Tuesday, July 25, 2023

 Chiến thắng Hoài Đức- Bắc Ruộng, một trận đánh xuất...

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ trực tiếp nhảy vào Miền Nam hất cẳng thực dân Pháp, dựng Ngô Đình Diệm làm tay sai hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Được đế quốc Mỹ ủng hộ, Ngô Đình Diệm giương cao ngọn cờ chống cộng, thẳng tay đánh phá cách mạng, chủ trương tố cộng, diệt cộng, đàn áp khủng bố dã man những người yêu nước, kháng chiến cũ, dập tắt phong trào cách mạng của đồng bào nước ta ở miền Nam.

Có Mỹ viện trợ tiền bạc, vũ khí, phương tiện chiến tranh, giúp xây dựng quân đội chính quy, dân vệ, cảnh sát. Diệm mở các chiến dịch tố cộng, đàn áp khủng bố và đưa ra luật 10/59 lê máy chém đi khắp nơi để giết hại những ai chống lại chế độ bán nước của chúng.

Trong 5 năm tiến hành chiến tranh, chính quyền Diệm đã bắt giam 275.000 người trong 874 nhà tù, giam lỏng cả triệu người trong 252 khu dinh điền, khu trù mật, tra tấn tàn phế trên 530.000 người và giết chết hơn 80.000 người.

Ở Bình Thuận, sau nhiều lần, bắt giam, bắn chết, buộc ly khai hàng ngàn người yêu nước, kháng chiến, địch cho là cơ bản đã đánh tan phong trào cách mạng ở đồng bằng, nên từ đầu năm 1957 chúng chuyển lên đánh phá miền núi với tên gọi lừa bịp là chiến dịch “Thượng du vận”. Cuối năm 1955 trong chiến dịch Trương Tấn Bửu, địch cũng đánh miền Đông Tánh Linh. Với phương châm nhổ sạch cơ sở cách mạng ở miền núi, lấy người dân tộc trị người dân tộc, chúng càn vào các vùng căn cứ của ta lùa hết dân vào các khu tập trung.

Đến năm 1959, thì các xã miền Đông, Miền Bắc Tánh Linh đều bị dồn vào các khu tập trung Bắc ruộng, Đồng Kho, Đồng Me, một số dân vào Gia Bát, Láng Cóc v.v.. Chúng lập tề điệp, xây đồn bót và tiến hành tố cộng như ở đồng bằng.

Năm 1959, Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Bình Tuy gồm ba huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Hòai Đức và thị xã Lagi. Ở miền núi Tánh Linh đồng bào kiên quyết đấu tranh không lập tề không chịu dồn về các khu tập trung.

Địch dồn dân qui mô, lập hệ thống “dinh điền” Hoài Đức, Tánh Linh: Sau khi chia huyện Tánh Linh cũ thành 2 huyện, Hoài Đức ở Bắc sông La Ngà, Tánh Linh ở Nam Sông La Ngà, địch di dân lớn, nhiều đợt từ 1957 đến 1959, gồm hàng vạn người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, lập các “dinh điền” Bắc Núi, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Mê Pu, Sùng Nhơn ở Hòai Đức và Gia An, Võ Xu, Hiếu Tín, Đồng Kho, Đồng Me, Tà Bao, Quan Hà ở Tánh Linh,.. Địa điểm dinh điền ngang cấp xã có bộ máy hành chánh đứng đầu là địa điểm trưởng. Chúng vừa xây dựng dinh điền vừa đẩy mạnh tố cộng kiểm sóat khống chế chặt quần chúng nên thực chất khu dinh điền cũng là một khu tập trung.

Khu Bắc Ruộng ở ngay tại quận lỵ Hoài Đức với số dân các xã: Bắc Ruộng 100, La Ngâu 300, La Dạ 1.200, Măng Tố 800 là một dinh điền lớn tòan người Thượng nên địch xây dựng “dinh điền kiểu mẫu” để tuyên truyền thắng lợi chính sách “Thượng du Vận”. Đồng bào đã đấu tranh đòi địch phải cho ra rừng chặt cây, kiếm củi, hái rau, săn thú,..

Cuộc sống đồng bào Thượng rất khó khăn buộc địch thường phải phát thực phẩm, thuốc men, quần áo để mị dân và làm cho họ không hướng về rừng núi nữa. Đích thân Diệm, Nhu thường đến trực tiếp đôn đốc xây dựng dinh điền này, nhưng đồng bào ở đây được đi lại tương đối tự do ngòai rừng, bà con lại gữi được liên lạc với cán bộ, được giáo dục phát động căm thù địch, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, càng tích cực đấu tranh và chuẩn bị cho ngày trở lại với đất đai rừng núi ông bà.

Đơn vị 2-9 tỉnh thành lập ngày 02-9-59 nên có tên là đơn vị 2-9 có 1b (thiếu) 24 người. Cán bộ là sĩ quan tập kết về. Chiến sĩ là cơ sở chính trị thóat ly, được bố trí phân tán trong dân, làm công tác dân vận, tránh địch và không được nổ súng.

