John Prados viết trong The Hidden History of the Vietnam War (1995): "Năm 1975, Tướng Hiếu giữ chức tư lệnh phó vùng quân sự bao gồm Sài Gòn; ông tự vận khi rõ ràng là Miền Nam Việt Nam sắp cáo chung." Ông Prados viết đúng khi xác định "là Miền Nam Việt Nam sắp cáo chung"; nhưng ông sai lầm khi ông cho đó là lý do Tướng Hiếu tự vận. Trong phần bài này tôi sẽ cố gắng hình dung lại tâm trạng của Tướng Hiếu trong tư cách Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1975, một phần dựa vào những lần găp gỡ cuối cùng giữa tôi và anh tôi vào thời buổi đó, phần khác vào những kết quả của sự tìm hiểu mới đây của tôi liên quan đến vấn đề này qua các tài liệu và các cuộc phỏng vấn cùng với những nhân chứng của thời cuộc. Vào thời điểm Ban Mê Thuột và Đà Nẵng thất thủ, tôi đang sống ở Nha Trang. Anh tôi gọi điện thoại cho Tướng Lê Văn Thân, lúc đó là Tư Lệnh Phó Diện Địa Quân Đoàn II, nhờ nhắn lại là tôi phải rời bỏ Nha Trang tìm đường vào Sàigòn ngay lập tức vì Tổng Thống Thiệu đã quyết định bỏ Quân Đoàn I và II. Tướng Thân sai người con trai đến bảo tôi lại gặp ông. Ông cho biết là trong vài ngày nữa ông và gia đình ông sẽ được một tàu hải quân chở vào Sàigòn, nếu muốn tôi có thể đi theo chuyến tàu này. Tôi từ chối nghĩa cử này, và xin ông giúp tôi phương tiện vào phi trường dân sự, một người cháu họ làm việc với Hàng Không Việt Nam sẽ giúp tôi đáp phi cơ vào Sàigòn. Vào lúc đó, để tránh tình trạng hỗn loạn xảy ra tại phi trường Đà Nẵng, Tướng Phú đã ra lệnh áp dụng biện pháp an ninh gắt gao tại cổng vào phi trường. Tướng Thân đã phải dùng xe jíp riêng có gắn cờ một sao mới đưa tôi lọt vào phi trường. Nhờ vậy tôi đã đáp được chuyến bay Air Viet Nam cuối cùng đi vào Sàigòn. Vài ngày hôm sau, tôi lên Biên Hòa gặp anh tôi tại bộ tư lệnh Quân Đoàn III để trình diện và đồng thời cám ơn. Trong dịp gặp gỡ này, nét mặt anh tôi rất đăm chiêu. Viên sĩ quan tùy viên cho tôi biết anh tôi mới bay từ Phan Thiết về (sau này, qua báo chí và sách vở, tôi biết được là anh tôi ra Phan Thiết ngày 2/4/1975 để Tướng Phú bàn giao các đơn vị sống sót của Quân Đoàn II tại Lầu Ông Hoàng). Tôi hỏi anh tôi liệu mình có đủ sức chống lại nổi sự tấn công của địch không. Anh tôi trả lời: "Khả năng binh sĩ có thừa; mình chỉ thiếu có đạn dược mà thôi; quân ta sẽ cầm cự được tối đa hai tháng sẽ hết đạn." Tôi đặt một câu hỏi khác: "Tại sao Tướng Toàn lại được chọn làm Tư Lệnh Quân Đoàn III vậy?" Anh tôi trả lời: "Tổng Thống bảo là tình hình này cần có một tướng gốc thiết giáp biết xông xáo." Nói tới đây anh tôi ngó lên màn truyền hình nghe Tổng Thống Thiệu đang than vãn với quốc dân đồng bào, anh tôi bình phẩm: "Tổng Thống của một quốc gia đâu nên lải nhải như vậy, để các bộ trưởng trình bày với dân chúng có hay hơn không?" Hồi đó, nghe vậy nhưng tôi không mấy để tâm để ý, bây giờ nghĩ lại tôi mới suy nghiệm thấy anh tôi qua giọng nói mỉa mai và nét mặt khinh miệt có vẻ bực bội vì tài năng chiến lược của mình không được đem ra thi thố vì một ông tổng thống bất tài đã không chọn mình, thay vào