Trận Đèo An Khê Trong Mùa Hè Đỏ Lửa (Battle of An Khe Pass in Easter Offensive 1972)
By Chientranh Last updated Dec 14, 2020
Lời nói đầu: Trong 1 hồi ký của nhà văn Phạm tín An Ninh, ông kể lại năm 1972 trung đoàn 44 được lịnh di chuyển gấp từ Sông Mao lên Kontum. Trên đường đi, trung đoàn đã dự một số trận đánh trên QL-19 để giải vây cho quân Đại Hàn, nhưng ko nói rõ tổn thất đôi bên. Trong lúc tìm thông tin về một trận đánh của quân Mỹ gần thung lũng Vĩnh Thạnh, ở đông bắc An Khê, tôi biết được một thông tin về Trận đánh Đèo An Khê 1972 -- do một tác giả CS viết. Tuy là văn phong của CS, nhưng tác giả rất trung thực khi nói 1 đại đội đặc công và ba đại đội bộ binh dự trận này đã bị thiệt hại nặng, gần như xóa sổ. Thay vì dùng chữ "ngụy quân, hay quân chư hầu Nam Triều Tiên, v.v..." họ đã gọi QLVNCH, quân đội Nam Triều Tiên. Vì vậy tôi mạnh dạn giới thiệu bài này tới bạn đọc.
(Năm 1972, các trận An Lộc, Kontum, và Quảng Trị đều được đăng trên báo chí quốc tế. Nhưng trận đánh tại Đèo An Khê, vì quy mô quá nhỏ, nên chỉ đăng trên báo chí VN, và đã đi vào quên lảng).
Trận đèo An Khê năm 1972 (Battle of An Khe Pass in Easter Offensive 1972) là trận đánh giữa trung đoàn 12 thuộc sư đoàn 3 quân Giải Phóng và lính Đại Hàn trong chiến dịch Xuân Hè hay còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
PHẦN I
Ngày 30 tháng 3 năm 1972, quân Giải Phóng mở Chiến dịch Xuân – Hè 1972, còn được biết đến với tên gọi Mùa hè đỏ lửa (theo cách gọi của phía Việt Nam Cộng hòa), hoặc Easter Offensive (theo cách gọi của Hoa Kỳ). Chiến dịch Xuân Hè tập trung ở 4 mặt trận nhưng chỉ có 3 mặt trận là chính bao gồm : Mặt trận Quảng Trị, mặt trận Kontum, mặt trận An Lộc, ngoài ra còn có mặt trận Quảng Nam nhưng chỉ là thứ yếu nhằm cầm chân lực lượng vùng duyên hải chứ không tăng viện cho các mặt trận kia. Phía Quân Giải Phóng đã huy động cho chiến dịch này lên đến 14 sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập
Ngày 30 tháng 3, quân Giải Phóng bắt đầu chiến dịch Xuân Hè 1972 bằng cách mở mặt trận Quảng Trị. Từ phía Bắc, sư đoàn 308, 320B vượt sông Bến Hải tấn công Cam Lộ, Cồn Tiên. Ở phía Tây Quảng Trị, sư đoàn 312, 316, 325 tấn công căn cứ Đầu Mầu, Tân Lâm, … Phía Tây Nam, sư đoàn 324 tấn công Động Ông Do, cao điểm 440,...
Ở mặt trận Kontum, cũng ngày 30 tháng 3, ba sư đoàn quân Giải Phóng là sư đoàn 3, sư đoàn 10 và sư đoàn 320 cùng 4 trung đoàn độc lập với sự yểm trợ của xe tăng đã tấn công Kontum. Tại mặt trận Tây Nguyên, đường 19 và đường 21 có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với lực lượng quân đội hai bên ở Tây Nguyên. Đường 19 và đường 21 được ví như cái cuống họng, chiến trường Tây Nguyên như cái dạ dày. Ngoài hai trục đường này còn có thêm đường số 7 nối liền quốc lộ 1 ở tỉnh Phú Yên với quốc lộ 14 tỉnh Đắc Lắc. Tuy nhiên đường số 7 đã hư hỏng, từ lâu không sử dụng được. Đường 19 và 21 trở thành 2 trục đường huyết mạch, nối liền các tỉnh đồng bằng miền Trung với Tây Nguyên, và có tính quyết định sống còn đối với quân đội và chính quyền của địch ở đây.
