Đặng Đình Mạnh: Khuya nào từ nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo
Một chế độ đặt trên nền tảng vô thần, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn thì họ, những quan chức Cộng Sản lại mê tín dị đoan hơn cả dân đen.
***
Hẹn hò mãi, chúng tôi mới thu xếp được chuyến đi đến Côn Đảo với vợ chồng anh bạn. Ở đảo có cảnh quan thiên nhiên về biển cả, núi non đẹp mê hồn, nhất là các bãi biển hoang sơ tựa mình vào những bãi đá bạt ngàn, hầu như có thể tắm tiên được nếu du khách không ngại ngần trước những ánh mắt tò mò của vài chú khỉ đang lò dò ra tận mép biển ngắm du khách.
Không chỉ cảnh thiên nhiên, mà trên đảo cũng còn lưu giữ được khá nhiều di tích, nơi từng lưu nhiều dấu chân cũng như khí phách tiền nhân "Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể sự con con" [1], như: Nhà tù khổ sai, các dinh thự ở và làm việc của người Pháp còn giữ nguyên lối kiến trúc cũ, hoặc các điểm thăm thú có tính cách lịch sử, tâm linh như miếu Cậu Cải (còn gọi là Thiếu Gia Miếu, thờ hoàng tử Cải, người được nhắc tên trong câu ca dao “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”), miếu bà Phi Yến (bà phi của vua Gia Long khi ngài bôn tẩu), miếu Năm Cô…
Nhưng đến Côn Đảo không chỉ có du khách thưởng lãm thiên nhiên, mà rất nhiều người trong số họ đến chỉ với một mục đích duy nhất: Cúng lễ cầu vinh nơi mộ phần cô Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, tọa lạc trên đảo. Họ đến vội vã để cúng lễ vào giấc tối khuya rồi sáng hôm sau trở về ngay đất liền. Thế nên, cảnh thiên nhiên của Côn Đảo, cho dù đẹp đẽ đến thế nào hoặc các di tích cũ, cho dù có ý nghĩa như thế nào thì cũng chưa từng là điều mà số khách này quan tâm.
Thế nên, người dân trên đảo không chỉ sống nhờ nguồn khách du lịch, mà còn có nguồn thu nhập rất đáng kể khi phục vụ các dịch vụ cúng lễ cho số khách tâm linh rất đông đảo này.
Quanh ngôi chợ Côn Đảo và bên cạnh các khách sạn lớn nhỏ trên đảo, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng tá cửa hàng bán những mâm lễ đã soạn sẵn: Hoa quả, nhang đèn, đồ hàng mã… Đồ “đặc chủng” như chiếc nón cối hoặc chiếc mũ tai bèo, cái khăn rằn… là những vật dụng đã từng dọa nạt dân miền Nam từ hơn nửa thế kỷ qua. Nhẹ nhàng và nữ tính hơn là chiếc nón lá, gương lược, đôi hài, trang sức, gói bồ kết và cả mỹ phẩm… Chưa kể loại trái cây được sắp vào mâm lễ hầu như gắn liền với danh tính cô Võ Thị Sáu như quả lê-ki-ma (còn gọi là quả trứng gà) như lời bài hát “Mùa hoa lê ki ma nở...”. Nhưng dù bất luận thế nào cũng không thể thiếu cái sớ ghi sẵn tên “người nhận” là cô Võ Thị Sáu, phần người cúng lễ để trống, người mua điền sau.
Vì lời đồn đại phải đến cúng lễ phần mộ cô Sáu chỉ khi trời đã tắt nắng, thậm chí, càng khuya mới càng linh thiêng. Cho nên, khoảng thời gian từ 7 giờ tối đến tận hơn 10 giờ khuya là lúc nghĩa trang Hàng Dương tấp nập khách đến thăm đông nhất. Cũng vì thế, có lẽ nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa trang duy nhất quy định giờ đóng cổng vào lúc 10 giờ khuya.
Tối hôm ấy, khi đã đi thăm thú chán chê khắp nơi trên đảo. Sau bữa ăn trước chợ, chúng tôi rủ vợ chồng anh bạn đi thăm nghĩa trang Hàng Dương. Tò mò, vợ chồng anh bạn nhận lời. Chúng tôi mua vội nhang đèn và bó hoa rồi mở GPS của cái phone tìm nghĩa trang Hàng Dương phóng xe máy chạy đến.
