Tổ mẹ nó… tôi lầm bầm chửi đổng, ở đâu cũng đem thân che bão, mà toàn là bão lửa, thứ bão lì lợm, chết người. Mới mệt nhoài leo lên, leo xuống ngoài Thường Đức! Đổ không biết bao nhiêu là máu để lên ngồi trên chỏm núi đá có cao độ 1062, ngồi hút thuốc, nhìn mông lung, cái mông lung vô hồn của một vùng đất chết… đất chết thật đó.
Xác người la liệt, nối đuôi nhau, nằm chồng chất lên nhau. Nằm sấp, nằm ngửa trong giao thông hào quanh ngọn đồi; nằm rải rác dài dài từ đỉnh đồi xuống chân núi. Xác nguyên vẹn cũng có, xác “banh ta long” cũng có. Mùi tử khí hôi thối cuồn cuộn giữa trời xanh. Cũng may là chỉ còn lại xác phe địch, xác phe ta thì đã gói ghém đem về.
Nhục, người lính phụ máy cho truyền tin tên là Nhục, hỏi:
“ Kỳ cục thật, khi không dành nhau một chỏm núi. Khi không nướng hết mấy trăm mạng người, rồi khi không… xuống núi, bỏ lại hết; xuống núi… xuống núi, bay gấp về Sài gòn. Vậy sao không bay về từ Huế, mà giành giật làm chi, nướng Lính làm chi mà giờ chiếm được rồi rút bỏ?
Tôi hằn học… ĐM mầy hỏi mấy ông ở trên kia kìa!… tôi chỉ lên trên mấy chiếc trực thăng đang nghiêng mình chém gió…. Tao cũng như mầy thôi! Biểu húc là húc… bất kể cha già mẹ yếu….. Mẹ nó! Hai thầy trò, một tên Vinh một tên Nhục… nó mới về trung đội, chân ướt chân ráo là ông trung đội phó “ấn” cho tôi. Nó hợp với tên ông thầy. Vinh Nhục. Nhục Vinh, hai người đèo bồng cho nhau lấy hên. Hên đâu không thấy, đang nghĩ ngợi lung tung lại thấy nó lại thấy nó lọ mọ đi vô:
* Thiếu úy! Đại đội mời họp…. Mới về tới SàiGòn có mấy hôm. Rồi! Xong! Bữa cơm tối tại nhà Quận coi như đi đong. Mới hôm qua tôi đã hứa với em, thế nào anh cũng về “Ngồi với Ba Mẹ em một bữa”. Tôi ngậm ngùi nhìn Quận! Em mong manh quá để có thể chia sẻ với tôi một đời giông bão. Tội cho em! Yêu làm chi người lính Dù, để rồi đời con gái, tuổi thanh xuân phải từng đêm nhung nhớ, đợi mong trong âu lo, phiền muộn! Yêu một lần nhưng nhung nhớ một đời vì một năm chỉ gặp nhau vài lần sau những ngày chiến trận, gặp nhau trong khoảnh khắc để ôm nhau quyện lấy nhau trút hết nỗi nhung nhớ yêu thương qua nụ hôn nồng cháy. Thôi anh đi đây đám bạn đang chờ!…..
Đấy tình yêu của người chiến binh Dù mong manh và ngắn ngủi. Khi đơn vị được về Saigon là đám Sĩ Quan trẻ chúng tôi tụm nhau uống rượu tìm say để quên đi những thống khổ, những mất mát đau thương của chiến hữu nơi trận mạc.
Sau những tháng ngày quần thảo với cộng quân tại mặt trận Thường Đức, Lữ Đoàn 1ND. Tham chiến toàn bộ cùng các TĐ.1-8-9. Với 100% quân số vì thời gian dài nằm trấn giữ biên cương nơi tuyến đầu sau hiệp định Ba lê. Từ lúc nhập cuộc tháng 8/74 cho đến tháng 11/74, qua các trận đánh nẩy lửa, nhất là trận 1062. Quân số tử vong và thương vong rất lớn vì địch quân hơn 3 sư đoàn, gồm pháo binh hạng nặng 130 ly, và phòng không yểm trợ tối đa. Chúng tôi chỉ một LĐ mà đánh giặc theo kiểu tiết kiệm vì lúc đó Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ. Hoàn toàn không có sự yểm trợ của đồng minh và hỏa lực.Nhưng LĐ1 ND đã hoàn thành nhiệm vụ trong danh dự của binh chủng nhất là chiến thắng vẻ vang tái chiếm đồi 1062 và đẩy lui địch quân vào sâu gần chi khu Thượng Đức.
Riêng TĐ 9 ND đã tiến chiếm thêm ngọn đồi B2 phía sau lưng 1062. Trấn giữ làm bàn đạp cho bước kế tiếp để tiến chiếm lại chi khu Thượng Đức và cũng là tiền đồn bảo vệ cho ngọn đồi chiến lược 1062.
Thế nhưng có lệnh rút bỏ 1062. Sau khi nhận lệnh, các trung đội trưởng đã nhận lãnh các antenna điện tử 3 chân màu xanh lá cây để đặt lại các ngọn đồi, kể cả 1062 để toán tác chiến điện tử ở Non Nước, Đà Nẵng theo dõi tiếng động của bước chân người di chuyển.
Còn chúng tôi toàn bộ TĐ 9ND rời bỏ 1062 trong đêm tối. Tr/úy Thăng Đ/Đ trưởng 94. Gọi các Tr/đội trưởng về họp ban lệnh hành quân và cho lệnh các tr/đội di chuyển.
Chúng tôi lãnh mỗi người một ổ bánh mì với đường, dự trù cho bữa ăn trưa ngày hôm sau. Cấp trên cho biết, khi ra khỏi vùng pháo kích của địch quân thì sẽ có xe GMC đón ra ngoài.
Tiểu đoàn bắt đầu di chuyển lúc 12 giờ đêm, đội hình hàng một trong đêm tối thinh lặng. Người sau nối đuôi người trước. Tr/đội 2 của tôi đi sau cùng của ĐĐ Và ĐĐ94 bao chót của TĐ.
Sau nhiều giờ men theo dấu chân đường mòn của người đi trước lên đồi xuống suối, trời bắt đầu mưa nhẹ hạt, cơn mưa kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đường mòn nhỏ trở nên trơn trợt làm cho sự di chuyển khó khăn và chậm chạp. Nhất là các binh sĩ bị bệnh sốt rét bắt đầu lên cơn.
Khoảng 4 giờ chiều chúng tôi đến một con suối cạn thì bắt gặp một số đông binh sĩ của các đại đội khác rớt lại vì bệnh và đuối sức; đặc biệt một người lính tr/đội 2 của tôi bị sốt rét lên cơn không thể di chuyển vì quá yếu.
Tôi ra lệnh cho người khác mang ba lô cho anh ta, nhưng sau vài bước chân chậm rãi mệt nhọc, cuối cùng anh ta ngất xỉu. chúng tôi không có cáng để khiêng vì y tá của đại đội đã đi trước quá xa.
