Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (12) * Triệu Phong chuyển ngữ
CHƯƠNG TÁM
SÓNG TRIỀU CHUYỂN HƯỚNG
Sau hai ngày giao tranh ác liệt mà không đạt mấy kết quả, người ta thấy cần phải vận dụng thêm sức mạnh mới đẩy được địch ra khỏi Huế. Theo lệ thường, quân TQLC bao vây địch quân để phi cơ và pháo binh oanh tạc rồi sau đó mới tiến vào thanh toán mục tiêu; cuộc hành quân Operation Hue City để giải vây Huế lại hoàn toàn khác, không thể thực hiện như vậy được, vì các lý do :
Mặt trận Tết Mậu Thân diễn ra trên khắp các tỉnh Miền Nam khiến quân Đồng Minh phải rải rộng ra để chống giữ và tái chiếm, không còn bao nhiêu để dồn cho việc giải cứu Huế, ít nhất là trong hai tuần lễ đầu tiên. Cũng bởi lí do tương tự quân Đồng Minh không đủ lực để đóng ‘cánh cửa sau’ của Huế ở mặt Tây lại hòng ngăn chận không cho địch tự do di chuyển vào ra để tải thương, bổ xung quân số, tăng viện lương thực và vũ khí như hiện nay.
Để giải quyết vấn đề, vào ngày 2 tháng Hai, Tiểu Đoàn 2/12 thuộc Lữ Đoàn 3 SĐ1 Không Kỵ Hoa Kỳ, vừa mới dọn về Căn Cứ Evans bốn tuần, được giao trọng trách ấy. Theo kế hoạch, tiểu đoàn với 650 quân này sẽ mở cuộc hành quân lấy tên là ‘Operation Jeb Stuart’, họ sẽ di chuyển lên hướng Đông Nam dọc theo mé Tây QL1; đánh tan bộ chỉ huy trung đoàn địch đồng thời đóng ‘cánh cửa sau’ lại rồi bắt tay với quân Đồng Minh là xong.
Mở cuộc hành quân này người ta hy vọng sẽ gây lạc hướng cho địch quân đang chiến đấu ở Huế, kết quả sẽ giảm bớt áp lực lên phe Đồng Minh. Có điều không vui cho các binh sĩ của Tiểu Đoàn 2/12 Không Kỵ là đơn vị đang thời kỳ thiếu thốn về tiếp liệu nhất là đạn dược và xăng máy bay khiến họ sẽ phải chiến đấu như bộ binh vì không có trực thăng vũ trang để hành quân phối hợp. Buồn hơn nữa là họ phải tiến quân mà không có pháo binh bắn dọn đường trước để giảm tiềm lực địch; tin tức tình báo thì rời rạc không nắm được tình hình toàn diện. Tr/tá Dick Sweet Tiểu Đoàn Trưởng 2/12 vốn là huấn luyện viên trường Bộ Binh Fort Benning tuy vậy vẫn lạc quan thi hành mệnh lệnh. Về sau mới hay là thấy vậy mà không phải vậy như người ta vẫn tưởng. Muốn đóng ‘cánh cửa sau’ của Huế, rồi đây người ta sẽ cần thêm hai tiểu đoàn của SĐ1 Kỵ Binh, cộng thêm một tiểu đoàn từ SĐ 101 Dù Hoa Kỳ.
*
Thiết lập một bãi đáp mới ở phía nam Cây Số 17 xong, bốn đại đội bắt đầu tiến ra sa trường ngày 3 tháng Hai, họ hướng về phía Đông Nam theo như kế hoạch. QL1 chạy theo bên mạn sườn trái. Quân Kỵ Binh tiến quân nhẹ nhàng vì họ để lại bớt đồ kềnh càng và đạn dư ở căn cứ Evans, vì truyền thống binh chủng này là di chuyển càng nhẹ càng tốt, chỉ sau khi lấy xong mục tiêu, đồ của họ sẽ được trực thăng không tải đến sau.
