CHIẾN SỰ Ở TỈNH BIÊN HÒA, LONG KHÁNH VÀ BÌNH TUY TÍNH TỚI ĐẦU THÁNG 12/1974.
Chuyển ngữ từ trang 107 tới 108 của sách "Việt Nam: Từ ngưng bắn đến đầu hàng" của cựu đại tá Le Gro, thuộc cơ quan DAO tại Việt nam.
. . .
"Sân bay Biên Hòa bị pháo kích.
Những đột kích chiến lược của CSBV tại tỉnh Biên Hòa khác với những đột kích tại tỉnh Bình Dương, phần lớn bởi vì mục tiêu quan trọng này, tức sân bay Biên Hòa -- là một trong những căn cứ không quân và tiếp liệu hàng đầu của VNCH, ở ngoài tầm hoạt động của những đại quân csbv. Ngay cả một trung đoàn chính quy csbv, dù vào được hàng rào phòng thủ của sân bay, cũng dễ dàng bị chia cắt, bao vây và tiêu diệt. Vì vậy những tấn công ở Biên Hòa chỉ là những cuộc pháo kích, đột kích do những toán nhỏ đặc công thực hiện, hay những tấn công qui mô nhỏ về bộ binh vào các tiền đồn trong tỉnh.
Cuộc tấn công lớn và đầu tiên của mùa hè 1974 đã xảy ra ngày 3/6. Từ các vị trí ở bắc sân bay, quân csbv đã bắn ít nhứt 40 hỏa tiển 122 ly do Liên Xô sản xuất. Phần lớn hỏa tiển rớt bên trong sân bay, nhưng chỉ gây hư hại nhẹ cho phi đạo và phá hủy 500 thùng nhỏ (canister) đựng xăng đặc hay napalm, nhưng số còn lại nổ trong những ấp quanh căn cứ, giết và làm bị thương các dân thường. Rất ngạc nhiên là ko máy bay nào bị hư hại. Sáng sớm ngày 10/8, bắc quân lại bắn 25 hỏa tiển. Bảy quả trúng kho chứa máy bay F-5A, gây hư hại nhẹ vài máy bay. Phần còn lại rớt xuống khu dân cư quanh sân bay, gây ít thương vong cho dân thường. Cuộc pháo kích đã tiếp tục rời rạc suốt buổi sáng và tiếp tục ngày kế, nhưng ko gây thương vong hay thiệt hại vật chất đáng kể.
Tuy nhiên cuộc pháo kích ngày 10/8 vào sân bay Biên Hòa lại là hiệu lịnh (signal) cho một loạt các cuộc tấn công vào các tiền đồn ở bờ bắc của sông Đồng Nai trong quận Tân Uyên thuộc tỉnh Biên Hòa, phía bắc sân bay. Xử dụng phần lớn trung đoàn 165 bộ binh, sđ 7 csbv đã tấn công các tiền đồn ĐPQ -- mà nhiệm vụ của những đv diện địa này là ngăn ngừa địch quân vượt sông Đồng Nai cũng như ko cho chúng đến các vị trí có thể bắn hỏa tiển vào sân bay Biên Hòa.
Tiền đồn đầu tiên bị thất thủ là Hố Đá, phía tây của quận lỵ quận Tân Uyên, vào đêm 9/8, nhưng được tái chiếm bởi trung đoàn 52 sđ 18 bộ binh năm ngày sau đó. Ngày 10/8, một TĐ của trung đoàn 165 csbv đã chiếm đồn Đất Cuốc ở một khúc cong của sông Đồng Nai, đông của Tân Uyên. Chúng đã cố thủ tới ngày 24/8 khi TĐ 346 ĐPQ tái chiếm. Nói thêm: theo bản đồ của Mỹ vẽ năm 1969, xem hình, Xóm Đất Cuốc nằm trong một thung lũng hẹp, nơi rộng nhứt khoảng 1 km, nằm hai bên của Suối Sâu, thông thương với Sông Đồng Nai. Các đồi núi ở bắc và nam của thung lũng này có độ cao từ 45 đến 80 mét. Theo các tài liệu của CS, Đất Cuốc từng là một phần của Chiến Khu Đ, nghĩa là từ năm 1946, có thời gian người CS Việt Minh đã xử dụng vùng đất này để hội họp, đóng quân, v.v... -- người dịch.
Phía đông của Đất Cuốc và phía bắc của làng Thái Hưng, là đồi Bà Cẩm, xem hình, canh giữ bởi TĐ 316 ĐPQ. TĐ này, đã đẩy lui địch, dù bị tấn công liên tục bởi một TĐ của trung đoàn 165 csbv, có pháo binh yểm trợ. Ngày 13/8, tđ 316 ĐPQ này đã rút về phía nam đến xã Thái Hưng, một nơi gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi pháo binh của hai bên. (Nói thêm: xin đọc bài Chiếm Lại Làng Thái Hưng -- một làng gần như toàn giáo dân di cư 1954, của cựu thiếu tá Nguyễn Hữu Chế thuộc sđ 18 bộ binh -- người dịch). Tính tới cuối tháng 8, quân VNCH đã tái chiếm các đồn bót bị mất ở bắc sông Đồng Nai, khiến đối phương bị tổn thất nặng về nhân mạng.
Một sự kiện đáng ghi nhận trong năm 1974 là đặc công csbv tấn công cầu Hóa An trên sông Đồng Nai, nối SG với Biên Hòa. Cầu này, ở đông bắc của SG, là một trong 3 cầu quan trọng trên sông Đồng nai, dài 800 mét. Bằng cách thả 2 bè, chất đầy thuốc nổ, từ thượng lưu của sông, các đặc công đã cột chúng vào một chân cầu. Nhưng lính gác trên cầu đã phát hiện, nổ súng khiến bọn đặc công bị bắn chết trước khi khối chất nổ phát nổ, làm rớt hai đà cầu dài 60m và làm bể kiếng của tòa lãnh sự Mỹ tại Biên hòa nằm trên bờ sông. Ba ngày sau, công binh VNCH đã làm một cầu Bailey, chỉ lưu thông một chiều, để xe cộ đi lại.
XUÂN LỘC
Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lịnh quân khu (QK) 3 vào lúc đó, mùa hè 1974, ko thể dồn hết mọi quan tâm của ông vào những trận đánh quyết định trên đây ở bắc của SG. Ông còn phải quan tâm đến những tấn công chiến lược của CS, nay đã lan tới ranh giới phía đông của QK 3 và đe dọa cắt đứt QL-1, con đường huyết mạch nối Sài Gòn (SG) với các tỉnh miền Trung.
Khoảng 50 km trên QL1 ở phía đông của SG là Xuân Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh. Nằm giữa những đồn điền cao su xanh tươi và rộng lớn, Xuân Lộc là một nhà ga quan trọng trong hệ thống đường xe lửa từ SG đến Hà Nội xây dựng thời Pháp thuộc. Xuân Lộc cũng gần nơi xuất phát của QL-20. Nói thêm: QL-20, xuất phát từ Ngã Ba Dầu Giây, ở phía tây của Xuân Lộc, nối kết thủ đô SG với Đà Lạt — thủ phủ về du lịch và nơi cung cấp rau quả cho SG — người dịch. Ngoài vị trí chiến lược trên đây, liên tỉnh lộ (LTL) - 2, chạy từ Xuân Lộc về phía nam tới Bà Rịa (tỉnh lỵ của tỉnh Phước Tuy) hay hải cảng Vũng Tàu. Nói thêm: tháng 4 1975 quân VNCH tại Xuân Lộc đã dùng LTL này để rút lui về Bà Rịa -- người dịch.
Sư đoàn 18 bộ binh VNCH thường giữ một trung đoàn ở Xuân Lộc, thường hành quân chống trung đoàn 33 và 274 CSBV có căn cứ ở những rừng núi bắc và nam của QL-1. Để đối phó với áp lực nặng nề của địch ở Biên Hoà và Bình Dương, tướng Thuần rút sđ 18 khỏi Xuân Lộc vào mùa hè 1974, và giao việc bảo vệ tỉnh và đường xá cho ĐPQ và NQ của tỉnh, tạo nhiều cơ hội cho quân VC địa phương, hỗ trợ bởi các trung đoàn chính quy CSBV này tạo áp lực trên tỉnh Phước Tuy và Long Khánh.
BẢO BÌNH VÀ RỪNG LÁ
Một cụm các ấp có tên là Bảo Bình, trong rừng cao phía đông của Xuân Lộc, là mục tiêu đầu tiên và quan trọng của các đv CS trong chiến dịch tấn công chiến lược của họ ở Long Khánh. Ngày 24/5, một lực lượng CSBV gồm 2 TĐ của trung đoàn 274, một TĐ của trung đoàn 33, và một TĐ công binh đã chiếm những ấp này sau khi tràn ngập phòng tuyến của ĐPQ và NQ. Các cố gắng của các TĐ ĐPQ đều thất bại, và địch quân vẫn cố thủ ở Bảo Bình cho tới ngày 8 tháng 6 khi tướng Thuần thăm tiểu khu này. Ông càng khó chịu hơn các viên chức địa phương nói rằng chỉ có thể tái chiếm Bảo Bình khi sđ 18 trở về Xuân Lộc.
Ngày 11/6, một lực lượng CSBV đã tấn công làng định cư Rừng Lá và cắt QL-1 khoảng 30 km đông của Bảo Bình. Rừng Lá là một trong vài làng được thành lập ở phía đông quân khu (QK) 3 để cung cấp chỗ ở và đất đai canh tác cho những nạn nhân chiến cuộc bỏ chạy khỏi tỉnh Bình Long sau khi quân CSBV tấn công tỉnh này năm 1972. Người dân từ quận Lộc Ninh và thị xã An Lộc, sau vài tuần sống thiếu thốn tiện nghi trong những trại tị nạn thành lập vội vả, như Phú Văn tỉnh Bình Dương; nay ở nơi ở mới, được chánh phủ chu cấp đầy đủ, họ đã bắt đầu khai khẩn đất đai để trồng trọt hoa màu cũng như lấy gỗ từ những khu rừng chung quanh các trại. Khoảng 132.000 nạn nhân chiến cuộc đã lập lại cuộc sống mới trong vùng này. Tuy nhiên cuộc sống mới này của họ đã ko an bình khi họ thường xuyên bị quấy rối bởi các cuộc tấn công bằng súng cối, đặt mìn, bắt cóc và ám sát của CS. Tuy nhiên các cố gắng này của CS đã thất bại.
Các hoạt động khủng bố trên đây của CS đã tăng lên đáng kể từ tháng 4/1974. Khi CS gia tăng việc pháo kích bằng cối, và họ đã táo bạo hơn vào đầu tháng 6/1974 khi lợi dụng sự vắng mặt của sđ 18 bộ binh. Ngày 1/6, họ đã vào làng định cư Thái Thiện và đốt 25 nhà, và cảnh cáo dân làng phải rời đi. Trở lại vào ngày 6/6, họ đã đốt 50 nhà và cảnh cáo dân làng phải rời đi. Ngày 11/6, họ đốt 80 nhà ở làng Rừng Lá và cắt đứt Ql-1 gần đó.
Rừng Lá, cách tỉnh lỵ Xuân Lộc 12 dặm hay 19.3 km, là một trong những trại định cư lớn nhứt cho nạn nhân chiến cuộc của tỉnh Bình Long. Những người sớm nhứt đã đến làng này từ tháng 12/1973. Đến tháng 6/1974, dân số của làng tới 18 ngàn. Khi CSBV lập một nút chận (road block) giữa Xuân Lộc và làng định cư Rừng Lá, gần 10 ngàn dân làng đã chạy về tỉnh Bình Tuy và Bình Thuận. TĐ 347 và 358 ĐPQ của tỉnh Long Khánh được lịnh phá vỡ nút chận này nhưng đã đẩy lui sau khi bị tấn công dữ dội bằng cối. Một TĐ ĐPQ xuất phát từ tỉnh Bình Tuy cũng bị tấn công như vậy tại làng định cư Rừng Lá. Thiệt hại về chính trị và tâm lý chiến này, cộng với ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế địa phương của việc QL-1 bị cắt tại đây đã khiến tướng Thuần đã chuyển hướng quan tâm của ông từ tình hình quân sự ở khu Tam Giác Sắt và nơi khác trong QK-3 sang khu vực này. Tướng Thuần ngày 13/6 đã thị sát mặt trận để xem xét các nút chận của đối phương tại khu vực này của Ql-1. Sau đó ông đã ra lịnh cho một chiến đoàn - gồm hai TĐ của trung đoàn 8 sđ 5 bộ binh, TĐ 32 thuộc LĐ 7 BĐQ, và một chi đoàn chiến xa - tiến quân từ Xuân Lộc để giải tỏa QL-1. Nhờ hỗ trợ tốt của pháo binh và quan sát cơ L-19, ngày 15/6, chiến đoàn đã dẹp 2 trong số 3 nút chận trên QL-1. Khi nút chận cuối cùng bị dẹp ngày 17/6, dân tị nạn đã trở về làng Rừng Lá để tiếp tục cuộc sống.
Chỉ để lại TĐ 32 BĐQ và một TĐ của trung đoàn 8 sđ 5 bộ binh để bảo vệ việc xây dựng một căn cứ mới của ĐPQ tại Rừng Lá, tướng Thuần đã ra lịnh cho vị tiểu khu trưởng Long Khánh dùng TĐ còn lại của trung đoàn 8 bộ binh và các TĐ ĐPQ của tỉnh Long Khánh để tái chiếm những ấp của Bảo Bình, vẫn còn bị đối phương kiểm soát. Tuy nhiên, lực lượng này đã ko đáp ứng yêu cầu. Do nhu cầu cao ở khắp nơi trong QK-3 rất cần tăng viện, nên Bảo Bình tiếp tục trong tay đối phương.
Ngày 8/7, quân csbv đã lần nữa tấn công Rừng Lá và chiếm một khúc của QL-1 cho tới ngày 13/7. Dù từ ngày đó tới cuối năm, họ có thể tiếp tục quấy rối, đối phương ko thể cắt đứt QL-1 lần nữa.
Bảo Bình là một mục tiêu khó khăn vì hệ thống công sự dày đặc của đối phương. Vào cuối tháng 7 và 8, vị tiểu khu trưởng đã dùng liên đoàn 7 BĐQ để tái chiếm Bảo Bình, cuối cùng BĐQ đã chiếm gần hết Bảo Bình trừ một ấp. Sau đó họ rút khỏi làng để hành quân gần Rừng Lá. Nhưng vào cuối năm 1974, QLVNCH đã hoàn toàn kiểm soát Bảo Bình vì các đơn vị csbv đã rút lui, có lẽ nhận lịnh của cấp trên cho cuộc tổng tấn công cuối cùng.
San Jose ngày 20 tháng 8 năm 2023.
Tài Trần