Đầu năm 1960 địch thấy các xã Cà dòn, Tố La còn ở trên núi xa nên chủ trương dồn hết luôn về Bắc Ruộng. Ngày 5-5-1960 quận Hòai Đức huy động một số lớn quân cộng hòa, bảo an ập vào các xóm Cà Dòn dồn dân về Bắc Ruộng - Hòai Đức. Đơn vị 2-9 ở luôn trong dân không đấu vũ khí, nhưng vẫn chưa được nổ súng, chỉ giúp dân bố phòng và hướng dẫn tránh lánh khi có địch. Qua một tháng, tỉnh sơ kết công tác biểu dương 2-9 làm tốt công tác dân vận. Ngày 7-5-1960 địch dồn tiếp 1.800 dân Tố La cùng về khu tập trung Bắc Ruộng, trừ 3 xóm Ten Làng, Tố Nỏ, Núi Nhùm không bị dồn.

Chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng

Từ khi địch dồn Cà Dòn, Tố La (tháng 5-1960) tỉnh ủy đều thấy cần có họat động võ trang để hỗ trợ phong trào nhưng đánh thế nào cho đúng phương châm thì còn cân nhắc tính tóan nhiều. Và khi đi vào thảo luận thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Khoảng giữa tháng 7-1960 tỉnh ủy đã nhất trí cao về chủ trương đánh chi khu quận lỵ Hòai Đức phát động quần chúng nổi dậy phá khu tập trung Bắc Ruộng đưa dân về, chậm nhất cuối tháng 7 phải đánh đưa dân về sản xuất mì, khoai, bắp chống đói.

Chiều 28-7, đơn vị 2-9 và các lực lượng tham gia chiến đấu đến vị trí tập kết. Sáng 29-7, Đảng ủy nghe chỉ huy trưởng báo cáo quyết tâm và ra nghị quyết lãnh đạo. Mọi việc chuẩn bị hòan thành trong ngày. 14 giờ ngày 30-7 làm lễ xuất quân, sớm hơn 1 giờ vì trời mưa lớn. Một tình huống bất thường là ngày 30-7 dân không ra rừng nên không gặp được cơ sở để nắm tình hình. Đảng ủy họp bất thường và quyết định vẫn đánh.

22 giờ qua suối Đạ Cọp, nước lúc này rất lớn. Quá 0 giờ (rạng ngày 31-7) trận đánh bắt đầu; Ta áp đảo địch hoàn toàn. Khỏang 4 phút giải quyết xong trận nội, các lô cốt đồn và chạy tù. Sau 10 phút đã làm chủ toàn bộ đồn Bảo An, bắt nhiều tù binh.

Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta làm chủ toàn bộ chi khu, quận lị Hoài Đức và khu tập trung Bắc Ruộng, diệt bắt trên 300 tên địch làm tan rã 190 thanh niên cộng hòa có vũ trang, bắt tên chi khu trưởng Y Tài, địa điểm trưởng Phan Văn Thoi, tên quận trưởng Vương Văn Hòa bị thương nặng. Tên chi trưởng, chi phó công an cảnh sát chết trong trận. Ta thu trên 250 súng các lọai, có 12 trung liên, 10 tiểu liên, 9 súng ngắn và nhiều chiến lợi phẩm khác. Giải phóng 40 cán bộ, cơ sở bị địch giam giữ; trên 5000 đồng bào trên khu Bắc Ruộng đã nổi dậy phá khu tập trung về căn cứ an tòan.

Chiến thắng Hoài Đức- Bắc Ruộng có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, đây là trận đột phá mở đầu phong trào đồng khởi, giành quyền làm chủ xã, ấp, mở mảng mở vùng ở miền núi và vùng đồng bằng Bình Thuận, tạo hành lang nối liền căn cứ Bình Thuận với Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên.

Về phía địch, chúng coi đây là thất bại nặng nề đầu tiên của chính sách Thượng du vận, dùng người Thượng trị người Thượng, tách nhân dân khỏi cách mạng trong chiến lược chiến tranh xâm lược Miền Nam Việt Nam của chúng.

Chiến thắng Hoài Đức- Bắc Ruộng được các nhà khoa học quân sự, các tướng lĩnh quân đội, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh 31/7/1960 đánh giá cao.

Bia chiến thắng Hoài Đức- Bắc Ruộng được dựng tại trung tâm xã Bắc Ruộng, huyện tánh Linh, phía bắc sông La Ngà. Bia có chiều cao 5,52m, chiều rộng 4,85m cùng nhiều công trình phụ, các mảng phù điêu hỗ trợ, được cấu trúc như một quyển sách đang mở ra ghi tên tuổi những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bình Thuận đã lập nên chiến tích xuất sắc trong trận đánh đêm 30 rạng ngày 31/7/1960.

Bia chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng cùng với địa điểm khu vực bao quanh là di tích lịch sử tiêu biểu của quân dân Bình Thuận trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã được Bộ Văn hóa Thông tin (Bộ Văn hóa - Thể thao- Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo quyết định 3211/QĐ-BT ngày 12 tháng 12 năm 1994.

http://binhthuan.gov.vn

 

Ngôi Thánh Đường Bị Bỏ Quên – Hồ Đinh

Hồ Đinh
Viết nhớ bạn bè Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 43/SD18BB – KBC 4424Chúng tôi đang chuẩn bị nhận thêm tiếp tế, thì có lệnh rút gấp về Xuân Lộc, để tăng cường cho chiến trường Bắc Ruộng, thuộc quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy đang bị Việt Cộng cưỡng chiếm. Hôm đó là ngày 20 tháng 12 năm 1965.