Đại đội A đi tiên phong, đơn vị trưởng là Đ/úy Bob Helvey rất sành địa thế trong vùng vì trước đây đã từng làm cố vấn quân sự cho SĐ1 của quân đội Miền Nam. Tiến quân được hai giờ họ bắt đầu bị địch bắn sẻ, tiểu đoàn tạm dừng trong khi Đ/úy Helvey gọi xin pháo binh tác xạ nhưng không bắt liên lạc được với đơn vị đại bác 105 ly của phía VN. Tiếp tục tiến quân, khi cách Huế 6 km họ tiến xuyên qua một thôn làng có nhiều cây tên là Liêu Cốc Thượng. Trong thôn vắng lặng không thấy bóng dáng ai nhưng họ thấy có nhiều giao thông hào và công sự mới đào. Trong khi tảo thanh họ mới thấy một số dân đang chạy băng đồng qua làng Quế Chư ở lân cận; đồng thời họ cũng thấy quân CSBV lố nhố trong các giao thông hào nép sau các rặng cây.
Tiểu Đoàn 2/12 nằm yên chừng một giờ đợi Tr/tá Sweet gọi thử xin tác xạ vào vị trí địch. Vì ngôn ngữ bất đồng, việc xin yểm trợ pháo binh 105 mm từ phía Nam Việt ở Cây Số 17 không thành; mây mù và thấp khiến phi cơ chiến đấu không hoạt động được. Nhiều trực thăng gunships bay đến bắn phá nhưng không hề hấn gì vì các công sự quá kiên cố. Một phi cơ bắn trật mục tiêu gây tử thương cho một binh sĩ của Đại Đội A.
Tr/tá Sweet tuy chưa rõ tác dụng của đợt không kích có kết quả thế nào nhưng ông vẫn ra lệnh băng ruộng tấn công trực diện. Địch chờ đạo quân tiến được nửa đường thì bắt đầu bắn tỉa một cách chính xác, những binh sĩ chạy ra tiếp cứu đồng đội bị trúng đạn cũng mang vạ lây. Tiểu đoàn tập hợp lại rồi tìm cách tránh đạn dưới các giao thông hào. Sơ khởi họ bị thiệt mất 9 chết và 48 bị thương.
Đêm xuống, Tiểu Đoàn 2/12 phải đóng quân tại chỗ. Địch lợi dụng cơ hội lặng lẽ tiến lại gần để bao vây. Gần sáng, quân 2/12 chuẩn bị tấn công địch thì mới phát giác mình đang bị vây, địch nằm cách họ chỉ 30 mét đang bắn tỉa vào. Đến 10 giờ tình thế trở nên bi đát, quân Mỹ chịu tổn thất 20 người trong khi vẫn tiếp tục bị địch bắn rát đến nổi chỉ có một trực thăng duy nhất đáp xuống được để tải thương. Họ thực hiện đợt tải thương thứ hai lúc 1 gìờ 30, cũng như lần trước chỉ một chiếc xuống được và cũng chính chiếc đã đáp xuống thành công lúc ban sáng.
Đối với Tr/tá Sweet, ông phải quyết định một sự chọn lựa, hoặc là tiếp tục thử lửa với địch hoặc rút quân. Trong lúc quân số kém xa quân địch mà tổn thất thì càng lúc càng tiếp tục dâng cao nên ông phải chọn lựa và phải chọn ngay.
Tr/tá Sweet hội ý cùng các sĩ quan rồi quyết định thay vì quay trở lại đường cũ về hướng Cây Số 17, tiểu đoàn chờ đêm xuống sẽ tiến sâu vào lòng địch để lên một quả đồi cao cách đó 4 km. Nước cờ này quả là mưu lược vì địch vẫn đinh ninh họ sẽ phải nằm yên đó thêm một đêm nữa.
Lúc 4 giờ 51 chiều tất cả thương binh đều được di tản an toàn ngoại trừ 14 xác chết. Đó là một chọn lựa quan trọng khác nữa của Tr/tá Sweet. Ông nhận thấy khiêng theo các xác chết, cuộc dạ hành sẽ vừa chậm hơn lại vừa có cơ may dễ bị lộ nên ông chọn giải pháp để lại. Các tử thi sẽ được tạm chôn dưới một hố bom rồi sau này sẽ trở lại lấy đi. Để địch khỏi đào lên họ để lại mấy chữ bằng tiếng Việt cho biết nơi đây chỉ có xác của 11 binh sĩ ngoài ra thì không có đạn dược hoặc vũ khí.
*
Triệt thoái đêm quả là một cuộc hành quân với mưu mô và mánh lới. Thành phần Tiểu Đoàn 2/12 được phân thành từng tốp nhỏ và được dặn dò phải tuyệt đối im lặng khi di chuyển, không bắn trả nếu chỉ bị bắn sẻ lẻ tẻ nhưng nếu bị hỏa lực mạnh thì cứ tấn công thẳng vào đó mà thoát thân; bằng mọi giá phải tiến tới cho kỳ được tránh đừng để bị chôn chân một chỗ. Trước khi đi họ để lại người nộm để nghi binh và cạm bẫy trong các hố cá nhân.