Tôi gặp Th/úy Thành thuộc ĐĐ90 cũng là người chú bà con với tôi, anh ta đã nóng giận khi thấy các binh sĩ ngồi bẹp xuống đất không thể di chuyển nên quát tháo và hối thúc họ lên đường vì sợ đêm tối buông xuống mà chúng tôi còn rất xa TĐ.
Cuối cùng chúng tôi thay phiên dìu người lính sốt rét của tôi đến chân ngọn đồi trọc. Đường mòn trơn trợt quá leo lên tụt xuống đã rất khó cho người khỏe mạnh chứ nói chi đến kẻ bịnh. Tôi cho một binh sĩ kéo tay hắn ta và tôi thì đẩy đít nó lên gần tới đỉnh đồi, hởi ôi người lính phía trước nắm lấy thân cây bằng ngón tay cái để lấy đà kéo lên nhưng thân cây đã gãy với sức nặng của hai người. Chúng tôi bị tụt xuống lại chân đồi. Quá mệt mỏi chúng tôi đuối sức. Cố hết sức chỉ đưa hắn ta lên gần nửa ngọn đồi và để nó nằm lại đó, tôi lấy Poncho và mền đắp cho anh ta. Khi tôi lên được đỉnh đồi chỉ cách thêm 25 thước; gặp một chốt của TĐ7 ND. nhờ họ đem võng xuống khiêng anh ta lên để nằm lại đó hôm sau tản thương.
Chúng tôi tiếp tục lên đường khoảng 7:30 chiều hôm đó. Sau cùng, toàn bộ tr/đội 2 và các bệnh binh của TĐ đã ra đến điểm hẹn của TĐ. Mọi người rã rời, mệt lả vì đói khát. Một cuộc triệt thoái không bao giờ quên trong đời binh nghiệp.
Sau Khi triệt thoái khỏi 1062, đơn vị đang đóng quân tại Quận Đại lộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Tiểu Đoàn bung rộng ra các xã Hòa Vang, Hòa Mỹ, Hòa Phước.. Đối với Nhảy Dù mà được đóng quân trong Ấp, Xã có dân chúng là một đặc ân lớn (một hình thức dưỡng quân sau những ngày đánh đấm tơi bời hay nằm tuyến phòng thủ đối diện địch quân trên những cao điểm chiến lược, chiến thuật quá lâu).
Buổi sáng, đang nhâm nhi ca cà phê (cái ca sắt của lính) thì Dũng âm thoại viên gọi:
“Thẩm quyền! đích thân 21 trên máy”.
— 19 tôi nghe 21.
– Anh cho kiểm điểm lại quân số, bao nhiêu ông già 60, bao nhiêu cấp số đạn? Báo về Đại Đội trong ngày hôm nay.
Linh tính cho biết có chuyện sẽ nhập cuộc tôi vội hỏi
-Mình vào vùng hả Đích Thân? Trám tuyến hay có đồ chơi ?
– Về Saigon. Nhưng tuyệt đối bảo Mật cho đến khi rời tuyến.
– nhận rõ 5/5 Đích Thân.
Những ý tưởng về Saigon gặp em, đi xi-nê dạo phố, cafe ở Rex lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi cho gọi 4 tiểu đội trưởng đến cho lịnh kiểm điểm quân số. Súng đạn để báo về ĐĐ.
Hôm sau những người lính Mủ Xanh (TQLC) từ Huế vào trám tuyến hoán đổi cho chúng tôi, khi tất cả đã hoàn tất. Chúng tôi những người lính của TĐ 9 Nhảy Dù lên xe GMC ra phi trường Non Nước để được không vận về Saigon.
Khoảng 10 giờ sáng đoàn xe bắt đầu chuyển bánh một hiện tượng bất ngờ xảy ra. Đó là dân chúng túa ra chạy theo xe hai bên đường la lớn:
“Nhảy Dù đừng đi! Nhảy dù đừng đi! Ở lại với chúng tôi!”.
Một số đông đồng bào lại gồng gánh bắt đầu di tản. Vì thấy tình hình dân chúng quá hoang mang chúng tôi được lệnh ở lại đợi tối khuya dân chúng ngủ rồi mới lên đường.
Về đến hậu cứ trại Châu văn Tiếp trong Hoàng Hoa Thám lệnh ứng chiến 100%. Ba lô súng đạn được giá ở sân cờ Tiểu Đoàn. Xe GMC túc trực 24/24 chúng tôi có thể đi hành quân bất cứ lúc nào. Thế là giấc mơ gặp Em tan biến. Nhưng có nhờ nhắn tin em đã vào hậu cứ thăm tôi.
Nằm ứng chiến tại hậu cứ hơn một tuần thì được lịnh hành quân tái chiếm Xuân Lộc, Long Khánh. Lịnh xuất phát bảy giờ tối. Đoàn xe không mở đèn, âm thầm lăn bánh, cho đến khi ra khỏi vòng đai thành phố mới được mở đèn.
Tôi ngồi ghế trưởng xa trên chiếc xe thứ nhất của đại đội. Đoàn quân xa di chuyển khỏi cổng tiểu đoàn, tôi bỗng nôn nao như linh cảm chuyến đi này là lần cuối cùng tại hậu cứ… có khi nào mình sẽ đi mãi không về. Trong ánh đèn hiu hắt, vàng vọt ở cổng doanh trại, hình như Quận đang đứng đó, tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc Yamaha màu xanh và một ánh mắt nhìn theo. Cố nhoài mình ra cửa xe, tôi vẫy tay gọi lớn …. Quận! … Quận…! Anh đi….
Những băn khoăn về gia đình, cha mẹ, dấy lên tràn ngập tâm hồn tôi. Tin chiến sự miền Trung đã mất, cả dòng họ tôi chỉ mỗi người chú ruột là Cảnh Sát chi khu Bình Sơn may mắn di tản vào được Saigon theo đoàn người chạy loạn.
Khoảng một, hai giờ sáng xe đổ quân ở ngã ba Dầu Giây, tỉnh Long Khánh. Cả tiểu đoàn ép sát vào bìa rừng cao su chờ đợi. Bảy giờ lịnh của đại đội cho các trung đội tập họp ở bãi đất trống gần quốc lộ, chờ trực thăng đến bốc.
Tiếng phành phạch của cánh quạt trực thăng xa xa vọng lại rồi liền sau đó “những con quạ đen khổng lồ” xuất hiện bốc chúng tôi vào vùng hành quân. Trước khi lên trực thăng tôi còn thấy có phóng viên ngoại quốc phỏng vấn một vài người trong đoàn quân của TĐ 9 Nhảy Dù lại ra tuyến đầu ngăn chận địch quân trong giờ thứ 25.