Sáu giờ chiều, Tiểu đoàn đã rút ra Liên Tỉnh lộ 4 (Củ Mi-Tân Phong) đợi xe tới rước. Ngồi bên vệ đường, bên trong là rừng cao su ngút ngàn, như muốn nuốt trửng con lộ đất đỏ ngoằn nghèo buồn hiu muôn thuở. Hôm nay sao nó hiền lành quá. Nhưng sự đời dâu biển biết đâu mà mò nên ai biết trong chốc lát, khi đoàn xe chở lính lăn bánh, bao nhiêu bất trắc lại sẽ dồn dập đến, vì du kích ba tỉnh Bình Tuy-Long Khánh-Phước Tuy, rất là thiện nghệ trong việc gài mìn bẫy, đặt hầm chông, bắn sẻ, quăng lựu đạn và ám sát dân lành. Lính đâu có sợ bị phục kích nhưng mười người như một, rất sợ trúng mìn bị thương, phải cưa chân tay hay trở thành phế nhân què, đui, dung nhan hủy hoại. Lúc đó đời trai coi như đã dứt, vì em sẽ giã từ gác trọ, để lên xe hoa với kẻ khác.

Hai tháng qua, ngày đêm lặn lội trong rừng sâu trên mưa nắng, dưới đỉa vắt, rắn mìn chông được gài giăng khắp vùng Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Đức Thành. Đôi giày bố và bộ đồ trận, được đổi mới đợt trước trong căn cứ Phú Mỹ, doanh trại của Chiến Đoàn 43BB, cũng đã rách nát bạc màu, thì nay lại có lệnh lội tiếp không có ngày N. Đời lính VNCH trước năm 1975 tàn nhẫn và bi thảm thế đó, nên đôi lúc thoáng nghĩ bâng quơ và nay nhìn lại, thì thật là bất công, thiệt thòi và bị đời hiếp đáp quá đáng.

Rồi càng thấy tức cười hơn, khi nhìn lại những thành phần bệnh hoạn no cơm ấm cật, vô ý thức và chỉ vì muốn phô trương tài năng của mình, mà tận tuyệt chà đạp trên sự khổ đau của lính, những người đã bán mạng mình, để bảo vệ sự sống ký sinh cho họ. Ôi còn mùi gì khiến ta phải nôn mửa hơn, khi khắp nơi trên quê hương máu lửa ngập trời , bao nhiêu nam nữ thanh niên, lần lượt nối tiếp, bỏ trường, bỏ lớp, quên tình yêu và gia đình thi hành bổn phận, tiến ra sa trường hứng đạn lãnh mìn.

Trong lúc đó, lại có một bọn tìm đủ mọi cách để trốn quân dịch ở ngoại quốc hay ngay trong lòng đô thị, không bao giờ biết tới chiến trường, nên không phải đối đầu với sự chết chóc và đui mù hay giả bộ không biết sự tàn bạo dã man, có một không hai của Việt Cộng, tay sai cuả Cọng Sản đệ tam quốc tế. Trong khi bộ đội Bắc Việt hàng hàng lớp lớp tấn công quân dân Miền Nam, thì đám phản chiến, mà hầu hết đều tự xưng là trí thức, khoa bảng nhưng mặt thật chúng chỉ là đệ tử của Che Guevara,The Beatles, Bertrand Russell, Jean Paul Sartre, Herbert Marcuse, liên tục biểu tình đòi hòa hợp hòa giải với giặc.. Nhưng hề hơn hết có lẽ là những thây ma không tim không óc, chẳng khác nào hình nộm, luôn đấm ngực đòi hòa bình hay nằm dài chờ bồ câu trắng hiện ra trong máu lệ. Đã vậy còn la ó , xin xỏ, gào khóc liên hồi đâm sau lưng người lính :

“Hãy ngồi xuống đây
như loài thú hoang
yêu nhau ngoài đồng
dưới nắng ban mai phô thân trần truồng
kiếp sống hoang sơ..”
( Lê Uyên Phương )

Ăn chơi trác táng rồi la ó rên rỉ nhưng nào đã hết đâu, mà còn nữa, còn rất nhiều những đau đớn xót xa, những âm thừa nhức nhối, cứ thản nhiên rõi mãi vào tâm can người lính, khiến nhiều lúc cũng muốn như họ, trốn quân dịch hay mang mặt nạ để nhân danh lãnh tụ, tôn giáo, bịp chúng lánh đời. Sau đó tìm hang ổ rất bình yên ở hậu tuyến để phá hoại chính quyền :

“Giã từ em, anh đi trung sĩ
em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
bao giờ hết việc nước non
về nhà đã có Mỹ con anh bồng..”

– ” Tôi có người yêu chết trận Pleime
Tôi có người yêu chết trận Ashau
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vùi lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo.

Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Một ngục tù trên quê hương
Người Việt Nam quên nòi giống ”
( Trịnh Công Sơn )

– “Con về thăm mẹ
tay cầm lưỡi lê
mẹ nhìn ngơ ngác
ngủ đi con, ngủ đi con
rồi ngày mai khôn lớn
giết bạn bè, anh em
bán nước mà làm quan ..”
( Miên Đức Thắng )

Mỗi lời hát là một trái phá, từng ca khúc như một hầm xăng, đốt phá cháy đỏ lòng người yêu nước dữ dội. Rồi sau ngày 30-4-1975 tàn mùa chính chién, lũ Việt gian phản chiến hết thời bị vắt chanh bỏ vỏ, lăn lóc nổi trôi trong biển đời đen bạc, hối hận cũng đã muộn màng :

“Gọi quê hương mà nhớ
Quê hương ? còn có quê hương sao ?
Khi đất nước không còn chiến tranh
Rợ Hồ từ bắc vào nam
Bạn bè trăm đứa, vừa xanh nấm mồ ..”

Vẩn vơ nghĩ bậy, nên xe đã tới Trại Lý Công Uẩn, Tân Phong trên quốc lộ 1 lúc nào không biết. Trời cuối tháng trăng mọc muộn, thêm vào đó lại có mưa phùn gió bấc, nên bốn hướng tối đen mù mịt. Trong khoảnh khắc chết cóng của không gian, chỉ còn có tiếng côn trùng rả rích, một vài con cú tìm mồi, cất giọng kêu than não nuột. Mặc kệ, lính tráng vẫn im lặng ngủ ngồi trên xe chờ sáng. Xa xa từ cõi mịt mờ, bỗng vang vang tiếng chuông nhà thờ, từng hồi văng vẳng, như muốn chiêu hồn những người lính của Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 43.. sắp bước vào cõi mộ địa. Nỗi buồn bất chợt làm hồn hoang xao xuyến, ta đã bỏ trường xưa, lớp cũ, bạn bè và thầy cô thân thương từ bao giờ nhỉ ? Gần quá mà cũng thật xa, không muốn nghĩ mà lòng cứ thổn thức vô vàn. Nhưng tất cả cũng chỉ là định mệnh, giống như những đào kép đang diễn các vở tuồng tự do dân chủ, bảo vệ đạo pháp hay gì gì đó, trên sân khấu đời. Tất cả thật xa hoa thừa thãi, nhất là lúc này lính đang sắp tới một chiến trường khốc liệt, khi trời hừng sáng.

nhungnammotusisudoan18bilangquenoanloc

Những nấm mồ tử sĩ sư đoàn 18 bộ binh bị lãng quên ở An Lộc

Tiểu đoàn lên đường ngay, sau khi đã nhận đủ tiếp tế và đạn dược. Điểm hẹn là Tánh Linh. Cuộc đổ quân coi như an toàn và hoàn tất lúc một giờ trưa ngày 21-12. Hoài Đức và Tánh Linh là hai quận miền núi, nằm về phía tây của tỉnh Bình Tuy, nguyên là phần đất phía nam thuộc phủ Hàm Thuận, huyện Tuy Lý, tỉnh Bình Thuận, được Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cắt để thành lập tỉnh mới vào năm 1957. Vùng này nằm sâu trong thung lũng sông La Ngà, phát nguyên từ cao nguyên Di Linh, chảy suốt vùng, một nhánh đổ vào Biển Lạc dưới chân núi Bảo Đại, nhánh còn lại chảy tới Trị An và nhập vào sông Đồng Nai, ra biển Đông ở Vũng Tàu. Quận Hoài Đức hay Nam Sông có các xã Võ Đắc (Huyện lỵ), Chánh Đức, Võ Xu, Duy Cần và Trà Tân tương đối an ninh. Quận Tánh Linh hay Bắc Sông, gồm các xã Sùng Nhơn, Mê Pu, Nghị Đức, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Tà Pao và Lạc Tánh (Quận lỵ) có nhiều xã xôi đậu, dân chúng gồm người Kinh, Chàm, Thượng ăn ở lẫn lộn, đa số thân hay theo VC.

Ở đây rừng núi chập chùng, đầy rẫy thú dữ, dân quân du kích, cùng với sự hiện diện của Công trường 7 Chính qui Bắc Việt, luôn luôn gây áp lực mạnh, cho các lực lượng quân sự dù các Trung Đoàn 43, 48 và 52 của SD18BB, luân phiên hiện diện trấn giữ và bảo vệ dân chúng trong vùng. Tuy vậy tình hình vẫn không khả quan mấy, vì một số lớn di dân Nam Ngãi, được TT Diệm, giúp từ miền Trung đói nghèo tới đây khai khẩn sinh sống trong cac khu trù mật, sau khi phát tài và đủ lông cánh, đã phản bội Quốc Gia, thân hay theo VC chống lại chính quyền.

