Monday, June 5, 2023

 Việt Cộng Ba Lần Tấn Công Phan Thiết Tết Mậu Thân - 68

26/01/2006

- Viết tặng Đại Uý Huỳnh Văn Quý- Đại Uý Mai Xuân Cúc, và Ốc Hương Võ Thị Điềm (Na Uy)

Dân tộc Việt Nam có nền văn hiến lâu đời, tôn trọng công ơn dựng nước của tiền nhân và sự cưu mang dưỡng dục của ông bà cha mẹ, nên mỗi dịp Tết về, đều coi đó là một cơ hội trang trọng để phụng hiếu trả ơn sinh thành.

Trong dòng sử Việt, các vị Vua Chúa cũng đều coi trọng ngày Tết, nên thường hưu chiến trong lúc chiến tranh, để cả hai bên vui xuân. Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên Đán, Dương Lịch hay các ngày lễ lớn đều hưu chiến và trong dịp Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng cũng thỏa thuận ý đẹp trên. Tại Bình Thuận, dù có lệnh cấm trại nhưng quân nhân các cấp vẫn dù về vui Tết với gia đình, đây là một yếu tố tâm lý không làm sao cấm được, ngoại trừ những người lính ở thật xa không có phương tiện.

Hơn nữa trong thâm tâm mọi người, từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam Cộng Hòa như Tổng Thống Thiệu (lúc đó về ăn Tết ở quê vợ tại Mỹ Tho), cho tới lính, dân đều tưởng cộng sản miền Bắc cũng có trái tim và linh hồn Việt Nam, biết trọng chữ tín và biết thương đồng bào. Nhưng hỡi ơi, tất cả đều trái ngược, Bắc Bộ Phủ đã nuốt lời hứa đơn phương xé bỏ thỏa hiệp, lợi dụng tình hình hưu chiến, cán binh cộng sản đã bất ngờ đồng loạt tấn công các thành phố và thị xả toàn miền Nam vào ngay đêm giao thừa, khi khói nhang còn đang nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên của mọi nhà, mang chết chóc tang thương đến cho đồng bào. Trong Tết Mậu Thân, Trung Tá Nguyễn khắc Tuân, nguyên Chánh Sở của Tổng Cục Quân Huấn QL Việt Nam Cộng Hòa, khi về làm Tỉnh Trưởng Bình Thuận, đã có dịp chứng kiến cảnh Thiếu Tá Phó Nội An Trần văn Chà áp dụng kỷ luật nặng đối với các quân nhân dù (trốn) về nhà ăn Tết tại ngã ba Sông Mao Chợ Lầu, Phan Rí, trong một chuyến công tác. Nên dù là cấp chỉ huy lớn nhất tại tỉnh, ông cũng bất nhẫn thông cảm hoàn cảnh khổ cực của lính, biết họ nghĩ rằng chuyện tới đâu thì tới, sẵn sàng chịu phạt, chứ mấy ngày Tết phải có mặt ở gia đình.

Đó là tình trạng của lính chiến đấu tại các đơn vị. Còn ở Tiểu Khu và Tòa Hành Chánh thì đa số quân nhân các cấp như đã quên súng đạn từ lâu và vũ khí được trang bị thì chỉ có súng trường Garant M1, Carbine M1 và tiểu liên Thompson.. quan trọng nhất là lúc Việt Cộng tấn công, hầu hết đang ở nhà vui Tết, vì ai cũng biết, Bình Thuận quê hương miền biển mặn suốt ba trăm năm qua, vốn là nơi làm chơi ăn thiệt và ăn chơi rất đậm, mỗi độ xuân về.

Trong lúc đó, lực lượng tấn công Phan Thiết là bộ đội Chính Quy từ ngoài Bắc Việt bổ sung vào, được chỉ huy do đích thân Tướng Nguyễn minh Châu, bí danh Năm Ngà vì có vợ là Huỳnh Thị Ngà, một nữ cán bộ VC sinh quán tại Hàm Tân-Bình Tuy. Châu hay Năm Chon, trước khi làm Tư lệnh Quân Khu 6 Việt Cộng tại miền Nam đã từng là Đại Đội Trưởng Đại Đội Việt Minh Hoàng Hoa Thám từ 1945-1947 đánh nhau với Pháp tại Bình Thuận. Do trên bộ đội được trang bị toàn vũ khí tối tân của Liên Xô, Trung Cộng, Đông Đức và khối xã nghĩa lúc đó như AK 47, B40, B41, K54, K59.. với nón cối, giầy bố, quần áo trận may bằng vải kaki Nam Định màu xanh lá cây nhưng tuổi rất trẻ từ 16 đến 20.

Phó Tỉnh Trưởng Phạm ngọc Cửu, lúc đó là Chánh Văn Phòng tỉnh, có mặt trong các trận đánh tại chỗ, cho biết Việt Cộng bị thất bại trong Tết Mậu Thân là do quá chủ quan nhưng trên hết không được dân chúng ủng hộ nên bị tiêu diệt. Trong ba lần tấn công Phan Thiết, Việt Cộng chỉ chiếm được một vài khu vực nhỏ nên không làm chủ được tình hình, vì vậy các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa tiếp viện ra vào dễ dàng, khiến cho Việt Cộng bị vây bủa bốn bề không lối thoát.