Trực thăng đổ chúng tôi xuống rừng cao su Xuân Lộc. Lấy đội hình tiến quân. Trung đội 2 của tôi hàng ngang đi đầu, trung đội 1 và 3 hai hàng dọc bên trái và phải, trung đội 4 hàng ngang sau cùng tiến bước theo những gốc cây cao su thẳng hàng ngay lối như một cái hộp di chuyển trong cánh rừng. Nếu đụng địch hướng nào chúng tôi cũng sẵn sàng chống đỡ và yểm trợ cho nhau. Người lính mang máy đưa ống liên hợp cho tôi và nói Đích Thân 21 gọi
– 19 đây 21
– 19 tôi nghe đích thân.
– Anh cho con cái đi chậm giữ im lặng quan sát thật kỹ phía trước, vì trước mặt chúng ta là vùng phi oanh kích.
– Nhận rỏ 5/5 đích thân.
Nửa tiếng sau khinh binh ra dấu dừng bước và cho biết thấy căn nhà trước mặt, tôi báo máy về đại đội và gởi ba người bò lên sát căn nhà.
Không có dấu hiệu của địch, chúng tôi vào nhà thì có hai người đàn bà nói giọng Quảng Nam họ cho biết căn nhà ông Năm là chủ nhân, họ chỉ là người làm công. Tôi hỏi ông Năm đâu họ nói vừa mới lái xe đi khi trời vừa sáng.
Căn nhà thật khang trang, phòng khách có bộ ghế gỗ quí màu vàng óng ánh và trên tường treo những đầu nai có sừng to. Tôi báo về đại đội và nghe giọng nói của Đích Thân Lê Mạnh Đường tiểu đoàn phó vẳng theo loa trong máy đại đội…
Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo hướng tiến quân trên bản đồ. Bỗng dưng nghe tiếng hỏi ai đó? Tiếp theo, tiếng súng nổ, hỏa lực rất hùng hậu đủ các loại vũ khí.
Tôi nép vào một gốc cây và quan sát, lệnh cho tiểu đội bên phải theo các gốc cao su tiến sát lũy tre và hàng rào kẽm gai trước mặt. Chỗ này không dễ gì liều mạng để “nhào dô”.
Kiểu phòng thủ của Ấp chiến lược, rất cứng để làm chậm sức tấn công của địch trong khi chờ viện binh, với hàng rào tre gai và lởm chởm kẽm gai. Chắc chắn sau đó sẽ là giao thông hào và các hỏa điểm.
Tôi phân vân…có phải địch đã chiếm vị trí này? Hay quân bạn?… Kệ mẹ nó, mầy bắn tao thì tao dứt mầy cái đã… tính sau!! Nhảy Dù mà!
Tôi cho tiểu đội khinh binh xử dụng cùng một lúc bốn trái M72 thổi vào bụi tre non thưa thớt với ý định đục một lỗ thủng để xung phong, một trái đạn lọt xuyên qua trúng căn nhà bốc khói sập mái. Súng nổ càng dữ dội hơn, có tiếng la ngay trước mặt “ĐM đem cây đại liên 60 lại đây”.
Tôi ngóc đầu lên sau gốc cây cao su và thấy lố nhố người di chuyển dưới giao thông hào, đầu đội đủ các thứ nón và một số để đầu trần. Tôi gọi máy về đại đội xác nhận lại có thể chúng ta đánh nhầm quân bạn vì địch quân không chửi thề ĐM (nó có chửi thề thì phải là đéo mẹ). Nhưng Đại Đội Trưởng Thăng khẳng định trước mặt hoàn toàn là địch không một đơn vị bạn nào theo tin ban hai của tiểu đoàn.
Tiếng súng thưa dần một người mặc quân phục bộ binh tay cầm Speaker phone loại ấp chiến lược hô to:
– Chú ý nếu các bạn là QLVNCH thì bỏ súng đứng lên. Câu nói nầy như là lời kêu gọi đầu hàng của địch quân nên chúng tôi vẫn nằm yên tại chỗ, ông ta tiếp tục kêu gọi và tiếng súng im hẳn tôi nói với Lê Ta đang nấp sau cây cao su trước mặt tôi. “Lê Ta mầy đứng lên nói là Nhảy Dù đây”.
Lê Ta tần ngần… “ĐM. mầy đứng lên ép sát vào thân cây đưa cánh tay trái có phù hiệu ND ra nếu nó bắn trúng chỉ bị thương tay trái tao cho di tản”. Lê Ta đứng lên, người đàn ông trông thấy hắn liền hỏi:
– Chỉ huy anh đâu?
Tôi đứng lên, tiến đến ông ta. Tôi nhận ra ông là một thiếu tá bộ binh.
Khi vừa qua khỏi bờ giao thông hào thì một số người chĩa súng vào tôi than khóc đòi trả mạng của cha, chú cho họ. Tôi lúng túng vì sợ họ mất bình tĩnh cướp cò tôi sẽ chết oan. Ông thiếu tá bộ binh kêu gọi họ bình tĩnh bỏ súng xuống nhưng vô hiệu.
Từ xa bên trái có một người mặc bộ đồ đen tuổi trung niên tiến về chúng tôi vừa đi ông ta vừa hỏi:
– Cái gì thế?
Tuyệt nhiên mọi người im lặng, tôi hỏi người bên cạnh được biết đó là ông Cha xứ của ấp Bảo Định. Trung úy Thăng, đại đội trưởng lên gặp Cha, trao đổi với nhau chúng tôi được biết ông đã cùng dân làng quyết tử thủ nên mới có sự nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra.
Được biết, trung tá Nguyễn Văn Nhỏ Tiểu đoàn trưởng TĐ 9 chúng tôi bị thương ở cổ vì mảnh đạn súng cối 60 của Cha xứ bắn ra. Lính tôi ba người bị thương một nặng đổ ruột. Bên phía dân làng hai người chết, ba bị thương trong căn nhà sập vì M72 trong đó có một ấp phó an ninh.
Trưa hôm đó Cha xứ cho giết heo khoản đãi. Chúng tôi tạm dừng quân chờ tải thương trước khi tiếp tục di chuyển.
Trung đội phân tán vào các vị trí quanh ngôi nhà thờ nhỏ. Tôi cởi nón sắt và tự nhiên quỳ xuống làm dấu thánh giá. Hình như đã lâu, tôi đã quên mất lời kinh nguyện, có điều gì như một lời hối lỗi chạy nhanh qua và mất hút cuối tầm mắt hướng về Cung Thánh.
Ngọn nến leo lét như một hy vọng nhỏ nhoi, nhưng bền bỉ niềm tin làm tôi xót xa nghĩ ngợi…. Cả một Quân đội đã không bảo vệ được người dân mà để họ phải cầm súng!
Tôi rùng mình…liệu cái xứ đạo nhỏ bé nầy còn sống được bao nhiêu người khi bánh xích T54 tràn qua?… Xin Chúa thương xót chúng con…tôi lẩm bẩm cầu nguyện và không biết phải xin Chúa cho tôi điều gì khi quanh tôi đã có quá nhiều tan nát.
