Monday, April 22, 2024

 Chuyện...hên xui đời lính!

25 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 2494)
Chuyện...hên xui đời lính!
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Tôi không có chi để nuối tiếc khi phải bỏ học nửa chừng mà đi vào đời sống quân ngũ, bởi vì con đường học vấn một khi đã bị bế tắc thì để nuôi thân, không có gì nhanh bằng việc chọn cho mình cái nghề...‘‘bóp cò súng’’, một cái ‘‘mốt yêu nước’’ mà đã có lắm kẻ cũng làm giống như tôi là ‘‘xếp bút nghiên theo việc đao cung’’.

Ngày mãn khóa, tôi bị đẩy một mạch xuống tới một Tiểu đoàn Bộ binh đang trú đóng dã chiến tại Phường 4, Thị xã Cà Mau. Thế là kể từ đây, tôi hiểu rằng cái...số nổi trôi của mình nó...thọ hay yểu nơi chốn sa trường, đều tùy thuộc vào cái...mạng của tôi nó dày hay mỏng mà thôi!

Ở nơi đất lạ quê người, tưởng mình ‘‘tứ cố vô thân’’, dè đâu tôi gặp lại Hùm, anh bạn đồng hương Tây Ninh với ‘‘bốn mùa nắng cháy da người’’!

Nếu như đem so đo về ‘‘định số...may rủi và hên xui’’, Hùm đều giành được chữ đầu, còn chữ sau của nhóm từ đó thì luôn thuộc về phần tôi!

Trên con đường đi tìm hạnh phúc lứa đôi, Hùm cũng đã lanh tay lẹ chân hơn tôi rất nhiều. Hùm đã chọn được người ‘‘nâng khăn sửa túi’’ nơi cái xứ nước mặn đồng chua này nhanh như một dòng điện xẹt. Tôi chào thua, chẳng thể nào nắm bắt được một...‘‘Tiếng sét ái tình’’ như anh ta!

Còn việc nhà binh thì...

*
Hùm và tôi cùng phục vụ trong một Đại đội. Mỗi đứa được chỉ định nắm một Trung đội tác chiến. Trong những lúc đi hành quân, Hùm và tôi thường ngầm bảo với nhau rằng...‘‘phải hỗ trợ cho nhau lúc lâm nguy cho đến hơi thở sau cùng’’! Đó là về mặt tình cảm xem ra rất ư là tốt đẹp giữa hai đứa chúng tôi. Nhưng về thành tích thì công ai nấy hưởng, tội ai nấy lãnh rất là phân minh, không thể chia sẻ cho nhau được! Tôi đã đánh mất nhiều cơ hội tốt và để những chiến công của mình chẳng những lọt vào tay Hùm mà còn rơi vào tay kẻ khác nữa!



Lần đầu...Trong một cuộc hành quân giải tỏa áp lực của địch cố tình bám sát với ý đồ vào...tiếp thu Cà Mau tiếp theo sau trận đánh Tết Mậu Thân năm 68. Tôi dẫn Trung đội của mình đi tiên phong, làm nỗ lực chính như một mũi dùi tiến vào để thăm dò mục tiêu. Đó là một điểm bao trùm cả một khu vườn cây ăn trái rộng, có con rạch Bà Bèo chảy ngang qua và chỉ cách trung tâm thị xã Cà Mau vài cây số thôi. Lúc chúng tôi vừa dàn quân thành thế trận xong và chuẩn bị xung phong vào mục tiêu thì bị địch bắn ra xối xả, âm thanh vỗ chan chát vào tai qua hai lần nón sắt, nghe đến rợn tóc gáy! Tôi chưa ra lịnh, nhưng anh em đều nằm núp xuống một bờ ruộng nhỏ ở trước mặt. Tôi là...‘‘lính mới’’ nên cũng làm theo họ. Lúc chợt nhớ lại mình là Trung đội trưởng, tôi vừa định đứng lên hô...‘‘xung phong’’ thì địch lại...‘‘chơi’’ thêm cả Đại bác 57 ly không giật nữa. Từ trong vườn cây, một vùng khói trắng bùng lên! Tôi ngước trông theo đường đạn đạo bay véo ngang qua đầu và nhìn thấy rõ điểm rơi của đầu đạn rớt ngay ở giữa hàng quân của Tiểu đoàn trưởng đang lố nhố ở ngoài đồng trống nơi phía sau. Tôi không còn thời gian để quan sát xem ai còn ai mất ở phía sau lưng mình nên vội vã quay đầu trở lại, chú tâm vào việc tìm cách ứng phó với tình huống trận chiến đang xảy ra ở phía trước mặt mình.

Tôi đoán rằng đơn vị đang phải đương đầu với một lực lượng địch đông hơn thập phần, nên tôi chọn giải pháp tiếp tục...núp thay vì đứng dậy cùng anh em xung phong vào trong đó, chỉ tổ làm bia cho địch. Pháo binh bạn bắt đầu nhả đạn xuống mục tiêu. Hai phi tuần phản lực cơ của Mỹ cũng vừa đến tiếp sức và đã trút hết bom vào khu vườn rồi rời vùng ngay. Tôi cùng anh em xông vào bãi chiến. Một cảnh hoang tàn và đổ nát bày ra trước mắt tôi! Mùi máu và thuốc súng quyện vào làn không khí oi bức buổi ban trưa xông lên nồng nặc cả mũi! Tôi uể oải ngồi lên chiếc nón sắt kê cạnh một gốc dừa đã bị mảnh bom phạt ngang mất cả ngọn mà mắt thì nhìn đăm đăm vào một vật gì đó, hình như là một cánh tay cụt mất cả bàn tay lú lên trên mặt lớp bùn đen đặc sệt của một hố bom to như một chiếc đìa rộng. Đột nhiên, tôi lại liên tưởng đến một thi thể nát bét nào đó, hình như còn nuối tiếc đến sự sống của mình, đang cố đưa cánh tay cụt ngoi lên để mong được sự cứu giúp của kẻ có lòng! Tôi lặng lẽ quay nhìn sang hướng khác. Một nỗi xót xa đang dâng cao ở trong lòng tôi!

Tiểu đoàn trưởng đã vào tới nên tôi phải cùng với anh em tiếp tục tiến về phía trước. Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi tiếp chuyện với vị Tiểu đoàn trưởng qua máy bộ đàm. Tôi đã bị ông ta...‘‘sạt’’ cho một trận tơi tả...‘‘anh là một sĩ quan thiếu tinh thần trách nhiệm’’! Một đứa em thuộc Đại đội trừ bị ở phía sau đã nhảy xuống đìa và đã lôi cái...‘‘cánh tay cụt’’ ấy lên, nhưng...Chúa ơi, đấy lại là...tay nắm của một cây Đại bác 57 ly không giật bị xích vào cườm chân của một tử thi!...

Lần kế cách lần trước không lâu. Trong một cuộc hành quân khác đi giải tỏa áp lực của địch còn đang vây quanh thị trấn Cà Mau, tôi dẫn Trung đội của mình đi tiên phong đến điểm xuất phát nằm bên bờ Kinh Rạch Rập, chỉ cách trung tâm thị trấn khoảng một cây số. Tôi tổ chức cho anh em binh sĩ theo đội hình nấc thang hỗ trợ cho nhau tiến chiếm được vài mục tiêu và đã khổ công lắm mới đẩy lùi về phía sau nhiều ổ kháng cự nhỏ của địch trên đường tiến quân. Trung đội của Hùm lẽo đẽo bước theo sau làm trừ bị cho Trung đội của tôi. Đến giữa trưa, âm thoại viên báo cho tôi biết là có một đứa em của Hùm đã khám phá ra một...kho vũ khí của địch. Tôi mừng thầm cho cái may mắn bất chợt đến với bạn mình. Và tôi cũng bùi ngùi tự ghi thêm một...điểm đen nữa vào sổ quân bạ của đời mình, chỉ vì cái kho vũ khí nằm ngay dưới bước chân của anh em trong Trung đội mà chẳng một ai trông thấy nó!

Không biết ông Đại đội trưởng báo lên cấp trên như thế nào mà sau đó ông Tiểu đoàn trưởng bèn ra lịnh cho Đại đội phải tổ chức một trận đánh...giả ngay để cho...xứng với mớ vũ khí đã tịch thu được. Trận đánh giả xong, ông Trung đoàn trưởng cùng với viên Cố vấn trưởng Mỹ đáp trực thăng xuống tận chiến trường để bốc chiến lợi phẩm. Vài phút sau đó thì một màn...chửi theo hệ thống quân giai từ trên xuống dưới, lý do là ba mươi bảy cây súng trường bá đỏ vừa mới tịch thu được đều còn mới nguyên, chưa bốc tem khỏi bọc nylon! Nhưng trớ trêu thay, tất cả đều thiếu...bộ máy cơ bẩm! Tôi chẳng có dính líu gì vào việc này mà vẫn bị vạ lây vì cái tội...‘‘làm biếng không chịu lục soát kỹ mục tiêu’’, để rồi sau đó, tôi cùng anh em cười ra nước mắt!...

Lần thứ ba xảy ra trong một cuộc hành quân đi tiếp viện cho một đơn vị Địa Phương Quân ở chiến trường Bạc Liêu. Trung đội của tôi lại đến phiên trực chiến đi đầu. Từ ngoài đồng ruộng trống chỉ còn nhô lên những gốc rạ sau vụ gặt, tôi cùng anh em xung phong vào chiếm một mục tiêu ở trước mặt là một khu rừng thưa. Sau khi đẩy lùi được một ổ kháng cự nhỏ của địch, anh em trong Trung đội của tôi, rút kinh nghiệm từ các cuộc hành quân trước, đã bung rộng ra lục soát tỉ mỉ khắp mọi nơi ở trong khu rừng, nhưng chẳng thấy có gì cả. Đến khi Trung đội của Hùm vào theo, chàng ta quan sát thấy hình như có một màn dầu nhớt mỏng loan trên mặt nước trong một chiếc ao rộng nằm cạnh bìa rừng. Hùm cho binh sĩ xuống mò và vớt lên được một cây sơn pháo mà địch đã tháo rời và ném xuống nước trước khi tháo chạy mất. Khi ráp cây sơn pháo lại, nó chẳng thể nào sử dụng được vì thiếu một vài cơ phận nào đó mà địch đã cố tình mang đi theo! Dĩ nhiên là huy chương thì Hùm...sắp được đeo, còn tôi thì lại bị xếp...‘‘nồ’’ ngay cho một trận để...nhớ cả đời!

Lần kế nữa, trong một cuộc hành quân kéo dài hơn hai tháng để truy lùng địch sau trận đánh Tết Mậu Thân năm 68, Trung đội của tôi đã khám phá ra một khu lán trại, mà theo tài liệu tịch thu được, đó là căn cứ ‘‘Thông Tấn Xã Miền Tây Nam Bộ’’ của địch được dựng ngụy trang dưới những tàn lá rậm rạp của một khu rừng tràm nằm sâu ở giữa rừng già U Minh Hạ. Một chiếc trực thăng khổng lồ Chinock đáp xuống, vẫn không bốc hết máy móc in ấn, máy phát điện và tài liệu tại căn cứ này. Do công trạng này, ông Tiểu đoàn trưởng đã nói với tôi trước mặt ông Tiểu đoàn phó là...‘‘kỳ này ‘‘moa’’ sẽ...chạy cho ‘‘toa’’ đặc cách lên Thiếu úy’’...

Khi trở về hậu cứ, tôi được xếp đứng ở hàng đầu của đoàn quân để chờ đợi Tổng Thống đáp trực thăng xuống gắn huy chương tưởng thưởng cho những quân nhân có công trong các cuộc hành quân vừa qua. Một ông Thiếu tá bước đến nói với tôi: ‘‘Chuẩn úy vui lòng thụt xuống đứng ở hàng sau để lãnh ‘‘anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng’’, còn chiếc ‘‘anh dũng bội tinh với nhành dương liễu’’ dự trù cấp cho Chuẩn úy thì...để cấp cho ông Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31’’!

Việc chẳng may xảy ra là ông Tiểu đoàn trưởng của tôi đã tử trận trong cuộc hành quân vừa qua, nên cái ‘‘lon’’ Thiếu úy đặc cách mà ông đã đề nghị cho tôi, nó đã...bay sang cổ áo của người khác, bởi vì ông Tiểu đoàn phó khi lên nắm chức vụ Tiểu đoàn trưởng, ông đã tự muối mặt mình khi đem cái ‘‘lon’’ ấy đi...tặng cho một sĩ quan đàn em của ông ta, chẳng có công trạng gì trong cuộc hành quân này cả!...

*
Chuyện nhà binh thường...dở khóc dở cười như vậy! Còn trong chuyện tình cảm lứa đôi, như là việc đi ‘‘cua gái’’ trong những lúc rỗi rãi không bận quân vụ chẳng hạn, tôi tự biết mình không có năng khiếu về việc này, luôn thấy mình kém cỏi về mọi mặt, như là ‘‘khoa ăn nói’’ chẳng hạn, nên trong tình trường, tôi chẳng có sự chọn lựa nào khác ngoài việc chỉ ngồi im, ‘‘miệng câm như hến’’ để tránh khỏi phải bị...run khi phải đối diện trước một người đẹp nào đó!

Với Hùm, nghề...‘‘thả dê’’ của anh ta thuộc hạng...thượng thừa! Hùm vừa mới mang cần câu...rê ra quăng vài đường lả lướt, đã...dính một nàng. Hùm biết cái tính ‘‘dở hơi’’ đó của tôi nên chàng ta thường hay...‘‘chơi kèo trên’’ với tôi trong việc...‘‘trổ tài hùng biện’’ trước người đẹp và anh ta luôn giành được sự chiến thắng. Nhưng trong lần mà hai đứa chúng tôi dẫn nhau đến chơi tại nhà anh Ba có đứa con gái cưng là Mỹ Anh đang đứng hầu rượu ở kế bên, tôi mới có được một cái...hên đầu tiên bất chợt đến trong đời binh nghiệp của mình...
Lần đó, Hùm nói thao thao bất tuyệt mà mắt thì thỉnh thoảng vẫn liếc về phía Mỹ Anh đang đứng phía sau lưng cha nàng:

- Anh Ba biết không, sau khi pháo binh ta...‘‘dập’’ hết vài tràng, em còn cho là chưa đủ nên xin thêm hai phi tuần phản lực cơ chiến đấu của không lực Mỹ đến...‘‘cày’’ nát mục tiêu nữa cho chắc ăn trước khi em xua quân vào mục tiêu...

Thấy câu chuyện chưa đến hồi kết cuộc mà lôi cuốn và hấp dẫn quá, còn Hùm thì còn chần chừ chưa chịu kể tiếp nên anh Ba vội hỏi Hùm trước khi anh ta sắp kể đến hồi...khốc liệt nhất:

- Chà, các chú đánh giặc thật là tuyệt...cú mèo! Rồi kết quả như thế nào vậy chú Hùm?
Hùm ngó sang tôi ngầm bảo...‘‘tao có nói sao mặc kệ, mày cứ làm thinh là được rồi’’! Làm thinh là...nghề của chàng, nên tôi bưng ly bia lên uống cạn mà chẳng nói lời nào cả!
Hùm lại kể tiếp:

- Tụi em thu được mấy chục cây...trường bá đỏ...

Hùm dừng lại ở đó! Có lẽ chàng biết rằng mình đã...lỡ trớn, bây giờ chẳng biết phải dừng lại ở đây hay lại phải...‘‘nổ’’ tiếp ra sao cho ăn khớp với hiện trạng của những chiến lợi phẩm đã thu được, bởi vì trong trận chạm súng đó, đơn vị chỉ...‘‘bứng’’ được một tổ du kích của địch có nhiệm vụ nằm trấn giữ quanh một kho súng được ngụy trang kỹ trong một chếc lu sành to chôn trong lòng đất!

Hùm bưng ly bia lên mời anh Ba chủ nhà, chắc là để tìm ‘‘kế hoãn binh’’:

- ‘‘Dzô’’ đi anh Ba!

Tôi không muốn mình là một nhân chứng trong câu chuyện của Hùm nên tìm cách né tránh việc anh Ba thế nào rồi cũng hỏi tiếp xem Tiểu đoàn của tôi tiêu diệt được bao nhiêu tên địch trong trận đánh...‘‘để đời’’, có một không hai đó! Tôi muốn để mặc cho Hùm muốn...‘‘nổ liên thanh’’ như thế nào tùy ý, nên tôi bèn đứng lên đi về phía cầu vệ sinh ở sau nhà.

Trước đây vài hôm, tôi làm sao quên được cái...‘‘chiến công’’, mà Hùm đã là người hùng làm rạng danh cho đơn vị. Những tình tiết trong cuộc chạm súng đó sẽ không bao giờ bị xóa mờ trong tâm khảm của tôi. Nhưng bây giờ, bờ lưng ong thon nhỏ trông đến mỹ miều của người con ái đang dẫn lối ở phía trước đã là nguyên nhân làm cho tâm hồn tôi bỗng trở nên xao xuyến lạ! Nếu như có ai đó chơi cắc cớ hỏi đến...số quân của tôi, chắc là tôi chẳng thể nào nhớ được! Tôi đang mải mê nhìn trộm như dán mắt mình vào đôi bờ vai tròn trịa phô ra lồ lộ dưới ánh đèn néon sáng trưng treo từ trên trần nhà tỏa xuống mà quên đi sự có mặt của chị Ba, má của Mỹ Anh, đang ngồi may vá gì đó trên chiếc phản nhỏ kê cạnh lối đi.

Tôi bất chợt giựt mình khi nghe tiếng của chị Ba nhắc khéo:

- Chà, coi bộ hôm nay...Chuẩn úy uống rượu hơi nhiều rồi đó nhen...

Tôi đứng khựng lại trước mặt chị Ba với tâm trạng bẽn lẽn và nỗi nuối tiếc khi mất cơ hội nhìn ngắm làn da trắng nõn nà trên đôi vai thon nhỏ của người con gái trong chiếc áo cánh hở vai màu hồng nhạt đang đứng bên cạnh mẹ nàng. Tuy vậy, tôi vẫn nhanh chóng lấy lại được sự bình thản cho nội tâm khi mà trí nhớ tôi chưa thể nào quên được cái quá khứ của chỉ hơn một tuần trôi qua thôi, chị Ba cũng đã nói với tôi một câu như vậy trong lần đầu tiên Hùm rủ tôi đến đây chơi.

Dù sao thì tôi cũng phải đáp một lời để cho chị Ba an tâm trước khi tôi xoay mình đi thẳng:

- Dạ...chỉ mới có vài ly thôi, em không có sao đâu...chị Ba à...

Tôi đứng thoải mái ở trong nhà cầu mà cho...nước trong người ra. Gió mát từ dưới mặt nước sông đang dâng đầy thổi lên mát rượi khiến cho lòng tôi tỉnh táo hẳn ra. Trông về phía bên kia bờ sông, tôi vẫn nhận ra được vị trí đóng quân dã chiến của Trung đội mình nơi dãy nhà dân với những mái tôn nằm xen lẫn với những mái lá lụp xụp. Và một kỷ niệm êm đềm chợt hiện ra như một đoạn phim quay chậm khi khung cảnh ở trước mặt đã gợi lại trong tôi những gì đã xảy ra ở đây chỉ hơn một tuần lễ qua thôi. Giữa trưa hôm đó, đang nhậu vui vẻ với nhau, Hùm lại đứng lên xin ra về vì đã đến giờ hẹn dạy kèm Anh văn cho mấy...‘‘em gái hậu phương’’ nơi vị trí đóng quân của Trung đội anh ta. Tôi cũng muốn...‘‘rút lui’ sớm, nhưng anh Ba cố giữ tôi ở lại với lý do là cái món cua rang muối mà anh đã khổ công...‘‘dàn dựng’’ kia làm sao anh có thể ngồi nhậu một mình cho được, cho nên tôi đành phải...‘‘nhắm mắt qua cầu’’ mà ngồi trở lại xuống ghế để ‘‘chén thù chén tạc’’ tay đôi với người chủ nhà.

Và lần này thì cái hên đã tự nó...mỉm cười với tôi. Anh Ba đã say mèm bên bàn rượu còn tôi thì vẫn còn đi đứng được, tuy không vững vàng cho lắm.

Tôi lê bước chân mình ra khỏi cửa khi ánh nắng mặt trời chiều còn đang tô hồng khung trời Tây.

Chợt có tiếng của chị Ba ở phía sau lưng tôi:

- Chuẩn úy, để em nó lấy xuồng đưa cho qua sông...

Nghe chị Ba nói vậy, tôi quay trở vào nhà với lòng mừng thầm vô hạn. Tôi vẫn còn nhắm chừng được là nếu như phải lội bộ trở về, tôi phải đánh một vòng chữ U dài trên một cây số là men theo con lộ đá chạy dọc bờ con Kinh Xáng Xẻo Rô để đi ngược về phía cây Cầu quây ở đàng kia, băng qua cầu, đoạn rẽ phải rồi cũng men theo một con lộ đá khác mà đi về phía vị trí đóng quân, chắc là trời cũng vừa sụp tối. Còn như theo ngả đường thủy thì tôi chỉ mất có vài phút để vượt sông sang ngang bằng xuồng ba lá trên quãng kinh rộng hơn một trăm mét mà thôi. Và tôi đoán rằng thế nào rồi tôi cũng sẽ gặp một đứa em nào đó đang ngồi canh gác cho mặt sau của tuyến phòng thủ của Trung đội tôi, nơi cuối con hẻm nhỏ dẫn xuống tận mé nước, nơi mà cư dân ở đây thường ngày ra ngồi giặt giũ quần áo hay câu cá.

Tôi nương theo mấy bậc thang dựng đứng xuống mặt nước mà bước xuống xuồng với nỗi bâng khuâng và lo lắng là mình đang làm phiền lòng người khác khi phải đưa một kẻ giống như đang say rượu sang sông!

Hơi men rượu nồng trong cơ thể tôi hình như đã bốc hơi nhiều theo từng cơn gió mát lướt êm trên mặt sóng. Tâm hồn tôi cũng đã trở nên khoan khoái hơn. Tôi chẳng biết chị Ba đang nghĩ gì ở trong đầu khi chị đang đứng trên sàn nhà mà nhìn tôi và Mỹ Anh, mỗi đứa ngồi ở một đầu mũi ghe, chỉ nhìn nhau mà chẳng nói với nhau lời nào cả. Tôi cũng chẳng hiểu tâm trạng của Mỹ Anh lúc bấy giờ ra sao! Riêng tôi, tôi vừa mới cảm nhận ra một niềm vui nho nhỏ đang len nhẹ vào dòng chảy của máu trong con tim mình đang chuyển sang nhịp đập khác với bình thường.

Khi xuồng vừa ra đến giữa dòng sông, một chiếc vỏ lải gắn máy đuôi tôm lướt qua nhanh làm cho chiếc xuồng nhỏ tròng trành trên mặt sóng nhấp nhô. Tôi vội vã dang rộng hai cánh tay ra bấu víu chặt vào hai bên be xuồng với lòng thầm mong cho con thuyền đừng lật úp, bởi vì với bộ đồ trận trên người và đôi giày bố đi trận ở dưới chân, chúng sẽ làm khó dễ tôi khi phải vùng vẫy trên sóng nước to mà lội vào bờ.

Tôi cố trấn áp cơn sợ hãi đang dấy lên ở trong lòng để ngước lên nhìn về phía Mỹ Anh. Nàng vẫn tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Là lính chiến, tôi đã từng trải qua những ngày dài lặn lội hành quân ở vùng sông nước này. Nhưng nguy cơ...chết trôi theo dòng nước thì chưa có lần nào xảy ra cả. Lần này thì...

Tôi chẳng còn thì giờ để nghĩ tiếp nữa khi mà Mỹ Anh đã tươi cười hỏi tôi một câu:

- Chú đang...nghĩ gì vậy...chú?

Tôi chẳng thể nào che giấu được cái cảm giác thẹn thùng đang hiện dần ra trên nét mặt lo âu của mình. Nhưng tôi lấy lại được sự bình tĩnh ngay, đúng lúc mà con xuồng không còn chao qua chao lại nữa, bởi vì những đợt sóng to đã cuốn hút và xô đẩy nhau lướt giạt hẳn về phía hai bên bờ kinh.

Tôi đang bị lúng túng, nhưng cũng tìm ra được một ý rút ra từ trong câu hỏi của Mỹ Anh mà đáp lại nàng:

- Thì về cái chuyện mà Mỹ Anh cứ gọi chú bằng...chú ấy...

Mỹ Anh vặn hỏi lại:

- Vậy chớ Mỹ Anh sẽ xưng hô với...chú như thế nào, chú thử nói đi?

Chút men cay còn đọng lại trong cơ thể có thể tạo cho tôi có thêm chút can đảm để nói lên nỗi lòng của mình là tôi không thích ai gọi mình bằng chú, cho dù đó là một...Mỹ Anh đang nhẹ tay chèo ở trước mặt tôi. Nhưng tôi lại không làm như vậy! Nàng, với mười tám mùa xuân phơi phới lướt êm qua cuộc đời và tôi, đã hai mươi mùa thu rồi ngồi ngắm...‘‘lá vàng trước gió sẽ đưa vèo’’, thì theo lẽ đời...‘‘tam tuế như thúc’’, Mỹ Anh và tôi là chú...cháu với nhau là lẽ đương nhiên, can cớ chi tôi lại mơ ước mình có được...‘‘nhứt tuế như huynh’’, để được nghe tiếng...‘‘anh’’ ngọt ngào thốt ra từ khóe miệng tròn xinh kia?

