CHUYỆN TÂM LINH
Hồn ma đã cứu một căn cứ khỏi bị địch quân tràn ngập.
Của Ngô Bá Lai, khóa 2 CTCT Đà Lạt
Tài Trần: vợ của một đại đội trưởng đến đv thăm chồng, chẳng mai đêm đó đặc công VC tấn công đồn làm chết 4 lính và bà này. Ông này xin phép cấp trên nghỉ vài ngày để chôn cất vợ. Chỉ vài ngày sau, một lực lương VC rất đông tấn công đồn này, vị đại đội phó đã điều động binh sĩ chống trả dữ dội, và có sự giúp đỡ của một HỒN MA (sau này mới biết là vợ của ông đ.đ.t., lúc này ông chưa trở lại đv) đã bảo vệ đồn, gây thiệt hại nặng cho địch mà trong đồn ko ai chết.
======
Thân tặng bè bạn từng chiến đấu tại SĐ22BB.
Khóa 2 ĐH/CTCT ra trường vào đúng thời điểm cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam thân yêu đang hồi bùng sôi mãnh liệt! Đó đây,trên khắp các chiến trường, mức độ thương vong tăng cao. Cuộc chiến không còn trong khuôn khổ du kích lẻ tẻ, nhưng đã bước vào giai đoạn chiến tranh diện địa với những binh đoàn đông đảo tham dự, vũ khí cộng đồng được xử dụng hàng loạt và liên tục...
Tôi và 14 đồng đội bốc thăm về SĐ22 Bộ Binh, một trong những SĐ "hắc ám" nhất của QLVNCH! Vùng hoạt động của SĐ gồm 4 tỉnh "sôi đậu" đúng nghĩa: NAM, NGẢI, BÌNH, PHÚ. Nói đến NNBP, trừ những thành phố chính, an ninh còn tương đối bảo đảm, ngoài ra, dù đi hành quân ở bất cứ địa phương nào, bạn cũng có thể lọt vào trường hợp "chết bất đắc kỳ tử". Vì hầu hết các xã ấp sâu, xa người dân ít nhiều đều có quan hệ với phía "bên kia", phía địch. Phía mà chúng tôi phải đối đầu, phải dành dật giữa sống và chết!!!
* * *
Tình hình chiến sự ở đây đã vào giai đoạn căng thẳng, chẳng thế mà khi vào trình diện, Vị Tư Lệnh Sư Đoàn đã hỏi chúng tôi:
- Các anh từ đâu đến?
- Chúng tôi vừa tốt nghiệp K.2/ ĐH/CTCT/Đàlạt.
Ông trả lời không úp mở:
- Ở đây, ở Sư Đoàn này, không cần SQ/CTCT, chúng tôi chỉ cần những SQ biết cầm súng và chiến đấu.
Thế là, chúng tôi được chia đều cho các Trung Đoàn, rồi Tiểu Đoàn, rồi Đại Đội, rồi Trung Đội. Tất cả được phát M.16 như một binh sĩ, một tay súng của Đơn Vị! Tôi về Trung Đoàn 41. Tiểu Đoàn2, Đại Đội 3. Đại Đội Trưởng là một SQ tốt nghiệp Khóa 23 Võ Bị, ra trường trước tôi mấy tháng. Vậy cũng hay, ít ra, chúng tôi cũng có những niềm vui chung khi nói về Đalat, tháng ngày quân trường, những cuộc thi đấu thể thao chung, những kỷ niệm đẹp trên thành phố sương mù mộng mơ ngày nào.
Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 41BB đóng tại Phù Mỹ, một Quận Lỵ nằm dọc theo Quốc Lộ số 1, cách Thành Phố Qui Nhơn khoảng 40Km về hướng Bắc. Vì thế, vùng trách nhiệm gồm: Phù Cát, Phù Mỹ, Trung Thứ, Trung Thuận, chiến khu An Lão, Hoài Ân.
