TÂN CẢNH THẤT THỦ - Theo lời kể của các cố vấn Mỹ của sư đoàn 22 bộ binh
Căn cứ Tân Cảnh Căn cứ Tân Cảnh chụp bởi một ng lính thuộc đại đội C thuộc TĐ 2/35 của sđ 4 bộ binh Mỹ.
LỜI NÓI ĐẦU: Nhờ lang thang trên mạng, tôi đã biết trong trận Dak To - Tân Cảnh 1972, John Paul Vann, cố vấn trưởng của QĐ 2 đã dùng trực thăng riêng để nhiều lần đáp xuống Tân Cảnh cứu hết cố vấn. Thông tin này đã dẫn tôi đến bài sau đây nói về những giờ phút cuối cùng tại bộ tư lịnh (BTL) của sđ 22 bộ binh VNCH năm 1972. Bài viết này có nhiều thông tin chưa từng đăng trên báo chí Việt ngữ ở hải ngoại. Dù được kể rất chi tiết bởi các cựu cố vấn của sđ 22 nhưng bài viết này ko thể nào giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ vì phần lớn họ chỉ viết về các hoạt động của cố vấn Mỹ. Trong khi đó, sau 1975, nhiều sĩ quan VNCH từng dự trận này, nhưng do nhiều lý do khác nhau đã ko viết lại những gì mình biết hay thấy trong trận này. Chỉ có vài người như các ông Tôn Thất Hùng, Trịnh Tiếu, Bùi Đức Lạc, Hà Quế Linh, Nguyễn văn Thịnh, đã viết về trận Tân Cảnh 1972, nhưng ko đầy đủ như bài viết trên đây của cố vấn Mỹ. Vì sau khi rút quân về nước sau năm 1973, họ mang theo gần như toàn bộ các báo cáo sau khi hành quân (after action report) trong thời gian làm cố vấn cho các đv VNCH, kèm theo là bản đồ hay phóng đồ hành quân, v.v... Trong khi đó, các cựu chiến binh VNCH, khi viết hồi ký phần lớn chỉ dựa vào trí nhớ, nên dễ thiếu sót -- trừ một số ít có trí nhớ phi thường như cựu thiếu tá Vương Mộng Long.
Sau đây là phần chuyển ngữ từ trang 38 đến 42 của chuyên khảo (monograph) này.
. . .
BÀI I - TRẬN TẤN CÔNG VÀO CĂN CỨ TÂN CẢNH
"Ngày 18/4 căn cứ hỏa lực (CCHL) Charlie ở đầu phía bắc của Rặng Hỏa Tiển (Rocket Ridge) đã bị pháo hơn 300 đạn đại bác 105 ly và 75 ly ko giật, theo sau là cuộc tấn công của bộ binh thuộc trung đoàn 48 csbv. Rặng núi này được gọi là Rặng Hỏa Tiển vì địch quân thường bắn hỏa tiển từ núi này -- người dịch. Dù được trực thăng Cobra và chiến đấu cơ hỗ trợ hết mức, lúc 22:30 giờ TĐ 11 Dù buộc phải rút lui. Thiếu tá John Duffy, cố vấn của TĐ, là người cuối cùng rời vị trí. Ông cho biết 5 trong số 9 súng phòng không bao quanh CCHL đã bị phá hủy và có cả ngàn xác địch quân phơi thây trên hàng rào phòng thủ.
Trung đoàn 42 và 47 VNCH đã tiếp tục cố gắng kiểm soát các đồi núi quanh các căn cứ Tân Cảnh và Dak To II, cách đó 5 km về phía tây, nhưng từ từ rút về căn cứ chánh. Vào ngày 19/4, TĐ 1/42 đã bị vây bởi khoảng hai TĐ CSBV, khiến ko thể tiếp tế. Đại tá Đạt đã ko thể tiếp cứu lực lượng này. Sau khi hết đạn, 63 trên quân số 360 người của TĐ này đã về được căn cứ của trung đoàn.