Phạm đình Thừa, một nhân chứng trong thảm cảnh Mậu Thân, đã viết:"..nhưng một tình cờ oan khiên xuôi tôi về trong lúc Phan Thiết bốc lửa để tôi nhớ mãi một quê hương điêu tàn. Trong cuộc đời xuôi ngược, ta thường hờ hững với chính ta, với những gần gũi và thân thiết nhất, nhưng khi chứng kiến những dấu yêu và thân thiết đó bị tàn phá, ta mới thấy mất mát lớn lao sự quý báu của đời sống và kỷ niệm.

Tôi đã ở trong tâm trạng đó khi về quê mình vào ngày mùng 9 Tết Mậu Thân. Trở về trong nôn nóng tìm lại người thân, người mẹ già và người vợ trẻ với đứa con đầu lòng vừa sanh nhưng chỉ thấy đổ nát hoang tàn in hằn dấu vết trên khoảng tường vôi của căn nhà tuổi nhỏ. Nhà tôi bên này bờ nam sông Mường Mán, nhìn qua bên kia sông để thấy khu Phú Trinh trống rỗng chỉ còn trơ lại những thân dừa cháy đen. Về đêm nghe tiếng kể lể, oán than thấu trời của người dân biển, để thấy tận mắt những vết tích của kỷ niệm bị tàn phá, bạc đãi trong sự bất lực của chính mình.'.

Đêm 30 Tết, trong lúc mọi nhà đang chuẩn bị đón giao thừa rước mừng năm mới, mọi cõi lòng rộn rã trong niềm vui đoàn tụ, thì tiếng súng đã nổ rền trong tiếng pháo. Thoạt đầu người dân đô thị cứ tưởng đó là tiếng pháo mừng xuân nổ sớm, nhưng khi những phát cối đầu tiên làm rung động không gian hòa trong tiếng kêu gào thất thanh lâm nạn thì hỗn mang cũng bắt đầu.."

Trong trận giặc này, Phan Thiết đã liên tiếp chịu bốn đợt tấn công chỉ trong vòng hơn một tháng, ba lần đầu trong thị xã, còn lần cuối tại Phú Long. Trong bốn trận, chỉ có lần thứ hai dân chúng chịu nhiều thương vong và thiệt hại nhiều nhất.

A-VIỆT CỘNG TẤN CÔNG PHAN THIẾT:

1- Đợt đầu: Từ mồng một đến mồng 7 Tết.

Lúc 3 giờ 25 sáng mồng một rạng mồng hai Tết, Việt Cộng đồng loạt pháo kích vào sân bay trên Căng, Yếu Khu 44 gồm trại Đinh công Tráng (Yếu Khu Châu Thành) và trại Cao Thắng (Phân Đội 853 Yểm Trợ Quân Cụ), đối diện sân vận động Quang Trung, kế bệnh viện Phan Thiết. Đồng thời cũng pháo kích rồi tấn công đồn Trinh Tường nằm cuối đường Lương ngọc Quyến, cũng là Liên Tỉnh Lộ 8 đi Ma Lâm, cách Tòa Hành Chánh chừng 1 km về hướng bắc.

Lực lượng Việt Cộng là Tiểu Đoàn 482 chính quy từ miền Bắc vào, thuộc Liên Khu 6, đã hoạt động từ lâu trong tỉnh Bình Thuận. Việt Cộng lúc đó có chừng 300 bộ đội, tấn công hai mục tiêu, cánh một gồm C1, C2 và C vũ khí nặng, tấn công đồn Trinh Tường, lúc đó có khoảng 50 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa của các đơn vị Pháo Đội B/23, hậu cứ Trung Đoàn 44/SĐ23 BB và ĐĐ 954 ĐPQ/TK/BT. Sở dĩ quân số ít, vì đa số lính đã đi phép Tết hay dù về nhà. Nhưng Việt Cộng đánh và pháo cả đêm vẫn không chiếm được đồn, nên sáng chém vè, bỏ lại quanh đồn 20 xác chết.

Còn cánh hai của Việt Cộng là C3 xâm nhập ấp Phú Khánh, xã Phú Lâm, kế cận với Thị Xã về hướng nam.

Đại Uý Huỳnh Văn Quý, sinh quán Tuy Hòa, Thiện Giáo (Bình Thuận), Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 249/ĐPQ có ĐĐ283 Biệt lập của Đại Uý Lê Van Ba (từ LLDB về), cựu học sinh PBC/PT niên khóa 1955-1962, là các đơn vị đã tử thủ thị trấn Phú Long, tới chiều ngày 18-4-1975. Ông đã viết về trận Tết Mậu Thân 1968, cho biết lúc đó là thiếu uý Đại đội phó DĐ954 DPQ, còn Trung uý Nguyễn Tư (khóa 4 Đồng Đế) là DDT. Đơn vị đang dóng tại Đồn Mara tại Bầu Ốc trên QL1, cách Sông Lũy 5 cây số, nằm trong liên ranh hai quận Thiện Giáo-Hòa Đa và là một trong những tiền đồn nguy hiểm nhất của tỉnh Bình Thuận, vì nằm án ngữ trên phân nhánh đuờng mòn HCM, từ Lâm Đồng tới Mật khu Lê Hồng Phong, ra biển Hòn Rơm để nhận tiếp tế từ miền Bắc vào bằng ghe thuyền. Ngày 29 Tết , Đại đội được lệnh Tiểu Khu cho về dưỡng quân tại Đồn Trinh Tường.Nhưng trong lúc thu quân, Trung úy Tư vướng lưu đạn bị thương nặng, nên Thiếu úy Huỳnh Văn Quý được cử làm XLTV.DDT.