đó lại chọn đặt một ông tướng bất tài vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh tôi. Vài ngày sau, mồng 8/4/1975, anh tôi bị thảm sát tại bộ tư lệnh QĐIII. Ngày hôm sau, 9/4/1975, mặt trận Xuân Lộc bùng nổ. Quân ta anh dũng chận đứng bước tiến của địch quân trong mười ngày. Ngày 21/4/1975, Tổng Thống Thiệu từ chức. Ngày 30/4/1975, QLVNCH tan hàng. Hai mươi lăm năm sau, tôi tò mò muốn biết anh tôi, với vai trò Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, có công trạng gì trong chiến thắng của trận Xuân Lộc nói riêng, và có kế hoạch nào bảo vệ Sàigòn nói chung không? Tôi tìm được một số tài liệu và dò hỏi được một số nhân chứng quen biết anh tôi thời buổi đó khả dĩ giải đáp thắc mắc của tôi. Theo bản tính tự nhiên và theo huấn luyện hấp thụ được trong lãnh vực chiến lược, chắc chắn Tướng Hiếu phải phác họa sẵn trong trí óc một kế hoạch vừa qui mô vừa tỉ mỉ để đối lại địch quân đang sắp tràn xuống Quân Đoàn III. Đại Tá Lê Khắc Lý kể lại trong cuốn Tears Before The Rain: An oral history of the fall of South Vietnam của tác giả Larry Engelmann (1990): "Tôi tới thăm vị Tư Lệnh cũ tốt lành của tôi, Tướng Hiếu, một sĩ quan thật sự thanh liêm của Quân Đội. Tôi hỏi ông về tình hình Vùng 3. Ông nói là chúng ta cần tổ chức lại và cố chận bước tiến của đoàn chiến xa địch quân. Vài ngày sau đó ông bị thảm sát." Nhưng kế hoạch đó ra sao thì không ai biết. Tôi dò hỏi những người sau đây: Tướng Lý Tòng Bá (Tư Lệnh Sư Đoàn 25), Tướng Lê Minh Đảo (Tư Lệnh Sư Đoàn 18), Tướng Trần Quang Khôi (Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III), Tướng Đào Duy Ân (Tư Lệnh Phó Diện Địa Quân Đoàn III), Tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư Lệnh Quân Đoàn III), Đại Tá Phan Huy Lương (Phụ Tá Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III – Ghi chú: chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn III do Tướng Lê Trung Tường nắm), Tướng Trần Đình Thọ (Trưởng Phòng 3, Tổng Tham Mưu), Tướng Fred C. Weyand (Trưởng phái đoàn được Tổng Thống Ford giao trọng trách nhận định tình hình Nam Việt Nam vào cuối tháng 3/1975), Richard Peters (Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa), Charles Lahiguera (Phó Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa). Tiếp sau đây xin ghi lại các câu trả lời của từng người khi được tôi hỏi: Tướng Hiếu có bàn định với anh về kế hoạch phòng thủ Sàigòn không? Trong các câu trả lời trên đây, người trả lời hoặc biết mà không muốn nói ra (đặc biệt là trong trường hợp Trần Đình Thọ và Richard Peters), hoặc không biết thật vì Tướng Hiếu kín đáo hay vì nhu cầu cần bảo mật khi mà gián điệp địch quân nằm vùng đã len lỏi vào mọi tầng lớp trong quân đội (một ví dụ điển hình, khi chuẩn bị cuộc Hành Quân Khai Lộ, chỉ có Đại Tá Hiếu và Chuẩn Tướng Vĩnh Lộc, Tham Mưu Trưởng và Tư Lệnh Quân Đoàn II biết chuyện mà thôi). Tướng Hiếu có thể dè dặt đối với Đại Tá Phan Huy Lương vì Đại Tá Lương đã được Tướng Nguyễn Văn Minh, người đã hất cẳng Tướng Hiếu khỏi Sư Đoàn 5 tháng 6 năm 1971 và kéo