Ngày 20/4 bộ tổng tham mưu đã yêu cầu QĐ II trả lại lữ đoàn dù để đưa ra vùng 1. Thay thế họ sẽ là liên đoàn (LĐ) 6 BĐQ bốc từ Huế, và trung đoàn 53 của sđ 23 bộ binh.
Lúc 19:30 giờ ngày 21/4, sau khi bị tấn công dữ dội nhiều ngày bằng pháo, CCHL Delta bị tràn ngập. Quân phòng thủ gồm một đại đội Dù và một đại đội của LĐ 2 BĐQ đã cầm cự cho tới khi quân tấn công được ba xe tăng hỗ trợ. Để bù đắp những thất bại trên Rặng Hoả Tiển và phòng thủ chiều sâu, tướng Ngô Dzu đã di chuyển một số đại bác về Diên Bình trong quận Dak To.Trước đó mấy tuần, Vann (cố vấn QĐ 2) đã đề nghị như vậy nhưng tướng Dzu ko nghe.
Vào ngày 23/4 việc phòng thủ ở Tân Cảnh có vẻ thỏa đáng. Một số CCHL của Dù hay BĐQ trên Rặng Hoả Tiển vẫn nhận được tiếp tế. Các cố vấn cho biết tinh thần của các đơn vị này rất cao. Trung đoàn 47 ở Dak To II có một đại đội (company) chiến xa và một TĐ dù yểm trợ. Họ cũng có hai đại bác 106 ly không giật và nhiều súng chống tăng M-72 (LAW). Sư đoàn 22 ở Tân Cảnh có trung đoàn 42 và một TĐ của trung đoàn 41 nằm gần căn cứ. Quân phòng thủ ở đây gồm 1.200 người, bao gồm 900 người làm về hành chánh tiếp vận, ko có kinh nghiệm chiến đấu. Để chống tăng, căn cứ có hai súng 106 ly không giật, hơn 100 khẩu M-72, và một đại đội tăng M-41. Ngoài ra còn có 50 đại bác 105 và 155 ly. Khu vực này có vẻ đã chuẩn bị kỹ cho một cuộc tấn công của nhiều sđ đang đe dọa nó. Nói thêm: tuy căn cứ Tân Cảnh có quân số 1.200 người như trên nhưng có đến 900 người lo về hành chánh tiếp vận, ko được tổ chức hay biên chế để phòng thủ căn cứ. Trong căn cứ, ngoài đại đội xe tăng, các pháo đội, hậu cứ của sđ 22 và trung đoàn 42; còn có đại đội 22 và 42 trinh sát để bảo vệ bộ tư lịnh, và thương binh hay lính hết phép chờ ra hành quân -- người dịch.
Vào ngày 23/4, dù những dấu hiệu rõ ràng của một tấn công của địch đã có từ đầu tháng Giêng, chiến dịch mà người ta chờ đợi đã lâu vẫn chưa bắt đầu. Những cuộc chạm súng với những đơn vị của CSBV đã gia tăng đáng kể trong 2 tuần trước đó vì khu vực Tân Cảnh- Dak To II đã bị bao vây. Pháo binh địch đã gia tăng từ 20 tới 50 viên mỗi ngày vào cuối tháng Ba và đầu tháng Tư trở thành khoảng 1.000 viên mỗi ngày trong 2 tuần trước. Cộng quân đã kiểm soát những khu vực phía bắc và đông của căn cứ Tân Cảnh và có thể bắn chính xác vào căn cứ.