Cuối cùng thì không có tải thương. Chúng tôi phải mang theo thương binh và tiến sâu vào các rừng cao su cũng như các vườn cây ăn trái của Tướng Tỵ. Tái chiếm lại những vùng bị địch quân chiếm đóng. Mặt trận càng ngày càng khốc liệt.
Tôi lại được lịnh 94 vào bắt tay với đại đội của Nguyễn Quốc Bảo Huệ tiểu đoàn 8. Khi đến vườn chuối, trung đội 2 của tôi đụng nặng. Địch quân núp dưới hầm có nắp làm bằng thân cây cao su và cây chuối, phủ lá chuối rồi đắp đất bên trên rất kiên cố. Nơi đây là ổ súng cộng đồng thượng liên và B40 hỏa lực địch rất dữ dội (xin nói rõ chiến trường ở đây là đồng bằng trong các vườn cao su và trái cây nên đôi bên dùng hỏa lực súng cá nhân và cộng đồng tấn công nhau. Không như chiến trận vùng 1 ở mặt trận Thường Đức 1062. Núi đồi dốc đứng đánh nhau bằng lựu đạn nhiều hơn)
Địch quân chống trả mãnh liệt quyết cầm chân chúng tôi không cho qua khỏi vườn chuối để trám tuyến cho Bảo Huệ.
Đánh nhau từ sáng đến trưa chúng tôi không vượt qua được vườn chuối và thiệt hại khá nặng. Cuối cùng phải chọn hai chiến binh tình nguyện bò sát hầm địch quân, tung lựu đạn vào hầm. Diệt được ổ súng thượng liên, chúng tôi xung phong băng qua vườn chuối đến bìa rừng cao su, cố gắng bắt tay với tiểu đoàn 8, nhưng bị khựng lại.
Địch quân ngồi trên ngọn cây cao su khạc đạn xuống lính ND dưới đất. Lại lãnh thẹo thêm mấy con nữa. Quá đau lòng tôi điên tiết hô xung phong và cùng binh sĩ bắn xối xả lên các ngọn cây để trút hết căm hờn, xác địch quân rụng như mít chín .
Những ngày kế tiếp được lịnh ra nằm giữ pháo binh. Buổi sáng trung úy Thăng gọi tôi qua lều gặp ông cho lịnh dẫn đại đội trừ đi lục soát, anh nói tôi muốn chọn trung đội nào nữa tùy ý, chỉ súng đạn đi lục soát chiều về. Tôi về lều chuẩn bị thì anh Thăng gọi trở lại và nói lịnh tiểu đoàn là cà đại đội đi lục soát.
Tôi gặp thượng sĩ thường vụ là Đặng Văn Chinh biệt danh Năm Râu, trước của lều. Anh nhìn tôi rồi vừa nói vừa ở túi áo lấy ra một gói nylon loại đựng gạo sấy, đưa cho tôi bảo .
– Ông bọc theo cái nầy hôm nay nhìn ông thấy dữ nhiều lành ít.
Tôi hơi thắc mắc nhưng vẫn nhận cái bịch nylon và bỏ vào túi áo bên trái.
Chúng tôi đi trong rừng cao su bỏ hoang vì chiến tranh nên cỏ mọc cao trên đầu gối, không chạm địch, tình hình yên tĩnh, đến trưa tôi nghe tiếng động bên hông phải dừng lại quan sát nhưng không thấy động tĩnh gì. Tiếp tục di chuyển thì nghe tiếng xào xạc và nhìn thấy cỏ lau lay động, linh cảm địch đã phát hiện và bám theo chúng tôi. Tôi báo cáo lên đại đôi và tiếp tục di chuyển, cho đến khi tiếp cận với một trảng trống. Khoảng đồng trống cách xa chừng 1000 – 1500 mét về bên phải, địch quân lố nhố sát bìa rừng cao su. Tôi báo máy lên anh Thăng và xin pháo binh dập chúng, nhưng không nghe thấy tác xạ. Sau nầy nghe nói tiểu đoàn không xin được pháo vì … pháo binh đã hết cấp số đạn quấy rối, chỉ còn rất ít, phải để dành khi đụng trận. Chiều lại, đại đội cho lịnh trung đội một của thiếu úy Chu Y Quí khoanh tròn tại chỗ còn tất cả tiến thêm khoản 500 thước cũng khoanh tròn đóng quân. Chúng tôi vừa đào hầm hố cá nhân xong thì súng nổ bên hướng của trung đội 3 rồi súng nổ vang trời khắp nơi.
Anh Thăng ra lịnh không được bắn cho đến khi nào thấy địch, vì sợ nó dụ chúng tôi bắn hết đạn. Đêm về tôi cho toán nhỏ đi kích đêm trong vườn mảng cầu bên tay phải. Nửa đêm một toán nhỏ địch quân mang mấy ba lô cơm vắt đi tiếp tế ngang qua. Toán kích đêm của trung đội tôi bắn hạ và lấy được ba lô cơm vắt về chia cho cả đại đội ăn tạm, nhờ đó chúng tôi sống qua hai đêm ba ngày bị bao vây.
Nơi đây không thức ăn và nước uống cũng đã hết. Tôi đã uống nước sương đọng lại trong chén mủ cao su lâu ngày vàng ói và tanh hôi vì quá khát.
Sáng ngày hôm sau anh Thăng gọi tôi qua hầm BC của anh, và chỉ cho tôi phía trước mặt có cái chòi nóc lợp tôn và bảo tôi phải mở đường máu ra đến cái chòi tôn đó mới bắt tay được với đại đội 93.
Khoảng cách cỡ 100 thước. Tôi gọi trung sĩ Thành đến để bàn bạc về việc phải mở đường máu ra chòi tôn. Bất ngờ, một loạt AK bắn thẳng vào người tôi, tôi ngã sấp xuống nửa người dưới hố, mặt tôi nóng rang, đưa hai tay vuốt mặt xem không thấy máu, nón sắt tôi rớt ra ngoài Dũng, người lính mang máy đưa nón sắt cho tôi đội lại lên đầu năm dấu đạn lún sâu vào nón sắt nhưng không lủng.
Thấy tôi lồm cồm ngồi dậy trên miệng hố. Anh Thăng la lớn:
“ĐM chúng nó nói anh có bùa hộ mạng đúng thật rồi”.
Anh bảo khi nghe loạt đạn và nhìn thấy tôi ngã sấp tưởng là sẽ gói xác chứ đâu ngờ tôi vô sự. Thế là việc mở đường rút quân của trung đội 2 tôi không thành. Anh Thăng gọi xin tiểu đoàn cứu ứng, chúng tôi đã hai đêm hai ngày dài không ăn không uống. Vì tất cả ba lô đã đề tại chỗ, đi về trong ngày nhưng chúng tôi đã bị bao vây.