chân tay bộ hạ thuộc nhóm Băng Miền Tây về chế ngự Quân Đoàn III, mời về giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn III. Tướng Lý Tòng Bá, Tướng Lê Minh Đảo và Tướng Trần Quang Khôi không được Tướng Hiếu tâm sự, vì trong tư cách Tư Lệnh Phó, Tướng Hiếu không có quyền hành ra lệnh trực tiếp, mà chỉ giám sát rồi trình lại mọi việc cho Tư Lệnh Quân Đoàn và chuyển đạt lệnh của Tư Lệnh Quân Đoàn mà thôi. Đối với ba vị tư lệnh cấp sư đoàn này (SĐ25, SĐ18, LLXKQĐ3), cũng như Tướng Lê Nguyên Vỹ (SĐ5), Tướng Hiếu chỉ đôn đốc họ và trợ giúp họ trong việc phòng thủ lãnh vực hành quân của mỗi sư đoàn. Về mặt chiến lược cấp quân đoàn, lẽ dĩ nhiên họ không được tham khảo đến. Chẳng hạn, khi biết rõ Cộng Quân chọn mở mặt trận chính ở Xuân Lộc chứ không ở Tây Ninh, Quân Đoàn III đã tăng phái Lữ Đoàn 1 Dù cho Sư Đoàn 18 (khi đó Tướng Hiếu đã chết), đồng thời đưa Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III từ Gò Dầu Hạ ở phía Tây (gần Tây Ninh) qua án ngữ tại Ngã Ba Dầu Giây ở phía Đông để bảo vệ Biên Hòa trong trường hợp tuyến phòng Xuân Lộc bị trọc thủng. Và khi tình hình cho thấy Sư Đoàn 18 không còn cầm cự nổi, ngày 20/04/1975, Quân Đoàn III ra lệnh cho Sư Đoàn 18 rút quân về Phước Tuy. Tuy vợ Tướng Trần Đình Thọ có họ hàng phía đàng vợ Tướng Hiếu, Tướng Hiếu có thể giữ kẽ với Tướng Thọ vì Tướng Thọ thân cận với Tướng Cao Văn Viên và Tướng Thiệu là những người không ưa gì mình. Khi giao du với Tướng Thọ, Tướng Hiếu ý thức được rằng những lời ăn tiếng nói của mình sẽ tới tai hai người đó. Đối với Tướng Toàn thì lẽ đương nhiên là Tướng Hiếu rất là dè dặt, cái dè dặt của một quân tử đứng trước mặt một tiểu nhân. Tướng Hiếu biết là mình không được trọng dụng khi Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm Tướng Toàn về nắm Tư Lệnh Quân Đoàn III và tiếp đó Tướng Toàn đưa Tướng Lê Trung Tường vào chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn III. Tướng Hiếu đã chê Tướng Toàn chỉ biết có xông với xáo cách bừa bãi. Tướng Hiếu luôn luôn chu toàn nhiệm vụ giao phó một cách đáng khen, theo lời nhận xét của Tướng Toàn, nhưng Tướng Hiếu không tình nguyện làm gì hơn nhiệm vụ giao phó, không phải vì thiếu nhiệt tâm mà vì ý thức mình không được trọng dụng. Ngoài ra, theo lời ông Richard Peters, Giả dụ có điều bất đồng ý kiến giữa Tướng Toàn và Tướng Hiếu, tôi có cảm tưởng Tướng Hiếu, trong tinh thần kỷ luật, sẽ tuân theo lệnh của Tướng Toàn. Tướng Lê Minh Đảo nhận xét, Tướng Hiếu không khi nào hé môi hỏi han điều gì cả, chỉ đưa mắt nhìn thôi, và chỉ đưa ý kiến khi được hỏi. Thành thử, ngày 6/4/1975, khi Tổng Thống Thiệu triệu Tướng Hiếu vào Dinh Độc Lập để vấn ý, Tướng Hiếu đã nói thẳng ý kiến của mình. "Bác Hướng, [thân phụ Tướng Hiếu], đã nói với Xuân là sáng hôm đó anh Hiếu đã từ chối che đậy cho hành vi tầm bậy của một trong những đàn em của ông Thiệu. Anh Hiếu cũng công khai chống đối chính sách rút quân ra khỏi những vùng chiến thuật của ông Thiệu, "nhượng bỏ đất đai cho Cộng Sản". (Số Mạng của một Người Ái Quốc) Chắc chắn là trong