Căn Cứ SALEM nằm ở ngay Ngã Ba Quốc Lộ 1 và đường vào Ấp Trung Thứ. Nó nằm trên một ngọn đồi không cao lắm (khoảng 100m) nhưng vì chung quanh là đồng ruộng, nên đây cũng là vị trí tốt để quan sát khắp vùng. Căn Cứ tương đối rộng, có đủ chỗ cho một pháo đội 105 hoạt động và hầm hố đủ cho một Đại Đội trú đóng. Tôi không rõ tên SALEM đã có tự bao giờ. Nhân một lần Đơn Vị tôi đến tăng phái cho Căn Cứ, vì muốn hiểu rõ nguồn gốc cái tên là lạ này: Có phải nó là Căn Cứ cũ của Quân Đội Mỹ hay do một sự cố nào mà cái tên SALEM đã xuất hiện? Do tò mò và muốn phá tan thắc mắc cứ quẩn quanh trong đầu, tôi quyết tâm tìm hiểu cho ra lẽ. Sau vài ngày làm quen, tôi đã kết thân được với ông Thượng Sĩ Thường Vụ Đại Đội. Tôi nghĩ ông này chắc sẽ giải đáp được những thắc mắc của tôi. Qủa thật, vào một đêm tương đối yên tĩnh, bên ly cà phê, ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện đầy vẻ huyền bí sau:
Đơn Vị tôi đóng tại ngọn đồi này cũng đã mấy năm. Trước đây, tình hình nói chung rất tốt, lính tráng đi đêm về hôm thoải mái. Trước cổng, thường chỉ có một con ngựa chắn bằng kẽm gai sơ sài. Chỉ có một lính gác thường trực, nhưng đôi khi, thằng lính canh cũng ngủ gà ngủ gật, bỏ đi đây đó một vài giờ mới trở về. Chung quanh căn cứ cũng chỉ rào sơ sài bằng 2 lớp kẽm gai cao độ 2m. Về sinh hoạt bên trong, nhiều khi, tôi cũng làm ngơ cho anh em để vợ ở lại qua đêm hay mấy cậu trẻ dẫn gái vào chơi đến khuya mới về. Tính ra, an ninh như vậy là lỏng lẻo, nhưng thấy chẳng có gì bất trắc, nên tôi cũng không lo lắng bao nhiêu. Cho đến một hôm, vào khoảng 2 giờ sáng, tôi bật dậy vì một tiếng nổ rất lớn gần hầm tôi nằm. Tiếng nổ lớn hơn tiếng lựu đạn, nên linh tính cho tôi biết có chuyện bất thường. Tôi vội nai nịt cẩn thận, nhìn qua lỗ châu mai xem động tĩnh. Tất cả vẫn yên lặng không có dấu hiệu bất thường. Tôi bò ra khỏi hầm, mắt láo liên quan sát.... Thì... từ phía cổng vào, những bóng đen vượt qua con ngựa kẽm gai, rồi tách ra 2 phía. Tôi hốt hoảng, biết ngay chuyện gì đã xẩy ra. tôi bò sang hầm Chỉ Huy, trung uý Đại Đội Trưởng cũng đã sẵn sàng. Tôi nói nhỏ:
- Việt Cộng tấn công đồn, Trung Úy. Chúng vào từ hướng cổng.
- Ông sang Đội Súng Nặng, bảo nó bắn trái sáng và coi anh em bên đó. Tôi điều động anh em bên này.
Trong lúc tôi trườn mình đến Đội Súng Nặng, tôi nghe một tràng M16 nổ vang và tiếng Đại Đội Trưởng hét:
- Báo động! Báo động! Việt Cộng tấn công đồn. Hãy cẩn thận, chúng đã lọt vào Căn Cứ.
Tôi hài lòng những lời bạch hóa của Vị Chỉ Huy. Đây là cách tốt nhất, nhanh nhất để các chiến hữu của tôi biết hiện trạng và tìm hướng giải quyết cho phù hợp. Khi trái sáng đầu tiên bừng nổ giữa trời đen, hàng loạt M16 đồng thời được khai hỏa ở mọi hướng, song song, nhiều tiếng lựu đạn nổ rải rắc xa gần. Tôi hiểu tụi đặc công đang tung hoành trong Căn Cứ. Tôi hét lớn:
- Tất cả nằm tại chỗ, quan sát kỹ, thấy ai di chuyển cứ bắn bỏ.
Sau tiếng hét của tôi. Căn Cứ trở lại vẻ yên lặng ngột ngạt, đợi chờ...
Tôi nhận thấy: Tiếng súng chỉ ầm vang khi bầu trời hết ánh hỏa châu. Hiện tượng này cứ diễn đi diễn lại nhiều lần. Tôi biết tiếng hét của tôi đã có hiệu qủa, tụi đặc công chỉ dám di chuyển khi hết ánh hỏa châu nhưng ngay lúc đó chúng đã bị hỏa lực của binh sĩ đồn trú chờ sẵn chặn đứng lại. Chính vì thế, tiếng lựu đạn mỗi lúc một thưa dần, rồi tắt hẳn. Để kiểm chứng một ý nghĩ vừa hiện ra trong đầu xem nó đúng hay sai. Tôi cho tạm ngưng bắn trái sáng và nghe động tĩnh trong Căn Cứ. Thinh lặng. Hoàn toàn thinh lặng...
