CHIẾN XA M-48 CÓ MẶT HAY KHÔNG TẠI DAK TO-TÂN CẢNH NĂM 1972?
I/ Lời nói đầu:
Thời gian gần đây, có một cựu chiến binh BĐQ đã viết như sau về trận Dak To -Tân Cảnh 1972:
"Ngoài ra, tiểu đoàn còn được tăng cường 5 chiếc chiến xa hạng nặng M.48, có đại bác 175 ly nòng dài, đại bác 90 ly và đại liên 50 ly… Nhiệm vụ là để bảo vệ, và phòng thủ căn cứ chiến lươc Lam-Sơn Tân-Cảnh". (Hết trích).
https://hung-viet.org/a10642/nguoi-ve-tu-tan-canh
Nếu tôi ko lầm, lúc đó ở khu vực Dak To và Tân Cảnh không có M-48 mà chỉ có M-41, xem hình. Dù thời điểm đó, ở QK-1, đã có M-48, do QLVNCH nghĩ rằng quân CSBV thừa khả năng để dùng chiến xa T54 hay PT76 do gần hậu phương vững chắc của họ, nằm bên kia vĩ tuyến 17. Nên nhớ muốn cho chiến xa hoạt động phải có kho bãi chứa xăng dầu cũng như đạn dược để sẵn tại kế cận khu vực mà nó sẽ hoạt động; nó ko thể ngừng chiến đấu vì thiếu xăng hay hết đạn. Tăng T-54 mang theo 43 đạn đại bác 100ly. Bình xăng chứa 580 lít, có thể mang thêm những thùng nhỏ chứa tới 400 lít. Chạy xa 325 km, nếu có bình xăng phụ chạy xa 610 km, trên đường ko tráng nhựa.
Nếu căn cứ Tân Cảnh hay Dak To II được bảo vệ bởi M-48 thì hai căn cứ này ko dễ dàng thất thủ như vậy vì M-48 có nhiều điểm vượt trội hơn T-54.
Vì nghĩ như vậy, tôi đã tìm tòi trên mạng để kiểm chứng ý kiến của mình. Sau đây là một bài về Cuộc Chiến của Thiết Giáp Binh tại Việt Nam do bộ quốc phòng Mỹ in.
===========
. . .
"Tại quân khu (QK) 2, các hoạt động của địch về bản chất cũng giống ở QK 1. Vào giữa tháng 12/1971, máy bay thám sát của không kỵ Mỹ đã xác nhận những báo cáo trước đó về các cuộc chuyển quân lớn trong khu vực biên giới tiếp giáp Cambodia và Lào. Máy bay của chi đoàn 7/17 Không kỵ Mỹ đã tấn công 2 xe tăng và thấy 4 chiếc khác phía tây của Kontum ngày 25/1/1972, nhưng các cố vấn Mỹ ở QK-2 đã không nhận ra tầm quan trọng của các báo cáo này. Các báo cáo cho biết các đv địch đang tập trung quân cho một chiến dịch nhắm vào TP Kontum và Pleiku, và có sự hỗ trợ của các cuộc tấn công của các đv VC địa phương ở bình nguyên ven biển nhằm nghi binh và đánh lạc hướng (diversion).
Để đối phó với đe dọa có vẻ ngày càng tăng cho Kontum, trung tướng Ngô Du, TL của QK 2, đã chuyển chủ lực của sđ 22 bộ binh đến Tân Cảnh và Dak To 2, bao gồm thiết đoàn 14 cơ hữu cũng như chi đoàn xe tăng 1/19 tăng phái. Phần lớn chiến xa M-41 của hai đv này đang đóng tại trại LLĐB Ben Het theo lịnh TL của sđ 22 -- trái ngược với ý kiến của TL của lữ đoàn 2 thiết giáp rằng thiết kỵ nên dùng như lực lượng lưu động. Ở giữa tháng 3, những đụng độ với các đv lớn của địch gần Ben Het và dọc theo Rocket Ridge hay Rặng Hỏa Tiển -- được gọi như vậy vì địch phóng hỏa tiển từ rặng núi này -- người dịch; và tin tình báo và lời khai của tù binh đã chỉ ra rằng một tổng tấn công toàn diện có xe tăng hỗ trợ được dự định cho giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9.