Tuy nói là dưỡng quân nhưng ĐĐ được giao nhiệm vụ bảo vệ cho Trung Đội Pháo Binh 105 của SĐ23BB biệt phái đóng tại đây. Vì ngày mai Tết, nên binh sĩ các cấp trong đơn vị đã dù về nhà gần hết, chỉ còn lại 13 người. Trưa 30 Tết, Lệnh từ TK cho biết VC có thể tấn công, nên chỉ thị phải phòng thủ đồn hết sức cẩn trong. Vì quân số còn lại quá ít, nên mỗi vọng gác chỉ có 3 người, kể cả Đại đội trưởng và hai truyền tin đại đội cũng lãnh một. Thế rồi đúng vào giờ đón giao thừa (12 giờ khuya),VC pháo kích dữ dội và tấn công bộ binh vào đồn. Vì khu vực phòng thủ quá rộng, nên để nghi binh, Thiếu Úy Quý cho lệnh bắn chéo từ vọng gác này sang vọng khác, khiến giặc ở ngoài tưởng lực lượng phòng thủ trong Đồn rất đông, nên phần nào mất tinh thần. Hơn nữa trước mặt đồn Trinh Tường là Liên tỉnh lộ 8 (Phan Thiết-Di Linh), rất trống trải, đối diện với khu phố dân sự bên kia đường, nên mỗi lầnVC chạy qua xưng phong đều bị bắn hạ.

Ngoài ra trong đồn còn có một pháo đài được xây từ thời Pháp thuộc, rất kiên cố, bên trong có đặt đại liên 30 và nhiều thùng lựu đạn. Trong đồn lại có một Pháo đội 105 ly, chỉ cần hạ càn súng, là bắn trực xạ vào địch. Nhờ vậy lực lượng bên trong đã giữ được đồn Trinh Trường cho tới tảng sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, thì Không quân tới yểm trợ bằng A37 và trực thăng võ trang, xạ kích vào các mục tiêu yêu cầu.

Sáng sớm mồng hai Tết, quân tiếp viện đồn Trinh Tường gồm hai cánh, một có các ĐĐ 208 và 954/ĐPQ do Thiếu Tá Trần văn Chà, Phó Tỉnh Trưởng Nội An, chỉ huy với quân số 150 người, theo hướng Cầu Sở Muối, tấn công phía sau đồn, nhưng bị hỏa lực của Việt Cộng với AK47, B40, 41..chặn lại tại Lò Ấp Vịt gần đồn, nên không tiến được

Còn cánh hai do Trung úy Lư tầy Tựu, Trưởng Phòng 2 Tiểu Khu Bình Thuận chỉ huy Trung Đội Tình Báo tỉnh và các quân nhân Trung Tâm Tiếp Vận tỉnh tăng phái, tấn công theo đường Lương ngọc Quyến. Cuối cùng hai cánh quân phối họp được, lại có Commando car trợ chiến, nên giải vây cho đồn lúc 10 giờ sáng ngày mồng hai. Trong trận này, đại đội vũ khí nặng của Việt Cộng coi như bị tiêu diệt, mất toàn bộ vũ khí cá nhân và cộng đồng. C2 đến tiếp viện cũng bị tan tác, nên tràn về khu dân cư ở Chợ Gò trên đường Hải Thượng Lãn Ong và Trần cao Vân, thuộc ấp Phú Trinh. Cả ngày Không Quân đến tác xạ và bộ binh tấn công, nhưng không nhổ được chốt, vì Việt Cộng bám vào nhà dân để chống lại. Dân chúng trong vùng chiến nạn ùa nhau bồng bế, chạy qua phía bên kia cầu trốn giặc. Lúc 16 giờ chiều cùng ngày, Chiến Đoàn 506 thuộc SĐ 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ, tăng phái 2 Trung Đội đã chạm súng với C1/482 gần Bình Lâm, Việt Cộng bị thiệt hại thêm nhiều nhân mạng. Trong ngày mồng 3 Tết, lực lượng Địa Phương Quân tỉnh đã cố gắng nhổ các chốt của Việt Cộng đóng quanh đồn Trinh Tường, Phú Trinh, Đức Nghĩa, Lạc Đạo.

Qua hai ngày chiến bại, tiểu đoàn 482 Việt Cộng chạy về Đại Nẫm để bổ sung quân số với các C 481 đặc công, C 430 địa phương và tất cả hậu cần, du kích rồi trở lại tấn công Đồn Trinh Tường và Yếu Khu Châu Thành tại trại Đinh công Tráng.

Ngoài ra lần này còn có Tiểu đoàn 480 Cộng Sản Bắc Việt chừng 250 người, mới từ Bắc Việt xâm nhập vào Bình Thuận cuối năm 1967, cùng với C 450 địa phương, đóng tại mật khu Lê hồng Phong, lúc 3 giờ đêm mồng ba Tết tấn công Ty Cảnh Sát Quốc gia do Thiếu Tá TQLC Hồ đắc Nhị chỉ huy với chừng 100 Cảnh Sát dưới quyền phối hợp với một Trung đội Nghĩa Quân, phòng thủ tại câu lạc bộ Sĩ Quan, đã giữ vững được vị trí, mặc dù cánh cộng quân này do chính tướng Việt Cộng Năm Ngà cùng với BCH Liên Khu 6, đóng tại chùa Vạn Thiện, chỉ huy trực tiếp. Cả thị xã ngập trong máu lửa với những cuộc pháo kích của Việt Cộng, làm nhiều nhà cửa dân chúng tại Chợ Gò và 2 cây xăng trên đường Nguyễn Hoàng bị cháy, nhiều người thương vong.