Chỉ mất khoảng hơn 10 phút đã chạy đến nơi. Y như lời đồn, lúc này đã ngoài 9 giờ tối mà cổng nghĩa trang đông nghịt người. Tuy là nghĩa trang về đêm, nhưng không ghê rợn mà trái lại, đèn điện sáng choang, không khí náo nhiệt như lễ hội. Người trở ra vẻ mặt hỉ hả, người vào khệ nệ bưng mâm lễ đầy thành kính.
Tôi theo dòng người vào trong. Đến trước một phần mộ xây bằng đá hoa cương đen lớn, xúm xít người dâng lễ, quỳ lạy, khói hương nghi ngút cay mắt… len vào chúng tôi mới đọc thấy tên cô Võ Thị Sáu khắc trên tấm bia đen.
Không cần phải đoán, chúng ta vẫn có thể biết rõ số người đang bu đen, bu đỏ bên cạnh phần mộ cô Sáu kia là ai? Một chế độ đặt trên nền tảng vô thần, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, thì họ, những quan chức Cộng Sản lại mê tín dị đoan hơn cả dân đen. Vì có người dân bình thường nào mà đến nghĩa trang vào giấc khuya nếu không phải bọn lục lâm thảo khấu hoặc con bệnh thần kinh?
Thỏa mãn tò mò, tôi rời đấy, đến trước đài cao thắp hương, đặt bó hoa tươi rồi khấn vái. Anh bạn đi cùng biết quan điểm chính trị của tôi nên ngạc nhiên lắm. Chờ ra đến bên ngoài, không nhịn được anh vọt miệng hỏi: “Ủa lúc nãy Mạnh khấn vái cái gì dzậy?”.
Tôi đáp: “Anh nghĩ xem, nhiều người chết ở đây tuy theo Cộng Sản, nhưng họ sống có lý tưởng. Họ cũng muốn dân giàu, nước mạnh chứ họ đâu có biết cướp được đất nước rồi, thì Cộng Sản lừa dối, phản bội lại lý tưởng của họ đâu? Họ cũng không hề muốn đất nước tan hoang như bây giờ phải không? Cho nên, Mạnh khấn vái tưởng nhớ họ, mong họ sống khôn, thác thiêng về bẻ cổ hết cái đám tham tàn làm hại đất nước…”.
Nhân tiện, gởi bài văn khấn để các bạn tham khảo, biết đâu có dịp các bạn sẽ sử dụng:
“Con lạy các vong linh, chân linh quý vị anh hùng đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Con tên Đặng Đình Mạnh, ngụ tại Sài Gòn.
Hôm nay con đến dâng lễ, tưởng nhớ quý vị, những người đã dấn thân, bỏ mình cho lý tưởng cao đẹp, gồm: Đất nước được hùng cường, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Nhưng chế độ Cộng Sản đã lừa dối, hoàn toàn phản bội lý tưởng của quý vị. Chế độ toàn bọn quan chức tham tàn cố vị, nhũng nhiễu tràn lan. Đẩy đất nước vào cảnh tan hoang, đẩy nhân dân vào cảnh khốn cùng, lòng người phân ly, đẩy đạo đức xã hội xuống tận đáy vực…
Cho nên, quý vị anh hùng có sống khôn, thác thiêng, hiển linh về bẻ gẫy cổ hết bọn tham tàn mà cứu đất nước mình, cứu nhân dân mình.
Con kính lạy”.
Tôi nghĩ, những tên tuổi lẫy lừng đã tạc bia đá “công đức” của chế độ như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Võ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Trần Tuấn Anh, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Yên… chắc đều đã từng nhiều lần viếng mộ cô Sáu để khẩn cầu được thăng quan, tiến chức, vinh thân, phì gia… rồi trở lại để cúng lễ tạ ơn khi được toại nguyện. Cho đến sau khi bị hạ bệ nhục nhã, thì không rõ có ai trong số đó đã từng trở lại nghĩa trang Hàng Dương? Và có ai trong số họ bị hạ bệ vì lời khấn vái của tôi trước những anh linh những người đã mất hiệu nghiệm. Nếu có, tôi vẫn chưa vui, vì tôi mong đám tham tàn bị bẻ cổ chứ không chỉ hạ cánh an toàn.
Từ DC nhớ khuya nào đã đến nghĩa trang Hàng Dương…
_____
[1] Trích từ "Đập đá ở Côn Lôn" của cụ Phan Chu Trinh.
Ảnh tác giả Đặng Đình Mạnh chụp tại ngôi mộ cô Võ Thị Sáu
No comments:
Post a Comment