buổi họp này, Tổng Thống Thiệu tham khảo ý kiến chiến lược của Tướng Hiếu về cách đối phó với tình hình quân sự nguy kịch và rất có thể Tướng Hiếu đã phân tích rành mạch thực trạng của thế bàn cờ quân sự đã bước vào thế bí vô phương cứu chữa và đã thẳng thắn khuyến cáo nên đầu hàng để tránh đổ máu quân lính cách vô ích (theo lời Charles Lahiguera). Khi Tướng Frederick Weyand nói, "Đã lâu quá rồi, tôi không còn nhớ có gặp Tướng Hiếu trong chuyến công du nhận định tình hình Nam Việt Nam vào cuối tháng 3 năm 1975 hay không", ông không nói ngoa, vì khi tôi hỏi thêm thế ông có lần nào gặp Tướng Hiếu năm 1970, khi ông giữ chức vụ Tư lệnh Phó MACV và Tướng Hiếu là Tư Lệnh Sư Đoàn 5 không, thì ông trả lời là không. Nhưng tôi lại tìm thấy bản sao của cuốn sổ nhật ký của bộ tư lệnh SĐ5 lưu trữ tại National Archives có ghi là Trung Tướng Frederick C. Weyand, Tư Lệnh Phó MACV, thăm viếng xã giao Tướng Hiếu ngày 4/9/1970. Tôi có phối kiểm điều này với ông Richard Peters, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Biên Hòa, và hỏi ông, Tướng Hiếu có thuyết trình cho Tướng Weyand khi ông ta tới Quân Đoàn 3 không?, câu trả lời là: Tôi không biết, vì tôi không sắp đặt lịch trình của Tướng Weyand. Tướng Weyand có nói chuyện với một số người Việt tại Long Bình trước khi tới Quân Đoàn 3 và riêng tôi có nói chuyện với Tướng Weyand. Ngoài ra, tôi hỏi thêm Tướng Weyand ông Clinton Granger có viết trong một văn thư gửi cho Tướng Scowcroft ngày 5/4/1975, Tướng Weyand đã phát biểu mối quan tâm của ông về sự tồn tại của Tổng Thống Thiệu, và về khả năng của nhiều tướng lãnh cao cấp của Quân Đội Việt Nam; ông sẽ trình lên Tổng Thống những điểm này, Tướng Weyand ngụ ý đến tướng lãnh nào thì Tướng Weyand trả lời là không nhớ ông Clinton Granger là một thành viên trong phái đoàn của ông và ông cũng không nhớ đề tài này. Tôi nghĩ có thể là Tướng Weyand không gặp riêng Tướng Hiếu, nhưng khi phái đoàn của ông đến bộ tư lệnh Quân Đoàn III nghe thuyết trình về tình hình quân sự tại Quân Đoàn III, một trong những thuyết trình viên phải là Tướng Hiếu, không những vì chức vụ Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, mà vì không ai thuyết trình quân sự bằng Anh ngữ lưu loát hơn Tướng Hiếu cả (theo ý kiến của một phóng viên UPI). Trong văn thư Tướng Weyand đệ trình lên Tổng Thống Ford ngày 4/4/1975 sau chuyến công du, Tướng Weyand đề cập tới III. Các Kế Hoạch Và Ý Định của Chính Phủ NVN, và IV. Viễn Tượng Hiện Tại.
Những tư tưởng và nhận định trên của Tướng Weyand, nếu không chịu ảnh hưởng và phản ảnh thì cũng đồng quan điểm với tâm tưởng của Tướng Hiếu vào thời điểm đó. Nếu Tướng Weyand không gặp riêng với Tướng Hiếu thì chắc Clinton Granger, một thành viên trong phái đoàn Weyand, sau khi gặp riêng Tướng Toàn, thể nào ông cũng ghé sang văn phòng kế bên để tham khảo ý kiến Tướng Hiếu. Một vài ý kiến của Tướng Hiếu cũng ló dạng trong văn thư Clinton Granger gửi Tướng Scowcroft ngày 5/4/1975. Tướng Hiếu nói quân ta sẽ cầm cự được tối đa hai tháng sẽ hết đạn; Clinton Granger