Tiểu đoàn cho biết sẽ có thiết giáp và tùng thiết đến kéo chúng tôi ra. Đại đội cho lệnh tất cả xuống hố cá nhân tránh đạn lạc, vì pháo binh sẽ nổ rất sát và hỏa lực của thiết giáp sẽ bắn qua đầu.
Đại liên của Thiết Giáp nổ liên tục càng bắn càng tiến gần về chúng tôi để mở vòng vây. Chúng tôi được Thiết Giáp vô tiếp tế thức ăn nước uống rồi chiều lại rút ra với tiểu đoàn.
Khi đó khoảng 5-6 giờ chiều băng ngang qua giữa rừng cao su và vườn mảng cầu có ngã ba đường quẹo phải nhưng thiếu úy Quí lầm đường quẹo trái nên đi lạc và bị địch quân bắt làm tù binh. Sau nầy Quí cũng đi Mỹ diện HO.
Tối đến chúng tôi ra đến bộ chỉ huy tiểu đoàn, nhìn thấy cảnh y tá chích thuốc cho các thương binh nặng rồi để nằm lại tại chỗ còn tất cả cột dây trắng nơi tay trái hàng một nối đuôi nhau di tản rút khỏi Xuân Lộc. Khi ngang qua ấp Bảo Định và Ấp Bảo Bình giữa đêm khuya dân chúng thức dậy theo chúng tôi ra quốc lộ di tản về Phước Tuy.
Khoảng một giờ chiều tôi đến đồi đá gặp ngay trung tá Lê Hồng Lữ đoàn phó. Ông ra lịnh bằng miệng cho tôi… “ông thiếu úy dẫn trung đội lên chiếm ngọn đồi cho tôi mau”.
Nhìn theo ngón tay chỉ về hướng ngọn đồi đá trước mặt tôi nhìn thấy có cây cờ xanh đỏ cắm trên đỉnh đồi. Không do dự, tôi liền dẫn lính cùng chạy lên xung phong đánh chiếm ngọn đồi. Vì lữ đoàn phó ra lịnh trực tiếp bằng miệng ai dám cãi lời?
Chúng tôi chiếm ngọn đồi hạ cây cờ không khó khăn vì .. khôngcó địch. Được biết chỗ ấy lúc đêm khuya, bộ chỉ huy lữ đoàn 1 và bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh di tản đến đó đã bị phục kích nên khựng lại.
Tiểu đoàn được lịnh rẽ phải đi trong rừng cao su về Phước Tuy. Về đến Phước Tuy đại đội 94 đóng quân trên núi ông Tịnh gần sân bắn của quân trường Vạn Kiếp.
Chiều hôm sau anh Thăng theo xe phát lương về Saigon tôi được chỉ định Xử Lý Thường Vụ Đại Đội Trưởng 94.
Lúc bấy giờ có ba thiếu úy tăng cường về 94. Có hai người khóa 29 Đà Lạt ra trường non vì mất Đà Lạt và một người từ đơn vị bộ binh quân khu 2 di tản, xin về ND. Tôi chỉ thị 2 ông Đà Lạt về nắm trung đội 2 thay thế tôi và ông kia về trung đội một.
Tối đến Đích Thân Chi Lăng ban ba của tiểu đoàn lịnh cho tôi đưa đại đội xuống đường lộ để vô bảo vệ thị xã Phước Tuy.
Tôi lên máy thông báo cho các trung đội trưởng kế hoạch chuyển quân. Hai trung đội đi trước vào đổ quân gần sát thị xã làm đầu cầu chờ trung đội 3 và 4 đi sau vì chỉ mỗi một chiếc GMC.
Chuyến sau vừa qua khỏi ngã ba Vũng Tàu thì một loạt súng nổ vang từ bìa làng bên tay trái, người tài xế hốt hoảng, xe chệch xuống lề đường bên phải bờ ruộng lúa đã gặt xong. Tôi ra lịnh cho binh sĩ ép sát lề đường, và báo máy về tiểu đoàn. Sau đó tiếng súng im bặt không có tổn thất, quá may mắn!
Lúc bấy giờ trung tá Lê Hồng vào tần số đại đội hướng dẫn tôi trực tiếp trên máy chỉ tôi cách tiến quân vô thị xã và bố trí đóng quân… khuya hôm đó thì bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 và Trinh sát 1 rút quân.
Gần sáng địch quân pháo kích. Cơn mưa pháo dội xuống thành phố Bà Rịa trong chốc lát tan hoang, đổ nát, chết chóc thê lương!!
Tiếng máy gọi về báo cáo tổn thất của các trung đội, chưa kịp ra lịnh cho các trung đội trưởng thì máy của tiểu đoàn gọi xuống ra lịnh cho tôi… tôi lúng túng vì lần đầu tiên phải ứng xử trong tình huống tai bên trái nhận lịnh từ tiểu đoàn, bên phải áp sát ống liên hợp vào tai, miệng thì ra lịnh cho cả trung đội trên cương vị người đại đội trưởng tại mặt trận.
Tiếp theo là chiến xa địch tràn vào thị xã Phước Tuy. Chiếc T54 chạy ngang qua mặt chúng tôi cách hố cá nhân của mấy thầy trò tôi vài thước, K Tem (gốc người thiểu số) dương khẩu M72 chưa kịp bóp cò vì còn nhắc tôi ghi tên để lãnh tiền thưởng có công diệt chiến xa. Rất may nếu không tôi đã bị sức phụt hậu của M72 ngay mang tai thì chắc đi đoong.
Vì bị trung đội 3 của Bền thổi M72 quá rát, xe lùi lại, trở đầu. Khi vừa qua khỏi chúng tôi mấy thước, K Tem thổi trái M72 ngay đít xe; bốc khói, xe đâm vào bồn chứa nước của thành phố.
Tiếp theo, nhiều chiếc PT76 và T54 tiến vào; có cả bộ binh tùng thiết khạc đạn như mưa. Cùng lúc địch quân pháo kích khắp nơi trong thị xã.
Chúng tôi chiến đấu đơn độc không có pháo binh và phi pháo yểm trợ. Chống cự với địch quân đông đảo, hỏa lực mạnh gấp trăm lần trong suốt buổi sáng, đại đội 94 nát như giẻ rách!
Thành phố đổ nát điêu tàn, cảnh chết chóc thê lương của dân, của lính, của giặc thù sau cơn lốc bão lửa ập xuống.
Cuối cùng thiếu tá Lê Mạnh Đường tiểu đoàn trưởng ra lịnh cuốn chiếu, chúng tôi may mắn còn gặp một chiếc M113 cuối cùng di tản, xe bị đứt xích bên phải nhưng vẫn ì ạch lăn bánh. Họ cho chúng tôi lên xe chạy ra cầu Cỏ Mây.
Sau khi giựt sập cầu TĐ 9 án ngữ tại đây.
Chiều ngày 29/4/75, tiểu đoàn 9 di tản từ cầu Cỏ Mây về bến Đá, Vũng Tàu cùng với thiết vận xa M113 tăng phái.
Chúng tôi xuống các ghe đánh cá của dân chúng neo gần đó đã được Lữ Đoàn chiếm giữ. Khoảng 1-2 giờ sáng đến Vàm Láng, Gò Công, các đại đội trưởng phải liên lạc và gom quân về lại trên từng chiếc tàu của mình.
Mỗi đại đội một chiếc riêng, bộ chỉ huy tiểu đoàn cũng trên một chiếc riêng biệt cùng với khoảng ba mươi quân nhân của Thiết Giáp, có ông đại úy chi đoàn trưởng tên Lượng.
Sáng ngày 30/4/75 ông Đường ra lịnh cho 94 tôi đổ bộ vô bờ tại chợ Vàm Láng. Nhưng khi tàu vào gần bến súng nổ dữ dội về hướng chúng tôi; không vô được nên phải trở ra neo tàu gần các đại đội khác.
Gần trưa ngày 30/ 4/75 ông Minh tuyên bố đầu hàng. Ông Đường gọi máy các Đại Đội trưởng đến tàu của ông họp. Tôi cùng với Dũng người hiệu thính viên, lấy chiếc ghe đuôi tôm chạy lại tàu ông Đường. Sau khi tuyên bố tình hình chiến sự, cho biết vì ông Dương Văn Minh đã ra lịnh đầu hàng chúng ta cũng rã ngũ. Ổng có nhận được nguồn tin từ Quân Đoàn 4 cho biết hướng đi phương giác 17 ra hải phận quốc tế sẽ gặp hạm đội 7 của Mỹ, nếu ai muốn đi thì theo ông, còn ai muốn về với gia đình thì tùy ý.
Chúng tôi về nói lại với lính của mình, một số ít lên bờ số còn lại quyết định đi cùng với tôi. Tôi hỏi người tài công, anh ta cho biết dầu chỉ còn đủ chạy về đến Vũng Tàu vì họ đi đánh cá gần biển Thái Lan khi về đến đây bị chúng tôi bắt. Thế là tôi lấy chiếc ghe đuôi tôm chạy xin dầu từ các tàu chung quanh nhưng chỉ xin được mười mấy lít.
Tôi lấy ống nhòm nhìn ra biển thấy được một chiếc tàu đang chạy về hướng chúng tôi, liền nói Dũng mang máy lên ghe đuôi tôm chạy ra chận đầu, tôi đã chặn bắt được chiếc tàu sắt to lớn, màu trắng có đầy đủ dụng cụ hải hành như antena và rada.
Dẫn chiếc tàu ấy vô lại tàu đánh cá để đưa nguyên đại đội 94 lên định cùng đi Mã Lai với họ. Nhưng ông Hồi gọi máy lên báo cho ông Đường là tôi bắt được chiếc tàu sắt to ngon lành và có ông thiếu tá Hải Quân làm tài công. Thế là ông Đường gọi máy lịnh cho tôi đưa chiếc tàu sắt mới bắt được lên cho ông. Và ông Đường cùng bộ chỉ huy tiểu đoàn và binh sĩ của đại đội 90 lên tàu sắt. Để lại ông đại úy Lượng và lính Thiết giáp trên chiếc tàu cũ của ông. Phần tôi về lại chiếc tàu đánh cá cùng đại đội 94.
Đến 4 giờ chiều khởi hành ông Đường trên chiếc tàu sắt sơn màu trắng dẫn đầu các tàu của từng đại đội 91, 92, 93 và 94 chạy theo. Chiếc tàu của Thiết giáp chạy sau cùng. Đến tối tàu của tôi hết dầu gọi ông Đường xin cấp cứu ông trả lời …đang ở trước quá xa không thể quay lại, bảo tôi lên các tàu của những đại đội khác. Lúc đó anh Tường đại đội trưởng 93 chạy ngang qua tôi nhưng tàu anh lính đông quá không thể chở thêm. Tôi gọi ông Đường cầu cứu và ông bảo tôi còn tàu của Thiết Giáp.
Tôi liên lạc với ông Lượng, ông không muốn cứu chúng tôi. Tôi hăm dọa là sẽ bắn M72 chìm tàu ông nếu không cứu tôi. Tôi nghe được ông chủ tàu nói vào máy ông Lượng là tàu lớn còn rộng chỗ có thể chở thêm cả trăm người, nên đồng ý ghé qua vớt chúng tôi.
Lúc bấy giờ có khoảng mười mấy người lính 94 cùng ở lại với chiếc tàu hết dầu. Khi lên tàu với Thiết Giáp, đại đội 94 tôi còn tất cả là 86 người có Lê Ta, Hạ sĩ nhất Cáp Cội, Dũng mang máy cho tôi và Bình, K Tem người đệ tử khỏe mạnh hiện sống ở Dallas và Bò, Thanh thợ cắt tóc, Cảnh y tá, Minh cá trê y tá, Tám rau má, Quang lòi… và thằng Nhục, “phụ tá truyền tin”
Sau khi lên tàu cùng với Thiết Giáp, tôi ngủ một giấc thì ông Lượng gọi dậy nói gọi cho ông Đường không được. Tôi gọi cũng không được và nhìn vào hải bàn trên tàu của ông chủ thấy hướng 17 ở vòng đỏ.
Chúng tôi đi lạc hướng, tôi mở địa bàn ra và đưa mũi tàu về đúng hướng 17 ly giác, một lúc sau bắt được tần số của tiểu đoàn và nhìn thấy đoàn tàu của ông Đường chạy bên phải. Chúng tôi liền chạy theo cho đến tối thì gặp hạm đội Mỹ.
Lúc tàu chúng tôi chạy theo đoàn tàu tiểu đoàn, quân số ĐĐ 94 là 86 người kể cả tôi, máy truyền tin PRC 25 vẫn liên lạc với TĐ và vẫn nhận lịnh từ Đích Thân 504 Lê Mạnh Đường; súng ống còn đầy đủ cả cối 60 ly. PhíaThiết Giáp 26 người. Dân sự 8 người tất cả. Nhưng cuối cùng dân sự chỉ có 4 người lên tàu Mỹ trong đó có Vợ tôi bây giờ Nguyễn Thu Vinh.
Sau khi theo được đoàn tàu tiểu đoàn, tôi định nhắm mắt ngủ tiếp thì thằng Nhục tới khều khều:
– Thiếu úy! Xuống sau bếp ăn chén cơm nóng có thịt kho nữa.
Tôi hỏi:
– Cơm thịt đâu ra mà ăn?
Nó ra dấu im lặng vừa nói nhỏ cứ xuống ăn đi. Thế là chúng tôi, Dũng và Nhục, ba thầy trò ra sau bếp. Trời!! tôi trố mắt nhìn nồi cơm trắng bốc khói và nồi thịt kho đậm màu cánh dán, óng ánh trong nước mỡ của thịt quá tuyệt vời. Tôi định bụng chỉ ăn mỗi đứa một chén thôi. Nhưng sau bao nhiêu ngày chiến trận khốc liệt đói khát không có cơm nóng như thế này nên chúng tôi đã không cầm được sự cám dỗ của lòng háu ăn nên thanh toán sạch sẽ cả cơm và thịt trong nháy mắt.