Ngày 23/4, Tân Cảnh và Dak To II thực tế đã bị bao vây bởi các lực lượng CSBV, vào buổi chiều ngày đó một xe tăng M41 của chi đoàn 1/14 thiết kỵ, lúc đi ngang cổng của căn cứ Tân Cảnh, đã bị trung và hủy diệt bởi một phi đạn Sagger hay AT-3, xem hình. Chỉ trong chốc lát sau đó, những phi đạn này đã bắn trúng hầm trú ẩn kiên cố của trung tâm hành quân của sđ 22 bộ binh, giết và làm bị thương vài sĩ quan tham mưu. Một lát sau đó, các chiến xa M41 còn lại ở căn cứ Tân Cảnh đều bị hủy diệt bởi phi đạn này. Căn cứ Dak To II, ở 5 km tây Tân Cảnh là hậu cứ của trung đoàn 47 bộ binh -- người dịch.
Lúc 21 g, có tin một đoàn 18 chiếc T-54 tiến về phía nam tới Dak To. Sau rạng đông ngày 24/4 một lúc, chiến xa và bộ binh địch đã tấn công vào hai cạnh sườn của chu vi phòng thủ của Tân Cảnh, gây hoảng loạn cho quân phòng thủ, phần lớn lo về hành chánh và tiếp vận. Những người lính này đã rút chạy, sau đó ko lâu là những người lính tác chiến cũng rút chạy, vì họ đã ngạc nhiên và mất tinh thần do cuộc tấn công (onslaught) đột ngột và dữ dội này của chiến xa T-54.
Tại căn cứ Dak To II, 5 km tây của Tân Cảnh, bộ binh và T54 của Bắc quân đã xuyên thủng vài chỗ trên chu vi phòng thủ. Vào giữa buổi chiều, cả hai căn cứ đã bị tràn ngập, và tàn quân ko-còn-ai-chỉ- huy, của sđ 22 bộ binh chạy thoát vào rừng.
Bắc quân đã trải qua vài ngày để cũng cố các vị trí của họ và tổng kết các chiến lợi phẩm khổng lồ mà Nam quân bỏ lại và còn tốt: 23 đại bác 105-ly, 7 đại bác 105-ly, một số chiến xa M41, và khoảng 15 ngàn đạn đại bác.
Ngày 25/4, Nam quân đã rút bỏ khỏi các căn cứ hỏa lực (CCHL) ko-còn-tác-dụng-gì dọc theo Rặng Núi Hỏa Tiển, do vậy đã cho phép địch ko gặp trở ngại khi tiến xuống QL-14 để đi về TP Kontum. Trong khi đó, TP này đã được vội vả cũng cố bởi các thành phần của sđ 23 bộ binh Nam quân, chỉ huy mọi lực lượng trong tỉnh Kontum. Giữa ngày 25/4 và 9/5, Bắc quân đã tấn công các trại LLĐB Ben Het và Polei Kleng -- từng gây khó khăn cho các đường tiếp tế gần đó của CSBV. Trong khi Polei Kleng thất thủ ngày 9/5, Ben Het vẫn đứng vững trước các đợt tấn công liên tục của pháo và bộ binh trong suốt chiến dịch của CS. Các đv này thuộc sđ 2 và 320 CSBV, yểm trợ bởi trung đoàn xe tăng 203.
TL của sđ 23 bộ binh Nam quân, đại tá Lý Tòng bá, từng chỉ huy đại đội cơ giới M113 năm 1963 lúc còn là đại úy, giờ đây hăng say làm việc để chuẩn bị binh sĩ về thể chất và tâm lý hầu đối phó một cuộc tấn công của địch, dẫn đầu bởi xe tăng. Ông đã khẩn trương tiến hành việc huấn luyện binh sĩ dùng M72, xem hình, một vũ khí nhẹ của Mỹ để chống tăng, và đã cố gắng tạo niềm tin rằng họ có thể diệt tăng với súng này.