viết, Nếu không có sự trợ lực đầy đủ từ phía Hoa Kỳ, tôi không nghĩ Chính Phủ Việt Nam sẽ tồn tại tới cuối tháng 4. Với sự thay thế nhanh chóng các vũ khí chính yếu về phía Hoa Kỳ, tình hình có thể chịu đựng được đến giữa hay cuối tháng 5. Tướng Hiếu nói với Đại Tá Lê Khắc Lý là chúng ta cần tổ chức lại và cố chận bước tiến của đoàn chiến xa địch quân”; Clinton Granger viết, Tướng Toàn cho chiến xa Bắc Quân là mối đe dọa chính yếu. Ông mong ước có thêm chiến xa để phản công mối đe dọa này, nhưng chúng tôi không thảo luận tới sự hữu hiệu của hỏa tiễn chống chiến xa TOW đặt trên các thiết vận xa M113 thay cho việc phải dùng chiến xa khi không có. (Sau này tôi nhận định riêng là QLVNCH có đủ súng phóng hỏa tiễn TOW và thiết vận xa M113 để xử dụng chung với nhau như một vũ khí hữu hiệu, và họ đã khéo léo tài tình trong việc điều chỉnh cách đặt đại bác phóng hỏa tiễn TOW trên thiết vận xa. Tuy nhiên, các thiết vận xa và súng TOW rải rác khắp cùng các đơn vị QLVNCH, và việc gom lại và điều chỉnh kịp thời rất mong manh.). Tướng Hiếu lấy làm bực dọc vì Thiệu bất tài lại không chịu dùng tới các tướng tài, kể cả bản thân mình, thay vào đó lại dùng tới những tướng vừa bất tài vừa tham nhũng, và bao quanh mình với một hội đồng gật (Khiêm, Viên, Quang). Tướng Hiếu đã phê bình vào thẳng mặt Tướng Thiệu quyết định thất sách và vô tổ chức rút lui Quân Đoàn I và II cách vội vã, khiến cho tình hình quân sự suy sụp vô phương cứu vãn trong chớp mọt. Đồng thời, Tướng Hiếu lấy làm khổ tâm về số phận hẩm hiu của các binh sĩ bị giới lãnh đạo quân đội coi như những con cờ tốt vô bổ và không ngại thí quân. Ngày đám táng anh tôi, một viên thiếu tá tiểu đoàn trưởng, trên mình còn đóng nguyên bộ đồ trận lấm bụi đất đỏ, từ mặt trận Xuân Lộc lái xe về nghiêng mình trước linh cửu anh tôi, có nói với tôi: "Khi Tướng Hiếu ra lệnh tụi tôi trấn giữ một cứ điểm thì anh em đều vững lòng tuân theo, vì biết sẽ không đời nào bị bỏ rơi". Những khi nắm sinh mạng quân binh trong tay, Tướng Hiếu chỉ tung quân tấn công khi nắm chắc phần thắng; và khi phải thủ đồn, Tướng Hiếu luôn giải cứu đồn với lực lượng tiếp cứu (FOB2, Đức Cơ, Pleime), và trong trường hợp không giữ nổi đồn thì Tướng Hiếu tài tình xử dụng đến chiến thuật đào tẩu (Thân Mẫn, Snoul), chứ không chủ trương buộc binh sĩ phải tử thủ đồn cách vô bổ, chỉ để khỏa lấp tài nghệ cầm quân kém cỏi (không biết tiên liệu, không có kế hoạch chín chắn) của cấp lãnh đạo quân sự. Tướng Hiếu thương mến quân lính; và họ cảm nghiệm được điều đó. Chấp, một thiếu tá gốc mũ nâu BĐQ, tâm sự: "Tướng Hiếu là thần tượng của tôi và biết ông từ khi ông về Sư Đoàn 5. Lúc đó tôi ở một đơn vị biệt phái nhảy vào vùng biên giới được ông lo cho hết mình. Vào gần tới Krek thì ông cho lệnh rút ra khi cấp trên thình lình hủy bỏ không yểm B-52 theo như kế hoạch hành quân đã trù tính. Ông bảo "Không có yểm trợ thì không đánh". Đó là một vị tướng sạch, một vị tướng biết lo lắng nhiều cho thuộc cấp và đạo đức. Khâm phục, khâm phục." Nguyễn Văn Tín |
No comments:
Post a Comment