Vào ngày 23/4, nằm trên nóc một hầm trú ẩn ở phía đông bắc của chu vi phòng thủ của căn cứ Tân Cảnh, đại úy Raymond Dobbins, quyền cố vấn trưởng của trung đoàn 42 VNCH, ko để ý nhiều đến những loạt đại bác và hỏa tiền, thường xuyên rơi như mưa vào tiền cứ này của sư đoàn 22. Hậu cứ của sđ vẫn còn ở tỉnh Bình Định — người dịch. Dù hoàn toàn phơi mình trước hỏa lực chính xác và chết người nầy, ông vẫn bình tỉnh gọi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu do các cấp chỉ huy Việt Nam cung cấp. Ông đã biết rằng một TĐ của 42, ý nói trung đoàn 42, yểm trợ bởi bốn chiếc M-41, trong một cuộc hành quân (HQ) gần đó, đã bị pháo dữ dội bởi hỏa tiển 122 ly, pháo 130 ly, và cối 82 ly và rất cần không lực Mỹ mà ông đang điều chỉnh — trong khi họ lại được lịnh tiến vào một khu vực rất nguy hiểm kế cận tuyến phòng thủ của họ. Ông vừa thoáng nhìn khu vực cổng chánh nơi một chiếc M-41 vừa đi qua để tải thương một người lính. Vào lúc đó một ánh sáng lóa lên và sau đó là một tiếng nổ chứng tỏ xe tăng này bị trúng đạn chống tăng và hủy diệt. Vì nghĩ rằng đó là đạn B-40 nên một sĩ quan VN đã gọi cho đại úy Dobbins. Ông liền báo cáo vị trí chiếc M-41 này cho trung tâm hành quân của sư đoàn, viết tắt là DTOC, mà người nhận là thiếu tá Jon Wise, cố vấn của phòng 3 sư đoàn 22. Ông này báo ngay cho đại tá Philip Kaplan, cố vấn trưởng của sđ và trung tá Terrence McCain, cố vấn phó của sđ. Sau khi thảo luận, cả ba nhận định rằng ko thể là hỏa tiễn B-40 vì tầm hoạt động của nó chỉ 200 m và địch ở cách chiếc tăng này trên 500 m. Đại tá (ĐT) Kaplan, trung tá McCain và thiếu tá George Carter, cố vấn trưởng của thiết đoàn 14 đi đến chiếc xe tăng này. Vào lúc đó một phi đạn điều khiển bằng dây lướt nhanh (whisk) qua đầu họ và trúng một xe tăng khác khoảng 150 m ở phía bắc vị trí của họ ở cổng chánh. McCain chạy nhanh tới xe này và thấy một lổ nhỏ cỡ một đồng đô-la (silver dollar) ở phần giáp sắt phía trước. Đồng silver dollar hình tròn, đường kính 38.1 mm, dầy 2.4 mm -- người dịch. Ở bên dưới xe tăng là phần đuôi của hỏa tiển. Quan sát kỹ lưỡng, họ thấy hỏa tiển này có đường kính khoảng ba inch hay 7.62 tấc với hai cuộn dây (bobbin) và hai lổ thoát hơi (nozzle) ở trên thân của nó. Ba cố vấn nhanh chóng trở về trung tâm hành quân (TTHQ) của sđ trong khi Dobbins tiếp tục điều chỉnh không kích. Trước khi ba vị này tới TTHQ của sđ, thêm hai hỏa tiển loại này được bắn đi từ một cao điểm ở phía đông bắc kế cận một chùa Phật giáo. Cả ba người đồng ý rằng việc sử dụng vũ khí tối tân này có thể là hiệu lệnh bắt đầu của một tấn công lớn mà mọi người chờ đợi từ lâu. Vào lúc đó một tiếng nổ lớn làm rung chuyển mạnh (rock) TTHQ của sđ khiến mọi người và đồ vật văng tung tóe (crash about); kế đó mọi thứ đều yên tỉnh ngoại trừ tiếng đại bác của địch tiếp tục rơi trên mặt đất.