Nếu bạn có dịp đi từ thành phố Quy Nhơn, theo đường Quốc lộ số 1 ra hướng Bắc, đến ngã ba đường số 1 và đường số 19, đi tiếp khoảng 60 km theo đường số 19 là đến đèo An Khê. Đèo An Khê dài trên 10 km, rất hiểm trở có nhiều đoạn cua, gấp khúc, xe cơ giới không sao chạy nhanh được. Hai bên đường đèo là đồi núi liên hoàn. Đèo An Khê hiện ra với con đường ngoằn nghèo chạy theo sườn phía Nam dãy núi Ông Bình. Từ cống Hang Dơi, chân đèo thuộc phần đất của tỉnh Bình Định, lên núi Cây Rui dài khoảng 10 km, là đoạn đường hiểm trở nhất. Núi Cây Rui là ranh giới giữa hai tỉnh: Bình Định và Gia Lai. Đi thêm nữa là đèo Mang Yang nơi khi xưa vào ngày 24 tháng 6 năm 1954 đã xảy ra trận đèo Mang Yang phục kích binh đoàn 100 của Pháp khiến Pháp thiệt hại rất nặng. Chạy gần như song song với đường 19 về phía Đông – Đông Nam là sông Côn và một nhánh của sông Côn là sông Cái. Sông Côn rộng có nơi khoảng 200m, cách đường 19 trung bình 1km.
Trận Đèo An Khê năm 1972 trên đường 19 trong chiến tranh Việt Nam - Battle of An Khe pass on route 19 in Vietnam war.
Sư đoàn 3 Quân Giải Phóng có 3 trung đoàn gồm trung đoàn 2, 12 và 22 di chuyển từ Quảng Ngãi vào Quảng Nam. Sau Tết Mậu Thân đã bị tổn thất nặng. Theo lệnh của Quân khu, tháng 2 năm 1970, sư đoàn bộ binh 3 giải thể trung đoàn 22, đưa lực lượng xuống các tỉnh để hoạt động: Tiểu đoàn 7 về tỉnh Quảng Ngãi; Tiểu đoàn 8 về Bình Định; Tiểu đoàn 9 về Phú Yên. Trung đoàn bộ binh 21 từ miền Bắc vào, do đồng chí Việt Sơn làm trung đoàn trưởng, được điều về thay cho trung đoàn bộ binh 22. Năm 1972, quân khu 5 quyết định giải thể sư đoàn 711 và trung đoàn bộ binh 21 để lấy binh sĩ bổ sung cho các đơn vị khác. Sư đoàn 3 do đó chỉ còn 2 trung đoàn bao gồm trung đoàn bộ binh 2 hoạt động tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát và trung đoàn bộ binh 12 chuyển vào phía Nam tỉnh Bình Định, tập trung chủ yếu đường 19.
Nhiệm vụ của trung đoàn bộ binh 12 trong trận đèo An Khê (Battle of An Khe Pass) trong chiến dịch Xuân – Hè năm 1972 là cắt đứt giao thông tiếp tế của quân VNCH trên đường 19 từ đồng bằng miền Trung lên cao nguyên và kìm giữ sư đoàn “Mãnh Hổ” Đại Hàn và một bộ phận quân chủ lực Sài Gòn, tạo thuận lợi cho mặt trận B3 ở Tây Nguyên và đồng thời cho sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Bắc – Bình Định.
Lực lượng Đại Hàn (Nam Triều Tiên), đồng minh của Mỹ, trên chiến trường thuộc Liên khu 5, có 3 đơn vị: Tại tỉnh Quảng Ngãi có lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến “Rồng xanh” (Thanh Long); lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến “Bạch Mã” ở Phú Yên. Sư đoàn bộ binh “Mãnh Hổ” ở tỉnh Bình Định, chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ đường 19
Mục tiêu của quân Giải Phóng như sau :
Mùa xuân năm 1972, mặt trận B3 mở chiến dịch Tây Nguyên nhằm: “Tiêu diệt địch, giải phóng Daktô, Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kontum, và phát triển xuống Plâyku, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”
Binh sĩ Mỹ trên đèo Mang Yang đường 19 trước trận Đèo An Khê năm 1972 trên đường 19 trong chiến tranh Việt Nam – Us soldiers on Mang Yang pass, route 19 before battle of An Khe pass on route 19 in Vietnam war
Để hỗ trợ mục tiêu trên, phía lực lượng sư đoàn 3 ở đồng bằng cần tập trung lực lượng, xây dựng cụm chốt cắt giao thông tại đèo An Khê trên đường 19, chủ yếu từ Cống Hang Dơi phía Đông đèo đến núi Cây Rui, đỉnh đèo có chiều dài từ 15 đến 20 km, với quyết tâm là đánh bại mọi cuộc phản kích giải tỏa của quân VNCH, cắt đứt mọi sự vận chuyển tiếp tế của phía VNCH từ đồng bằng lên Tây Nguyên
Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến đường 19 đối với sự sống còn của các lực lượng đồn trú và hệ thống chính quyền của địch ở vùng cao nguyên; Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bố trí tại đây (chủ yếu tại đèo An Khê xuống xã Bình Nghi trên trục đường 19) nhiều đơn thiện chiến của Nam Triều Tiên như sư đoàn Mãnh Hổ (6 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 24), lữ đoàn Bạch Mã (1 tiểu đoàn) cùng 5 đại đội bảo an VNCH. Khi cần thiết có thể tung các trung đoàn chủ lực cơ động thuộc sư đoàn 2, sư đoàn 23, 4 liên đoàn Biệt Động Quân lên giải toả.