Chỉ còn vài ba mét nữa là con đò ngang sẽ cập bến. Nhưng Mỹ Anh lại ghìm cho con xuồng ngưng lướt sóng, dừng yên một chỗ trên mặt nước và đang giương đôi ánh mắt long lanh của mình mà nhìn thẳng vào mắt tôi như thể là đang chờ đợi ở tôi một câu trả lời. Bây giờ, tôi rất muốn nương theo làn gió nhẹ nhắn gởi đến tận bên tai nàng cái ý là...‘‘hãy khai tử tiếng...‘‘chú’’ đi và thay vào đó bằng một tiếng...‘‘anh’’, để cho dư âm của những lời xưng gọi thân mật của nàng trong tương lai sẽ luôn được bay bổng và ngự mãi ở trên cao như một vì sao Bắc đẩu để dẫn lối soi đường và cũng để cho ấm lòng người lính chiến trên những đoạn đường hành quân sau nầy’’.

Ở phía sau lưng tôi, chắc chắn là anh lính gác giặc đang đứng trên bờ kinh mà theo dõi tình ý giữa Mỹ Anh và tôi như thế nào để rồi ngày hôm sau đem ra truyền tai nhau cho cả Trung đội đều hay biết việc đó. Tôi chẳng ngại điều này bởi vì trong cuộc đời của một người lính viễn chinh, ai là kẻ chẳng thường hay vương vấn về một hình bóng của một giai nhân nào đó ở trong tâm tư mình! Nhưng tôi lại ngại ngùng khi phải nói với Mỹ Anh rằng...‘‘Anh rất ghét ai gọi mình bằng...chú đó, em có biết không’’?

Hình như Mỹ Anh chợt nhận ra là trời sắp tối nên nàng vội kéo nhẹ mái chèo về phía sau để cho con xuồng tiến từ từ cập vào bến.

Và giọng của nàng, không phải nương theo làn gió nhẹ mà thoảng bay xuôi đi trên mặt sóng, mà từng lời nói êm như mật ngọt lắng đọng vào lòng tôi:

- Chú muốn như thế nào thì hãy đến nói với...ba má Mỹ Anh một lời đi...

Tôi hiểu nhanh rằng Mỹ Anh muốn nhắc tôi một lời trước lúc tạm chia tay nếu như tôi thật dạ muốn chuyển đổi tình...chú cháu, xem ra thật xa rời như cách núi ngăn sông sang...tình yêu gắn bó lứa đôi. Điều đó dĩ nhiên là như vậy rồi! Nhưng đó là chuyện về sau này. Còn bây giờ, hình như có một nụ hoa vừa mới chớm nở, đang tỏa ngát hương thơm ngào ngạt trong khoảng không gian nhỏ hẹp giữa Mỹ Anh và tôi. Và trước mặt tôi, mặt sóng nước êm đềm bỗng nhiên biến thành một thảm cỏ xanh non mênh mông, trên đó xác pháo hồng trải rộng lối đi và một đôi uyên ương đang cùng nắm tay nhau mà tiến vào bên trong một ngôi giáo đường vừa mới chợt hiện ra ở phía xa xa đàng kia...

Thì ra, tôi vừa trải qua một giấc mơ vàng khi tôi còn đang thức! Và khi tôi tỉnh hẳn mộng, đã thấy mình đang đứng ở bên bờ kinh mà nhìn theo Mỹ Anh và con xuồng đang lùi dần ra phía giữa dòng sông. Tôi tự hỏi lòng mình rằng giấc mơ vừa qua có thể nào biến thành sự thật và đến với tôi một lần, hay đó cũng chỉ là một cơn mộng mị bình thường xảy ra với bao chàng trai thế hệ hôm nay đang trên bước đường đi vào một trận chiến đang chờ họ ở phía trước?

Mỹ Anh của tôi vẫn khua nhẹ tay chèo cho con xuồng trôi ngược mà mắt thì hãy còn nhìn đăm đăm về phía bờ, nơi tôi đang đứng.

Ngoài kia, một mảng lục bình nhỏ trôi vướng tắp vào một bên mạn ghe của Mỹ Anh. Đột nhiên, tôi ví cuộc đời mình như cụm lục bình kia, bấy lâu nay trôi nổi bềnh bồng trên sóng nước, chắc là đã đến lúc phải trụ lại để nằm yên ở một nơi nào đó trên quãng sông rộng này, như là ở trong lòng xuồng của Mỹ Anh hôm nay thôi.

Và tôi lại tiếp tục du hồn mình vào một bến bờ hạnh phúc mà ở nơi đó, Mỹ Anh và tôi sẽ cùng đến được. Làm gì có một trở ngại nào trước ánh mắt thăng hoa của tôi ngay lúc này!

Chợt có tiếng của Mỹ Anh lướt nhẹ đến bên tai tôi:

- Đừng quên lời Mỹ Anh dặn nhen...chú...