Trước tình hình khẩn cấp, nghiêm trọng, Khu 23 Chiến Thuật đã ra lệnh cho Tiểu Đoàn 3/44 SĐ23BB và Chi Đoàn 4/8 Thiết vận xa, do Trung Tá Võ Khâm Trung Đoàn Trưởng chỉ huy, theo QL 1, từ Vĩnh Hảo về giải vây Phan Thiết. Riêng 2 Tiểu Đoàn 1 và 2/44 SĐ23 BB bảo vệ Phan Rang. Đúng 6 giờ chiều ngày mồng 4 Tết, quân tiếp viện về tới cầu Sở Muối và đóng tại đây, đã có nhiều cuộc đụng độ xảy ra tại Phú Long và ngoại ô Phan Thiết giữa cánh quân tiếp viện với Việt Cộng, làm 1 Thiết Vận xa M113 bị cháy.

Tóm lại suốt ngày mồng bốn Tết, Phan Thiết tràn ngập máu lửa. Việt Cộng đặt súng bích kích pháo và đại bác ngay tại các chùa trong thị xã như Bửu Quang, Giác Hoa, Am Cai Hóa.. để bắn phá khắp nơi.

Riêng bộ đội thì liên tiếp mở các cuộc tấn công vào đồn Trinh Tường, Yếu Khu Châu Thành, Chi Cảnh Sát Công Lộ tại đường Khải Định.. nhưng hầu như khắp chốn, không chiếm được một mục tiêu nào. Chỉ tội nghiệp cho dân chúng vô can, bị họa lây chiến cuộc, phải bỏ tất cả để chạy xuống Đức Thắng, Cồn Chà lánh nạn. Nhiều người chết dọc đường vì đạn lạc, pháo rơi, tiếng khóc than oán ngất trời cao, cho nên đâu còn ai rãnh để đón bộ đội của Hồ về, trừ những người bị kẹt ở lại để làm con tin.

Tờ mờ sáng mồng 5 Tết, quân tiếp viện bắt đầu tiến vào thành phố và cho tới 11 giờ trưa trong ngày, Chi Đoàn Thiết Vận Xa 4/8 có Tiểu Đoàn 3/44 SĐ23BB tùng thiết, đã giải vây xong đồn Trinh Tường, Trại Đinh công Tráng, Cao Thắng, triệt hạ các ổ súng cộng đồng tại sân vận động Quang Trung và tiếp tục càn quét tàn binh của Việt Cộng tại Trinh Tường, đường Hải Thượng Lãn Ông.. Lúc này, chiến đoàn 3/506 của Hoa Kỳ cũng tham gia trận chiến, giải tỏa áp lực của giặc tại vùng ngoại ô thị xã. Ngày mồng 7 Tết, tình hình Phan Thiết trở lại bình thường.

Sau khi đồn Trinh Tường được giải vây, binh sĩ ĐĐ954 về gần đông đủ, Huỳnh văn Quý được đặc cách lên Trung Úy đem đơn vị về làm trừ bị cho Tiểu Khu, bảo vệ Tòa Hành Chánh Tỉnh và Đại Đội Hành Chánh Yểm Trợ Tiếp Vận Bình Thuận.

2- Đợt hai từ đêm 17 đến 20/2:

Không chiếm được Phan Thiết như lời hứa với thầy giáo Thành dạy trường Dục Thanh, nên Việt Cộng tại Bình Thuận quyết tâm trả thù và lần này cũng với đám tàn binh của các Tiểu Đoàn Chính Qui 482, 840, các C pháo 485, đặc công 481.. đánh thẳng vào Tiểu Khu và Quân Trấn trong trại Quang Trung, cạnh Trường Nữ Tiểu Học, trước vườn hoa lớn, nằm cạnh bờ sông Mường Mán thơ mộng với những hàng phượng vỹ đỏ ối màu hoa mỗi độ hè về..

Một cánh quân khác tấn công Lao xá Phan Thiết, nằm kế Ty Công Chánh và Tòa Hành Chánh tỉnh, trên đường Huyền Trân Công Chúa, thả 700 tù nhân..

Theo Phạm ngọc Cửu, lúc đó là Chánh Văn Phòng cho Trung Tá Nguyễn khắc Tuân, Tỉnh Trưởng, thì sở dĩ mọi người trong Tòa Hành Chánh được sống sót khi một đại đội tinh nhuệ của chính qui Bắc Việt hiện diện trong Lao Xá, cách Ty Công Chánh chỉ một bức tường gạch và Tòa Hành Chánh đang nằm trong lần đạn sát tử, nhưng Việt Cộng không tấn công tiếp, mà chờ đại quân cùng vào thành phố với tướng Năm Ngà cũng như các cán bộ cao cấp trong Tỉnh Ủy Bình Thuận.