PHẦN 2.
Các vũ khí của sư đoàn 3 Sao Vàng Quân Giải Phóng mà binh sĩ sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn thu được sau trận đèo An Khê 1972 trong chiến tranh Việt Nam - North Vietnamese weapons captured by South Korean Tiger division after battle of An Khe pass in Vietnam war 1972
Do vị trí xung yếu và là đường huyết mạch chi viện cho cao nguyên, để phòng ngự đường 19 trong trận đèo An Khê trong chiến dịch Xuân Hè hay còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 (Battle of An Khe Pass in Easter Offensive 1972), binh sĩ Đại Hàn đã thiết lập nhiều vị trí chốt chặn.
Lực lượng trung đoàn 2 Quân Giải Phóng thiết lập nhiều chốt dọc theo đường 19 với mục đích cắt đường tiếp tế huyết mạch này. Cụm chốt chính (nằm ở phía Đông đường 19) bao gồm điểm cao 638 – chốt Cây Rui, điểm cao 384, cống Hang Dơi do tiểu đoàn 6 bộ binh gồm 3 đại dội 61-62-63 chốt giữ. Cụm chốt phụ (nằm ở phía Tây đường 19): chốt giữ từ suối Văn Ngày đến suối Vôi do 2 đại đội công binh chốt giữ. Nhiệm vụ của cụm chốt phụ, là trợ lực cho cụm chốt chính, phân chia lực lượng binh sĩ Đại Hàn tại đây, tổ chức phòng ngự từ xa cho cụm chốt chính.
Điểm quan trọng của toàn bộ chiến dịch là đại đội đặc công của quân khu đánh chiếm được mỏm phía Bắc của điểm cao 638 nơi có 1 đại đội thuộc sư đoàn Mãnh Hổ đang chốt giữ để đại đội 61, triển khai lực lượng trên cả 2 mỏm điểm cao hình thành thế Ỷ Dốc.
Đêm ngày 9-4 tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu tại trận đèo An Khê (battle of An Khe pass) của trung đoàn bộ binh 12 đã triển khai xong về nơi tập kết, chuẩn bị công sự.
2h12 sáng ngày 10/4, khi đại đội đặc công tiếp cận mỏm phía Bắc của chốt Cây Rui đã bị lộ ngay tại lớp hàng rào kẽm gai đầu tiên, không thực hiện được đánh chốt địch bằng phương án mật tập. Cối 82 ly của địch, được ống ngắm hồng ngoại chỉ định mục tiêu, phối hợp với 4 trực thăng vũ trang đã dần nát đại đội đặc công. Toàn đại đội đặc công gần như xóa xổ sau 10 phút giao tranh, theo như tài liệu của sư đoàn Mãnh Hổ, họ thu nhặt được 18 thi thể lính đặc công.
Xác các chiến sĩ đặc công trong trận đèo An Khê 1972 trong chiến tranh Việt Nam – North Vietnamese sappers in battle of An Khe pass in Vietnam war 1972
Điều tai hại này đã khiến Đại đội 61 bị lộ mục tiêu chính, phải chạy như bay đến mỏm phía Nam điểm cao 638 để bố trí trận địa -- vừa khống chế đường 19, vừa áp chế mỏm phía Bắc của điểm cao 384 (cách đó 200m) trong trạng thái chưa kiến trúc được trận địa phòng ngự dưới làn mưa bom bão đạn.
Lúc này, Đại đội 63 cùng các đơn vị công binh phá sập một phần cống hang Dơi rồi chốt chặn tại đây. Lực lượng tại chỗ của Nam Triều Tiên và VNCH phản ứng tức thì khi điều chiến đoàn 14 vùng 2 chiến thuật gồm 5 xe tăng và 2 đại đội bộ binh lao lên đánh -- họ được 3 cụm pháo 105 ly đặt ở An Khê, An Tân với tổng cộng 24 khẩu pháo thay nhau bắn mãnh liệt vào trận địa phòng ngự chốt chặn của trung đoàn 12.