TTHQ của sđ là một hầm chống pháo kích rất chắc chắn có diện tích 45 x 30 feet hay 13.7 mét x 9.1 mét, làm từ xà gỗ và vỉ PSP, một loại vỉ sắt dùng để lót các sân bay dã chiến — người dịch. Hầm ở cách mặt đất khoảng 8 feet hay 2.4 mét và trên nấp hầm có hai lớp bao cát. Tác động của vụ nổ đã thổi bay vài bức tường. Phòng truyền tin và máy móc và phòng ngủ của các sĩ quan của TTHQ bị hư hại nặng. Trong khi trung tá McCain được đỡ dậy (pull to his feet), ông vẫn tiếp tục ù tai do tiếng nổ. Sau đó ông cũng biết đại tá Kaplan và thiếu tá Wise bị thương nặng ở đầu. Không có người Mỹ nào khác bị thương, nhưng có khoảng 20 quân nhân VNCH chết và bị thương nặng nằm trên sàn nhà đầy mảnh vụn của TTHQ sđ. Trung úy John Jones, một sĩ quan thuộc phòng 3, và đại uý David Stewart, cố vấn về truyền tin của sđ, đã bắt đầu băng bó cho Wise và Kaplan, trong khi McCain điều trị các thương binh VNCH. Trong khi người bị thương được săn sóc, đại tá Kaplan đã nhận thấy khói bắt đầu phủ đầy TTHQ của sđ. Những thanh gỗ tẩm dầu (creosoted timber) dùng để gia cố ở khu vực truyền tin của TTHQ đã bắt lửa (ignite) do vụ nổ và bắt đầu cháy dữ dội. Nói thêm: Để chống mối mọt cho gỗ, người ta thường ngâm gỗ trong chất creosote — người dịch. Không có bình chữa cháy, và sau vài lần dập tắt lửa vô vọng bằng nước, cuối cùng mọi người đều phải rời bỏ TTHQ.
Trong khi đó, Stewart và thiếu tá Julius Warmath đã bắt đầu lập một TTHQ mới của sđ trong TTHQ của trung đoàn 42, cũng nằm trong căn cứ Tân Cảnh, bằng cách dùng máy móc truyền tin của Mỹ. Sư đoàn 22 từ từ đã lấy lại phần nào sự điềm tỉnh (composure) của nó, nhưng một hạt giống nghi ngờ đã bắt đầu nảy mầm (plant) trong đầu của vị tư lịnh, tức đại tá Đạt. Phi đạn điều khiển bằng dây này, ko những chỉ tàn phá TTHQ của sđ, mà còn tàn phá sự tin tưởng của quân nhân của sđ 22 vào chính họ. Một cảm tưởng rằng quân CSBV là những chiến binh giỏi và sẽ chiến thắng có vẻ đã xuất hiện gần như trong đầu mọi người. Vào buổi trưa, địch quân đã gây tổn thất lớn lao (take a heavy toll) cho các lực lượng VNCH qua việc dùng phi đạn điều khiển bằng dây này. Nói thêm: Người ta phân biệt hỏa tiển (rocket) với phi đạn (missile) vì phi đạn có thể điều khiển, ví dụ như phi đạn Sagger trong trường hợp này, còn hỏa tiển ko thể điều khiển như hỏa tiển 122 ly — người dịch. Năm chiếc M-41 trong căn cứ hoàn toàn bị hủy diệt bởi các phi đạn này. Ngoài TTHQ của sđ còn một số bunker cũng bị phá hủy bởi nó. Nhưng sự tàn phá quan trọng nhứt là tâm lý. Lúc 11 g trưa, John Paul Van, cố vấn của QĐ 2, dù hỏa lực nặng nề của pháo binh địch, đã đáp xuống Tân Cảnh để hỏi thăm tình hình suy sụp (decay) này. Ông đã nhận thấy rằng quân VNCH KHÔNG PHẢN PHÁO (counterbattery fire) và rằng việc tải thương các thương binh VN hoàn toàn do phía Mỹ đảm trách. Sau khi thảo luận tình hình này với các cố vấn, Vann ra lịnh cho họ thực hiện kế hoạch thoát thân và lẩn trốn. Kế đó ông bay đi, mang theo vài nhân viên dân sự từng làm việc với các cố vấn Mỹ.