Tôi hiểu, cuộc tấn công bằng đặc công đã chấm dứt, một là chúng đã bị tiêu diệt, hai là chúng đã rút lui. Đang suy nghĩ thì ông Đại Đội Trưởng đã đến bên tôi. Sau vài câu trao đổi. ông ra lệnh bắn tiếp hỏa châu để kiểm soát và nắm vững tình hình của Đơn Vị.
Kết qủa sơ khởi :
- Phía ta: 4 chết, 4 bị thương.
- Phía địch: 8 chết, thu 2 AK47, một số beta bị tịt ngòi, một số chưa mở kích hỏa.
Thấy câu chuyện ông kể đã gần hết mà chưa có tia sáng nào về cái tên SALEM, nên tôi chen vào:
- Chuyện đặc công đánh nào có liên quan gì đến cái tên của Căn Cứ đâu?
Ông lộ vẽ không hài lòng:
- Từ từ, trung úy. Câu chuyện còn dài mà.
Tôi nhẫn nại, lấy thuốc mời ông cùng hút. Ông vui vẻ, rồi tiếp tục:
- Cái đau nhất và thương tâm nhất là cô vợ mới cưới của Ông Đại Đội Trưởng bị chết banh thây trong hầm Chỉ Huy!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao lại có vợ ông ta ở đó?
- Vâng, đúng vậy. Ông ta mới xin được 15 ngày phép về cưới vợ. Hết phép, ông phải về Đơn Vị. Vợ ổng mới đến thăm lúc sáng. Cô này dễ thương lắm, ai cũng quý cô ta. Đặc biệt, bao giờ đến đây, tôi cũng thấy cô mặc đồ trắng. Khi thì áo dài, khi thì đồ đầm... Nhưng luôn luôn là màu trắng. Mầu của một tâm hồn ngay chính.
- Rồi sao nữa?
- Vì quá thương vợ, ông ta giao Căn Cứ cho ông Đại Đội Phó, rồi gọi tôi đến căn dặn: Ông cố gắng giúp tôi. Tôi phải đưa nhà tôi về gia đình, lo tang ma cho trọn tình, trọn nghĩa và cũng một phần để an ủi gia đình. Ông cố gắng lo cho anh em mọi sự tốt đẹp. Tôi chỉ lo một điều, trong khi tôi vắng mặt chúng sẽ trở lại phục thù mà không có tôi... Tôi không sợ mất chức, nhưng tôi lo Đơn Vị thiệt hại nặng hơn thì tôi ân hận lắm. Ông đốc thúc anh em tu bổ lại hầm hố, hàng rào, canh gác cẩn mật, kiểm soát người ra vào, đặt mìn bẫy những trọng điểm. Tôi đã dặn kỹ ông Phó rồi. Vài ngày tôi sẽ trở về. Hãy hết sức bảo vệ Căn Cứ. Tôi không quên ơn ông đâu.
Tôi chỉ biết cúi đầu, nước mắt lưng tròng:
- Trung Uý yên tâm. Tôi hứa chu toàn tất cả. Tôi sẽ làm hết sức mình. Tôi xin thành thật chia buồn với Trung Uý và gia đình.
Ông bơ phờ, nước mắt chan hòa rời Căn Cứ với người vợ xinh đẹp, vắn số của Ông.
Thấy ông dừng câu chuyện, tôi lại thắc mắc:
- Tôi hỏi ông cho tôi biết nguồn gốc cái tên SALEM kia mà?
Ông cố ngăn xúc động, đáp:
- Chưa, chưa hết mà Trung Úy.
Tôi lại một lần nữa mời ông cùng hút thuốc chờ cơn xúc động của ông lắng xuống. Thế rồi ông kể tiếp:
* * *
Sau khi Ông Xếp rời Căn Cứ được 4 ngày. Sáng ngày thứ 5, vâng, đúng thế. Tôi không hiểu tụi nó điều động lực lượng từ đâu về mà đông quá sức. Chúng không chỉ đánh đặc công mà còn tấn công bằng bộ binh nữa. Ngay những giây phút đầu tiên: Mìn bẫy, lựu đạn, mìn phá hàng rào, súng ống đủ loại nổ ran, ầm ầm như muốn nuốt chửng Căn Cứ! Rất may, qua kinh nghiện lần trước cũng như những lời dặn dò của Ông Xếp, chúng tôi đã tổ chức phòng thủ rất chặt chẽ và đã sẵn sàng chờ đợi cuộc trả thù đêm nay.
