Mai Bá Kiếm; Vì sao vùng cao ngập mưa, vùng trũng ngập triều?
Đọc tin mưa ngập ở TP.HCM sáng 18/9, tuy thời sự nhưng rất cũ, có vài chi tiết mới: Công ty Thoát nước đô thị cử nhiều nhân viên đặt cảnh báo, chỉ dẫn người dân chọn đường ngập thấp; điều xe bồn đến hút nước trên đường Nguyễn Văn Khối (Gò Vấp) để giảm ngập. Do phóng viên dốt, không biết xe bồn màu vàng là xe hút cống bị nghẹt, và một xe có bồn năm khối không thể hút hết nước trên đường Nguyễn Văn Khối được!
Báo trích dẫn "tổng kết" của Sở Xây dựng: Thành phố có 13 tuyến trục chính ngập do MƯA (ở Gò Vấp, Thủ Đức, Q.12, TP.HCM) và năm tuyến trục chính ngập do TRIỀU CƯỜNG (Bình Chánh, Nhà Bè, Q.7). Sở không nói nguyên nhân gây ngập mưa và ngập triều, chỉ hứa nạo vét cải tạo kênh Hàng Bàng, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Người dân không biết vì sao vùng đất gò cao (Gò Vấp, Thủ Đức) bị ngập sau mưa rất lâu (24 tiếng) và vùng đất thấp (Bình Chánh, Nhà Bè) ngập do triều cường 2-3 tiếng?
Nói thẳng ra, do "đô thị hóa tham lam ngu dốt"! Ngày xưa, Thủ Đức, Gò Vấp là đất gò trồng rẫy, nước mưa ngấm xuống đất và chảy trên bề mặt tùy theo lưu vực đổ ra kênh, mương. Khi cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng không xét code nền có cản trở nước mưa thoát trên bề mặt không? Sở cho mật độ xây dựng, nhưng không kiểm tra phần diện tích không được xây phải để trống cho nước mưa ngấm xuống đất.
Tất cả cao ốc, chung cư, nhà phân lô đều tráng xi măng phần đất không được xây, chỉ chừa vài lõm đất trồng cây và hoa. Nước mưa chỉ còn cách thoát trên bề mặt nhưng bị cản bởi code sân cao hơn mặt đất. Khốn nạn nhất là việc cho phép các dự án Bất động sản san lấp cống hở, mương hở để thoát nước (ở Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức...) rồi thay bằng cống hộp. Mặc dù, đứa con nít cũng biết lưu lượng nước mưa chảy xuống cống, mương hở, nhiều gấp 100 lần lượng nước gom vào miệng hố ga (hố cách nhau 20m, còn bị bịt bằng lưới rác).
Hồi xưa ở Tân Sơn Nhứt, nên tôi biết 1.530ha đất phi trường và vùng đệm xung quanh (Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn) đều xài mương, cống hở. Ở phía nam, mương hở từ Sư đoàn Dù chảy qua trường Quốc gia nghĩa tử, đổ ra cây cầu (nay lấp bít xây Bệnh viện đa khoa Tân Bình) chảy vô kênh Nhiêu Lộc. Cống hở từ cổng Phi Long chảy ra trước cổng Bệnh viện 3 dã chiến Hoa Kỳ (nay là Bệnh viện phụ sản). Mương hở phía Bắc Tân Sơn Nhất dẫn ra kênh Hy Vọng dài 1,2km đổ vào Tham Lương. Mương hở phía Đông Tân Sơn Nhất, đổ ra Gò Vấp.
Sau năm 1975, lần lượt các mương hở xung quanh Tân Sơn Nhất bị lấp thành cống hộp, các hồ trữ nước (trong trại Hoàng Hoa Thám) bị lấp, xây Khu dân cư Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám. Chưa kể, tất cả kênh trong nội thành bị lấn chiếm, thu hẹp, nhiều đoạn kênh bị lấp đặt cống vì lý do hôi thúi, như kênh Hy Vọng, kênh Hàng Bàng (từ Lò Gốm đến Bình Tiên).
Nếu Sở chỉ nạo vét các kênh mương, mà không tháo dỡ bê tông phần đất không được xây dựng, hạ các code nền cản dòng chảy bề mặt, không phục hồi ao chứa nước trong Hoàng Hoa Thám, hồ Kỳ Hòa, Radar Phú Lâm, Bàu Cát... thì hệ thống cống hộp không đủ thể tích để thoát nước.
Bởi vậy, mới có các bài báo đặt tựa mỉa mai "Gò Vấp, Thủ Đức: Nâng đường cao mấy vẫn không hết ngập"; "Nhiều đường ở TP Thủ Đức ngập nước 24 tiếng chưa rút".
Trước năm 1975, Nhà Bè, Bình Chánh là vùng ruộng bán ngập (nước lớn ruộng ngập 40-50cm, nước ròng mặt ruộng cao hơn mặt nước 1-2m). Ngày nay, do san lấp ruộng xây nhà, nước không tràn đồng được, mực nước lớn trên dòng sông cao lên, nên Nhà Bè, Bình Chánh chuyển từ "RUỘNG BÁN NGẬP" thành "ĐƯỜNG BÁN NGẬP!
Ảnh: Đường số 6, khu dân cư Bình Đăng, quận 8, TP.HCM, thành "biển nước". Nguồn: Báo Thanh Niên
No comments:
Post a Comment