Trung tá McCain và thiếu tá Warmath đã làm việc liên tục trong buổi chiều để bảo đảm mọi người bị thương được di tản. Ngoài việc liên lạc với trực thăng dưới làn pháo địch, các cố vấn cũng khiêng thương binh ra trực thăng. Các cố vấn còn lại thì liên lạc với không quân để tấn công các mục tiêu gần căn cứ. Ngoài đạn pháo binh địch càng lúc gia tăng và những cuộc chạm súng nhỏ có tính thăm dò, phần còn lại của buổi chiều và lúc trời sụp tối đã qua đi mà ko có biến cố nào đáng kể. Tuy nhiên khoảng 19 g tối, lợi dụng lính VNCH mãi núp trong hầm để tránh pháo, từ một cao điểm gần sân bay L-19, mười lính CSBV đã dàn hàng ngang và bắn B-40 và B-41 vào kho đạn. Một trong những quả B-40 này đã gây cháy lớn khiến đạn nổ liên tục và tiêu hủy mọi đạn dược. Lúc 21 g, đại úy Richard Cassidy, cố vấn của Quận Dak To, đã nghe ông quận trưởng nói rằng xe tăng địch di chuyển ngang ấp Dak Brung để tới BCH chi khu Dak To. Cassidy đã chuyển tin này tới TTHQ của sđ 22 và yêu cầu một máy bay gunship C-130, có danh hiệu truyền tin là Spectre (Bóng Ma), lên vùng để đối phó đe dọa này.
Lúc 23 g chiếc Spectre đã tới khu vực Tân Cảnh và lập tức bắt đầu rà quét khu vực ấp Dak Brung bằng thiết bị theo dỏi bằng tia hồng ngoại và vô tuyến truyền hình. Sau 15 phút, chiếc C-130 gunship này đã xác định vị trí (locate) của một đoàn 18 xe tăng chạy từ tây sang đông tiến tới chi khu Dak To. Chiếc Spectre báo cáo phát hiện này cho các cố vấn của sđ 22 và đã bắt đầu bắn xe tăng với đại bác 105 ly. Sự phát hiện này đã khiến hoạt động ở Tân Cảnh nhộn nhịp lên (flurry). Trung tá Nguyễn hữu Thông, chỉ huy trung đoàn 42, bảo vị trung đoàn phó tới tháp nước ở tây bắc của chu vi phòng thủ để liên lạc với không quân đánh vào địch quân đang tới gần. Đại úy Ken Yonan, cố vấn của vị trung đoàn phó này, đã đi theo ông này tới tháp nước và chuẩn bị liên lạc với Spectre khi đoàn xe tăng hướng về Tân Cảnh. Vì nghĩ rằng một cuộc tấn công lớn lao có vẻ đang tới gần và quân VNCH KHÔNG CÓ BIỆN PHÁP GÌ ĐỂ PHẢN CÔNG, đại tá Kaplan họp các cố vấn và nói rõ cho họ về kế hoạch đào thoát và lẫn trốn. Kế đó ông yêu cầu họ ở trong các hầm trú ẩn để chờ đợi hậu quả của những đụng độ sắp xảy ra.
Trong khi đó chiếc C-130 gunship báo cáo đã bắn trúng ba xe tăng gần ấp Dak Brung. Lính ĐPQ tới gần một trong ba xe này nhưng thấy xe ko hư hại đáng kể, có lẽ bộ đội trên xe đã bỏ xe mà chạy khi bị Spectre tấn công — người dịch. Khi một toán đặc công CSBV xuất hiện trên đường, lính ĐPQ bỏ chạy, và địch quân lái xe đi mất. Rõ ràng, đại bác 105 ly của Spectre đã ít thành công khi diệt tăng. Vì đối với xe tăng T-54 của Liên Xô (LX) hay T-59 của Trung Cộng, khi bị bắn từ trên cao với đạn nổ mạnh, điểm yếu của chúng là bình xăng ở sau xe hay ngăn chứa động cơ ở sau xe. Bắn trúng nơi khác trên xe chỉ gây thiệt hại cho người nhưng ko thể làm xe bị phá hủy.
