Saturday, July 15, 2023

 Tháng 3/75 , sau cuộc triệt thoái của Sư Đoàn 1BB và các đơn vị TQLC từ Huế về Đà Nẵng thì các tỉnh Quảng Ngãi , Quảng Tín cũng như các quận lỵ Ba Tơ , Minh Long , Sơn Hà , Trà Bồng , Tiên Phước, Hiệp Đức , Quế Sơn v.v...ở phía Nam Đà Nẵng và BTL Sư Đoàn 2BB tại căn cứ Chu Lai lần lượt xụp đổ như những quân Dominoes chỉ sau vài loạt pháo kích . Lãnh thổ Quân Đoàn I càng thu hẹp dần với hai tỉnh cuối cùng là thị xã Đà Nẵng và tỉnh lỵ Hội An tức Biệt Khu Quảng Đà tạm thời còn đứng được khi còn căn cứ Hỏa Lực Nông Sơn của Liên Đoàn 1 BĐQ [?] vì đó chính là cửa ngõ ngăn chặn mức tiến của Cộng quân từ Trường Sơn ra vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam đánh vào thị xã Đà Nẵng .


Nông Sơn là một ngọn núi trọc như khối đất khổng lồ , lớn cùng cỡ như núi Bà Đen ở vùng III nhưng không cao quá 1500 feet và nằm tách rời với dãy Trường Sơn rậm rạp ở phía sau , trong vùng rừng núi phía Tây Nam các quận Đức Dục , Đại Lộc và Thượng Đức thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Nam . Xung quanh tứ bề bao bọc bởi các thung lũng sâu thẳm, cùng đổ vào dòng sông Thu Bồn chảy ra cửa biển Hội An nên những mùa mưa lớn năm nào dân chúng cũng chịu cảnh lũ lụt lầm than .

Bên dưới chân núi là khu vực kỹ nghệ An Hòa còn gọi là khu mỏ than Nông Sơn với con đường xe lửa ngoằn ngoèo uốn theo sườn núi từ mỏ than ra tận Trà Kiệu và Duy Xuyên là huyết mạch chính yếu để vận chuyển than đi các vùng ngoài .

Từ trên đỉnh Nông Sơn nhìn xuống , phi trường An Hòa nằm giữa những thửa ruộng ô vuông đều đặn như hình bàn cờ . Một phi đạo nho nhỏ chạy dài theo hướng East/West song song với con sông , đa số chỉ dành cho trực thăng và các fixed- wings loại nhỏ . Những ngày chiến trường sôi động khi còn quân đội Mỹ vào những năm 69-70 , phi trường An Hòa lúc nào cũng nhộn nhịp từng đoàn trực thăng lên xuống để refills sau những phi vụ hành quân trực thăng vận mỗi ngày . Liên Đoàn 41 tác chiến khi ấy bên trực thăng VN mới chỉ có một mình PĐ 213 . Các phi vụ HQ phần đông bay cho Biệt động Quân hoặc Trung đoàn 51 Biệt Lập với những phi vụ "search & destroy" ầm ĩ vui nhộn cả vòm trời ... Ở đầu phi trường hướng Đông Bắc , nối liền An Hòa với Quận Đại Lộc là cây cầu Tự Do [ Liberty Bridge ] ; có lẽ không binh sĩ Mỹ nào đã từng đóng quân ở ĐNG lại có thể quên được cái tên quen thuộc ấy vì đó là trục lộ quân sự rất quan trọng , rất nhộn nhịp lúc bấy giờ .