Việc dùng đại bác bắn tập trung được Nam quân dự trù và phối hợp chặc chẻ với các đợt oanh kích của B52, và các đv học tập cách phản công nếu nơi nào mà tuyến phòng thủ bị chọc thủng. Nam quân đã rất may khi Bắc quân dừng tấn công gần hai tuần lễ (từ 25/4 đến 14/5), sau khi chiếm Dak To - Tân Cảnh; và họ đã tranh thủ thời gian này để chuẩn bị chiến trường. Vào lúc đó, một vũ khí mới để chống tăng, đã xuất hiện trên chiến trường QK2 và có mặt tại Sài Gòn từ ngày 24/4. Để thử nghiệm vũ khí này, ngoài các đại diện kỹ thuật của các hãng Bell Helicopter, Hughes Aircraft, và BTL về phi đạn của Lục quân Mỹ, còn có ba phi hành đoàn và hai trực thăng UH-1B trang bị XM26 -- đây là một loại phi đạn phóng bằng ống, theo dỏi bằng quang học, điều khiển bằng dây (a tube-launched, optical tracked, wire-guide missile), viết tắt là TOW. Trước đó, trong lúc chuẩn bị thử nghiệm vũ khí này tại căn cứ Fort Ord ở Califonia, họ nhận lịnh vào ngày 15/4 để gấp rút tới Việt Nam. Sau khi tới SG, họ đi ngay đến Pleiku để thí nghiệm vũ khí mới này trong điều kiện chiến đấu. Sau ngày 2/5, họ bay hàng ngày để kiếm xe tăng địch. Ngày 9/5, trong lúc Bắc quân tấn công trại Ben Het, toán TOW này đã phá hủy ba PT76 và đẩy lui cuộc tấn công. (Theo một số thông tin, ngoài trực thăng, phi đạn TOW còn được gắn trên xe Jeep, xem hình -- người dịch).
Ngày 13/5, dựa vào việc nghe lén các điện đàm của đối phương, rất trùng hợp những báo cáo trước đó của các toán thám sát của không kỵ Mỹ về một tập trung lớn lao của thiết giáp và bộ binh csbv gần Võ Định, một chỉ dấu rõ ràng về một tấn công toàn diện vào Kontum. Rạng đông ngày 14/5, cuộc tấn công bắt đầu. Quân CSBV đã không dùng pháo binh để dọn đường mà chỉ dùng 2 trung đoàn có tăng hổ trợ tiến theo QL-14. Một trung đoàn thứ ba từ đông bắc, và trung đoàn thứ tư thăm dò mặt nam của tp.
Các toán diệt tăng của Nam quân trang bị hỏa tiển M72, xem hình, đã gặt hái thành công vào ngày 14/5 khi nhanh chóng hủy diệt phần lớn các xe tăng -- số tăng còn lại được thanh toán bởi các chiến đấu cơ và toán TOW, trong lúc chúng rút chạy theo QL14. Toán TOW đã hạ hai T54. Lúc 9g sáng, cuộc tấn công bị đẩy lui, dù các chạm súng lẻ tẻ và đấu pháo kéo dài suốt ngày và đêm.
Các ngày kế, Kontum bị pháo và đôi khi tấn công bởi các toán nhỏ. Ngày 21/5, một chiến đoàn gồm hai liên đoàn BĐQ và thiết đoàn 3 đã hành quân để giải tỏa QL14 từ Pleiku tới Kontum. Họ đã phá các chốt ở đèo Chu Pao, khoảng 15 km nam Kontum, nơi mà địch đã cố thủ một thời gian.
Lúc 1 g sáng 26/5, quân csbv đã tấn công đợt hai vào Kontum. Sau khi pháo binh bắn ồ ạt dọn đường, tăng và bộ binh địch đã tấn công từ phía bắc, và chẳng bao lâu đã chọc thủng vài chỗ trên tuyến phòng thủ. Trực thăng trang bị TOW từ Pleiku đã có mặt từ sớm ở Kontum để tìm tăng địch, lúc đó di chuyển rất nhiều ở khu vực phía bắc của tp. Các chiến đấu cơ và trực thăng gunship ko thể dùng mà ko gây nguy hiểm cho quân bạn nhưng TOW đã chứng tỏ rất hữu dụng trong việc diệt tăng.
Một toán TOW gồm chuẩn úy (CWO) Edmont C. Smith và Danny Rowe, đã bay ba phi xuất, diệt năm T54 và một PT76, và gây hư hại một PT76. Trong phi xuất thứ hai, toán này đã chứng tỏ sự chính xác của phi đạn TOW khi bắn trúng một đại liên địch đặt trên nóc một tháp nước (bằng bê-tông cốt thép). Toán TOW thứ hai gồm chuẩn úy Douglas Hixson và Lester Whiteis, trong hai phi xuất, đã bắn cháy ba PT76, một xe tải, và một đại liên mới xuất hiện trên nóc tháp nước kể trên.