Khoảng giữa đêm, đoàn xe tăng này đã quay về hướng nam để tiến về Tân Cảnh và sđ 22. Đại tá Kaplan đã yêu cầu chỉ huy pháo binh VN cho cấp dưới bắn xe tăng địch trước khi họ bị tràn ngập. Lời yêu cầu đã được đáp ứng khi bốn tràng đại bác được bắn đi và Spectre cho biết đạn đại bác đã trúng một xe bồn chỡ xăng và rơi năm feet hay 1.5 mét cách một T-54 khác. Kaplan đã khen ngợi cố gắng này, nhưng một đợt phản pháo dồn dập của địch đã khiến lính pháo binh VNCH chạy nhốn nháo (scurry) về hầm trú ẩn của họ và đã chấm dứt mọi cố gắng chống cự địch bằng pháo binh của mình.
Để tới căn cứ của sđ 22, đoàn xe tăng này phải qua hai cầu. Cả hai cầu được bảo vệ bởi một trung đội ĐPQ. Vì ko có súng chống tăng, họ đã rút chạy khỏi vị trí. Sự kiện này đã chứng tỏ thiếu phối hợp giữa quân chính quy và ĐPQ. Hai cầu nằm trên đường tiến sát tới căn cứ Tân Cảnh và bắc qua những suối mà xe tăng ko thể vượt qua (unfordable). BTL SĐ 22 BB đã nghĩ rằng tiểu khu (TK) đã có kế hoạch phá cầu bằng chất nổ khi có lịnh, nhưng thực tế TK đã ko làm gì hết. Đúng là chết được — người dịch. Đoàn xe tăng tiếp tục tới ngoại ô của thị trấn Tân Cảnh. Một số xe ngừng ở đây nhưng những chiếc khác chạy về Dak To. Spectre xin được bắn những chiếc đã vào Tân Cảnh, nhưng bị từ chối vì có thân nhân của lính VNCH trong thị trấn. Nói thêm: thị trấn hay làng Tân Cảnh nguyên trước đây là làng Kon Hơ-jao, nằm ngay ngã ba QL-14 với tỉnh lộ 512 (chạy tới trại LLĐB Ben Het). Trước 1972, thị trấn rất sầm uất, có chợ búa, rạp hát, v.v...Căn cứ Tân Cảnh ở tây nam của thị trấn này, và bên trái của TL 512, trước đây là hậu cứ của trung đoàn 42 thuộc sđ 22 bộ binh, trong căn cứ có tháp nước; nay do nhu cầu chiến trường nên BTL sđ đã dời về đây. Riêng chi khu (CK) Dak To, nằm ở chính bắc và cách thị trấn Tân Cảnh khoảng 5km. Vì nghĩ rằng T-54 sẽ tiến về căn cứ Tân Cảnh từ Ben Het, nên phần lớn M-41 đã lên bảo vệ trại LLĐB này. Theo bài này, T-54 đã tiến về Tân Cảnh bằng cách chạy ngang CK Dak To -- người dịch.
Dobbins thuyết phục trung tá Thông lập các toán tìm và diệt tăng bằng cách lấy người từ một đại đội của trung đoàn 42. Cố gắng này đã có kết quả khi hai chiếc T-54 bị bắn cháy ở phía tây của làng. Lúc 0326 giờ ngày 24/4, Spectre báo cáo có 10 xe tăng rời làng Tân Cảnh tiến về một cao điểm ở Bắc của căn cứ, gần sân bay L-19. Những chiếc còn lại tiến về phía nam của Làng Tân Cảnh và chuyển về hướng tây tới căn cứ. Chiếc Spectre này bay về Pleiku để tiếp xăng và đạn dược và được thay thế bởi một Spectre khác trang bị 2 đại bác 20 ly và hai khẩu 40 ly ko thể hủy diệt T-54. Tuy nhiên, từ trên tháp nước cao, đại úy Yonan vẫn có thể chỉ điểm cho Spectre tác xạ vào những đơn vị bộ binh địch đang tiến gần căn cứ.
Dobbins đã ở phía đông của chu vi gần cổng chánh với trung tá Thông từ khi nhận tin về thiết giáp địch. Lúc gần 6g sáng, chiến xa đã tấn công xuyên qua lớp sương mù của sáng sớm. Chúng dùng đại liên 12.8 ly bắn vào các bunker trên chu vi phòng thủ gần cổng chánh. Cùng lúc đó, những xe tăng vừa chuyển lên cao điểm gần sân bay L19, nay từ đó yểm trợ cho bộ binh tấn công vào chu vi phía bắc, trong khi một lực lượng bộ binh tấn công vào chu vi phía nam, bảo vệ bởi đại đội trinh sát của trung đoàn 42. Dobbins báo cáo cho TTHQ về tình hình chiến xa địch và lính VNCH ồ ạt vượt qua hàng rào kẽm gai để rút lui. Lần đầu tiên thấy và nghe chiến xa địch đã khiến 900 lính vô kỷ luật và ko ai chỉ huy này đã bỏ chạy trong sợ hãi — Đây là lính trước giờ chỉ ở hậu cứ của sđ ở Bình Định, chuyên lo về hành chánh tiếp vận, chưa có kinh nghiệm chiến đấu như lính ở các đv tác chiến — người dịch.
Những xe tăng này vượt qua cầu và chạy hàng một về cổng chánh. Dobbins và trung tá Thông vẫn ở gần cổng chánh để cố gắng giữ vững tinh thần binh sĩ tác chiến dưới quyền trước cảnh lính của hậu cứ sđ chạy tán loạn trong kinh hoàng.
Sau khi nhận tin lính của hậu cứ sđ bỏ chạy, Kaplan ra lịnh cho cố vấn sđ chuẩn bị để trực thăng bốc đi nếu quân VNCH ko giữ được Tân Cảnh. Năm phút sau, Dobbins báo cáo xe tăng địch đã ở cổng chánh và quân VNCH ko thể cản chúng. Liên lạc truyền tin bị cắt do ba quả 105 ly rơi trúng TTHQ và làm ngả an-ten. Lúc này các cố vấn nghĩ rằng họ ko thể làm gì trước tình hình này. Họ rời TTHQ, mang theo súng, máy truyền tin, và hai M72 và tìm đường về tháp nước. Yonan vẫn ở tháp nước với hy vọng phá vỡ cuộc tấn công nếu máy bay tới. Xui xẻo thay, sương mù buổi sáng khiến máy bay ko còn hoạt động hiệu quả và trực thăng gunship thì 30 phút nữa mới tới. Đại úy Stewart, đang mang một PRC-25, gọi Yonan rời khỏi tháp nước và di chuyển với họ về hướng tây nơi mà trực thăng sẽ bốc. Yonan trả lời ko thể đi vào lúc này, nhưng sẽ gặp họ sau đó. Cuộc nói chuyện bị gián đoạn vì hai đạn đại bác T-54 nổ trên tháp nước. Stewart lại gọi cho Yonan khuyên nên rời tháp nước gấp nhưng Yonan trả lời tuy ko bị thương nhưng ko thể rời vào lúc này.
Bất chấp đạn pháo của đối phương, các cố vấn chạy về hàng rào phòng thủ phía tây. Ở đó họ thấy một T-54 đang cháy chạy rất nhanh (barrel down) trên đường từ hướng bắc ngay bên ngoài hàng rào kẽm gai. Xe tăng đã chạy qua vị trí của họ trước khi họ bắn xe này bằng M72. Tuy nhiên, khi chiếc thứ hai trong tầm nhắm, trung tá McCain và trung úy Jones đã thất vọng vì súng M72 bị trục trặc khiến chiếc này cũng chạy qua luôn. May mắn cho họ ko có bộ binh tùng thiết theo hai xe này. Lợi dụng cơ hội quý giá này, các cố vấn băng nhanh qua đường. Trước mặt họ là bãi mìn dài 200 m của phe ta. Một lính VNCH bị thương nằm gần đó. Trong khi được sơ cứu, người lính nói với cố vấn rằng y biết đường đi qua bãi mìn. Y đã dẫn họ đi qua bãi mìn tới phía bên kia của khu rừng thưa (clearing). Tới đây họ nghỉ ngơi chốc lát và suy nghĩ về bước kế tiếp.