Cũng do sự tác tệ này, nên mới có cái gọi là Đồng khởi năm 1959 tại Xã Bắc Ruộng, quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Do quyết tâm cưỡng chiếm cho dược Miền Nam VN bằng võ lực, Hà Nội đã lập cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cho đám khoa bảng trí thức no cơm ấm cật Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, Hồ Thu.. làm lãnh tụ bù nhìn. Tại Bình Thuận, ngày 2-9-1959 Sáu Tú nhân danh đảng, tuyên bố thành lập Đơn Vị 2/9 do Phạm Hoài Chương (hiện còn sống mang quân hàm thiếu tướng cọng sản), làm chỉ huy trưởng kiêm chính trị viên. Ngoài ra còn có Nguyễn Hội, nằm vùng trong trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết, từ 1955-1958, là bí thư chi bộ kiêm y tá làm chỉ huy phó, bí thư chi đoàn, phụ trách hậu cần (Nguyễn Hội đã bị DPQ/BT bắn chết tại Đồn Trinh Tường , Phan Thiết ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968). Đơn vị 2/9 lúc đó có 3 tiểu đội, trong số này có một tiểu đội người Thương. Riêng số du kích người Việt, đa số ở Nhơn Thiện trong Mật khu Lê Hồng Phong. Chính đơn vị này đã tham dự trận đánh xã Bắc Ruộng năm 1959, trong chiến dịch Đồng Khởi tại Mỏ Cày (Bến Tre) và Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Quận Tánh Linh nghèo nàn xơ xác, từ đầu cổng tới cuối làng đếm được vài trăm nếp nhà, nằm hai bên con đường đất đỏ, từ Ga Suối Kiết vào. Huyện đường xây gạch lợp ngói nhưng lâu ngày hứng chịu nhiều đợt tấn công của quân thù, cộng thêm mưa rừng gió núi, nên tường mái đã loang lổ nhiều vết đạn và đất đỏ. Bên trong có hai dãy nhà lụp sụp, xây cất bằng ván lợp tôle, là nơi cơ quan hành chánh làm việc. Tất cả cũng xiêu vẹo tồi tàn, như chính thân phận nghèo nàn, bất hạnh của dân và lính trong cơn binh lửa. Phố chợ Lạc Tánh nằm kế bên Huyện đường, càng bi đát hơn. Nhiều nhà cửa của dân địa phương bỏ đi lánh nạn cọng sản, đã trở nên hoang phế, tang thương, cỏ lau mọc xum xê, hàng cột cháy đen loang lổ đứng im lìm. Quê hương Việt Nam là thế đó, nơi nào cũng tang tóc hắt hiu, thảm cảnh chiến tranh nồi da xáo thịt, vắt máu đồng bào đem bán cho Nga, Tàu, Mỹ, Nhật, càng nghĩ càng thêm thống hận.

Bốn giờ chiều Tiểu đoàn xuất quân, xe chở lính tới xã Huy Khiêm rồi từ đó lội rừng, tấn công chiếm lại Bắc Ruộng. Hai Tiểu đoàn 2 và 3/43 cũng đã được điều động từ hai hường Võ Xu, Nghi Đức về án ngữ hai mặt tây, bắc. Riêng Đại Đội 43 Thám Kích thì được trực thăng vận, nhảy vào lòng địch. Cuộc hành quân giải tỏa thật qui mô nhưng kết quả rất bấp bênh, vì tánh mạng của đồng bào vô tội, đang bị giặc bắt làm con tin trong xã.

Bắc Ruộng đã hiện ra trong tầm mắt, sau con dốc đất đỏ thoai thoải, cây trái mái tranh chìm ngập trong màn lửa khói mịt mù. Đại đội đi đầu đã bắt đầu chạm địch từ trong Ấp bắn ra. Tiếng súng của hai phía nổ rền trời đất, nào đại liên, M79, súng lớn, súng nhỏ lẫn tiếng bom rơi từ máy bay oanh tạc. Việt Cộng ngụy trang lá cây, chạy có đàn trong các giao thông hào kiên cố . Bên ngoài đồng ruộng bao quanh, lúa đã bắt đầu trổ bông sữa, mùi thơm đưa đẩy trong gió, khiến cho cảnh vật thật là trớ trêu bi thảm, làm cho ai cũng muốn kêu trời, hỏi sao lại gây dựng nên nỗi này?

“kẻ thù của ta, đâu phải là ngươi
giết người đi thì ta ở với ai?
kẻ thù ta tên nó là gian ác
tên nó là vô lương
tên nó là hờn căm
tên nó là hận thù
mang cái rổ danh từ
chia rẽ chúng ta..”
( Phạm Duy)

Lũ gian ác, chia rẽ, vô lương tìm hoài không thấy, chỉ biết giờ này chúng tôi theo lệnh, là phải làm sao cứu cho được đông bào đang bị kẹt giữa hai lằn đạn, cho nên cuối cùng là phải thanh toán gấp mục tiêu và chấp nhận thương vong, vì hỏa lực của giặc rất mạnh. Tuy vậy, tới tám giờ tối, quân ta vẫn không tiến được vào Ấp, dù vòng vây xiết thêm đôi chút. Các đại đội đều lấy bờ đất của vòng đai bên ngoài của Ấp chiến lược và bờ ruộng làm phòng tuyến tránh đạn nằm chờ, vì đêm tối không phân biệt được phương hướng, địch bạn. Ruộng đang trong mùa mưa nên ngập nước, từng đàn đỉa đói đánh hơi người, nên kéo nhau tới xin chút huyết của lính. Trên trời thì muỗi rừng bay dày đặc, vo ve khắp mặt mũi tay chân. Mặc kệ, tất cả đều im lặng rình rập, để dành cái sống đang nằm trong đường tơ kẻ tóc của đạn súng vô tình. Giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt, hỏa châu soi sáng cả bầu trời, súng nổ, đạn réo, người vật, cỏ cây đang sống đọng, bỗng phút chốc trở nên vô tri , dưới sự tàn phá của chiến tranh.

