Sunday, August 20, 2023

 Sau Hội nghị du kích chiến tranh của Quân khu 6 (4-1974), phong trào nhân dân du kích dấy lên khắp nơi. Trong kế hoạch hoạch 1974-1975, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân khu 6 kết hợp với Quân khu 7 giải phóng 2 huyện Hoài Đức và Tánh Linh của Bình Tuy, góp phần hoàn chỉnh căn cứ miền Đông Nam bộ[2]. Hoài Đức và Tánh Linh là 2 địa bàn có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược do các mối liên quan chặt chẽ với miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên. Làm chủ được vùng này sẽ góp phần chia cắt được quân khu 2 và 3 của địch, xác lập bàn đạp để bao vây tiến công Sài Gòn từ hướng Đông.

Bộ chỉ huy chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh được hình thành, gồm 5 đồng chí do đồng chí Đặng Sĩ Ngọc - Tư lệnh Sư đoàn 6 - Quân khu 7 làm Chỉ huy trưởng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Sư đoàn 6 của Quân khu 7, Trung đoàn 812, Tiểu đoàn đặc công 200C của Quân khu 6 cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Bình Tuy, du kích và các đội công tác của 2 huyện Hoài Đức, Tánh Linh. Đồng thời, ta huy động thêm lực lượng phía sau đi dân công phục vụ chiến trường, mở thêm tuyến đường ôtô từ Hàm Thạnh đến phía Tây Biển Lạc để vận chuyển hàng phục vụ chiến đấu[3].

Sau thời gian chuẩn bị, 2 giờ 35 phút ngày 10-12-1974, ta tấn công cứ điểm Lồ Ồ. Sau mấy tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm. Cứ điểm Lồ Ồ là một đỉnh cao then chốt, có lợi thế khống chế cả khu vực xung quanh và bảo vệ trực tiếp cho chi khu Tánh Linh. Chính vì vậy mà mất cứ điểm này, Chi khu Tánh Linh rơi vào tình thế bị uy hiếp hết sức nghiêm trọng, tinh thần quân lính sa sút, hoang mang.

Cùng thời gian này, các đơn vị còn lại của Trung đoàn 812 và lực lượng vũ trang tỉnh, huyện đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu trong khu vực; đồng thời diệt luôn Phân Chi khu Sùng Nhơn, hỗ trợ cho đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ. Ngày 24-12-1974, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ lệnh tiến công Chi khu Tánh Linh, quét sạch quân địch. Trên đà thắng lợi, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung mọi sức lực để giải phóng tiếp chi khu Hoài Đức, kết thúc chiến dịch. Lúc này, địch đã điều lực lượng tăng cường cho chi khu Hoài Đức đồng thời lập thêm trận địa pháo ở Trà Cổ để hỗ trợ cho chi khu này. Đêm 3-1-1975, ta bắt đầu nổ súng đánh vào chi khu. Bảy ngày sau ta mới chiếm được một số thôn xung quanh chi khu và bị thương vong khá nặng. Trước tình đó, Bộ Chỉ huy Miền cho kết thúc chiến dịch[4].

Chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh kết thúc, tuy chưa thực hiện được trọn vẹn kế hoạch đề ra, song ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và hầu hết vùng nông thôn của huyện Hoài Đức với trên 30.000 dân, tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, góp phần rất quan trọng vào chuyển biến tình hình, tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn quê hương.

Đầu năm 1975, trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công, tinh thần quần chúng sôi sục. Tháng 1-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm, trong 2 năm 1975 - 1976 sẽ giải phóng miền Nam.

Tiếp đó, kế hoạch chiến lược trong 2 năm 1975 - 1976 đã được Bộ Chính trị thông qua, trong đó hướng tiến công chiến lược chủ yếu của đầu năm 1975 là Tây Nguyên, mở vùng giải phóng nối liền Nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ và cùng phối hợp tiến đánh Sài Gòn. Bộ Chính trị còn dự kiến thêm phương án “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”[5].

Thực hiện chủ trương trên và nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền giao, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 6 đã hạ quyết tâm sử dụng lực lượng của quân khu và của Bình Tuy để tiêu diệt Chi khu Hoài Đức trong thời gian ngắn nhất, sau đó đưa toàn bộ lực lượng lên đường 20 phối hợp với chủ lực của Miền phát triển về hướng Tây Nguyên.

Về cách đánh, Ban chỉ huy chiến dịch quyết định dùng lối đánh “bóc vỏ” để bao vây, cô lập và sau đó dùng các mũi đột phá bằng đặc công và bộ binh để dứt điểm chi khu. 23h ngày 16-3-1975, ta tấn công Chi khu Hoài Đức. Sáng ngày 20-3, quân ta hoàn toàn làm chủ chi khu. Đến ngày 23-3-1975, huyện Hoài Đức được hoàn toàn giải phóng[6].

https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/19772/tu-chien-dich-hoai-duc-tanh-linh-den-giai-phong-hoan-toan-que-huong-binh-thuan

No comments:

Post a Comment