Sau khi bắn phá Kontum suốt đêm, Bắc quân đã tấn công lần nữa vào sáng ngày 27/2 với xe tăng và bộ binh. Quân phòng thủ được trợ giúp hữu hiệu bởi các trực thăng trang bị TOW, các toán của không kỵ Mỹ, máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ và Nam Việt Nam, và các phi xuất dự trù trước đó của B-52. Trên mặt đất, bộ binh Nam VN, yểm trợ bởi chiến xa của thiết đoàn 8 đã chiến đấu để đuổi địch quân khỏi phần phía bắc của tp, và cuộc chiến ác liệt giành giựt từng nhà ở phần phía nam. Trận chiến đã kéo dài tới ngày 31/5, mà ko bên nào có thành công đáng kể. Vào giữa ngày 31/5, quân csbv, rất cần tái tiếp tế và bị tấn công nặng nề trong vài ngày qua bởi các lực lượng bộ binh và không quân Việt-Mỹ, đã phải rút lui, để lại gần 4.000 xác chết.
Con đường huyết mạch từ Pleiku đi Kontum cuối cũng đã được giải tỏa vào ngày 19/6 khi đoàn xe thiết đoàn 3 đã tiến vào TP Kontum. Sau vài tuần chiến đấu đẫm máu dọc QL-14 ở đèo Chu Pao, thiết đoàn 3 đã vượt các hệ thống công sự ở đây bằng cách tiến về phía tây. (Theo một vài thông tin, QK-2 đã mở một đường mới đi vòng qua đèo này -- người dịch). Không còn nghi ngờ gì nữa, đối phương đã bị một thất bại nặng nề (resounding) tại QK-2."
. . .
Chuyển ngữ từ trang 211-217 của quyển MOUNTED COMBAT IN VIETNAM của tướng Donn A. Starry.
II/ John Paul Vann, cố vấn trưởng của QD-2 dùng trực thăng riêng cứu các cố vấn của sđ 22 bộ binh:
. . .
"Ông Vann đã thức suốt đêm trước đó khi tin tức liên tục gửi đến Pleiku. Khi trời mới hừng sáng, ông và phi công của ông, đại úy Richard Todd, trên đường bay tới Tân Cảnh. Ông đã ko thể liên lạc với các cố vấn từ khi thiết giáp địch tấn công BTL của sđ 22 bộ binh. Khi ở trên bầu trời Tân Cảnh, ông đã liên lạc với Steward đang ở dưới đất. Vann đã xem xét tình hình và hỏi cách nào tốt nhứt để cứu các cố vấn. Đại tá Kaplan, cố vấn trưởng của sđ 22 đã trả lời rằng họ sẽ di chuyển thêm 200 m về phía tây để tránh đạn súng nhỏ. Khi sáu cố vấn di chuyển, ba người cố vấn còn lại bắn che chỡ cho họ, sau đó họ đã gặp nhau. Cuối cùng họ quyết định rằng Vann có thể đáp xuống bằng chiếc OH-58 của ông để bốc toán cố vấn đầu tiên.
Đó là thiếu tá Carter, thiếu tá Warmath, đại úy Keller, thiếu úy Jones, trung sĩ Ward và hạ sĩ Zollenkopher. Trong khi Vann cất cánh với nhóm cố vấn này, vài lính VNCH quá sợ hãi đã bám vào càng trực thăng. Sợ rằng các người lính này sẽ rớt trước khi máy bay tới trại Ben Het, ông đáp xuống căn cứ Dak To II, nơi trung tá Robert Brownlee và đại úy Charles Carden, cố vấn của trung đoàn 47 bộ binh, đang chờ họ. Sau đó Vann trở lại Tân Cảnh để cứu các cố vấn còn lại. Khi máy bay vừa đáp xuống, khoảng 15-20 binh sĩ VNCH quá sợ hãi tràn lên máy bay. Khi cố gắng cất cánh, máy bay đã rơi, nhưng Vann và đại úy Todd thoát được. Sau đó, một máy bay khác đã cứu họ và sau đó tìm (locate) được ba cố vấn còn lại -- Kaplan, McCain và Stewart. Các người lính VNCH hoảng loạn, lần nữa đã cố gắng trèo lên máy bay nhưng ko thành công, và máy bay đã cất cánh mà ko có họ. 30 phút sau, máy bay đã đáp xuống Pleiku.
San Jose ngày 30/8/23.
Tài Trần
====================================
ĐỌC THÊM: