Thursday, December 21, 2023

 "Tù cải tạo”: Mãi mãi... không bao giờ quên!



BS Lê Bá Dũng


 



Viết để riêng tặng các Sĩ quan bị tù đày của Tổng trại 8 Sông Mao... các bạn đã nằm xuống hay đang lưu lạc nơi quê người, và nhất là các bà mẹ, vợ hay con các Sĩ quan đã không quản gian nan trong gông cùm Cộng Sản.



Những ngày gần đây, đài phát thanh Little Saigon mỗi sáng đều tường thuật chuyến đi về Biển Đông của đặc phái viên Đinh Quang Anh Thái trong đoàn đi thăm lại những ngôi mộ vô danh hay hữu danh của các thuyền nhân vượt biển, những người từng mong muốn thoát khỏi một chế độ cực kỳ tàn ác, dã man Cộng Sản Việt Nam. Ra đi, với ước mơ được sống một đời sống cho ra con người, họ chẳng may bỏ xác trên biển cả và được chôn tại các đảo xa xăm vùng Thái Lan, Mã Lai, Indonesia…



Giọng nói nghẹn ngào tức tưởi của Đặc phái viên khi đứng trước các ngôi mộ cá nhân hay tập thể làm tôi nhớ lại những người bạn Sĩ quan đã bỏ mình khi bị đưa đi ở tù tại các trại Cà Tót, Sông Mao... và cuốn phim về trại cải tạo như quay chậm lại tuy thời gian đã bao nhiêu năm qua, nhưng vẫn còn in đậm nét trong ký ức tôi.



Sau khi Phan Thiết mất vào tay Cộng Sản, tôi cùng gia đình vào Saigon, rồi trôi giạt về Long Xuyên, vùng 4 Chiến thuật. Tôi cứ đinh ninh rằng ở Long Xuyên sẽ được an toàn hơn vì chưa bị hao binh tổn tướng, còn ở Saigon thì sợ sự pháo kích bừa bãi của phía bên kia. Nhưng rồi khi nghe tin ông Dương văn Minh vừa mới nhậm chức Tổng Thống đó thì đã tuyên bố đầu hàng, tôi cảm thấy như trời đất sụp đổ: thôi thế là hết, chẳng còn hy vọng gì nữa!



Tôi cùng với vợ đi trình diện ở Long Xuyên được người của chế độ mới trả lời: “ Ở đâu, thì về nơi đó mà trình diện”.



Thế rồi, ngày 7 tháng 5 tôi cùng gia đình về lại PhanThiết.



Đường từ Saigon về Phan Thiết, lúc mới đầu cũng còn tạm được, nhưng khi đi được nửa đoạn đường thì có một cái cầu bị phá sập, và cả một dãy xe đò bị tắc nghẽn.Dân chúng ùn ùn trở về quê cũ. Một người mang một cái xách tay, gương mặt người nào cũng thất thần, buồn bả và xanh xao. Đến chỗ tắc nghẽn, mọi người phải xuống đi bộ, lội qua con suối cạn, chờ đoàn xe từ từ bò xuống suối rồi bò lên.



Trời đang mưa, tôi và vợ con phải tấp vào một trại làm than. Nhìn quanh quẩn không có hàng quán gì cả. Bỗng thấy một bà già đang nấu cơm và kho thịt, tôi có ý muốn mua một ít đồ ăn cho gia đình, bà đồng ý bán cho chúng tôi cơm, chút ít thịt kho với bều bều nước. Nhưng trời mưa lạnh và chúng tôi đang đói nên ngon ơi là ngon.



Lúc về đến Phan Thiết, những ngày đầu, tâm trạng tôi vô cùng hoang mang, không biết phải làm gì. Rồi tôi đi trình diện Ủy ban Quân quản, và tìm gặp một số bạn bè. Nếu có nói chuyện với ai ở ngoài đường, người nào cũng lo lắng nhìn quanh quất, xem có bị theo dõi không. Đường phố vắng tanh, nhà nhà đều đóng cửa. Thỉnh thoảng người ta mở cửa he hé một chút, đi ra một lát lại đóng lại. Phan Thiết như một thành phố chết. Nét mặt mọi người đều căng thẳng.



Tôi tự nghĩ về thân phận mình, như con cá nằm trên thớt, thôi thì cứ ra sao thì ra. Tôi tạm chuẩn bị một cái gì đó, tôi đến nhà một anh Y tá cũ xin một ít thuốc Chloroquine và primaquine. Biết đâu rồi đây tôi bị đưa đi những vùng khỉ ho cò gáy, rừng thiên nước độc! Anh ấy là một Hạ sĩ quan rất thân tình. Anh đã dốc hết cả chai cho tôi. Tôi giữ cho mình 20 viên để phòng thân, gặp bạn bè, cho mỗi người 20 viên. Sau đó, tôi đến nhà anh Nguyễn văn Tư, nguyên Đại úy, Sĩ quan Hành chính Quân y, thấy thân sinh anh Tư đang làm dép râu, tôi đưa tặng anh Tư mấy viên thuốc Chloroquine và Primaquine. Ba anh Tư rất mừng và làm cho tôi một đôi dép râu bằng vỏ lốp xe Jeep.



Ngày 18/6/75 vì đang loay hoay tìm kế mưu sinh, tôi cùng với một người bạn, anh Cảnh đạp xe ra cây số 17. Anh này có người quen cho đất ở đây. Từ Phan Thiết đến đó hơn 17 km. Trời hơi mưa mưa. Đến nơi mới thấy đó chỉ là một miếng đất khô cằn, xung quanh không có sông suối. Nếu muốn trồng lúa, chỉ có gieo lúa khô, nhờ nước trời mà thôi.



Tôi chưa có dự tính gì cho những ngày sắp tới. Rồi khi về đến nhà, vợ tôi cho hay có lệnh ngày mai 19/6 tôi phải đi tập trung học tập cải tạo. Thật là oái ăm! Ngày 19/6 cũng là ngày Quân lực VNCH, vậy mà tôi phải đi tù.



Tôi vội ra chợ mua một miếng vải nylon, về nhà may gấp thành cái võng để sau này khi cần đến thì dùng nó, máng giữa hai cành cây để nằm nghỉ.



Tối hôm đó, vợ tôi nấu cơm, tôi ăn hoài mà không thấy no, vì cả ngày đạp xe gần 35 km.



Sáng hôm sau, tôi ra tập họp ở vườn bông, đem theo chừng 10kg gạo, ít cá khô, vài bộ quần áo. Ra đến nơi, gặp anh em Bình Thuận ở vùng xung quanh cũng vừa đến. Mặt mày ai nấy buồn xo, đưa tay chào nhau rồi nói nho nhỏ với nhau “ Chẳng biết tương lai ra sao!”



Khoảng 10 giờ sáng, sau khi điểm danh, chúng tôi được lệnh lên những chiếc xe GMC. Đồ đạc mỗi người chẳng có bao nhiêu. Chiếc xe chở khoảng 40 người có hai bộ đội VC có súng ngồi đằng sau để canh.



Đoàn xe di chuyển về thị trấn Phú Long. Nhưng khi gần đến đó, xe đổi hướng về một ngã rẽ trái theo đường liên Tỉnh lộ nối Phú Long qua Thiện Giáo. Đường này chỉ dành cho xe bò đi mà thôi, nhưng có lẽ họ muốn đánh lạc hướng để vợ con Sĩ quan đi trên xe không biết chỗ đến.



Lên đến Thiện Giáo đoàn xe tiếp tục chạy theo liên Tỉnh lộ 8. Đường này ngày xưa nối Thiện Giáo với Di Linh, đã bị bỏ lâu rồi, cỏ lác mọc lấn vô nhiều vô kể, nên xe chạy bị dằn xóc muốn lộn ruột. Độ vài chục cây số nữa thì xe chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng. Khoảng một giờ sau, được lệnh xuống đi bộ rồi lội qua một con suối cạn đến một vùng rừng hơi thấp trên một ngọn đồi nhỏ.



Trước khi vào trại, chúng tôi được lệnh tập họp trên một sân đất.



Trại là một số nhà bằng lá, nằm trên một ngọn đồi thấp, dưới những tán cây rất cao.



Lúc chúng tôi vào, bên phải có những nhà tranh có vách, bên trái là cụm nhà tù rào bằng tre trong một khu rừng rậm. Những dãy nhà dành cho Sĩ quan tập trung có hình chữ E bị ngắt đoạn. Nói là nhà chứ thật ra chỉ có mái che còn bốn bề trống hoác.



Chúng tôi được lệnh ngồi xuống. Nhìn vào trong trại những Sĩ quan ở tù, tôi thấy lố nhố một số người, đứng có, ngồi có, mặt mày ốm o và xanh xao. Bỗng tôi nhận ra có một người quen. Té ra là Thiếu tá Phạm Minh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Yểm trợ Tiếp vận Bình Thuận, đang đi ra chỗ để cối xay lúa, đứng ngó chúng tôi.



Họ bắt đầu lục xét “hành trang” của chúng tôi. Tất cả đồ ăn, thuốc men, đồ dùng họ tập trung lại và lấy hết. Do đó, tôi vội lấy số đường mang theo (khoảng nửa kg) ngốn hết. Nhìn thấy ở hàng trên, họ đang tịch thu thuốc của anh em, tôi vội xé cái nón vải đang đội trên đầu (tôi đội một nón vải, trên đó lại thêm một nón lá - sẽ có ích sau này) ở giữa hai lớp vải, tôi nhét vội vào những viên thuốc ngừa sốt rét mang theo.



Đây là lúc mấy Cán bộ Việt cộng tha hồ lấy của người làm của mình. Một Cán bộ Việt cộng lấy những cây viết của anh em, gài vào túi áo mình và khoe với bạn: “Viết đẹp quá, tụi mày muốn lấy không?” đến lượt tôi bị lục soát, đồ ăn, mùng, mền, võng... đều bị lấy hết. Đến đôi dép râu tên Cán bộ Việt cộng nói: “Các anh làm sao mà có hân hạnh được mang đôi dép này rồi lấy luôn.” Riêng về cái mền, tôi nói: “ Trời này lạnh quá, các anh lấy mền thì làm sao tôi sống nổi” sau đó nó trả lại.



Tiếp đến, tất cả được đưa vào trại. Đi ngang qua một dãy có hai thanh gỗ dài song song được khoét những lổ tròn để làm còng, đây là dấu tích trước đây - tôi nghe kể lại - những Sĩ quan sau khi bi bắt được đưa lên đây, tối nào cũng bị còng. Khi Sài gòn chưa “giải phóng” tôi còn nghe chuyện về thiếu tá Phạm Minh khi bị còng đã nói: “yêu cầu được đối xử theo quy chế Geneve” thì đám VC trả lời: “không có quy chế Giơ-Ne-Vơ ở đây, mà chỉ có luật của chúng tôi” và bị còng cả tay lẫn chân cho đến khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng mới mở còng.



Lúc gần tối, chúng tôi được cho ăn. Một toán tập hợp 10 người để nhận khẩu phần. Mỗi 10 người được đem ra hai thau: Một thau đựng cơm, một thau đựng nước muối. Thau vừa móp vừa dơ, trông còn tệ hơn cái thau cho chó ăn của những nhà nghèo ở Việt nam. Nước muối màu vàng vàng, đen đen, còn cơm thì ẩm móc và lẫn với sạn. Tôi phải đổ thêm nước vào để sàn bớt sạn ra. Chúng tôi chia nhau mỗi người hơn một chén cơm, nhai trệu trạo mà cũng ráng nuốt vô. Đó là khẩu phần hàng ngày của chúng tôi ở trại Cà Tót.



Đêm đầu tiên, gặp Thiếu tá Vị, kéo tôi và Đại úy Bùi Thanh Minh nằm hai bên cho vui. Ba anh em nói chuyện tiếu lâm đến khuya, vẫn còn cười khúc khích. Đám Cán bộ VC đi canh nói to: “ Ngủ đi, bộ ở tù sướng lắm hay sao mà cười hoài!”



Dần dần, tôi chứng kiến người bị sốt rét quá nhiều. Hằng ngày, mặt họ xanh xao và run rẩy trong cái mền, dù trời đang nắng ấm. Ngoài hàng rào có một cái lều nhỏ hỏi ra, tôi đuợc biêt có một người sắp chết bị bỏ đó. Tôi vội lấy một viên thuốc sốt rét để phòng thân. Cả đêm tôi không dám ngủ, trùm mền kín sợ muỗi cắn truyền bệnh. Sáng hôm sau, mượn được cây kim, tôi bèn tháo sợi chỉ từ trong cái mền, rồi sếp đôi mền lại, may thành cái bao và đêm nào tôi cũng trãi xuống chun vô, sau đó chụp cái nón lá lên đầu. Ngủ trong bao đó thì yên tâm không lo bị muỗi cắn.



Một buổi tối tôi lấy nước, gặp anh On, là Trung sĩ Quân cảnh của Đoàn Liên Hiệp Kiểm soát Đình chiến hai phe (Việt Cộng và Việt Nam cộng Hòa). Tôi thắc mắc hỏi anh: “ Anh là Trung sĩ, sao bị lên đây?”(Tôi biết anh này từ hồi còn làm ở Quân y viện Đoàn mạnh Hoạch, anh thường xin thuốc cho con), anh ta trả lời rằng khi khai lý lịch, họ viết sai Trung sĩ ra Trung úy và hiện đang làm đơn xin cứu xét lại trường hợp của anh. Vì anh phụ trách “ anh nuôi “, nên anh dẫn tôi về chỗ anh làm và cho tôi mấy miếng cơm cháy, sau đó cho thêm một tán đuờng. “ Bác sĩ ăn đi!”. Tôi nói cám ơn anh lắm nhưng vì tôi đã ăn hết số đường đem vào nên cho đến nay chưa thấy thèm ngọt. Anh cho tôi ba con cá khô nhỏ. Chiều đó, tôi cũng đem chia lại cho bạn, người một con. Tôi ngức cái mình (và chừa cái đầu lại) để chiều đó được ăn cá khô. Mấy ngày sau vào rừng, thấy một đọt măng, bèn xắn đêm về, mượn dao (dao tự tạo chứ trại không cho dùng dao), xắc măng nấu với đầu cá khô, cũng được một bữa ăn gọi là “ thịnh soạn “.



Công việc của tôi hàng ngày là: cắt tranh, đánh tranh, đốn tre để mở rộng trại tù. Có bữa tôi vác cuốc làm cỏ một vùng gần đó trồng rau cải, ớt, đu đủ….


Sau đó chúng tôi phải làm bảng lý lịch trích ngang. Mới đầu thì họ bắt khai sơ lược. Một thời gian sau họ bắt khai kỷ hơn, nên tôi phải tính toán khai làm sao cho trước sau như một. Bữa nọ, một Cán bộ VC ngồi gần, nhìn thấy lý lịch của tôi thì nói: “ À, anh là Bác sĩ! Hồi đó, anh mà thấy chúng tôi bị thương, thì anh lấy máu truyền cho Mỹ chớ gì!”. Tôi cười đáp: “ Trước khi truyền cho ai thì máu đó phải được thử nghiệm để xem trong đó có vi trùng những bệnh nguy hiểm hay không chứ đâu phải dễ, Cán bộ ở trên rừng thường bị sốt rét, làm sao lấy máu truyền được!”. Một “cán bộ” tên Loan, cấp bậc Trung tá đỡ ngay, thấy cấp dưới đang đuối lý, bèn nạt ngay: “Thôi! Tiếp tục; làm đi, không nói nữa!”.



Trong thời gian bị giam ở đây, có một số người bị chết vì sốt rét. Tôi không biết nhiều hay ít nhưng có hai anh tên Long và Biên khiến tôi nhớ suốt đời, vì tên của hai anh nhắc nhở tôi nhớ đến cây cầu Long Biên ở Hà Nội.



Toán chúng tôi gồm cả thảy mười người đi chôn cất hai anh. Lúc đi chôn, một số ít đốn tre chặt dây mây để bện lại. Một toán đào hố ở bìa rừng, toán kia chặt tre làm bảy miếng và lấy dây rừng bện lại thành cái vạc, sau đó lấy quần áo hai đào mặc lại cho họ, rồi lấy mền hay vải nylon cuộn họ lại. Số cây tre theo đúng tục lệ Việt Nam “ Nam thất, Nữ cửu “. Các anh phải đủ bảy thanh tre, được cuộn lại, khiêng tới chổ đào hố.



Vùng đó, toàn cả sỏi và đá, chúng tôi không sao đào sâu được, cố gắng lắm cũng chỉ được 1 mét thôi, và hạ các anh xuống, lấp đất, vun lại. Và một anh vác rựa tới một cây gần đó, đẻo tên người nằm xuống (vì không có tấm bảng để ghi tên). Anh trưởng toán lúc bấy giờ là Lê Khắc Hai (tức nhà văn Hải Triều). Sau khi chôn xong, anh Lê Khắc Hai hô: “ Nghiêm! Chào tay! Chào!” Chúng tôi cũng hơi ngượng vì đang ở trong hoàn cảnh tù đày mà anh Hai còn giữ lối chào theo Quân kỷ. Sau đó, anh Hai hô tiếp: “Một phút mặc niệm bắt đầu!” Rồi. “Một phút... qua!”.



Nghĩ lại mà thương cảm cho mấy anh Sĩ quan chết mà không có được tấm bia, không có được cái hòm, chỉ có bảy thanh tre, rồi sau này vợ con muốn tìm cũng không biết đâu mà tìm.



Một thời gian sau, tôi có dịp gặp lại viên Cán bộ VC hồi tôi mới đến trại, đã xét đồ đạc của tôi. Tôi thấy mỗi khi anh ta bước đi, hai ống quần đánh vào nhau kêu rọt rẹt. Nhìn lại, té ra anh lấy tấm nylon của tôi (rước kia tôi may võng) ra may quần.



Hơn hai tháng sau, một buổi sáng, những Thiếu tá, Trung tá được lệnh chuẩn bị đồ đạc để di chuyển. Tôi không nghĩ họ sắp bị đem đi thủ tiêu, vì không thể thủ tiêu nhiều người cùng một lượt. Về sau, tôi được biết họ được đưa vào trại Suối Máu.



Khoảng hai tháng rưởi sau đó, một buổi sáng, cấp bậc Đại úy như chúng tôi được lệnh chuẩn bị đồ đạc để di chuyển. Họ dẫn chúng tôi đi theo đường rừng, từ trại đó trở ra, băng qua rừng, về lại theo con đường Liên tỉnh. Trên đường đi tôi thấy những hố bom do B52 thả rất đều dọc theo Tỉnh lộ. Đến Tỉnh lộ 8, thấy xe đợi sẵn, chúng tôi lên xe, họ chở chúng tôi về hướng Bắc. Gần chiều, đến trại gia binh của Sông Mao.



Mỗi nhà trong khu này được giành cho khoảng 10 người. Sau đó, họ bắt chúng tôi đào một hố xí lớn gần ngay ngoài đường rồi bên trên gác ngang những cái cây để đi vệ sinh. Hố xí đó gần sát ngay hàng rào kẽm gai, tiếp đó là con đường bằng đất, đến nhà dân ở bên kia. Họ ra lệnh rằng những nhà vệ sinh trong trại gia binh phải đuợc lấp đi vì vừa ăn vừa ị trong nhà rất mất vệ sinh. Chúng tôi không lấp mà dung một cái lon đặt xuống, lấy cát lấp lên trên để lỡ khi hữu sự vào ban đêm. Nếu lỡ đêm hôm phải đi ra ngoài, tay cầm đèn dầu, gặp khi gió thổi tắt, trên trạm canh có thể bắn mình chết lắm.



Đến đây, họ phát cho tôi hai chai: một chai dung dịch muối, Quinine, có nút cao su, được bọc hai lớp nylon; một chai nữa là Solucamphre, hai Seringue, vài cây kim, một chai Alcool, một ít gòn, một cái soong để nấu, để chích cho những người bị bệnh sốt rét. Mỗi lần chích, phải mở lớp nylon đầu tiên ra, lấy kim đâm xuyên lớp nylon thứ hai, xuyên qua nút cao su, rút thuốc rồi bọc lớp nylon đầu tiên lại.



Một buổi sáng, anh Đại úy Nguyễn văn Tư bệnh. Nghe có người báo, tôi qua phòng anh ấy thăm. Anh nói nhức đầu muốn ói, chóng mặt. Tôi khám thấy anh hơi sốt và cứng cổ. Tôi lục tiền bạc của anh ta và hỏi thăm anh em ai có thuốc thì dùng tiền ấy mua lại và chích cho anh. Chiều đó, trong khi chờ đợi, tôi báo lên cho trại. Hôm đó, anh được đưa lên Bộ chỉ huy. Bẵng đi ba ngày sau, một sớm mai, họ kêu bốn người đi “làm việc”. Khi mấy người này về, tôi hỏi thì được biết các anh có lệnh đi đào huyệt. Rồi bốn người nữa được lệnh đi “làm việc’. Té ra, là họ đem anh Tư đi chôn. Tôi nhớ một điềm lạ: trước khi anh Tư chết, một đôi đũa từ phía cao trên bếp tự nhiên rớt xuống một chiếc gãy làm đôi. Có người về sau kể lại với tôi như vậy.



Sau một thời gian, hố xí vì dơ bẩn quá nên xông ra mùi hôi thối kinh khủng, đến nỗi người dân không dám đi qua con đường đó. Còn những nhà quanh đó thì đóng cửa im ỉm.



Một bữa kia, chúng tôi được điều động khoảng mười người, đi lên chỗ cách đó khoảng năm trăm mét, có lẽ là Bộ chỉ huy. Đi vào trong khu vườn, tôi thấy một villa hồi xưa có độ bốn phòng. Chúng tôi được lệnh đào một hố xí gần cổng ra vào. Nhận lệnh thì phải làm thôi! Điều buồn cười sau này tôi mới biết là người Bắc không có hố xí tự hoại như ở miền Nam, nên khi thấy có hố xí sẵn trong nhà thì họ cho là dơ dáy, bắt lấp đi rồi làm một cái khác ở ngay ngoài cổng villa.



Đến trại này, khẩu phần ăn gồm có chút ít cơm với rau, sống cũng tạm cầm hơi qua ngày.



Một thời gian sau, chúng tôi được lệnh tháo những vỹ sắt ở phi trường dã chiến Sông Mao, nằm cách trại Gia binh chừng hai km. Cứ bốn người phải khiêng cho được bốn tấm trong một ngày, để về làm thêm trại, hội trường, nhà ở; sau đó là hàng rào để rào lại cho kỷ cái trại tù giam chính mình! Một khi có vỹ sắt làm hàng rào, ở trong không nhìn thấy gì ở ngoài nữa.



Một hôm, trên đường đi làm về, chúng tôi nghe một tiếng nổ “Ầm”. Sau đó, nghe nói Thiếu úy Tân bị thương. Tân mới ra trường Sỉ quan Võ bị Đà Lạt. Anh ta trong một toán bị điều đi tháo dây kẻm gai để giăng quanh trại và đã bị mìn cắt đi một chân! Tôi mong ước đi thăm Tân, để xem có thể giúp được gì không trong khả năng của mình, nên một bữa kia, tôi nói với viên Y tá VC xin gặp Tân. Anh ta dẫn tôi đi, biểu tôi phải đi sau lưng anh ta, giống như đang thi hành một công tác gì đó. Khi đến gần chỗ Tân nằm, viên Y tá chỉ tay vào và nói: “Nửa giờ sau thì về lại trại!”. Lúc tôi gặp Tân, thì chân đã bị cưa rời. Tôi nhìn anh trong nước mắt và hỏi: “Em cần tôi giúp đỡ gì không?”. Tân đáp “Nhờ anh nhắn giùm gia đình em“. Ngay khi về tôi ghi ngay những thứ cần dùng trên tờ giấy nhỏ: thuốc trụ sinh, thuốc bổ, bông băng, những thứ cần dung cho vệ sinh vết thương, sữa… Trong một chuyến thăm nuôi sau đó, tôi nhờ chuyển thư cho gia đình Tân. Sau này, nghe nói cha mẹ Tân tốn nhiều tiền để mua đầy đủ thứ cần dùng cho con rồi chầu chực ở cổng từ sáng đến tối, năn nỉ lắm họ mới cho đem vô, ông bà mới chịu về.



Tiếp đến, chúng tôi học tập chính trị. Chương trình học là mười bài. Ngày học một nửa hay một phần ba bài. Cả tổ “kiểm điểm rồi thu hoạch”. Bài một: “Đế quốc Mỹ kẻ thù của nhân dân”. Bài hai: “Ngụy quyền là tay sai, cũng là kẻ thù của nhân dân”. Bài ba: “Ngụy quân là công cụ của Đế quốc Mỹ cũng là kẻ thù của Nhân dân ta”. Mới học có ba bài thì anh Đại úy tổ trưởng nọ tiết lộ: anh là cháu ruột của Lê Duẩn, mẹ anh ta là chị của Lê Duẩn. Vì thế, sau 30/4/1975, Lê Duẩn phái một trực thăng vào Quảng Trị đón bà ấy ra Bắc, về sau cả gia đình dọn về Sài Gòn, có lẽ đã ở một villa nào đó do tiếp thu của chế độ cũ. Anh ta đưa một thư của Lê Duẩn gởi cho Ban chỉ huy trại và được thả ra.



Tổ chúng tôi được một số người nhà gởi cho hạt giống cải. Chúng tôi gieo hạt rồi bán cho những tổ khác, lấy tiền mua đường nấu chè cho anh em ăn.



Trong trại tôi có anh Lê Bá Trung, Bác sĩ, một bữa tự lấy Seringue chích một mũi Vitamine C do anh mang theo rồi bị “sốc”. Cả trại có ba Bác sĩ mà đành bó tay vì không có thuốc men gì cả. May quá, trong lúc hơi tỉnh lại, anh Trung nói trong xách tay của anh còn một chai Solucortef, tôi bèn lấy ra chích cho anh, anh mới qua khỏi. Tôi hỏi anh sao không uống mà chích chi vậy, anh nói: “nghĩ là chích có tác dụng nhiều hơn, mà không ngờ…”



Một buổi sáng, tôi nghe tin có mấy người trong trại vừa ngủ dậy không đứng lên được nữa. Tôi biết đó là triệu chứng của thiếu B1. Tôi hỏi thăm các anh em ai có mang theo thì mua lại cho mấy anh bị bệnh đó uống từ 0.5g đến 1g, hai ngày sau thì họ đi được (còn nếu uống theo thuốc VC chế thứ 5mg thì phải uống cả 100 viên mới đủ!)



Trong đám tù cải tạo, một anh tên Vận, người Bắc gốc Lâm Đồng, có người em đi Bộ đội miền Bắc. Hôm nhận thư nhà, anh ta đưa cho chúng tôi xem một tấm hình đặc biệt: Anh bộ đội đứng bên một chiếc xe đạp, vai mang một Radio, cánh tay để vắt ngang qua, nghiêng về phía trước cho người ta thấy cái đồng hồ. Anh Vận giải thích: nó có đủ ba Đ rồi đó. Tôi hỏi vậy là sao?Anh nói: “Đó là Đổng, Đài, Đạp, tức là Đồng hồ, Radio và Xe đạp, ba cái là nhất ở miền Bắc!”.



Đám Cán bộ biết rằng những người tù cải tạo đều là những người có học vấn cao, cho nên họ ưa “ nổ “ với chúng tôi để chứng tỏ mình cũng có trình độ như ai. Một bữa đang học chính trị, họ nói: “ Cái mi-cà rô đâu rồi?” anh em ngạc nhiên. Sau mới biết họ muốn nói cái micro. Một bữa khác, trong lúc họ “ dạy “, họ nói: “ Trên này không có la-phan”. Thiệt ra, họ muốn dùng chữ plafond. Không biết nghe ai nói về đời sống ở Mỹ, họ cũng “nổ” khi giảng bài: “ Các anh yên tâm đi về sau khi đi làm về, sẽ có đồ ăn dọn sẵn. Mình muốn ăn món gì, cứ tự đi lấy về ngồi vào bàn ăn (giống nhà ăn Quân đội Mỹ). Còn các bà ở ngoài đời, đang đứng nấu ăn trên bếp, bấm bấm vài cái trên cái bảng là ngoài đồng máy cày chạy tới chạy lui thôi!” Nghe vậy, một anh hỏi nhỏ bạn “ Không biết như vậy, mai mốt mình về sẽ làm cái gì?” - “ Bộ mày không biết mày làm cái gì à?” Rồi cả hai cùng cười khúc khích.



Thường chúng tôi học vài ngày rồi đi lao động một ngày. Một bữa đang lao động, chúng tôi được lệnh tập họp trong Hội trường lớn. Mọi người băn khoăn không biết chuyện gì. Té ra, nguyên nhân như sau: Có ai đó viết trong nhà cầu câu:” Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm!” Rồi có người báo lên trên. Hậu quả là suốt trong hai ngày chúng tôi bị ngồi nghe chửi rủa, rồi lại được dỗ dành: Anh nào tự thú thì sẽ được khoan hồng, nhưng không ai tự thú hết. Tiếp đó, họ lại dọa nạt:” Chúng tôi đã điện ra Hà Nội, họ sẽ gởi đến một cái máy, thì những hình ảnh cách đây năm mười ngày sẽ hiện ra hết, nếu anh nào không chịu tự thú thì trước sau gì cũng bị kỷ luật!”. Hôm sau, một anh bạn hỏi nhỏ tôi:” Có máy đó thiệt không?” Tôi trả lời:” Hồi xưa, tôi có đọc một cuốn truyện có tựa đề “ Máy khám phá thời gian “ (La Machine à explorer le temps) - Đó chỉ là một câu chuyện giả tưởng, chứ không có máy nào như thế cả. Vì để thâu lại những hình ảnh đó, máy phải có vận tốc nhanh hơn ánh sang, là 300.000 km/giây. Hiện nay, trên thế giới chưa có máy đó!”.



Thời gian này chúng tôi được đưa đi lao động trồng khoai sắn ở một nơi gần đường rầy xe lửa, cạnh đài Viễn thông của Phòng 7, Bộ Tổng Tham Mưu. Bây giờ chỉ còn những Antenne, còn phòng ốc bị phá toàn bộ. Mỗi ngày có cả chục chuyến xe từ Nam ra Bắc, chở những vật liệu tháo gỡ. Đoàn xe dài dằng dặc, có những toa hành khách là những người dân mặt mày ốm xo, lơ láo, những trẻ em đi chân đất, mặt buồn thiu đứng ở cửa xe dòm ra ngoài. Có những người dân thấy tù nhân, họ thương tình quăng xuống cho kẹo, bánh mì, chuối... Gặp lúc cán bộ có vẽ lơ là, đám tù vội chộp lấy và tiêu thụ rất nhanh. Qua đó ta thấy tình người dân đối với kẻ “ ngã ngựa “ thật tràn đầy thương cảm!



Một bữa kia, tôi cùng mấy người bạn trong toán phải đi quét dọn cho một Y tá dời qua phòng khác. Trong phòng có một giường khám bệnh, một tủ kim loại bằng sắt tây, một ít thuốc, một khẩu K54. Trên bàn có những chai lọ đựng thuốc, tôi để ý thấy có một chai đề ABC (B là bê bò). Tôi bèn hổi có ý chọc “quê” người Y tá: “ Ở miền Nam chỉ có thuốc APC (P là bê phở) viết từ chữ đầu của ba loại thuốc: Aspirine, Phenacetine, Cafeine, còn ở miền Bắc chữ ABC là loại thuốc gì vậy cô?” Cô y tá VC ngó tôi, rồi im lặng bỏ đi.



Có hôm toán tôi được lệnh đi dọn cầu tiêu gồm năm, sáu cái cho đám Cán bộ. Cầu đó là loại tự hoại. Công việc là gom giấy, rác đốt đi và xối nước làm vệ sinh. Nhìn lên tường, tôi chú ý mấy chữ về “ Nội quy nhà cầu “: Các đồng chí hãy bỏ các giấy, các đất cục, đá, lá cây và cành cây vào thùng sau khi đi cầu. Điều đó, chứng tỏ đám cán bộ kia phải dùng những vật liệu kia... Trời ơi là trời!


Một hôm, một người bạn dẫn tôi đến thăm một anh bạn từ Lâm Đồng xuống ở gần đó. Đến nơi, gặp lúc mấy anh đang nấu trong một cái thau những thức ăn dành cho gia súc như bắp, đậu, lúa mạch xay nhỏ. Họ mời chúng tôi ăn. Vì đói nên ăn vào thấy ngon quá.



Sau khi học xong mười bài, một bữa toán tôi được chuyển về núi Tà Dôn gần Phan Thiết. Chúng tôi được ở trong một dãy nhà trên đường đi vào núi Tà Dôn, bên tay phải. Những ngày đầu, sau khi lãnh phần ăn sáng, họ dẫn chúng tôi đi qua núi Tà Dôn và đến một vùng gọi là Bầu Trắng, sau đó tản vô rừng để cắt tranh, đốn cây để làm một số dãy nhà. Buổi trưa có toán nấu ăn, ăn tại chỗ chiều về trại ở ngoài.



Mỗi ngày, sáng đi chiều về, chúng tôi đi lao động như thé một thời gian. Riêng có hai nguời, ngày trước ở trong toán “gò” trong trại Sông Mao, được giữ lại và giao công việc “ gò” thùng gánh nước và soong. Một bữa, một anh cán bộ nói với anh đó: “ Làm cho tôi một cái hòm “ Anh trại viên nghe mà sảng hồn, hỏi lại và được nói lại y chang câu ấy. Sau này mới hiểu ra chữ “hòm” nghĩa là rương hay vali. Hôm sau, anh ấy được dẫn đến cái trailer nằm trên đường dẫn về núi Tà Dôn và biểu lấy tôn của trailer để làm rương. Anh vừa làm xong thì những Cán bộ khác cũng đòi làm như vậy và mỗi người còn đòi đục thêm cho có hình ngôi sao ở mặt trên cái rương. Chừng hai tháng sau, khi chúng tôi chuyển hẳn vào sau núi Tà Dôn, cái trailer chỉ còn là một bộ sườn với những miếng đệm lót đung đưa theo gió.



Trong thời gian đi đi, về về để lao động như mọi ngày, một bữa trời bỗng chuyển mưa, tên Cán bộ la lớn:” Khẩn trương! Khẩn trương lên!” Tụi tôi ngạc nhiên, kinh hãi klhông biết chuyện gì nguy hiểm lắm mà phải khẩn trương. Sau này mới hiểu ý của Cán bộ: các anh phải đi nhanh lên. Không có gì quan trọng cả mà họ cũng dùng chữ đao to búa lớn.



Khi nhà tranh đã làm xong, chúng tôi được lệnh về ở hẳn tại Bàu Trắng, sau núi Tà Dôn. Nhìn xa xa, hai bên triền dốc là đồi cát.



Bàu Trắng là một vũng chạy từ chân núi Tà Dôn ra xa khoảng 5 km, chiều rộng khoảng nửa km. Ở mặt trên của bàu này, lá cây rụng từ bao nhiêu năm, gió thổi tấp đầy trên ao làm thành một cái bè đồ sộ, rồi cây lát mọc lên trên cao khoảng 1,5m. Nhiệm vụ của chúng tôi là cắt những cây lát này, rồi đem lên bờ, hay đạp lún xuống nước! Còn nước ở đây thì đen ngòm, hơi thối vô cùng và đầy cả đỉa. Có con dài chừng 20 cm, màu trên den, dưới xanh, có loại nhỏ, luc nhúc dưới nước. Vì bị đỉa cắn nhiều lần quá, chúng tôi bèn kiếm những bao cát cũ, may bọc bàn chân lại, còn quần dài thì kiếm dây cột túm ống để chống đỉa. Dưới nước còn có những sinh vật chúng tôi gọi là cà tót, nhỏ chỉ bằng đầu cây kim, con mẹ thì hơi to hơn, bơi xung quanh nó có những đàn con nhỏ nổi trên mặt nước. Nếu ta bị cắn, lúc đầu không để ý, nhưng sau cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, vết thương sưng lên, điểm giữa lõm xuống có một chấm đỏ, mình cứ tưởng là bầm máu mà thôi, nhưng sinh vật quái quỷ vẫn còn nằm lỳ ở đó, ngứa vô cùng, chỉ đến khi mình gỡ nó ra, nó mới lìa khỏi thân mình. Về sau có kinh nghiệm, mỗi khi làm xong, tôi lấy xà bông giặt chà xát từ ngực trở xuống xem có con nào bám vào không, nếu không thì ngứa chịu không nỗi!



Một hôm, đang làm lao động, bỗng tôi giật mình muốn lạnh người: một con rắn đen đang len giữa hai chân. May mắn cho tôi là chưa bị rắn cắn.



Trường hợp bị rắn cắn đã xảy ra cho một số người. Như một anh trại viên người Lâm Đồng, lúc thò tay cầm lát rồi lấy lưỡi hái cắt, đã bị rắn cắn, anh la lên. Người ta dìu anh vào bờ. Vì không có thuốc để chữa trị nên họ để anh nằm, cởi áo anh ra và khuyên nên bình tĩnh. Lúc đầu anh nói hơi tê nơi bàn tay rồi tê đến cánh tay, sau tê nguyên cả tay. Chúng tôi chỉ biết trấn an anh. Lát sau nghe anh nói nhức đầu quá và hơi thở nhanh. Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn, lấy quạt, quạt cho anh. May mà không phải rắn độc nên sau hai giờ anh có vẻ bình thường trở lại và thoát chết. Anh ấy là Đại úy trưởng khối chuyên môn của Nha địa dư Đà Lạt.



Về sau, để đề phòng vụ rắn cắn tôi cẩn thận hơn. Trước khi cắt, tôi quay lưỡi liềm xem thử có con rắn nào thì để cho nó chạy trước mới thò tay xuống nắm bó lát mà cắt.



Khi cắt lát xong, phần còn lại là một bè lá cây dày độ ba tấc, nửa nổi nửa chìm trên mặt nước.



Chúng tôi phải cắt từng miếng to, lật úp lại, để cho nó thối rửa ra. Sau đó, một toán khác lấy đất đắp ngang qua cái bàu đó thành những thửa ruộng ngập nước. Tiếp đến, chúng tôi bắt đầu tháo nước ở khúc dưới ra từ từ, để rồi bùn, cây mục lắng xuống.



Thời gian này, một số anh em đói quá. Có những anh em phải lặn xuống hồ móc lên những củ sen, luộc rồi ăn. Có anh hái hột cườm thảo, bữa đó đó hái được khoảng nửa lon Guigoz. Nhiều người biết đó là loại độc vô cùng, nên can ngăn, nếu không sẽ chết.



Sau khi xả hết nước ra, những rể cây mục rồi, đến lúc phải làm trâu: họ bắt sáu người làm một toán, năm người kéo cái bừa đi đằng trước, một người cầm cái bừa điều khiển ở đằng sau để bừa những thửa ruộng đó.



Trong toán tôi có anh Nguyễn Lê Chánh, Y sĩ Đại úy, chúng tôi để cho anh ấy giữ cái bừa, năm người chúng tôi kéo cái bừa đi đằng trước. Anh ấy, để đùa vui, giơ cái cây vừa đi vừa la: “Tá, ái, tá, ái“ y như là đang điều khiển mấy con trâu thật! Không biết có phải do gió đưa lại mà đám Cán bộ nghe được, kêu chúng tôi lại răn đe: “Vì Nhà nước còn khó khăn, các anh phải làm lao động tốt để còn được về với gia đình, chứ chúng tôi đâu có bắt các anh làm trâu bò mà các anh la “tá, ái“. Nghe nói về sau anh Chánh còn bị làm kiểm điểm, không biết mấy lần! Người ta còn kể lại rằng có một số bà vợ Sĩ quan hay con cái của họ nghe tin đồn ở Bàu Trắng là chỗ tập trung ở tù, họ đã lặn lội tìm đến nơi (thời gian này chưa cho thăm nuôi) núp trong bụi nhìn xuống thấy thân nhân mình bị “làm trâu” kéo bừa, mấy bà khóc và kể với nhau thảm thiết vô cùng!



Khi những thửa ruộng kể trên có thể cấy được rồi, phần đông chúng tôi bị đưa về Núi Rể, chỉ để lại đó một toán nhỏ thôi để bắt đầu cấy lúa.



Ở Núi Rể, nhiệm vụ của chúng tôi là làm khoảng 20 cái nhà bằng tre, mái lợp tôn. Tre và cây gỗ phai đi đốn về. Sau khi làm sườn nhà bằng cây, thì tre được đang lại để làm cửa và vách trông cũng đẹp mắt. Lúc gần xong, một bữa có ba cán bộ bước vô, lưng có súng ngắn, vai mang túi da. Một cán bộ nói: “Các anh làm cũng tốt, nhưng chưa biết phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hãy nhìn gò mối ngoài kia! Đất, đá đem vô đổ thêm nước, nện rồi chà láng thì còn chắc hơn Ciment nữa!” Chúng tôi theo lệnh thì phải làm thôi. Mối ngoài đồng mà lại đem vô nhà. Rồi họ sẽ thấy hậu quả của việc này.



Thời gian ở đây, chúng tôi dùng chung giếng nước của chừng mười nhà dân quanh đó. Một bữa, lúc đang làm vệ sinh sau buổi chiều lao động về, chúng tôi thấy ba, bốn bà mặc quần áo vải đen đang quảy thùng gánh nước, da mặt họ trắng hồng hồng. Đi theo sau có một số con nít ăn mặc tươm tất, nước da cũng hồng hồng như thế. Họ có vẻ khác với người dân ở đây. Chúng tôi đoán chắc họ là vợ con của anh em trại viên từ Đà Lạt, Lâm Đồng xuống mà thôi... Lúc đầu, đám Cán bộ đang coi chúng tôi, nhìn họ hau háu, nhưng sau cũng biết họ không phải là dân địa phương, họ bèn ra oai đuổi mấy bà ấy đi! Mấy bà ấy cãi lại: “Cái giếng là của xóm này, tại sao chúng tôi không được quyền lấy nước!” Đám Cán bộ hỏi: “Mấy chị ở đâu?”. Họ đáp: “Chúng tôi ở xóm này!”. Thật ra, họ xuống để tìm chồng trong trại. Lúc đó, những Sĩ quan từ cấp Thiếu úy đến Đại úy thuộc Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận đều bị tập trung về Sông Mao.



Sau khi làm xong những ngôi nhà kể trên, chúng tôi được đưa lên Sông Lũy. Chúng tôi đi vô cách đường Quốc lộ khoảng 10km để làm đập tràn và đào một đường dẫn nước từ nơi đó về Nông trường Sông Lũy.



Về sau, chúng tôi có trở lại nơi những ngôi nhà làm bằng đất lấy từ gò mối (theo lệnh của Cán bộ) thì nay đã không còn nữa, mái tôn đã bị lấy đi hết, tất cả bị sụp do mối ăn.



Thời gian đầu đến Sông Lũy, chúng tôi đốn cây, tre, cắt tranh lợp nhà để ở. Sau đó, được lệnh làm một cái đập tràn ngăn sông Lũy lại. Chúng tôi khiêng đá lớn nhỏ đủ loại, đấp thành một con đập thấp. Khi việc này xong, thì phải dùng những tấm lưới sắt bao trùm con đập lại. Tiếp đến công việc của chúng tôi là gánh đất làm thành một con đập bằng đất sau cái đập bằng đá...



Lúc sau này, chúng tôi thấy có đoàn khoảng 5,6 người bô bô nói tiếng Bắc, họ đem theo những dụng cụ như dàn cây ba chạc, máy nhắm. Có lẽ đây là đám cán bộ khảo sát địa hình. Họ làm việc trong khi chúng tôi làm đập. Khoảng hơn 2 tháng sau, họ bắt chúng tôi khởi sự đào kênh từ trên đập tràn đi theo những cột mốc do đoàn khảo sát người Bắc cắm. Tời nắng như đổ lửa, chúng tôi ráng sức đào sâu xuống, lúc gặp đá cũng phải khiêng. Công trình chúng tôi được khoảng 2 Km thì có lệnh trên: mở thử cho nước chảy. Lúc phá bờ đất cho nước tràn vào thì một điều bất ngờ xảy ra: nước chảy chầm chậm độ nửa cây số thì ngưng chảy! Thất bại! Chúng tôi đựoc lệnh tạm ngưng, không làm nữa. Tôi nghe kể lại về sau này, đám khảo sát và đám Trung đoàn chửi nhau chí chóe. Tức tối, đám khảo sát bỏ về.



Rồi một hôm, một anh Đại úy Công binh trong khối tôi tên là Vân, được kêu lên và hỏi xem anh có thể giúp trong đoàn họ làm con kênh được không. Anh ta mới trả lời xin họ hãy cấp cho anh một bản đồ 1/50.000 của vùng này, và cho anh thời gian 2 đến 3 ngày để nghiên cứu địa hình. Về sau, họ giao cho anh bản đồ rồi phái 2 tên Bộ đội có đeo sung áp giải anh Vân đi lội quanh vùng để xem địa thế.



Thời gian này, trại cũng có một chiếc máy ủi loại Kubota nho nhỏ. Anh Vân bắt đầu sử dụng máy ủi đất, một số lính VC cắm cọc theo đó và chúng tôi lại bắt đầu đào kênh. Có lúc đào sâu xuống, có lúc đắp cao lên. Trong lúc làm công trình này, cũng có nhiều chuyện buồn cười. Đáng lẽ, chúng tôi phải gánh đất từ dưới lên. Có anh trong toán nói: “xin Cán bộ cho anh em làm theo phương pháp Taylor”. Tên Cán bộ trên này nói vọng xuống: “ Bây giờ mà các anh còn nói chuyện Tây lo, Mỹ lo, các anh phải tự lo mà làm đi, không có Tây, Mỹ nào lo ở đây hết!”. Cả bọn chúng tôi mỉm cười với nhau rồi cũng làm theo phương pháp dây chuyền, tức là đứng theo hàng dọc, chuyền rổ đất đá lên cao.



Có lúc gặp tảng đá to, phải nạy ra và tìm cách đưa ra ngoài kênh, anh em phải kiếm ba khúc cây vững chắc rồi cột lại một đầu làm điểm tựa, sau đó đốn cây dài và to làm đòn bẩy. Sau khi cột tảng đá bằng dây vào đầu ngắn, cả bon chúng tôi gần 10 người đu vào đầu dài để đưa tảng đá lên quãng nửa chiều cao của kênh. Sau đó, dời 3 chạc gỗ lên chỗ cao để đưa tảng đá ra khỏi con kênh. Gần mười mấy người tù ốm nhom đến đen thui mà ráng sức đưa tảng đá lên cao. Cũng may trong thời gian này không xảy ra tai nạn, chứ nếu có chắc nguy hiểm đến tính mạng nhiều lắm!



Đôi lúc, chúng tôi phải phá vỡ những tảng đá cứng. Họ phát cho những dụng cụ, một đầu như lưỡi cuốc nhỏ, một đầu như nửa cánh cung, làm bằng sắt uốn cong và dài khoảng 8 tấc. Chúng tôi dùng đầu nhọn bửa vào trong đá và cuốc lại bằng đầu tựa lưỡi cuốc. Để tự phòng vệ, tôi phải kiếm những miếng vải bao cát, may kết dính vào cái nón phía trước mặt mình và cột ngang nơi cổ để chỉ thấy lờ mờ thôi mà làm việc, vì nếu không khi cuốc xuống, đất đá có thể văng vô mặt, sẽ thương tật chết người. Còn về tay chân, sau nột thời gian lao động ở đây, bàn tay chúng tôi phồng chai hết.



Chúng tôi đào được khoảng 3 km thì có lệnh bắt buộc phải dời trại đi. Vì họ cho thời gian có một ngày, vừa để di chuyển đồ đạc đến chỗ mới, vừa thu xếp chỗ ở để đi làm, nên anh em vội vã dựng lều. Lều này có mái ở trên, nhưng bốn bề trống hoác. Ở giữa lều là một cái sạp đủ nằm, cao hơn mặt đất khoảng nửa thước, đề phòng rắn rít. Cái lều này áp sát với lều anh bạn và kéo dài ra.


Lều trại đơn sơ như vậy, nên gặp những đêm mưa rừng gió lạnh, mái lều đâu có che chắn cho mình, chỉ có một cách khi thức dậy, choàng vội tấm nylon do gia đình gởi vô, rồi ôm vô những “ hành trang “ mà nằm khum xuống, tựa như những người Hồi giáo khum xuống mà lạy, cả đêm như vậy. Chịu trận với gió lạnh và mưa, đâu có ngủ nghê gì được, sáng hôm sau phải đi lao động!



Thời gian ở đây chúng tôi có lệnh mới vì tình hình khó khăn, khẩu phần mỗi người trong tháng là 3,5kg gạo độn với khoai mì, khoai lang khoảng 15kg, 16kg rút xuống còn 12kg. “ Ở trên biểu chúng tôi đưa một toán đi đào củ nầng vê nấu ăn thêm. Có người đã đào được những củ nầng to bằng trái banh, đưa về gọt vỏ, che ra rồi luộc. Theo sự chỉ dẫn “ở trên”: luộc xong bỏ vào cái rọ, ngâm một ngày một đêm ngoài suối, rồi lấy vô luộc lại, xắc ra rồi phân phát cho anh em. Tôi nghĩ rằng dù là củ gì có bổ dưỡng bao nhiêu mà qua giai đoạn luộc, ngâm rồi luộc như thế thì cái còn lại chỉ là xác bã, chẳng lợi gì cho cơ thể, nên khi được phát vào buổi sáng khoảng một chén thì tôi lặng lẽ bỏ vào giỏ xách mình nhưng không ăn. Thật là may cho tôi vì ngày đó, có một số anh ăn vào khoảng nửa chén, đi làm được khoảng 2 giờ sau thì ói mửa, choáng váng, bước đi không nổi, mặt mày xanh dờn! Đám Cán bộ phải cho họ về. Sau đó, chúng tôi được tập họp lại để nghe chửi: “ Chúng tôi nhờ những củ nầng này để ăn mà sống, chống Mỹ cứu nước. Tại sao các anh làm ăn cẩu thả để anh em bị ngộ độc như vậy!”. Ngoài miệng nói như thế chứ sau đó họ cũng không cho phép đào củ đó nữa.


Một buổi sáng, chúng tôi đang đi dọc theo con mương đến chỗ toán phải làm thì thấy toán đi đầu vừa chạy vừa la hét mừng rỡ. Tôi nhìn xa hơn, thấy một con mễn (một loại nai nhỏ như con chó) chạy đằng trước, nhưng vì con vật đang có chửa nên lúc leo lên triền dốc, nó bị té xuống không leo lên mương được mà chạy dọc theo con mương. Nó có chửa nên chạy chậm hơn đám tù, mặc dù đang đói. Nhưng do sự thôi thúc của miếng mồi nên chạy thật mau để vây bắt con vật, sau đập chết rồi mang về chia nhau. Tôi nghĩ thật đáng thương tâm, những người tù quá đói khổ, thấy con vật tội nghiệp muốn tìm đường sống cho con mình mà cũng không thoát được.



Thời gian ở đây, một hôm chúng tôi ra suối tắm, có một toán thuộc Lâm Đồng đạp nhằm một cái bao. Lúc đưa lên, té ra là một bao cá thiều, sau này mới biết đó là một trong những bao cá của toán Nghĩa vụ Quân sự lúc đi chợ về, gánh qua suối bị rớt hôm trước rồi trôi dạt xuống đây. Mấy anh Lâm Đồng chia nhau, tuy cá đã sình ươn ra và bốc mùi rồi. Tối đó, mấy anh ngứa quá, gãi sồn sột. Khoảng 10 người bị tình trạng này.



Để kiếm thêm thức ăn, một số người tìm những cọng thép bẽ làm cái bẫy, rồi để dành chút ít đồ ăn của mình làm mồi. Khoảng bốn năm bữa, họ bẫy được con sóc, có bữa bẫy được một con chuột đồng. Có một anh không biết nhờ ai mua giùm được một con gà mái, anh nuôi nó cho đến khi nó đẻ. Từ đó, ngày nào anh cũng khám “ phụ khoa” cho con gà để kiểm tra coi có trứng không, sợ mất trứng. Nó đẻ một thời gian thì ngừng, quay sang ấp. Vì không có trứng để ấp (anh ấy ăn trứng mất rồi) nó mổ một lon sữa bò để ấp. Thấy vậy anh ấy quăng lon sữa bò ra xa. Hôm sau, nó lại lấy lon sữa bò ấp nữa. Một anh khác bàn nên đem ngâm con gà trong nước lạnh. Anh làm theo, sau đó con gà tiếp tục đẻ.



Công trình đào kênh của chúng tôi trải dài khoảng 9 tháng, thì có lệnh ngưng. Lúc đó còn khoảng một cây số thì đến Nông trường trồng bông, là phần việc của toán Nghĩa vụ Quân sự. Nhìn lại dụng cụ mình làm, thấy thất kinh: cái đầu nhỏ như lưỡi cuốc nay chỉ còn một phần tư, còn cái đầu kia, trước là một cây nhọn dài 8 tấc (thường dùng trong hầm mỏ miền Bắc) bây giờ còn khoảng 2 tấc mà thôi!



Chúng tôi lúc rảnh thì tắm giặt hay “cải thiện linh tinh” (danh từ VC dùng chỉ cái việc kiếm thêm thức ăn) qua những lá cây rừng. Có một loại cây tên là “Thảo nam sơn” nghe người ta nói vỏ của nó có vị thuốc trị hết đau lưng. Do đó khi có anh em la: có cây Thảo nam sơn, thì có cả mấy chục người nhào tới để tước vỏ cây. Sau đó, thân cây như bị “lột truồng”.



Chúng tôi nghe nói lúc khánh thành có những quan chức cao cấp đến tham dự. Đêm đó, chúng tôi được “chiêu đãi” một bửa văn nghệ do một đoàn văn công tỉnh Thuận Hải trình diễn. Chúng tôi ngồi một góc, còn đám Nghĩa vụ ngồi một góc. Khi đoàn văn công nhìn xuống, có lẽ họ thấy những Sĩ quan Bình Thuận ngồi dưới nên lúc khởi đầu, họ chơi những bản nhạc ngoại quốc, trong đó có bài La Paloma, đám tù vỗ tay quá xá. Cứ hết một bài thì vỗ tay “Bis!Bis!”. Đám Nghĩa vụ Quân sự mặt mày ngô ngáo vì không biết bài nào cả. Sau khi họ chơi hết ba bài, một Cán bộ VC lên nói: “Các anh không được chơi nhạc Ngoại quốc!”. Tôi nghe một anh văn công đáp: “Tôi chơi nhạc Cuba, Hungary, những bài này của XHCN”. Viên Cán bộ không chịu, bắt chơi nhạc VN mà thôi. Lúc đó, họ bắt đầu chơi những bài nghe như những tiếng ró ré hét lên.



Hôm sau, Bộ chỉ huy kêu anh Vân lên “ làm việc”. Vân với tôi cũng khá thân. Lúc về, anh kể:” Họ nói sẽ thả tôi ra với điều kiện ký giấy làm cho họ mấy năm, anh thấy sao?”. “ Trời ơi! Anh ở tù một mình, bây giờ định đem vợ con lên ở tù nữa hay sao? Chỗ này là nơi chó ăn đá, gà ăn muối, đau ốm, bệnh hoạn không thuốc men. Anh ở tù một mình là đủ rồi. Chừng nào họ thả về thì thả…”. Về sau, anh ấy từ chối khéo léo công tác phục vụ cho Trung đoàn ấy.



Sau khi, chúng tôi làm đập tràn và kênh đào song Lũy xong, họ chở chúng tôi về một vùng gần Phan Thiết, gần đồi Nora. Đồi Nora ở bên trái Quốc lộ, chúng tôi phải đi vào một đường lộ nhỏ bên phải để đến trại.



Đến đây, chúng tôi cũng khởi sự làm nhà cửa, phá gò mối, ban ruộng ra để sửa soạn cho vụ mùa.



Bao quanh trại là hàng rào bằng tre đan lại có gai. Một đêm kia, khi chúng tôi đang ngủ thì có kẻng đánh và có tiếng súng nổ. Tất cả được lệnh tập họp điểm danh. Về sau, tôi nghe nói có ba người trốn trại. Đó là Đại úy Đặng Phiên, Thông Ngộ và một anh nữa tôi không nhớ tên. Mấy anh này lúc còn ở trại Sông Mao thì cùng nhóm với tôi, do tôi làm Tổ trưởng. Về sau này, các anh ấy đã chuyển qua nhóm khác.



Thời gian sau, tôi nghe phong thanh Cán bộ họ đã đi hành quân và bắn chết những anh này. Và họ có đem về những cuốn sổ tay nhỏ của mấy anh.



Lúc này, họ cho chúng tôi ăn uống quá tệ so với hồi trước. Bây giờ chúng tôi trực thuộc Bộ nội vụ tức Công an quản lý. Một hôm, họ ra lệnh tập họp và biểu đem “Quân trang, Quân dụng” ra để kiểm soát. Điều mỉa mai là chúng tôi chẳng còn gì nữa để mà gọi là Quân trang, Quân dụng, chỉ có mấy bộ đồ rách tả tơi, mấy cái nồi lon gô… Họ quen xài chữ đao to búa lớn. Đám Công an này kiểm soát rất kỹ. Mỗi người được lệnh trãi ra một tấm nylon rồi nồi niêu, quần áo đồ dùng…bày ra trên đó. Quan cảnh như đang bán chợ trời, anh em trại viên ngồi đó, còn đám cán bộ lật lên, lật xuống, rà soát những cái cổ áo, từng đường may trên áo, lai quần để tìm ra xem có dao hay đinh trong đó không. Nhưng chúng tôi dại gì mà đem dấu dao, đinh trong áo quần. Nếu cần thì chúng tôi giấu vào một hốc cây nào đó (cái gọi là dao chẳng qua là một cây đinh lớn mà chúng tôi đập đạp ra rồi mài mài cho bén) khi gặp thằn lằn, rắn mối, cóc nhái… thì rồi xẻ ra nướng ăn, rồi nhét lại vô trong một hốc cây.