Bản doanh BCH Liên Đoàn I BĐQ nằm trên chóp đỉnh Nông Sơn . Trung tá Phất , chỉ huy trưởng , là một sĩ quan trẻ cùng gốc Võ Bị Đà Lạt với Tr/tá Cao Q. Khôi , PĐT 213 . Thỉnh thoảng anh hay ghé phi đoàn thăm nên rất thân thiện với anh em trực thăng . Với vóc dáng cao ráo mảnh mai trong bộ quân phục rằn ri BĐQ và chiếc nón beret màu nâu nghiêng nghiêng trên mái tóc , anh giống như một Michael Cain oai hùng trong các film chiến tranh hồi xưa .. Mấy ngày 26 , 27 cuối tháng 3/75 , tự dưng mọi phi vụ HQ đều bị đình trệ, suốt ngày không có phi cơ nào cất cánh ngoại trừ những chuyến bay di tản . Anh em chán nản ngồi chờ trong những phi vụ trực standby , đánh bài mãi cũng không hết giờ . Tuy mới biệt phái Chu Lai về nhưng thấy có phi vụ vào Nông Sơn , tôi hăng hái đi bay liền !

Đêm 25/3/75 căn cứ Chu Lai bị thất thủ cùng với BTL/SĐ 2 BB . Phi đoàn phái tôi vô bốc Đại tá TMT và một số sĩ quan tham mưu SĐ2BB còn sót lại . Chúng tôi xuống được bãi VIP bên cạnh BTL trong cảnh đạn nổ và lửa cháy bập bùng nhưng lập tức các binh sĩ ùa lên phủ kín cả thân tàu như ổ kiến không tài nào cất cánh nổi . Mấy lần bốc tàu lên lại rớt xuống , cuối cùng tôi đành phải chịu bỏ lại phi cơ , dẫn theo mấy sĩ quan tham mưu BB cùng chạy xuống bãi biển Kỳ Hà. Chúng tôi núp trong những khe đá dưới bãi biển , chờ đến gần 3 giờ sáng thì Không Đoàn 51 mới cho phi cơ của PĐ 257/ tản thương vô đón về .

Buổi sáng , cất cánh bay vào Nông Sơn tôi vô tình quên cả sự dè dặt với tình hình chiến sự mới . Vừa ra khỏi vòng đai phi trường ĐNG tôi đã xà xuống khu cầu Cẩm Lệ , bay là là trên những ruộng dưa hấu xanh tươi rậm rạp trải rộng hai bên bờ sông Cẩm Lệ như tìm vui chút cảm giác thanh bình mơ hồ nào đó . Những trái dưa xanh lớn và dài bò tua tủa trên mặt cát vàng dưới gầm cầu trông thú vị ... Sau đó mới nhẹ nhàng kéo cyclic móc đầu lên lấy hướng Tây Nam rồi bay thẳng vào Nông Sơn không chút do dự như những phi vụ đã quen bay trước kia .

Vùng đồi 55 [ BCH/TRĐ51 ] và quận lỵ Đại Lộc vẫn còn im lìm dưới lớp sương mờ buổi sáng . Khi qua khỏi khu cầu Tự Do và phi trường An Hòa tôi mới ngạc nhiên để ý thấy cảnh dân chúng lũ lượt quẩy gánh từ các miền thung lũng dưới chân núi kéo ra rất đông [ vì sắp có chiến trận ] nhưng không tìm hiểu thêm làm gì ! Quẹo trái qua vùng thung lũng phía Nam để lấy thêm cao độ rổi theo hướng Bắc vào thẳng bãi đáp nhỏ bé có hình chữ H nằm sát bìa núi . Bên phải là hầm Chỉ Huy chồng chất nhiều lớp bao cát trên nắp rất kiên cố . Lá cờ vàng ba sọc đỏ trước miệng hầm tung bay phất phới theo chiều gió khá mạnh... Ở bãi đáp chờ đợi một lát vẫn không thấy ai ra liên lạc , tôi định tắt máy nhưng gió quá lớn cánh quạt phi cơ không chịu ngừng , con tàu dập dình như muốn lao xuống triền núi ! Tôi quay máy trở lại rồi cho HSQ cơ phi vào liên lạc BCH . Vị sĩ quan phụ tá nói Tr/tá bảo chúng tôi về ĐNG chờ , Ông sẽ gọi lại ... Không ngờ đó cũng là phi vụ cuối cùng tôi bay vào Nông Sơn !