Có làm lính mới thông cảm nổi khó khăn của người lính VNCH, bởi vì ta và giặc Hồ, cùng đều là người Việt Nam, nên dù thế nào chăng nữa vẫn còn một chút tình nòi giống, cho nên nhiều đơn vị đã phải khựng điếng trước nghịch cảnh nồi da xáo thịt. Rốt cục chỉ vì thương hại mà lãnh chịu nhiều thương vong, vì VC là cầm thú không tim óc, nên chúng không bao giờ biết tình cảm, chỉ nghĩ tới làm sao để đạt chiến thắng, bất chấp thủ đoạn, kể cả việc sát hại hay giữ đồng bào làm con tin.

Giờ mới hiểu là tại sao VC và người dân trong vùng bị chiếm, chỉ sợ có các lực lượng Đồng Minh, nhất là quân Đại Hàn. Vì những người này không bao giờ cần phân biệt ai là dân, du kích, chính quy VC, hễ bắn giết họ, thì lập tức bị trả đũa ngay, không một chút nhân nhượng, thương hại. Bi kịch tại Mỹ Lai, quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, là một chứng minh. Riêng hai tỉnh Phú Yên và Bình Định khét tiếng của Quân Đoàn 2 vì có nhiều VC, nhưng khi Sư Đoàn Thanh Long và Mãnh Hổ tới trấn đóng tại vùng này, thì VC nhất là du kích, hầu như là rút đi chỗ khác, vì vỏ qúit dầy đã có móng tay nhọn, tàn bạo gặp dã man, cuối cùng giặc phải tháo chạy. Thế là vùng đó được bình an. Ngược lại người lính VNCH, ngoài vấn đề bị khinh ghét ngộ nhận vì VC tuyên truyền chúng ta là lính đánh thuê cho Mỹ, nên dân chúng đã tỏ thái độ thù nghịch rõ rệt, dù thực chất ta tới đây để bảo vệ tài sản và sinh mạng của họ. Cũng đâu có trách được, vì người dân lúc đó đâu có khác gì con sâu cái kiến, nằm giữa dao thớt, nên chỉ biết nghe lời những kẻ có súng đạn trong tay, để giữ lấy mạng. Hành quân đến làng ấp nào cũng vậy, chỉ thấy đàn bà con gái bụng to vì mang thai. Lính tò mò hỏi chồng đâu, thì trả lời là đã đi làm ăn xa. Điều này cho thấy sự hiện hữu thường xuyên của giặc khắp mọi nơi, nhưng vì chế độ của miền Nam qua nhân từ, nên rốt cục thành bất lực không kiểm soát được.

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa thoát được dãy núi Ông trước mặt, chim chóc bắt đầu rời tổ tìm mồi, thì các cánh quân của Tiểu đoàn 1/43, dưới quyền Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Uý Tôn Thất Trung (Khóa 16 SQ/VBDL, vừa thay thế Cố Thiếu Tá Ngô Văn Diệp, TDT bị phục kích chết tại Trảng Bàng tháng1-1965. Riêng Đại Uý Trung cũng bị trọng thương, gãy hai chân, trong trận TD 1/43 bị Công Trường 7 Chính quy VC tràn ngập vào tháng 7/1966 tại Võ Su, Bình Tuy), cũng tiến được vào Ấp. Lính từng người một cẩn thận, vì chông bẫy, mìn lựu đạn còn gài khắp nơi. Quân tiến theo con đường đá lởm chởm chạy ngang Xã Bắc Ruộng, thấy VC đào rất nhiều hầm hố giao thông hào. Khắp nơi súng vẫn còn nổ và khói lửa thì mịt trời. Đó đậy giặc bỏ lại nhiều xác bộ đội cháy đen, nằm co quắp lẫn lộn với túi gạo, thắt lưng đạn cùng quần áo bừa bãi. Tất cả hiện ra thật là bi đát, khiến cho ai được chứng kiến cũng phải đau xót, phiền muộn. Chiến tranh là vậy đó, chỉ có những người VN thấp cổ bé họng là hứng chịu tang thương, còn xếp chúa hay các lãnh tụ, thì muôn đời rung đùi, đâu có biết tới.

Theo lệnh, Tiểu đoàn 1/43 có trách nhiệm lục soát Thôn 1 và 2, về hướng nam của xã. Trong ánh nắng ban mai rực rỡ, có thể nói Bắc Ruộng đã tan vỡ hoàn toàn. Dưới những mái nhà bị sụp đổ hoàn toàn vì bom dạn, mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Trọn một gia đình, mẹ và ba con nhỏ, nằm chết đen queo thê thảm bốn ngày qua. Nói chung khắp nơi, moi tranh hay tôle lên là tìm thấy xác người.. Ruồi nhặng, sâu bọ gặp thời cơ, tha hồ rỉa rói xương thịt vô tri bất đông. Mưa lại lâm râm rơi nhẹ khắp nơi, làm tăng thêm mùi hôi thối , làm cho lính đã mệt mỏi lại càng căng thẳng thần kinh , trước nỗi đau cùng tận của đồng bào. Một tốp con nít, đàn bà xanh mét, hốc hác, từ những căn nhà hai bên đường, túa ra chạy theo lính. Thôn xóm vẫn im lìm trong cảnh tiêu điều, hầm hồ cá nhân đầy mắt đất. Thảm cảnh không cầm nổi nuớc mắt, khi lính phát hiện đuợc đôi vợ chồng già nua, ẩn trú dưới hầm kín mấy này qua, dù cụ bà bị thương nặng ở đầu nhưng không dám kêu cứu, vì sợ VC bắt dẫn theo vào rừng.

Buổi trưa, Tiểu đoàn mới vào Ấp giữa. Đây là khu vực của Trường Sơ Cấp và Nhà thờ Thiên Chúa Giáo Bắc Ruộng. Nhưng tất cả cũng đã sụp đổ hết rồi, chỉ còn trơ lại mấy bức tường cháy và xác người chết nằm la liệt. Giặc Cộng khôn ranh, biết Chính phủ cũng như QLVNCH, không bao giờ dám làm tổn hại tới những cơ sở tôn giáo trang nghiêm như Đình làng, Chùa Miễu và Nhà thờ. Cứ xem thời gian từ 1955-1975 qua sự lên ngôi bạo chúa của bọn kiêu tăng loạn cha, làm vua cả miền Nam thì đủ biết. Bởi vậy, giặc Hồ đã chiếm nhà thờ Bắc Ruộng, để đặt Bộ Chỉ Huy quân sự, cũng như các giàn hỏa tiễn phòng không bắn máy bay. Kết quả cả chúng và các cơ sở đều đã tan nát dưới sự tàn phá của bom đạn vô tình.

Thánh đường giờ mơí im vắng thật sự . Bàn ghế gãy đổ, mái nhà cũng bay mất. Tượng Đức Chúa Jésus ngả nghiêng xiêu vẹo. Đôi cánh thiên thần như chập lại để vượt khỏi tầng mây. Kinh sách, các lọ nước thánh tung toé lăn lóc trên sàn nhà. Nhưng thảm nhất, là phía sau chiếc bệ thờ bằng gỗ, có sáu xác chết đả sình thối. Trong số này có Ngài Cha Xứ Bắc Ruộng, nằm bất động, tay hình như đang còn lần từng hạt chuỗi, để cầu nguyện cho nhân thế, được ơn lành, phước lớn, hòa bình và hoan lạc. Nhìn Ngài nằm chết thê thảm, người lính chiến có tâm hôn chai đá, cũng đã phải gào thét thật to, để hỏi Thượng Đế Chí Tôn, đang ngự trên ngôi cao tận chín tầng mây diễm tuyệt, rằng bao giờ dân tộc Việt Nam, mới được tắm trong bể ánh sáng mà Thiên Chúa hằng rao giảng? Bao giờ trần gian mới được hoan lạc và hòa bình? Bao giờ các nạn nhân chiến cuộc, mới có được những đoá hoa hồng, hoa súng, những điệu nhạc thanh thoát, để thế nhân vượt qua bể khổ trầm luân của biển đời :

“Maria, tâm hồn tôi ớn lạnh
run như run thần tử thấy long nhan
run như run hơi thở chạm tơ vàng
nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến..”
(Hàn Mặc Tử )

Thượng Đế đã thật sự đi rồi, nên không còn ai can ngăn nổi loài người, đâm chém bắn giết lẫn nhau. Chán nản quá, chúng tôi rời nhà thờ, sau khi đem khiêng các xác chết về địa điểm tập trung, trước trường học, để tiếp tục lục soát cho hết khu vực trách nhiệm. Nắng vẫn le lói sáng rực nhưng không khí khắp nơi vẫn ớn lạnh, tiêu điều. Đây là khu nhà hậu của giáo đường, aó quần, cối xay, lúa gạo vẫn còn vương vãi trong ngoài, nhưng người ở đây thì đã chết hết rồi. Kìa là hình ảnh của ba cô giáo làng, khi giặc về không chạy thoát được, nên đã chụm đầu vào chết chung ở nơi này vì các mảnh bom đạn của cả hai phía. Sự chết của ba nàng, quả là tàn nhẫn dữ dội. Aó tím áo xanh trinh nguyên rạng rỡ, chưa được bao nhiêu tuổi đời, đã thành áo quan, ôm ấp hình hài các em nơi núi rừng miên trường thảm tuyệt.