Cũng tại Lao Xá, nơi đặt BCH tiền phương Việt Cộng, với sự hiện diện đầy đủ của các cán bộ chính trị, chuẩn bị lễ tiếp thu chính quyền Tỉnh, có máy thu hình, quay phim mới toanh của Trung Cộng, chờ giới thiệu các nhân vật đầu não của cách mạng. Nhờ ơn đức linh thiêng của tổ tiên Bình Thuận, của Nam Hải Đại Tướng Quân hộ trì, nên Việt Cộng không có cơ hội để các nhân vật ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản quốc tế lộ diện như tại Huế với các hung thần ác quỷ Hoàng phủ Ngọc Tường, Hoàng phủ Ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân, Trần quang Long, Phan chánh Dinh, Lê văn Hảo, Nguyễn Đọc, Nguyễn thị Doan, Nguyễn Khoa Điềm con Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, lúc đó từ Bắc vào..Năm 2005 Nguyễn Khoa Điềm là Trưởng Ban Tư Tưởng Trung Ương Đảng VC, theo phe Đổ Mười, Lê Đức Anh thờ Trung Cộng, còn Hải Triều thì được đảng thưởng công, cho đặt tên một con đường lớn tại Quận 1, Sài Gòn.

Và cũng như lần trước, Tiểu Đoàn 3/44/SĐ23BB cùng với Chi Đoàn 4/8 TVX từ Sông Mao đã về tiếp viện, giải cứu Phan Thiết.

Một hình ảnh hào hùng, ghi lại trong ký ức mù sương sau mấy chục năm biển dâu thê thiết nơi những người lính trận của TĐ3/44 và các viên chức chính quyền tỉnh Bình Thuận, vào lúc 16 giờ ngày 18/2/1968. Đó là Đại Tá Trương quang Ân (sau này lên Tướng), Tư Lệnh SĐ23BB kiêm Tư Lệnh Khu 23 CT, hào hùng không ai sánh kịp, từ trực thăng bước vào Tòa Hành Chánh, đầu trần, không áo giáp, không thuyết trình, không dự tiệc.

Ông đi khơi khơi trong đạn nổ, pháo gầm, giữa các chiến binh của Tiểu đoàn 3/44 đang bố trí dọc theo bờ tường tiếp cận với Lao Xá có đầy Việt Cộng, và đóng vai Tiểu Đoàn Trưởng thay Thiếu Tá Mai Lang Luông vừa bị thương nặng bằng cách đứng trên một chỗ cao, phất tay ra lệnh tấn công. Chiến cuộc kết thúc ngắn ngủi vào lúc 17 giờ 30 cùng ngày, Việt Cộng vì mãi lo chuyện tiếp thu ngày mai, nên không kịp chạy, để lại đầy xác chết với phim ảnh, máy quay tối tân Paillard Rolex của Swisszerland. Trong trận này, Việt Cộng hầu như có mặt khắp phố phường, và dù chiếm được Trường Nữ Tiểu Học, nhưng không dứt điểm được Tiểu Khu trong trại Quang Trung, nên cây cầu Nguyễn Hoàng vẫn còn, và là sinh lộ để các nạn nhân Tết của Việt Cộng chạy qua phố, xuống Cồn Chà lánh nạn. Cũng nhờ vậy, mà cái nguồn tin viết sẵn của Tỉnh Ủy Bình Thuận trước Tết, được đài phát thanh Hà Nội và Giải Phóng Miền Nam ra rả là Ngụy quân, Ngụy quyền Bình Thuận đã đầu hàng, không còn được ai tin tưởng.

3- Đợt ba cuối tháng 2/1968

Quyết lòng lập công với đảng, ngày 25/2/1968 Việt Cộng lại mở cuộc tấn công Phan Thiết, nhưng lần này không vào được trong nội thành vì chạm với các đơn vị Địa Phương Quân tại Ấp Kim Hải, Cổng chữ Y, Yếu Khu Phú Long và dĩ nhiên, thiệt hại cũng vẫn là người dân lành vô tội, cộng với các nơi chốn tôn nghiêm như chùa chiền, nhà thờ, Tượng Phật, Trường Học và nhà cửa của dân chúng.

4- Đợt bốn giữa tháng 3/1968:

Cuối cùng, ngày 12-3-1968, Việt Cộng tấn công Phú Long, giựt sập một nhịp trên chiếc cầu đúc ngang sông Cái, trên Quốc lộ 1 nhưng an ninh đã được tái lập trong ngày, chấm dứt bốn đợt tấn công Tết, theo lời nhắn gởi ra lệnh của Thầy giáo Thành, mà cũng là Chủ Tịch đảng Cộng Sản:

'..xuân qua thắng lợi vẽ vang,

xuân này tiền tuyến ắt càng thắng to

vì độc lập, vì tự do

đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào..'

B-PHAN THIẾT ĐIÊU TÀN SAU CHIẾN CUỘC:

Cuộc tấn công vào Phan Thiết đầu Xuân 1968 năm Mậu Thân, mãi mãi gắn liền với Bình Thuận, qua các trang sử đẵm máu từ khi có sự xuất hiện của người Cộng Sản tại địa phương, với thành tích phi thường: trên 100 người chết, 200 bị thương, 19.961 người vô gia cư, hơn 1/5 nhà cửa trong thị xã hư hại, nặng nhất là Phú Trinh, Bình Hưng. Riêng Đức Thắng và Vĩnh Phú không bị thiệt hại gì. Tất cả các Ty Sở đều hư hại, kể cả các Trường Nam Tiểu Học, Trường Đức Nghĩa A, Trường Đức Nghĩa B, Trường Nữ Tiểu Học, Trường Bán Công Phan Chu Trinh, Trường Trung Học Phan Bội Châu, Trường Phú Trinh A, Trường Bình Hưng B, nhà máy nước Phú Tài, Lò sát sinh..

Đặc biệt các cơ sở quân sự đều toàn vẹn, thì ra Việt Cộng chỉ nhắm vào dân chúng không có vũ khí và tự vệ mà thôi. Một đau thương khác, trong Tết Mậu Thân, nhiều chùa chiền vì Việt Cộng mà tan nát bởi bom đạn vô tình của cả hai phía, nặng nhất là chùa Bửu Quang, Cát, Giác Hoa. Nhà thờ Tin Lành trên đường Hải Thượng Lãn Ông và thánh đường Thiên Chúa Giáo, kế sân Vận Động cũng bị sập, nhà làng Đảng Bình trong khuôn viên Lao Xá, phía sau Ty Cựu Chiến Binh và Ty Công Chánh, thành bình địa.

Sau Tết Mậu Thân, Chính Phủ đã bồi thường và cấp đất cho nhà làng này tại Khu phố 2, Bình Hưng, đối diện Chùa Thanh Minh, khi làm chiếc cầu đúc Trần Hưng Đạo, xuyên qua Lao xá cũ, động Giá, đường Thủ Khoa Huân và đầu đường Nguyễn Hoàng trước nhà máy gạo trên quốc lộ 1 đi Nha Trang. Ong Nguyễn trọng Nghĩa, tức là Bộ Nghĩa, phụ thân của họa sĩ Nguyễn duy Huệ trong hội thân hữu Bình Thuận, giữ chức Hội Trưởng làng Đảng Bình mới từ đó, cho tới tháng 5/1975, Việt Cộng vào, chiếm đoạt tất cả đồ đạc thờ cúng bên trong, để làm nhà khách cho Cán Bộ.

Sau Tết Mậu Thân, Trung Tá Nguyễn khắc Tuân được thay thế bởi Đại Tá Đàng thiện Ngôn, làm Tỉnh Trưởng Bình Thuận và tình trạng an ninh xấu đến nỗi nhiều viên chức ấp, khu tại thị xã bị ám sát, nhiều trụ sở chánh quyền như Đức Long, Phú Trinh, Đức Nghĩa, Hưng Long.. bị tấn công, đường bộ bị cắt đứt, liên lạc trong tỉnh với thế giới bên ngoài chỉ nhờ vào ghe thuyền mà thôi. Sau tháng 5/1975, các Vị Tỉnh Trưởng Bình Thuận như Lưu Bá Châm, Đại Tá Nguyễn Khắc Tuân..đều chết thảm tại trại tù sát biên giới Hoa- Việt.

Tóm lại trong thời kỳ này, Bình Thuận đúng nghĩa là vùng xôi đậu, ngày thuộc về Quốc Gia, còn ban đêm là Việt Cộng, ngay tại Phan Thiết cũng không biết đâu là chốn an toàn, vì Trưởng Khu 5 nhà phía sau Kho Bạc và Tiểu Khu vẫn bị Việt Cộng vào ngay nhà ám sát. Trung Úy Bá Nhượng, người Chàm làm việc tại Chi Nhánh 2 Tuyển Mộ Nhập Ngủ, làm việc về nhà bị bắn chết ngay Chợ Phường, đường Nguyễn Hoàng, gần trường Trung Học Phan Bội Châu.. Riêng tại các Quận, 95% lãnh thổ là đất địch, nên khi chiều vừa xuống, thì hàng hàng lớp lớp viên chức xã ấp, có cả chỉ huy Nghĩa Quân, kéo về Thị Xã hay Quận Lỵ để tị nạn qua đêm.

Một điều mà các nhà viết sử về Bình Thuận không biết đâu mà mò, là tại vùng biển mặn, trước khi Việt Nam hóa chiến tranh, lực lượng quân sự ở đây rất hùng hậu, không kể Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Xây Dựng Nông Thôn, Cảnh Sát Dã Chiến còn có hai Trung Đoàn 44 và 53 của SĐ23BB thay nhau hành quân, một Chiến Đoàn thuộc SĐ101 Nhảy Dù Hoa Kỳ, một Chi Đoàn 4/8 TVX, các ĐĐ/DSCĐ tại Lương Sơn, Hải pháo Mỹ từ Hạm Đội 7 ngoài khơi và Lực lượng Viễn Thám/BTTM tăng phái. Vậy sao tình hình an ninh trong Tỉnh quá xấu, đến nỗi Việt Cộng đặt trạm thu thuế công khai ban ngày trên các trục lộ Ma Lâm, Mũi Né, Số 25, Cây Táo, Bầu Oc, Vĩnh Hảo"!

Thế rồi, cuối năm 1969, Trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn II là Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa được chỉ định làm Tỉnh Trưởng Bình Thuận, trong giai đoạn cực kỳ khó khăn vì sự nát bét lãnh thổ, nhưng trên hết là sự rút hết của các Đơn vị yểm trợ Hoa Kỳ và chính quy Việt Nam Cộng Hòa như Thiết Đoàn 8 và SĐ23BB. Từ đó công chức các cấp quen với bộ quần áo đen của Xây Dựng Nông Thôn, đích thân các cấp chỉ huy Tỉnh từ Tỉnh Trưởng, Phó Tỉnh trở xuống mang cấp Trưởng chỉ huy, làm gương ngồi trên quân xa hay theo Thiết Quân Vận hoặc trực thăng, xuống tận xã ấp xa lắc xôi đậu, để nhìn thảm cảnh đồng bào giữa hai làn đạn vô tình bắn hạ.

Các đại bàng cũng đã có mặt ngay nơi chiến tuyến, lúc đạn bom, lửa khói còn nguyên mùi, để cùng chia xẻ nỗi khổ đau, chết chóc với đồng đội, đồng bào. Đặc biệt, suốt thời gian làm Tỉnh Trưởng Bình Thuận từ 1969 tới đêm 18-4-1975, Đại Tá Ngô tấn Nghĩa có thói quen xuống tận Xã Ấp, tiền đồn của Nghĩa Quân, các toán Bình Định Xây Dựng Nông Thôn, để sinh hoạt và ngủ đêm tại chỗ. Nhờ vậy đến cuối năm 1971, gần như 173 Ap trong 53 Xã tại 7 Quận của tỉnh Bình Thuận, chấm dứt cảnh ngày ta đêm địch, cảnh sống lưu vong của viên chức chính quyền hằng đêm. Quốc Lộ 1, Liên Tỉnh Lộ 8 và mật khu Lê hồng Phong về đêm, là địa điểm lý tưởng săn bắn của Tỉnh Trưởng, sau khi sinh hoạt với các đơn vị tiền đồn. Cũng từ đó, đường bộ được khai thông, xe đò có thể chạy suốt đêm trên quốc lộ, ngang qua lãnh thổ tỉnh Bình Thuận, từ Cà Ná về tới ranh giới Bình Tuy tại số 30, mà không sợ bị Việt Cộng chận bắt hay thu thuế ở cây số 25, Cây Táo, Bầu Ốc, Vĩnh Hảo.. vì có sự trấn đóng bảo vệ của các đơn vi tinh nhuệ Địa Phương Quân Tỉnh.

Theo lời Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa và Phó Tỉnh Trưởng Phạm Ngọc Cửu, những nhân chứng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa tới lúc tàn cuộc, thì Bình Thuận sở dĩ được quốc thái dân an từ năm 1971-1975, là nhờ Chính Quyền biết lấy dân trong tỉnh làm gốc để đối đầu với sự tuyên truyền trên trời dưới biển của Việt Cộng.

Những kế hoạch thần sầu trong việc sử dụng mìn claymore làm hàng rào ấp chiến lược lưu động, vừa ngăn giặc về quậy phá, vừa cản dân vào bưng tiếp tế cho địch ban đêm, hay chương trình ủi quang dọc theo hai bên bìa quốc lo, trong lãnh thổ tỉnh Bình Thuận mà giới quân sự gọi là 'cạo đầu bắt chí', dù lúc đó bị báo chí đối lập tố cáo là tham nhũng.. vì thực tế đã làm cho Việt Cộng không còn hang bụi, căn cứ núp lén bắn tỉa, phục kích.. nên an ninh trên các trục lộ hoàn toàn cả ngày lẫn đêm, chắc các nhân chứng của Bình Thuận may còn sống sót sau cuộc đổi đời, lúc đó ít ra cũng một vài lần phóng xe Honda hay ngồi xe đò ngược xuôi trên quốc lộ nhớ lại.

Đời sống của dân chúng từ sau đống tro tàn máu lệ Tết Mậu Thân 1968 theo gió thanh bình hồi sinh hạnh phúc. Trời lại thương vùng biển mặn, nên ngư dân làm ngành nào cũng trúng mùa, con nhà biển từ ghe nốt vào bờ, lên phố mua sắm, vào cao lâu kéo ghế còn tỏ ra sang trọng hơn người kẻ chợ, vì hai túi rổn rảng bạc tiền sau một mùa cực nhọc trên sóng nước.

Các xóm nhà chồ dọc theo hai bờ sông Cà Ty, cũng như Đức Thắng, Cồn Cỏ, Bình Hưng, Hưng Long, Vĩnh Phú, Thanh Hải, nhà ngói, nhà tôle inh ỏi tiếng nhạc phát ra từ những chiếc máy thu thanh. Trên bến dưới sông, thuyền bè hằng ngàn chiếc, sơn phết lòe loẹt đậu kín dòng sông, ai cũng vui đời thanh bình, tự do hạnh phúc vừa có được.

Tại nông thôn đã có nhiều thay đổi sau khi giặc rút kín vào rừng sâu núi thẳm, ngoại trừ một số nông dân có ruộng xa tận Cà Tót, Sông Quao hoặc bỏ, hoặc làm đóng thuế. Tất cả nông dân còn lại trước tình hình an ninh xã ấp, đã vui chuyện ruộng đồng, các loại lúa thần nông được khai thác triệt để, nhất là loại lúa ngắn hạn, làm bộ mặt thôn xóm tại Lại An, Phú Long, Tuy Hòa, Hòa Vinh, Tầm Hưng, Phú Lâm, Phú Hội, Long Hương, Sông Lũy.. thay hẳn với mái ngói đỏ au, máy cầy, xe Honda, chuồng heo nái, vườn cây ăn trái.