Một buổi sáng, chúng tôi được lệnh đi lao động, mỗi toán phải hai người với một cái đòn, mười người phải đem theo một cái võng, không ai được ở lại hết, trừ ra một số tối thiểu người làm nhà bếp tức “anh nuôi” khoảng bốn năm người.



Từ đó, chúng tôi đi ra Quốc lộ 1, đi được một đoạn đường thì thấy một cảnh thật thương tâm, một anh thương binh, có lẽ thương phế binh VNCH cụt một chân, vừa chống một cây nạng, vừa cuốc! Ngang hàng với anh, đứng gần đó là ba đứa con anh khoảng 12 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi đều cầm mỗi đứa một cây cuốc nhỏ mà cuốc tới. Nhìn thấy cảnh này, tôi thấy ứa nước mắt.



Chúng tôi đi ra đến Quốc lộ một, sau đó băng qua để lên đồi Nora. Theo lệnh trên, chúng tôi cứ hai người phải gỡ một cuộn kẽm gai trên ngọn đồi này. Nghe nói hồi xưa đây là đồi Pháo binh của VNCH và nơi mà Nhà văn Y Uyên đã tử trận.



Nora là một ngọn đồ thấp. Lúc chúng tôi đến, trên đường đi, nhìn lên thấy chẳng còn gì, ngoài những hàng rào kẽm gai xung quanh. Ở phía bên trái đường đi, có một cái am nhỏ. Từ trong am một bà già đi ra, ngược lại chiều với chúng tôi. Bà già hỏi chúng tôi: “Các anh lên đây làm gì?” “Chúng tôi được lệnh lấy kẽm gai". Bà ta nói: “Đừng!Đừng! Cách đây mấy ngày, có một con bò bị vướng mìn và đã chết". Chúng tôi cho bà hay chúng tôi là tù, đâu có dám cãi lệnh. Bà nói để bà lên am cầu nguyện cho chúng tôi.



Chúng tôi tiếp tục đi, dạt ra hai bên để lấy kẽm gai. Sau cùng, tôi và anh Nguyễn lê Chánh cũng gỡ được hai cuộn kẽm gai, xỏ đòn và gánh về.



Các toán đổ xô ra quanh đó. Thỉnh thoảng, khi kéo dây kẽm gai lên, anh em giật mình kinh hoảng vì thấy những trái lựu đạn hay mìn ba chấu bung lên hoặc nằm lăn lóc ở đó. Anh em la lên rồi nằm rạp xuống. Cũng may, không nổ! Không biết do mưa nắng bao nhiêu năm, lựu đạn và mìn kia đã hư mục, hay là sự mầu nhiệm của lời cầu nguyện của bà già kia mà Ơn trên và linh hồn Tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã phò hộ cho chúng tôi.



Tôi thấy chính sách của Việt cộng thật là vô nhân đạo khi đưa người tù đi gỡ kẽm gai ở một nơi đầy mìn bẫy. Họ đã tính toán trước sẽ có người bị thương tật hay là chết. Vì thế, chúng tôi được lệnh, cứ mười người thì mang theo một cái võng, phòng khi trường hợp đó xảy ra, để khiêng người bị nạn. Có cả thảy mấy trăm người như vậy mà may thay, không một tai nạn nào xảy ra, không một trái lựu đạn nổ. Chỉ có một số anh em khi gỡ kẽm gai bị trầy xước sơ sơ mà thôi.



Những chuyện nguy hiểm có thể chết người rồi thì cũng qua đi, nhưng cái ám ảnh suốt ngày, suốt tháng đối với anh em là những ngày đói dai dẳng. Vào buổi sáng họ phát cho mỗi người một cái bánh làm bằng bột mì (có lẽ do viện trợ từ những nước khác) đường kính độ 20 cm. Sáng một cái, trưa hai, tối hai, chúng tôi gọi là “ bánh xe lãng tử “. Sức khỏe anh em do đó mà suy kiệt dần, chỉ khá lên được khi có thăm nuôi. Mỗi kỳ thăm nuôi 3 tháng một lần, sau đó anh em trở lại xanh xao, ốm yếu như cũ, như một chu kỳ cứ tái diễn mãi.



Thời gian ở Sông Mao, vấn đề vệ sinh thật là khủng khiếp. Mỗi tuần, chúng tôi được dẫn đi tắm một lần ở cái ao nước đục ngầu, màu xanh đen. Bao nhiêu người, từng tốp một xuống tắm giặt. Toán này lên, toán khác xuống, cũng chỉ tại cái ao nước đó! Một số an hem bị ghẻ lở cả thân mình, như trường hợp anh Châu (tôi quên mất họ, chỉ nhớ tên) nguyên là Đại úy Trung tâm Yểm trợ Tiếp vận. Trước 75, bạn bè gọi đùa anh là “ anh Châu bụng “. Về sau, anh bị ghẻ lở, còn bụng thì xẹp lép. Anh em mới gọi là “Châu ghẻ”. Nghe nói lúc được thả ra rồi, một thời gian sau anh bị bệnh và qua đời.



Có những điều anh em lo nghĩ vì chẳng thấy gì sáng sủa cả trong tương lai, nhất là băn khoăn về gia đình, không biết thân nhân mình làm sao mà sống, khi mình thì ở trong cái rọ này. Hình ảnh tôi nhận thấy rõ nhất là anh Bỗng, nguyên Đại úy thuộc Ban liên hiệp Quân sự hai bên. Sau 6 tháng vào tù, tóc anh biến thành bạc phơ. Thật đúng là hình ảnh Ngũ tử Tư hiện đại.



Sau khi được thả ra, những hình ảnh hãi hùng trong trại tù cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt mấy chục năm. Cho đến trước lúc được đi Hoa Kỳ, cứ hai hay ba tháng tôi vẫn thường nằm mơ thấy mình ở trong trại tù cải tạo, rồi qua bốn đến năm ngày sau đó thì mất ngủ. Khi đã định cư ở Hoa Kỳ, khoảng bốn năm đầu, thỉnh thoảng tôi lại nằm mơ thời gian kinh hoàng đó. Phải đến bảy năm sau đó, mới chấm dứt tình trạng ác mộng đó.



Chúng ta, những Sĩ quan bị đưa đi ở tù một cách đau đớn, bị đọa đày khủng khiếp mà còn sống sót để được hưởng chính sách nhân đạo HO của Mỹ quốc và ngày nay chúng ta đã có những gia đình êm ấm, con cái nên người, chúng ta cũng phải nhớ lại sau lưng chúng ta, những bà vợ còn rất trẻ khi chúng ta bị lùa đi vào trại cải tạo, những bà mẹ, những bà chị, cô em gái với lòng thương vô bờ bến đã xông ra ngoài xã hội đầy bất công, đầy thù hận, đầy phân biệt để sống còn, để nuôi thân nhân ở ngoài, rồi còn dành dụm từng đồng, từng bánh đường, từng con cá khô, miếng bánh, từng viên thuốc để định kỳ thăm nuôi, an ủi và khuyến khích chúng ta cố gắng sống nhẫn nhục chờ đợi ngày về. Những người thân của chúng ta đã không được sửa soạn với những khóa học “mưu sinh thoát hiểm", mà với bàn tay khéo léo, nghị lực kiên cường để giữ được gia đình tạm đủ sống và yểm trợ các người tù bằng những món quà thăm nuôi, những lời khuyên để chúng ta yên tâm mà chính chúng ta, những người tù 5, 10, 15 năm thấy hoàn toàn vô vọng.



Chính họ là những động lực thúc đẩy chúng ta cố gắng sống còn và chính họ mới là những người bây giờ phải được nhận những lời tuyên dương cao quý nhất. Còn chúng ta, chỉ là những thanh niên, trong thời điểm đó, phải làm bổn phận của người trai, khoác áo Chiến binh trong buổi binh đao, khi nước nhà còn đầy quân thù (Cộng sản Bắc Việt) lúc nào cũng lăm le phá hoại hạnh phúc của toàn dân.



 


BS Lê Bá Dũng


YK 1