Hehehehehe Nhảy Dù mà, đánh nhanh rút lẹ. Ngồi trên Divan với điếu thuốc trên tay say sưa với cảm giác mặn ngọt và béo ngậy của những miếng thịt kho với cơm nóng, bữa ăn ngon nhất trong năm của đời lính trận, bỗng nhiên một cô bé đến bên tôi cất tiếng nhẹ nhàng:
– Thiếu úy! Thiếu úy có thịt hộp không? Cho em một lon.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Cháu xin thịt hộp làm gì?
– Dạ ở đây mới nấu nồi cơm và kho nồi thịt cả nhà chưa kịp ăn giờ ra sau bếp không biết ai đã ăn hết cơm và thịt. Cô bé trả lời và nói tiếp:
– Trên tàu đồ ăn như cá khô thì nhiều nhưng Ba em ăn cơm phải có thịt quen rồi.
Tôi áy náy và hối hận cùng với nỗi xấu hổ không biết đục mặt đi đâu. Không biết trên mặt, trên môi tôi có còn dính chút mỡ heo nào không. Lỡ rồi, tôi phải đóng cho tròn vai:
– Ê Nhục! Mầy coi còn hộp “ba lát” nào không… đưa cho “cháu” đây.
– Ủa! Mình mới được trực thăng thả đồ tiếp tế hả thiếu úy? Cái thằng ôn dịch, còn chơi tôi. Tôi biết chắc cả đại đội không có đứa nào còn thịt hộp vì chúng tôi đã đánh nhau suốt cả tháng trời không được tiếp tế ngay cả đạn dược cũng không, lấy đâu ra thịt hộp lương khô!!
Nhờ có bữa cơm nóng với thịt kho trên tàu thế mà duyên nợ đã đưa đẩy chúng tôi đến với nhau nên vợ thành chồng.
Chiều hôm sau khoảng 2-3 giờ, lịnh của Tiểu đoàn gọi xuống báo cáo quân số tổng cộng bao nhiêu? Và dân sự bao nhiêu người để Tiểu đoàn báo cho Lữ đoàn và thông báo cho hạm đội Mỹ.
Tôi hỏi ông chủ tàu:
– Bác có đi không? Nếu bác đi thì cho biết tất cả bao nhiêu người .
– Tôi phải đi chứ tôi Công Giáo di cư mà. Chúng tôi có 8 người cả cô con gái và những người thợ giúp việc trên tàu.
Tôi lên máy báo về Tiểu đoàn, nửa tiếng sau ông già nói với tôi lấy tên ra, người công giáo không thể làm điều bất nhân được vì vợ tôi và các anh em nó, ông chỉ tay về cô bé, còn ở Vũng Tàu.
Tôi gọi máy báo gạch tên những người dân sự ra, sau đó ông lại xin ghi tên đi, sau nhiều lần đi và không đi. Cuối cùng ông quyết định không đi, tôi lúc đó, nói với ông rằng:
– Thưa Bác cháu xin lỗi bác trong mấy ngày qua cháu có lớn tiếng và có lúc đã làm bác buồn giận, nhưng đó cũng chỉ là vì tánh mạng của các anh em đồng đội cháu thôi. Xin bác tha thứ.
– Cậu nói vậy thì cũng thuộc loại người tốt biết điều.
Và quay sang phía cô bé tiếp lời nó 18 tuổi rồi tôi gởi nó theo cậu, tôi về chở mẹ và các anh em nó ra lại tôi nhớ hướng đi rồi.
Khi ra đến hạm đội 7 của Hoa Kỳ tàu chúng tôi được hướng dẫn đến chiếc tàu lớn. Họ thả thang xuống chiếc tàu chở hàng và lính dưới tàu chen chúc, hối hả leo lên chiếc thang dây. Thấy mọi người mất trật tự nên người Mỹ trên tàu kéo thang lên. Sau đó có tiếng loa kêu gọi bằng tiếng Việt:
– Ai là sĩ quan dưới tàu thì đưa tay lên!
Tôi và đại úy Lượng thiết giáp cùng tất cả sĩ quan đều đưa tay lên. Họ nói tiếp:
-Ai là người cấp bậc lớn nhất để tay lại còn tất cả bỏ tay xuống. Ông ra lịnh cho lính ông xếp hàng một, thứ tự lên tàu. Đại úy Lượng ra lịnh nhưng không một ai chịu vô hàng ngay thẳng. Tôi nghĩ lính Nhảy Dù sẽ không nghe lịnh của ông Thiết giáp, khi chưa có lệnh của cấp chỉ huy, liền đứng ra truyền lịnh cho anh em vào hàng. Sau đó, họ lại thả thang dây xuống.
Hai người lính MP của Mỹ xuống gặp tôi đứng ngay cầu thang vừa nói vừa đưa tay ra hiệu cho tôi cởi dây ba chạc đeo khẩu Colt 45 và anh ta lấy cây Colt của tôi bấm nhả băng đạn rồi bỏ cây súng vô túi quần. Tôi nói còn rất nhiều súng, tay chỉ về đống súng dưới mấy tấm poncho và họ đã giở mấy tấm poncho và vứt hết súng đạn đủ loại gồm cả cối 60 ly đại liên M60 xuống biển; ngay cả máy PRC25 còn đang liên lạc với Đích Thân Lê Mạnh Đường.
Họ sắp xếp cho thường dân lên tàu trước và Cô bé con ông chủ tàu cùng người anh em họ và chú họ lên tàu. Tôi đến dặn dò …và quên không hỏi tên. Tôi hứa, “thế nào chú cũng tìm gặp cháu”.
Chúng tôi lần lượt lên tàu và MP Mỹ lục soát chúng tôi thật kỹ vứt bỏ tất cả những vật bằng kim loại ngay cả cây ghim túi. Tôi là người lên sau cùng và chúng tôi ngồi phía sau con tàu, phía trước là dân sự rất đông. Chính giữa được ngăn chận bởi dây thừng và có lính TQLC Mỹ đứng canh không cho lính qua khỏi dây hướng dân sự.
Như vậy, tôi đã lạc mất Cô Bé. Chúng tôi được biết là tàu dự định đón 2000 người nhưng cuối cùng đã lên đến trên 5000 cho nên lương thực không đủ cho số người quá tải. Thế nên họ yêu cầu chúng tôi lính tráng trai trẻ ăn ít một chút nhường phần cho phụ nữ và trẻ con cùng người già cả.
Sau một ngày hai đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng chúng tôi được biết tàu sẽ ghé vào Subic Bay của Phi Luật Tân. Chúng tôi xuống đấy ăn uống ngủ một đêm sáng hôm sau được phi cơ C130 chở qua đảo Guam. Sau khi xếp hàng ăn sáng xong về lều thì gặp lại cô bé, lúc bấy giờ cô bé diện đồ Tây, trông lớn và xinh hơn lúc mất…nồi thịt kho.
Gặp nhau cô bé vui ra mặt, nụ cười tươi như một đóa hoa thật đẹp. Tôi phải công nhận lần đầu tiên nhìn thấy người con gái cười đẹp như vậy. Tôi nói với nàng chờ tôi ở đây để cùng đi qua Guam. Tôi về lều gọi anh em, khi ra lại không thấy cô bé vì dòng người rất đông lũ lượt tiến về hướng phi đạo.
Đến Guam tất cả anh em 94 cùng ở chung một lều, mỗi ngày sắp hàng đi ăn nhà ăn gần bên lều. Một hôm, tôi nói với anh em là đếm xem cả khu trại có bao nhiêu nhà ăn rồi chia nhau ra xếp hàng hết các nhà ăn. Thằng Nhục lại hỏi:
– Chi mất công vậy thiếu úy!
– Tao tìm người.
Tôi cho biết ý định của tôi là nhờ tất cả anh em đi ăn khắp nơi để tìm cô bé. Hai hôm sau đang ngủ trưa thì Tài đui thức tôi dậy báo tin đã tìm gặp được cô bé và đưa tôi đến gặp.
Gặp lại nhau lần nầy tôi ngỏ ý hỏi nàng có muốn về lều của tôi ở không? Sau một chút do dự nàng trả lời bằng lòng đi, và xách vali theo tôi về lều. Ba ngày sau chúng tôi làm thủ tục để vào các trại định cư trên đất Mỹ.
Khi người làm giấy hỏi tên cô bé trả lời Nguyễn Thu Vinh. Tôi ngạc nhiên tự nhủ cô bé ghẹo tôi vì có lẽ nàng đã nhìn thấy tên tôi trên ngực áo. Nhưng khi đưa thẻ học sinh ra tôi mới hết ngỡ ngàng. Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ ngày xưa gặp thằng đệ tử tên Nhục để suốt thời gian binh nghiệp vinh nhục có nhau, cuối cùng lãnh cái nhục đau thương đầu hàng trong uất hận, nhục mất nước! Giờ lại gặp người con gái tên Vinh. “Vinh Vinh” không biết tương lai tôi và em có vinh quang, vinh hiển như ý nghĩa của tên gọi? Hay lại phải đắng cay bất hạnh! Đúng là định mệnh đã sắp xếp cho tôi một cuộc đời!
Cuối cùng tôi cũng được vinh phúc trong cuộc sống gia đình. Và chúng tôi đã đến trại Tỵ Nạn England Air Force Base ở tiểu bang Florida. Sau đó được một người Mỹ bảo lãnh chúng tôi ra thành phố Alexandria, Louisiana tháng 6 năm 75. Không ngờ sau nhiều lần ngần ngại chọn người bảo trợ chúng tôi bị rơi vào tình huống bị bảo trợ bỏ rơi (lúc bấy giờ gọi là Pon sô lủng).
Không nơi cư trú, không nơi nương tựa; hai vợ chồng đang lang thang ngoài đường nơi xứ lạ quê người để tìm điện thoại công cộng gọi về cho văn phòng tỵ nạn, tình cờ có một chiếc xe trờ tới dừng lại người phụ nữ Á Châu ngồi ở ghế hành khách hỏi:
– Where you come from?
Tôi trả lời:
– Việt Nam.
– Trời ơi anh Việt Nam hả? Thế rồi chị nói chồng dừng xe lại, anh chàng Mỹ trắng mở cửa bước xuống bắt tay tôi và móc túi áo lấy gói thuốc mời tôi một điếu. Và mở cốp xe bỏ chiếc vali của bà xã và mời chúng tôi lên xe sau khi nghe câu chuyện chúng tôi trao đổi với chị Hoa về chuyện bị bảo trợ bỏ rơi. Thế là chúng tôi về nhà anh King chồng chị Hoa trong phi trường quân sự ở Alexandria tá túc.
Một tuần sau King xin cho tôi cùng đi làm thêm với anh buổi chiều từ 5 đến 11 đêm. King làm việc trong văn phòng, anh là một Quân Nhân binh chủng Không Quân. Tôi theo anh trong toán dọn dẹp đổ rác các văn phòng làm việc của lính KQ trong căn cứ.
Hai tháng sau tôi được nhận làm việc toàn thời gian trong nhà thương Rapid Hospital. Chức vụ “bác sĩ chùi rửa nền nhà và đánh bóng nền nhà”
Sau một năm làm việc tại nhà thương, tôi đã thi đậu bài test của chương trình CETA đi học nghề được lãnh lương chính phủ trợ cấp $2.05 một giờ (lương căn bản lúc năm 75) và tôi học nghề auto mechanic. Lúc ấy vợ mang bầu bịnh ốm nghén không thể đi làm, tôi phải làm thêm ban đêm từ 5 chiều đến 11 giờ khuya, rửa chén trong nhà hàng tàu.
Khi vợ sinh được một tháng thì xin việc làm. Em vừa làm vừa học lại. Năm 83 chúng tôi dọn về Port Arthur TX, mở nhà hàng sinh sống đến năm 93 sang tiệm.
Vợ tôi làm thư ký cho nhà thờ còn tôi làm manager cho một super market của Mỹ. Hơn bốn mươi năm làm việc không ngừng nghỉ có khi phải cày ngày lẫn đêm mười mấy tiếng để trả nợ áo cơm nơi xứ người, giờ đây các con đã trưởng thành. Tôi quyết định nghỉ hưu sớm để ở nhà nấu cơm, kho thịt trả lại món nợ nồi cơm và thịt kho năm xưa!!
Vinh Tấn Nguyễn và Vinh Thu Nguyễn gặp nhau trên biển, vượt ngàn trùng hải lý đến được bến bờ tự do Mỹ quốc và cưới nhau tháng 7 năm 75 tại Mỹ.
Con gái đầu lòng sinh năm 76 tại Mỹ, cháu tên Việt Nam là Nguyễn thị Hải Lý (kỷ niệm chuyện tình ba mẹ vượt ngàn trùng hải lý) tên Mỹ là Hayley Thu Nguyễn.
Cháu đã được nhận vào trường West Point ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng cuối cùng từ chối và theo học ngành y khoa ra trường mở phòng mạch khám toàn khoa.
Thằng con trai thứ nhì sinh năm 81 là Dược Sĩ, cháu gái út sinh năm 93. Đang xin vào trường nha khoa.
Hy vọng nếu được nhận thì có cả bộ ba Sĩ. Xin cảm ơn Trời, cảm ơn em đã cho anh tình yêu, một mái ấm gia đình, cho anh món quà vô giá là ba đứa con thật tuyệt vời !
MĐ Nguyễn Tấn Vinh