Đời sống hạnh phúc dưới chế độ nhân bản tự do của Miền Nam như thế đó, thì bảo là dân Bình Thuận theo Việt Cộng đố ai dám tin, họa chăng người đó mất trí.

Năm 1972, trước khi hoàn thành cái hiệp định bán miền Nam cho cộng đảng quốc tế của cặp Nixon-Kissinger, Hoa Kỳ chấp thuận điều kiện của Việt Cộng đưa ra, là giờ N ban hành lệnh ngưng bắn, vùng nào có cờ liềm búa là của Việt Cộng, và Hà Nội quyết định chọn Bình Thuận để 'CẮM CỜ' trong một kế hoạch tấn chiếm bằng quân sự do ba Tiểu Đoàn chính quy Bắc Việt làm mũi chính và hai Trung Đoàn tăng phái của quân khu 6 Việt Cộng. Bình Thuận lúc đó không có chủ lực quân, nhưng lực lượng ĐPQ, NQ, CS và Bình Định Nông Thôn lên tới 13.000 người.

Tất cả rất thiện chiến, nên dù bị trải mỏng để bảo vệ cho 173 ấp, trong số này có 34 ấp bao quanh thị xã Phan Thiết, cuối cùng đã bẻ gãy được âm mưu dành dân, lấn đất, khiến cho dân chúng phải khổ đau vì cách mạng như quá khứ đã minh chứng. Cũng vì Chính quyền đã thông báo trước, là ngày N, nếu ai theo Việt Cộng làm loạn, cắm cờ dành đất, sẽ bị không kích chết oan, cho nên qua kinh nghiệm Tết Mậu Thân, họ lo bồng bế tản cư vì phát hiện Việt Cộng kéo về rất đông.

Thế rồi, giờ N, đêm định mệnh ngày 27-1-1973, đồng loạt Việt Cộng tấn công 13 ấp nhưng vấp phải mìn bẫy, pháo binh, cuối cùng đã tháo chạy. Đại Nẫm, quê hương của anh hùng Từ văn Bé, Nguyễn Hội, Nguyễn văn Búp.. lần nữa thảm thê với những xác chết không người thừa nhận.

Sau đó là trò hề bốn bên, hai phía. Ngày 10-2-1973, những Võ thọ Sơn, Lê mạnh Tiến (CS Hà Nội) và Nguyễn trọng Xuyên (CS Hà Nội trong mặt trận Ma) đòi đất đã cắm cờ ngày N nhưng vì không có đất thật và dân chúng cũng không muốn về với cách mạng, nên cái phái đoàn KV4 bỏ phòng có máy lạnh và tiện nghi đầy đủ ở khách sạn Hồng Hưng, về trại David trong phi trường Tân Sơn Nhát, cho an toàn.

Nay lịch sự bị sang trang, nhiều người một thời Bình Thuận-Phan Thiết đầu trần chân đất, nay nhờ cơ hội ngàn năm do VC mang tới, được du học khắp thế giới bằng ghe chài và hơi hám của quân, công, cán, cảnh VNCH. Trong số này, nhiều người đổ cao làm tới phụ tá tổng trưởng tư pháp Mỹ. Một số khác thành khoa bảng, trí thưc, thương gia với hàm bác sỹ, luật sư, giáo sư, kỹ sư và đủ thứ chức vị trong xã hội..nên đã gần như quên hết lớp muối mặn của biển sóng và lớp bùn đồng nắng cháy chồn quê làng, để dửng dưng xếp hàng làm ông này bà nọ hay tàn nhẫn hơn khi về bưng bợ với VC để bốc lột chính đồng bào mình tại Phan Thành. Họ đâu cần biết về những ngày lao đao lận đận của quê hương, của những người đứng đầu làm bia đỡ đạn cho họ trốn giặc.

Xin hãy dành một chút lòng nhân ái, một chút danh dự của họ hàng và một chút tự trọng của con người, để hướng về quê hương miền biển mặn, mà khóc cho nhân thế và non sông đang chìm đắm trong vũng bùn ô nhục trong xã nghĩa thiên đàng, dù chúng đang cố sơn phết và đang được một ít bọn việt gian Bình Thuận lén lút tuyên truyền.

Rồi nghìn năm sau đó, không biết có ai còn nghĩ như ta, để tiếp tục viết về nghìn năm trước, đã có không biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ, từng đi qua những con đường của Bình Thuận, luôn đẫm đầy máu lệ, suốt ba thế kỷ thăng trầm.

' Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử '

Vì lịch sử do con người tạo nên , được sao chép lại để lưu danh và bôi bác, trong đó ai cũng có phần, cho nên đừng tưởng là lịch sử không nhắc tới mình là mọi sự sẽ qua như gió thoảng. Nên dù người sống có khoan hồng vì tính nhân từ của dân tộc Việt, nhưng ai cản được những oan hồn uổng tử của đồng bào, chiến sĩ VNCH đã chết trong chiến cuộc, tù ngục, chết vì đạn bom, chết bởi uất ức vì bị VC phản bội lý tưởng, cướp của đọa đầy sau ngày 30-4-1975..đội mồ sống lại đòi mạng, đòi của, đòi nhà ruộng ghe thuyền lều nước mắm và những người thân, bị lương bịp theo cọng sản lót đường, đỡ đạn cho tư bản đỏ của đảng làm giàu ngày nay -/-

Xóm Cồn

Chạp 2005

MƯỜNG GIANG

No comments:

Post a Comment