Trời vừa tối họ bắt đầu chuyển quân dưới sự che chở thêm của màn khói do đơn vị hỏa lực 105 Kỵ Binh mới dọn đến Cây Số 17 bắn vào. Hai Đại Đội A và D rời vị trí đồng thời vượt lên trước hai Đại Đội B và C còn nằm yên để khởi hành tiên phong; đến 10 giờ 20 tối họ hoàn tất cuộc triệt thoái. Sau đó không lâu họ nghe tiếng súng từ vị trí đóng quân cũ vọng lại rồi tiếng nổ tiếp theo do cạm bẩy gài lại bị kích hỏa, họ thấy cả trái sáng tự động bùng loé lên. Tr/tá Sweet còn bồi thêm một màn đẹp mắt khác: một cuộc tác xạ bằng pháo binh vào vị trí cũ ba giờ sau khi họ khởi sự lui binh mà ông đã yêu cầu trước đây .
Đoàn quân đi vòng qua hướng Tây, vượt qua một con suối rồi quẹo về hướng Nam, băng qua một nhô đất dài 4 cây số. Đến 7 giờ 10 sáng hôm sau họ dừng lại trên một ngọn đồi khác. Họ đã di hành mất 11 tiếng. Ở vị trí mới họ có thể quan sát hoạt động của địch đang di chuyển ra vào thành phố Huế, từ đó họ có thể gọi hỏa lực phi pháo để quấy rối.
‘Cửa sau’ của Huế tuy chưa đóng được nhưng phe Đồng Minh bắt đầu có thể gây phiền toái cho địch vì sự hiện diện của họ ở trong vùng.
*
Cùng lúc ấy ở cơ quan MACV, viện binh đang được gởi thêm để phụ giúp cho đám quân TQLC nhỏ nhoi của Tr/tá Gravel bây giờ đã quá tơi tả. BCH TQLC ở Phú Bài hôm 3 tháng Hai quyết dấn thân sâu hơn với Huế nữa bằng cách gởi Đ/tá Hughes, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 1, lên Huế để làm cấp chỉ huy hành quân tại chỗ (on-site commander). Đi theo đoàn công-voa còn có đơn vị trưởng của 2/5 là Tr/tá Ernest C. Cheatham, Jr.; ba đại đội con cái ông là Fox, Golf và Hotel đang tham chiến tại Huế. Cho đến bây giờ Tr/tá Gravel đang là sĩ quan hành quân tại chỗ trong suốt ba ngày đầu tiên của trận chiến; ông vẫn còn nắm quyền chỉ huy Alpha 1/1 và nhờ bổ sung quân số ông dùng số thặng dư để thành lập thêm đại đội thứ hai đặt tên là Bravo 1/1. Tân đại đội hình thành từ nhóm chỉ huy của Bravo 1/1 thực thụ cộng thêm một số tình nguyện từ chỗ khác qua, cùng với bất kỳ ai đang cà nhỏng, ăn không ngồi rồi ở Phú Bài.
Đ/tá Hughes trong Thế Chiến Thứ Hai đã hai lần được trao tặng huân chương anh dũng; trận Gloucester mang lại cho ông một Huy Chương Chữ Thập (Navy Cross) của Hải Quân Hoa Kỳ, rồi năm sau là Ngôi Sao Bạc (Silver Star) nhờ lập chiến công trong trận đánh ở Peleliu. Bấy giờ ông chỉ mới là một trung đội trưởng trẻ tuổi. Ông quan niệm ở chiến trường phải để cho thuộc cấp được tự do tùy cơ ứng biến theo tình huống.
Đến Huế lúc 1 giờ trưa ông cho vời hai trung tá, Cheatham và Gravel, lại và dặn dò rằng họ có toàn quyền làm bất cứ quyết định nào họ tự cảm thấy phù hợp, miễn sao đẩy được địch quân lui; phần ông sẽ liên lạc xin cho họ những gì cần thiết. Ông còn hứa sẽ không để cấp trên thúc sau lưng trong khi họ đang làm việc.
Gravel vì lực lượng nhỏ hơn nên được chỉ định công tác yểm trợ cộng thêm sứ mạng khai quang QL1. Cheatham với ba đại đội (Fox, Golf, và Hotel) sẽ tấn công thọc lên hướng Tây dọc theo lằn ranh bờ Nam sông Hương.