Đúng, phải và rất hay như gã nhạc sĩ họ Trịnh đã hát :

“Tôi có người làm giáo làng
vừa chết tại trận Bắc Ruộng
không hận thù, nằm chết như mơ
từ nay tôi quên tiếng người…”
( Trịnh Công Sơn )

Tới chiều, cuộc lục soát coi như hoàn tất. Tất cả các xác chết của ta, địch và dân chúng đều được gom lại trước sân cỏ Thánh đường. Những người bị thương nặng, được trực thăng chở về Bệnh viện Võ Đắc và Xuân Lộc điều trị, cứu chữa. Các Tiểu đoàn của 43 chia khu vực, để dọn dẹp và giúp dân trong xã dựng tạm lại nhà cửa, khói lửa, hầm hố khắp nơi được dập tắt và lấp kín. Ban Quân Y/Trung Đoàn 43 và Tỉnh Đoàn Bình Định Xây Dựng Nông Thôn Bình Tuy, cũng được điều động khẩn cấp tới Bắc Ruộng, để phát thuốc, chẩn bệnh và cứu trị các nạn nhân chiến cuộc.

Sáng ngày 24-12, công tác coi như phần nào hoàn tất, Trung Đoàn 43 BB được lệnh về Long Khánh, sau khi bàn giao Xã Bắc Ruộng lại cho một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân, từ Hàm Tân di chuyển tới. Nhưng người trong Ấp lại ùa theo lính rất đông để xin vào cac trại tị nạn. Chắc họ không còn dám tin ai nữa, kể cả các du kích địa phương, đang lẩn quẩn ẩn trốn ở bìa rừng, chờ Lính Trung Đoàn 43 rút, là mò về tiếp tục khuấy phá người dân khốn khổ. Tại Tánh Linh, trong khi ngồi chờ xe tới rước, nhìn cảnh tượng dân chúng trốn ra được, trước khi Bắc Ruộng bị giặc Cộng cưỡng chiếm, hỏi han tìm kiếm thân nhân lẫn lộn trong đoàn quân, muốn rơi nước mắt. Con ơi, má ơi, em ơi. Tiếng cưòi khóc của đồng bào vang dội như muốn phá vỡ , cái không khí trầm mặc muôn thu của phố núi Lạc Tánh..

Quân đến rồi đi, đêm nay tiểu đoàn được tạm thời nghỉ xã hơi nơi phương phố Xuân Lộc. Tỉnh lẻ miền đất đỏ, đang làm dáng với hoa đèn lộng lẫy. Các xóm đạo Bảo Hòa, Bảo Đinh, Bảo Toàn và khu vực nhà thờ Chính Tòa trước chợ, đầy ắp tín đồ con chiên, mừng vui ngày Chùa Giáng Sinh. Họ đâu có biết, ở một nơi nào đó, cũng tại một thánh đường, có ngài Cha Xứ và ba cô giáo làng, vừa mới rời khỏi trần gian, để giúp cho thế nhân sớm tìm lại được hòa bình và hoan lạc.

Thế rồi đời lính cứ lặng lờ xuôi ngược. chuyện của ngôi thánh đường Bắc Ruộng, có ngài cha xứ và ba cô giáo làng nằm chết, như theo khói lửa chiến tranh và thời gian trôi vào quên lãng. Bởi vì cuộc chiến càng lúc càng ác liệt và hằng ngày đã có không biết bao nhiêu chùa, nhà thờ, các vị chân tu bị giặc Hồ tàn phá và giết chết, trên khắp mọi nẻo đường đất nước.

Năm 1978 sau mưới hai năm xa cách tôi lại về Bắc Ruộng, nơi mà một thời người lính chiến của Trung Đoàn 43 Bộ Binh từng giẫm nát. Nhưng lần này chúng tôi về với thân phận của một tù binh cọng sản để lao tác, chặt rừng, xẻ núi, đào kinh, vét mương và lấp kín các hố bom, hầm đạn của thời nào. Bắc Ruộng vẫn như buổi nao, con đường tỉnh lộ nối xã với Lạc Tánh và Sùng Nhơn vẫn lầy lội và lởm chởm đá. Nhà cửa dân chúng đã xây dựng lại, cây trồng có phần xum xuê hơn trước, vì chiến tranh đã dứt. Người cũ cảnh mới trùng phùng trong ngấn lệ. Nhưng có một điều là dân chúng đã không xây lại ngôi thánh đường cũ, đã bị tàn phá năm 1965. Nền nhà xưa cỏ lau mọc cao hơn đầu, những hàng cột vôi và các bức tường gạch cháy, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Dãy nhà hậu cũng biến mất, chỉ còn trơ lại cái sân đất trống rỗng đầy cỏ dại, nằm im vắng thẫn thờ trong gió lạnh, nhìn cuộc bể dâu thêm ngao ngán đoạn trường:

“Trấn bắc hành cung cỏ dãi dầu
khách đi qua đó chạnh niềm đau
mấy tòa sen rớt, mùi hương ngự
năm thức mây phong, nếp áo chầu
người xưa cảnh cũ nào đâu tá ?
(Bà Huyện Thanh Quan )

Qua màn lệ mắt của kẻ tù, tôi hình như đã thấy những tà áo tím, áo xanh của các em giáo trẻ năm xưa và màu áo chùng đen của ngài cha xứ. Tất cả như đang lồng lộng trong gió và trên chín tầng mây cao. Người đang đưa tay vẫy gọi và thầm bảo rằng “các con hãy giữ niềm tin và phấn đấu”

Nhưng chao ơi, đợi tới bao giờ?

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Mùa Giáng Sinh 2009
HỒ ĐINH
TD1/TrD43/SD18BB
Kbc 4424