Trở về ĐNG , liên lạc báo cáo HQCC thì được lệnh hủy bỏ phi vụ vì căn cứ Nông Sơn đã bị overun , sau chưa đầy mấy phút ! Nếu không vì gió lớn có lẽ chúng tôi đã cùng chung số phận với các chiến sĩ BĐQ và Tr/tá Phất trên núi Nông Sơn . Có thể là số còn may mắn ; nhưng sự việc xẩy đến đối với tôi như một phép lạ nhiệm màu hơn là một sự hên xui ! Tôi thầm khấn nguyện cám ơn Thượng Đế - Ngài vừa cho tôi an toàn ở Chu Lai giờ lại bảo vệ tôi ở Nông Sơn - Tội nghiệp cho Tr/tá Phất và các chiến binh của ông không biết sau này [ sau 75 ] gia đình và thân nhân có tìm được thân xác của các anh để mang về mai táng cho đàng hoàng ? Họ là những chiến sĩ vô danh trong giờ phút đen tối nhất của lịch sử Việt Nam như biết bao anh hùng khác của Quân Lực VNCH .

Đêm hôm sau , 28/3/75 , từ vùng núi Nông Sơn hướng Tây Nam , Cộng Sản tha hồ tự do ồ ạt tấn công bằng hằng loạt đại pháo vào phi trường và thị xã Đà Nẵng mang theo sự xụp đổ cuối cùng của Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật .


Các tài liệu lịch sử sau 75 cũng như hồi ký của các vị tư lệnh ở Vùng I có trách nhiệm bảo vệ Thị Xã Đà Nẵng trong những ngày cuối cùng của tháng 3/75 , hầu như không ai nhắc đến trận chiến cuối cùng của các chiến sĩ BĐQ trên đỉnh Nông Sơn buổi sáng ngày 27/3/75 . Phỏng theo hồi ký [ The 25 year Century pages 363,364,365,366...] của tướng Lâm Quang Thi , tư lệnh QĐ I Tiền Phương kể lại thì vào ngày giờ ấy [ chiều 27 và sáng sớm 28/3 ] các tướng lãnh đang bận rộn tìm đường thoát thân rời khỏi Đà Nẵng bằng chiến hạm HQ 404 và 405 của HQ Vùng I Duyên Hải. Tướng Trưởng TL/QĐI và tướng Khánh TL/SĐIKQ phải bỏ trực thăng mà bơi ra tàu Hải Quân ! Không biết dựa vào nguồn tình báo nào mà các tướng lãnh lại nghĩ rằng Đà Nẵng đã mất vào tay CS ? Trong khi trên thực tế nửa đêm 28/3 tôi còn đáp chiếc trực thăng cọc cạch nhất [ luôn luôn có chứng bệnh kinh niên - rung và hydraulic rỉ dầu trường kỳ ] mang số 107 của phi đạo 213 xuống sân bay Non Nước và ngủ một giấc ngon lành trên bãi cỏ bên cạnh đường phi đạo cho đến sáng 29/3/75 khi Tr/tá Ng.V Mai [PĐT 247] đáp chiếc Chinook bên cạnh làm giật mình thức dậy . Anh Mai hỏi tôi " Sao mày chưa đi ? Tụi nó bay hết rồi ! "... Suốt ngày 29/3 cho đến gần 5.00pm chiều tôi mới cất cánh rời ĐNG cùng với PHĐ 213 gồm Đ/úy Vui , Cang, Đương và Xiêm; khi ấy những toán quân VC đầu tiên từ vùng biển Hội An tiến về tiếp thu ĐNG mới chỉ tới khu đồn Đại Hàn cũ cách Non Nước [ Khu Ngũ hoành Sơn ] chừng 2 miles / South .

Để sự hy sinh cao cả của các anh không bị quên lãng vô nghĩa ... Tôi xin phép được ghi lại biến cố này như nén hương lòng dâng kính anh linh các Anh Hùng chiến sĩ LĐ I BĐQ trên căn cứ Hỏa Lực Nông Sơn / Vùng I Chiến Thuật !!!





Th/hg


Song Chùy 213 / KĐ 51 CT / SĐ IKQ

No comments:

Post a Comment