Tôi thật sự tỉnh mộng ngay và vội đưa hai bàn tay lên che miệng làm loa và nói to như hét vào đó:

- Lại gọi...anh bằng...chú nữa rồi!...

Đoạn phim dĩ vãng...đứt ngang ở đó khi tôi chợt nghe tiếng của anh chị Ba to nhỏ với nhau ở trong nhà:

- Chuẩn úy Bông nó đi đâu rồi?

- Chú nó còn ở trong nhà cầu...

- Chắc là...‘‘thuyền ra cửa biển rồi’’!

- Lo cho ông thì có! Uống cho nhiều vô rồi đừng có bắt tui cạo gió như lần trước à nhen...

Anh Ba lại hỏi vợ:

- Còn con Mỹ Anh đâu?

- Thì nó ở đâu trong phòng ngủ của nó...Ủa, mà ông nghĩ sao mà hỏi tui như vậy?

Anh Ba đáp với cái ý...dồn hết trách nhiệm về phía vợ mình:

- Con hư là tại mẹ đó! Nó bây giờ như là...hũ mắm treo đầu giường, bà làm ơn...để ý tới con gái của mình một chút...

Chị Ba trả đũa ngay:

- Xí, ông có giỏi thì hãy...trông chừng...ông bạn nhậu của ông đi!...

Tôi lắng tai nghe câu chuyện đối đáp giữa vợ chồng anh Ba mà cười thầm ở trong bụng mình. Thì ra cả hai vợ chồng đều đã có sự quan tâm đặc biệt đến đứa con gái cưng của họ, mà khởi điểm có lẽ là từ lúc có sự hiện diện của Hùm và tôi ở nơi nhà anh chị.

Dù sao thì tôi vẫn thấy anh chị Ba có lý! Ai mà tin được hai chàng sĩ quan trẻ khi mà chưa điều tra được lý lịch của tụi nó! Riêng tôi, tôi muốn vào trong nhà ngay để nói với anh chị rằng hãy tin tưởng vào tôi đi! Cái hàng rào...đạo lý vững như bàn thạch hãy còn sờ sờ ra đó giữa Mỹ Anh và tôi thì làm sao tôi dám xé rào mà bước lên...tình chú cháu cho được mà anh chị lo chi cho mệt thân!

Tôi đi thẳng ra phòng khách và thấy Hùm đang nằm dài trên chiếc phản kê sát vách tường ngăn chia phòng khách và phòng ngủ ở phía trong. Anh Ba đang ngồi chờ tôi ở bàn nhậu. Anh giương to ánh mắt đỏ ngầu nhìn về phía tôi như thể đang dò xét xem có một âm mưu đen tối nào đó đang tiềm ẩn ở trong đầu tôi.

Tôi ngồi xuống ghế trong nỗi lo ngại trước cái nhìn soi bói của anh Ba. Nhưng tôi lại an tâm hơn khi liếc thấy bóng của Mỹ Anh đang đứng lấp ló ở sau bức màn cửa.

Lòng tôi hưng phấn hẳn lên như thể vừa mới hít thật sâu một luồng gió mát trong lành vào trong lồng ngực nhằm tiếp sức cho tôi có thêm chút can đảm để nói lên thật sự nỗi lòng của mình mà không phải mượn một chút hơi men rượu nào cả:

- Mời...tía nâng ly,...rượu lạt mất rồi!...

Nguyên Bông
Ý kiến bạn đọc
02 Tháng Ba 20118:00 SA
Khách
Xời ơi ! Hay quá ông ơi ! Ông " chuẩn úy " bộ binh của tui , ông viết hay quá chời , không phải vì văn ông " hơn " các văn sĩ nổi tiếng , mà vì ông viết " thiệt " quá đời Nghe như kể chuyện vậy , chuyện là như zậy đó . Cảm ơn ông . À mà ông chuẩn ơi ! Năm 68 là ông chuẩn thì năm đại vở kịch hạ màn ( 1975 ) thì ông chắc đã là "quan ba " là ít . Ông định mần " chuẩn úy " muôn năm sao ông ? Lâu lắm mới được đọc một truyện thật nhẹ nhàng của " lính " . Đọc đoản văn này của ông tôi " phục " ( huhuhuhu ... ) ông T Đ phó và ông Trung đoàn trưởng của ông quá trời ! May mà ông còn ..... sống để kể chiện nghe chơi . Lần nữa cảm ơn ông . Người li'nh nghĩa quân .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn

No comments:

Post a Comment