Sau 2 ngày giao tranh quyết liệt, các lực lượng giải toả của địch đã chọc thủng chốt phụ ở phía Tây, hai đại đội công binh của ta gần như xoá sổ. Lực lượng giải toả này sau đó tiến xuống khu vực nơi tiểu đoàn 6 chốt giữ (cụm chốt 638-384-cống Hang Dơi) và phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn 22 VNCH từ phía Quy Nhơn đánh lên, hình thành thế trận 2 mặt giáp công. Trung đoàn 12 Quân Giải Phóng đã điều thêm tiểu đoàn 5, dự bị của trung đoàn để tăng cường cho trận đèo An Khê
Vị trí các chốt chặn trong trận Đèo An Khê năm 1972 trên đường 19 trong chiến tranh Việt Nam – Battle of An Khe pass on route 19 in Vietnam war
Đêm 20-4-1972, mười ngày sau khi mở chiến dịch, trung đoàn 12 nhận được điện của khu ủy và quân khu ủy khu 5 gửi xuống: “Nhiệt liệt khen ngợi cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 12, đã chiến đấu rất dũng cảm. Địch ở Tây Nguyên đang khốn đốn. Chúng sẽ còn cố sức giải toả đường số 19. Cuộc chiến đấu sẽ quyết liệt dữ dội hơn. Các đồng chí hãy nêu cao quyết tâm, công sự phải vững chắc hơn, đánh địch phải linh hoạt hơn, để làm chủ mặt đường triệt để hơn…”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, trực tiếp điện thẳng cho trung đoàn bộ binh 12, khen ngợi: “Các đồng chí đã đứng vững như bàn thạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn đầu cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung…”. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên tư lệnh mặt trận B3 lúc đó cũng gửi điện: “Cảm ơn chiến sỹ trung đoàn bộ binh 12 đã anh dũng cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung…”.
Ban đầu phía Nam Triều Tiên và VNCH tổ chức đánh toàn bộ cụm chốt nhưng không thành công. Vì vậy, các đơn vị giải tỏa thực hiện phương án nhổ từng chốt một. Đầu tiên là chốt Cây Rui (điểm cao 638), điểm cao 384 và cuối cùng là cống Hang Dơi. Tại cao điểm 638 sau nhiều ngày giao tranh đẫm máu, đến ngày 23/4/1972 lực lượng lính Nam Triều Tiên dùng vũ khí hóa học tiêu diệt đại đội 61. Từ các trận địa pháo, đạn hơi cay đã bao trùm lên trận địa của đại đội 61. Lính Nam Triều Tiên đeo mặt nạ phòng độc lại ào ạt tấn công lên chốt. Đại đội 61 tại chốt Cây Rui hi sinh gần hết bao gồm cả đại đội trưởng và đại đội phó. Đến ngày 24-4, đại đội 61 chỉ còn lại 5 người sống sót sau đó được tiểu đoàn 5 lên tăng viện, tiếp tục chiến đấu đến đêm 24/4 thì buộc phải rút lui do thương vong quá lớn.
Tại cao điểm 384, ngày 18-4, lính Nam Triều Tiên đã dùng đến 2 tiểu đoàn, từ phía bắc và phía đông ào ạt tấn công lên cao điểm. Đại đội 62 kiên cường trụ bám, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, tiểu đoàn phó chính trị, đại đội trưởng Đồng Xuân Soạn và 8 chiến sĩ vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên cao điểm 384… toàn đại đội chỉ có một người sống sót.
Tại cống Hang Dơi, trận chiến diễn ra ngay trên mặt đường. Giữa một bên đạn B-40, B-41 đếm từng quả đối mặt với một bên có thiết giáp được pháo binh, trực thăng chi viện thì ai dũng cảm hơn người đó thắng. Dĩ nhiên cái giá phải trả không phải nhỏ, đại đội 63 thương vong 80% quân số.
Đường 19, được giải tỏa cơ bản vào ngày 24/4/1972 kết thúc sau 14 ngày giao tranh ác liệt giữa 2 bên. Phía binh sĩ Đại Hàn sau trận đánh đã lập bia tưởng niệm và đến sau này vẫn còn./.
Bia tưởng niệm do binh sĩ Đại Hàn thuộc sư đoàn Mãnh Hổ lập sau trận đèo An Khê 1972 trong chiến tranh Việt Nam – Battle of An Khe pass memorial monument built by Korean Tiger division in Vietnam war 1972
Ảnh chụp năm 2004 : Bia tưởng niệm do binh sĩ Đại Hàn lập sau trận đèo An Khê 1972 trong chiến tranh Việt Nam : chữ Hàn Quốc Jeo Seung Bi nghĩa là Bia chiến thắng – Battle of An Khe pass memorial monument in Vietnam war 1972
No comments:
Post a Comment