Khi trái sáng đầu tiên xuất hiện trên bầu trời, qua lỗ châu mai, tôi hoa cả mắt. Ôi trời đất! Sao chúng nó đông thế, đông nhất là chỗ hàng rào đã bị phá vỡ bằng chất nổ. Chúng nối đuôi nhau, bò lổm ngổm như đàn cua... Tôi hét lớn:
- Dồn hỏa lực vào chỗ hàng rào bị phá.á.á...
Tôi nghe tiếng Ông Đại Đội Phó tiếp theo:
- Các khẩu đại liên, súng cối, M.79 dồn vào khu hàng rào hướng Đông-Bắc.
Trận chiến sôi sục đã kéo dài nửa giờ nhưng tụi nó không sao vượt qua được vòng đai phòng thủ. Đã có nhiều xác của chúng nằm rải rắc đó đây, trên hàng rào, trên mắt đất. Tiếng la hét, tiếng hô xung phong ầm vang , nhưng, như có một sức mạnh vô hình nào, thần bí nào đó níu chặt chân chúng lại, chúng không thể nhúc nhích, chúng cứ nằm đó để ăn đủ mọi thứ đạn!!!! ????
Lúc tiếng súng đã dịu lại, quá mệt mỏi, tôi nằm ngả người nhìn lên bầu trời. Trong ánh hỏa châu đang lừng lững giữa không trung, tôi thấy rõ ràng hình bóng một người thiếu nữ, mặc bộ đồ trắng như tuyết, bay qua , bay lại, chập chờn, lúc ẩn, lúc hiện, tà áo phất phơ lấp loáng lên xuống theo âm vang của trận địa. Tôi nghĩ mình bị hoa mắt? Không, tôi véo vào tai, tát vào mặt, xem mình mơ hay tỉnh. Tôi lấy tay che mắt rồi bỏ ra để thử thị giác của mình. Không, qủa thật tôi còn sống, tôi vẫn tỉnh???!!!
Một ý nghĩ chợt đến trong đầu: Biết đâu, vợ Ông Trung Úy linh thiêng về giúp Căn Cứ? Một cảm giác vừa vui, vừa sợ chạy ran khắp người. Tôi cố nhìn thật kỹ. Đúng rồi! Tôi không thấy rõ mặt, nhưng đúng là Nàng rồi. Cái vóc dáng ấy, mái tóc ấy, cử chỉ ấy thì không thể sai được. Tôi buột miệng, lòng rất thành khẩn:
- Cô là ai? Có phải vợ Ông Xếp tôi không?
Lạ lùng thay, tôi nghe tiếng đáp trả văng vẳng trong gió nhưng rất rõ ràng:
- Vâng, em là SA đây, SA LÀ EM đây... Em là SA... SA LÀ EM...m...m... đây.
Tôi thẫn thờ như người trong mộng. Tất cả mọi tiếng nổ đã im bặt. cuộc tấn công đã chấm dứt. Bóng dáng người thiếu nữ lạ lùng kia cũng đã biến vào không gian. Và tôi đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Mãi sáng hôm sau tôi mới tỉnh dậy. Thu dọn chiến trường. Thật lạ lùng! Cả Căn Cứ không một ai bị hề hấn, dù là bị thương nhẹ? Một đoạn lớn hàng rào bị phá tung và 60 xác chết nằm ngổn ngang ngay đó, với đủ mọi thứ vũ khí, chỗ mà không còn một chướng ngại vật nào ngăn cản chúng tiến vào!!! Đúng là cái ranh giới của thần thánh, cái điểm của tử thần?! Đúng cái nơi mà tối hôm qua tôi thấy người thiếu nữ bay qua, bay lại, ngăn chặn kẻ thù.
Nhìn khuôn mặt ông Thường Vụ, tôi cảm nhận được sự tôn kính, thành khẩn trong từng lời nói.
* * *
Một ngày sau khi Căn Cứ bị tấn công lần 2, Trung Úy Đại Đội Trưởng trở về giữa lúc Đơn Vị đạt một chiến thắng vang dội đầy huyền bí. Tôi kể lại cho Ông nghe trận đánh lạ lùng. Tôi cũng kể cho Ông biết tất cả những gì tôi đã chứng kiến, tai nghe, mắt thấy về hình bóng người con gái thần tiên, xưng tên là SA. Ông không ngạc nhiên nhiều, rồi Ông trầm ngâm nói:
- Tôi cũng kể cho ông nghe chuyện này: Đúng vào đêm Căn Cứ bị tấn công lần 2. Sau khi chôn cất nàng xong, đêm đó tôi mệt qúa, thiếp đi lúc nào không hay. Khoảng 2:00 sáng, có người đến gọi tôi dậy và tôi nghe rõ tiếng nàng, vợ tôi, nói với tôi: "Em đi cứu Căn Cứ của anh đây. Việt Cộng đang tấn công dữ lắm! ".
Tôi vội chen vào:
- Dạ đúng. Tụi nó bắt đầu nổ súng lúc 2 giờ sáng, thưa Trung Úy.
Ông tiếp tục:
- Tôi còn chưa hoàn hồn và ngỡ ngàng, tôi hỏi bâng quơ: "Có phải SA đấy không ? Có phải em không? " Tôi chỉ nghe văng vẳng bên tai: “Vâng, em đây, em là SA đây, SA LÀ EM ... em là SA...SA LÀ EM đây..." Rồi tất cả chìm vào im lặng!!! Tôi không thể nào ngủ lại được . Sáng sớm, tôi tạm biệt gia đình và vội vã về đây xem hư thực ra sao? Nay nghe ông kể, tôi tin là chính nàng đã đến cứu Căn Cứ, cứu chúng ta.
Chúng tôi bàn nhau, vì Nàng linh thiêng như vậy, mình nên đặt một Bàn Thờ ở Căn Cứ này để tưởng nhớ, nhang khói và bầy tỏ lòng tri ân với Nàng. Ông Thượng Sỹ kết thúc rồi hỏi tôi:
- Chuyện thật đấy. Trung Úy có tin không? Thôi tùy, nhưng chuyện có thật đấy, trung úy ạ.
Sáng hôm sau, ông Thượng Sỹ đã dẫn tôi ra trước cổng Căn Cứ chỉ cho tôi một Miếu nhỏ, ngay bên cạnh bức tường thấp có hàng chữ: CĂN CỨ SALEM.
Trong cái Miếu nhỏ, tôi đọc được dòng chữ mạ vàng rất đẹp:
Tưởng nhớ
CÔNG TẰNG TÔN NỮ HOÀNG TUYẾT SA
THẦN NỮ BẢO HỘ CĂN CỨ SALEM
(SA là EM, viết gọn lại thành SALEM)
Câu chuyện làm lòng tôi cứ hoang mang mãi, đầu óc thì cứ suy nghĩ hoài. Đã rất nhiều người cũng đã từng kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện lạ lùng, tưởng như hoang đường, về những cái chết bất đắc kỳ tử, những cái chết anh hùng tại những Căn Cứ địa, tại những Đơn Vị, rồi sau đó, những anh hồn đó đã trở về giúp đỡ Đơn Vị mình thoát khỏi những tình huống khó khăn, sức người không thể vượt qua!!!
Rất nhiều Đơn Vị đã đạt những chiến thắng vang dội. Rất nhiều Căn Cứ đã đứng vững một cách lạ lùng trước sự tấn công vũ bão của địch quân đông gấp 5, 10 lần. Qủa thật, đã có những câu chuyện khó tin, nhưng có thật. Có những sự việc không thể xẩy ra, nhưng đã xẩy ra. Có những sự huyền bí mà đến nay con người vẫn không thể hay chưa thể giải thích, khám phá. Suốt chặng đường dài, Quân Dân Miền Nam chiến đấu bảo vệ Nền Tự Do, Nhân Quyền, chống lại Tà Thuyết Cộng Sản, đã có biết bao Qúy Nhân phù trợ, biết bao Anh Linh Chiến Sĩ Anh Hùng chung vai nâng đỡ. Nhưng, thật bất hạnh! Miền Nam đã thất thủ, biết bao đồng đội tôi đã vào tù, kể cả tôi. Có phải Số Phận Miền Nam đã được Trời-Đất định đoạt, sắp xếp, theo đúng Chu Kỳ Tạo Hóa ấn định và cũng lạ lùng như câu chuyện huyền bí này???
Dù huyền bí, nhưng câu chuyện CĂN CỨ SALEM, tôi nghĩ là có thật.
NT2 Ngô Bá Lai
Web Page updated: 12/01/2010 - WEB NT2
No comments:
Post a Comment