nhất từ mấy năm sau này. - Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết định đấu lại trò chơi của địch. Vì địch tính tuần tự diệt trừ các lực lượng của chúng ta, kế điều quân phải khéo dùng tối đa đến yếu tố THỜI GIAN và khai thác các yếu điểm tự tại của thế dàn trải quân của địch. - Điểm đáng lưu ý là các cuộc phục kích qui mô của Việt Cộng xảy ra trong thời gian mới đây đều được thực hiện trong khuôn khổ của chiến thuật chiến trận di động. Chúng không còn hiện hữu như những bẫy gài tĩnh động. - Lúc 1400 giờ, tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân QLVNCH được trực thăng vận tới bãi đáp tại phía Tây của Liên Tỉnh Lộ 5, 10 cây số Bắc Pleime, với sứ mạng: càn quét hướng đông và dồn địch về hướng Liên Tỉnh Lộ 5; và chận đứng và hủy diệt bất cứ địch quân nào kẹt giữa tiểu đoàn và Chiến Đoàn. - Quyết định của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II khai thác các kết quả của đợt một và đuổi theo địch được sự đồng thuận trọn vẹn của giới chức quân sự Mỹ và một sự thỏa thuận đã thành hình đi tới việc thiết lập một sự cộng tác chặt chẽ về mặt hành quân. - Từ trước tới giờ Việt Cộng luôn thành công thu hồi và tập trung lại quân lính sau trận đánh. Lần này, sau khi các lực lượng của ta giải vây Pleime, họ phải đương đầu với một cuộc săn đuổi dài 22 ngày và phải tan vỡ để thoát thân. - Khách quan mà nói, Pleime không có giá trị về mặt chiến lược. Nhưng nó đã được lựa chọn như một mục tiêu chính vì địch luôn tìm cách chập đôi chiến thuật và tuyên truyền, để gán ép các công tác chiến trận với tâm lý chiến. Địch muốn khiến chúng ta bị bất ngờ vì họ tin chắc là các cuộc hành quân tại An Lão và Kim Sơn, bắc Bình Định, đã trói chân 6 tiểu đoàn của Lực Lượng Tổng Trừ Bị QLVNCH, 4 tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh QLVNCH và ba đại đội trực thăng Mỹ tại vùng duyên hải. Nhưng thế điều quân mau lẹ của ta đã chuyển sự bất ngờ qua phía địch và khiến địch mất thế chủ động. - Bài học thứ hai từ trận Pleime là Việt Cộng không chỉ là lãnh chúa duy nhất của sơn lâm. Vì với các quân cụ công binh hiện đại và các chiến thuật cách mạng, các trực thăng có thể đáp xuống bất cứ đâu và các bãi đáp có thể được tạo nên bất cứ chỗ nào, hoặc trên đỉnh đồi hay trong lòng rừng già. Chính vì lý do này mà Việt Cộng thất bại hoàn toàn trong việc dự kiến đâu sẽ là bãi đáp. - Trong hầu hết các trường hợp, bộ binh tháp tùng bảo vệ các đoàn quân chiến xa là điều đòi buộc. Trái lại, trận Pleime là một trường hợp cổ điển trong đó các phần tử bộ binh phương hại nhiều đến tính di động và khả năng của các chiến xa. Vì lẽ đó, các đại đội trưởng thiết giáp không nên bám quá khư khư vào các nguyên tắc bài bản và tốt hơn là bạo dạn phơi trần ra thay vì giới hạn tính di động của mình với một bộ binh tháp tùng sát bên bảo vệ. Điều này sẽ không những tạo tự do hành động mà còn biện minh cho khả năng tự vệ trong trường hợp bị tập kích bất ngờ. - Trong đợt III, các cuộc hành quân được thực hiện qua một sự cộng tác mật thiết giữa các Lực Lượng Việt Nam và Mỹ: đó là phương thức mới nhất được đem ra áp dụng từ Thế Chiến II. Các đặc điểm của phương thức này là: phối hợp các công tác tình báo và yểm trợ, chia sẻ khái niệm hành quân và kết quả, vùng hành quân riêng rẽ, bộ tư lệnh riêng rẽ, điều quân riêng rẽ, hành động riêng rẽ, trừ bị riêng rẽ.
Tác Giả Why Pleime
Cuốn sách Why Pleime mang tên tác giả Thiếu Tướng Vĩnh Lộc. Điều này là đương nhiên vì ông là Tư Lệnh Quân Đoàn II khi trận Pleime xảy ra. Nhưng thật sự tác giả của nội dung cuốn sách là Đại Tá Nguyễn Văn Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II vì những lý do sau đây:
Kết Luận
Không như những bài viết hay sách tường thuật về trận đánh Pleime của những tác giả, hoặc không trực tiếp tham dự vào trận đánh, hoặc nếu có tham dự trực tiếp thì cũng chỉ trong một vai trò nhỏ bé ở cấp tiểu, trung hay sư đoàn nên chỉ có được một góc độ nhìn hạn hẹp về trận đánh, cuốn Why Pleime là lời tường thuật của Đại Tá Hiếu trong vai trò của Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, vừa có cái nhìn quán xuyến của người chỉ huy vừa có cái nhìn tỉ mỉ của bộ óc tham mưu. Do đó Why Pleime phản ảnh cách chính xác và đầy đủ nhất về toàn bộ trận Pleime. Dù cuốn sách được viết xong năm 1966, nhưng cho tới nay, tuy là cái nhìn của phía QLVNCH, Why Pleime vẫn cống hiến một nhãn quan thẳng thắn và đầy đủ nhất về trận đánh Pleime.
Nguyễn Văn Tín
Ngày 28 tháng 2 năm 2007
(*)Ngày 5 tháng 12 năm 2011, tôi tìm thấy cuốn Pleime, Trận Chiến Lịch Sử trong thư viện Cornell University.
- Why Pleime
- Chiến Dịch Pleime
- Pleime Chiến Đấu Tại Khúc Quanh Cuộc Chiến
- Trận Chiến Plei Me
- Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ Hỗ Trợ Trong Trận Plei Me
- Chiến Dịch Plây Me
- Trận Đánh Đức Cơ
- Trận Đánh Pleime Dưới Mắt Người Mỹ
- Sự Thật về Chiến Dịch Pleime
- Đòn phủ đầu quân Mỹ ở Tây Nguyên
- Đòn phủ đầu quân Mỹ ở Tây Nguyên hay ở Đà Nẵng?
- Chiến Dịch Tiến Công Plâyme và Bài Học Kinh Nghiệm Chọn Khu Vực Tiến Công
- Trung Đoàn 66 BV trong Chiến Dịch Plây Me-Ia Drăng
- Sa Mù của Cuộc Chiến: Cái Nhìn Việt Cộng về Trận Đánh Ia Drăng
- Người Chính Ủy Trong Trận Đầu Thắng Mỹ ở Tây Nguyên
- Chiến Dịch Pleime hay Chiến Dịch Pleime-Iadrang?
- Diễn Biến Chiến Lược và Chiến Thuật trong Chiến Dịch Pleime
No comments:
Post a Comment