Ông Vann đã thức suốt đêm trước đó khi tin tức liên tục gửi đến Pleiku. Khi trời mới hừng sáng, ông và phi công của ông, đại úy Richard Todd, trên đường bay tới Tân Cảnh. Ông đã ko thể liên lạc với các cố vấn từ khi thiết giáp địch tấn công BTL của sđ 22 bộ binh. Khi ở trên bầu trời Tân Cảnh, ông đã liên lạc với Steward đang ở dưới đất. Vann đã xem xét tình hình và hỏi cách nào tốt nhứt để cứu các cố vấn. Đại tá Kaplan, cố vấn trưởng của sđ 22 đã trả lời rằng họ sẽ di chuyển thêm 200 m về phía tây để tránh đạn súng nhỏ. Khi sáu cố vấn di chuyển, ba người cố vấn còn lại bắn che chỡ cho họ, sau đó họ đã gặp nhau. Cuối cùng họ quyết định rằng Vann có thể đáp xuống bằng chiếc OH-58 của ông để bốc toán cố vấn đầu tiên.
Đó là thiếu tá Carter, thiếu tá Warmath, đại úy Keller, thiếu úy Jones, trung sĩ Ward và hạ sĩ Zollenkopher. Trong khi Vann cất cánh với nhóm cố vấn này, vài lính VNCH quá sợ hãi đã bám vào càng trực thăng. Sợ rằng các người lính này sẽ rớt trước khi máy bay tới trại Ben Het, ông đáp xuống căn cứ Dak To II, nơi trung tá Robert Brownlee và đại úy Charles Carden, cố vấn của trung đoàn 47 bộ binh, đang chờ họ. Sau đó Vann trở lại Tân Cảnh để cứu các cố vấn còn lại. Khi máy bay vừa đáp xuống, khoảng 15-20 binh sĩ VNCH quá sợ hãi tràn lên máy bay. Khi cố gắng cất cánh, máy bay đã rơi, nhưng Vann và đại úy Todd thoát được. Sau đó, một máy bay khác đã cứu họ và sau đó tìm (locate) được ba cố vấn còn lại gồm Kaplan, McCain và Stewart. Các người lính VNCH hoảng loạn, lần nữa đã cố gắng trèo lên máy bay nhưng ko thành công, và máy bay đã cất cánh mà ko có họ. 30 phút sau, máy bay đã đáp xuống Pleiku".
. . .
Chuyển ngữ từ trang 38-42 của: Wayback Machine (archive.org)
Bài thứ hai sẽ là trận đánh ở căn cứ Dak To II, sẽ dịch sau.
=================
PHẦN ĐỌC THÊM: Sau đây là đặc điểm của máy bay AC-130.
1/ Phiên bản AC-130 H (Spectre), đã dùng trong trận Dak To -Tân Cảnh. Trang bị:
2 đại bác 20 ly M61 Vulcan.
1 đại bác 40 ly L/60 Bofors bắn 120 viên/phút.
1 đại bác 105 ly bắn 6-10 viên/phút.
2/ Phiên bản AC-130 U (Spooky II) trang bị:
1 đại bác 25 ly GAU-12/U Gatlin 5 nòng bắn 1.800 viên/phút.
1 đại bác 40 ly L60 Bofors 120 viên phút.
Ở phiên bản này, có hệ thống áp lực khoang tàu (cabin pressure system) khiến phi hành đoàn có thể bay cao và bay xa hơn. Hiện nay các máy bay dân sự đều có hệ thống này.
San Jose ngày 3 tháng 9 2023.
Tài Trần
=======
No comments:
Post a Comment