“Tôi muốn anh đánh xuyên qua thành phố và dọn sạch quân Bắc Việt đi,” Đ/tá Huges ra lệnh cho Cheatham bằng một câu gọn lỏn như thế. Cheatham trong thế nghiêm vẫn trân mặt ra đó chờ xem xếp có nói gì nữa không.
“Nếu anh có ý chờ nghe thêm gì khác thì tôi bảo cho anh hay lệnh tôi chỉ có thế thôi. Đi ra.” Đ/tá Hughes sủa một tràng.
Trong khi Tr/tá Cheatham vừa xoay người để bước ra thì Đ/tá Hughes đặt tay lên vai ông nói khẽ: “Anh cứ việc thi hành phận sự theo ý anh, lỡ cấp trên có quạt lửa xuống đầu thì có tôi đỡ cho.”
*
Tr/tá Cheatham nhờ lập được chiến công ở Huế, sau này ông được thưởng Hải Quân huân chương Navy Cross rồi ông leo dần lên đến chức trung tướng. Với chiều cao quá cỡ 6 bộ 5 phân Anh, binh sĩ thường gọi ông là ‘Big Ernie’. Hai ngày vừa qua ông ngồi rầu rĩ ở Phú Bài vì cả ba đại đội của ông đang đánh nhau ở Huế mà không có ông.
Biết trước sớm muộn rồi cũng sẽ nhập chung lại với con cái mình, ông lợi dụng thời gian rảnh rang để nghiên cứu binh pháp về chiến thuật tác chiến trong thành phố; Tr/tá Cheatham lo tom góp súng phóng hỏa tiển 3.5 inch và đạn dược càng nhiều càng tốt. Theo đoàn công-voa lên Huế ông còn mang theo sáu xe ‘lừa’ chở đại bác 106 ly không giật (mule-mounted 106 mm recoilless rifle) cùng nhiều lựu đạn cay và mặt nạ.
Sau khi nhận lệnh xong, Tr/tá Cheatham bèn đặt BCH ở Trường Đại Học Huế rồi triệu các đại đội trưởng đến để cùng thảo một kế hoạch tấn công. Trong khi kế hoạch đang phác họa thì ông nhận được một nguồn tin được truyền đến qua Lực Lượng Đặc Nhiệm X-Ray ở Phú Bài, rằng chính quyền Nam Việt Nam đã bãi bỏ lệnh hạn chế sử dụng hỏa lực mạnh ở khu vực Hữu Ngạn. Nghe tin đó Tr/tá Cheatham phấn chấn thấy rõ; bây giờ ông tha hồ xin bất cứ hỏa lực nào cần thiết để yểm trợ mà không còn sợ tạo nên một tai tiếng trước công luận quốc tế. Tuy nhiên vì thời tiết xấu, nhiều loại hỏa lực nặng chưa tận dụng được như hải pháo từ các chiến hạm, đại bác nòng lớn 8-in từ Phú Bài, và các loại phi cơ chiến thuật. Ít nhất hiện giờ ông có thể sử dụng hỏa pháo của chiến xa, đại bác không giật 106 ly, súng cối và luôn cả súng bazooka nòng 3.5 in.
Từ phòng chỉ huy ở lầu hai, Tr/tá Cheatham nhìn xuống địa thế bên dưới cố hình dung làm thế nào để sử dụng pháo binh được hữu hiệu nhất. Với cuộc hành quân dọc theo đường Lê Lợi đi về hướng Tây ông chỉ cần thật ít quân để giữ mặt bên phải vì bên đó là sông Hương, một ranh giới thiên nhiên, trong khi phía trái làm ông e ngại nhiều nhất. Ở mặt này từng tòa cao ốc bê tông cốt sắt nối tiếp nhau chạy song song với con đường, mỗi cao ốc tự nó là một pháo đài kiên cố. Quân của ông phải đương đầu với từng cao ốc, một việc ông thấy không phải dễ.

TQLC Mỹ men sát theo mặt trước trường Đại Học Khoa Học, di chuyển về hướng Tây trên đường Lê Lợi. (mca.marines.org)
Sau 2 giờ trưa, đạo quân 700 người gồm ba đại đội của Tr/tá Cheatham khởi sự tiến quân. Đơn vị của Tr/tá Gravel đi theo song song để giữ an ninh bên mé trái trong khi một đại đội nhỏ gồm những binh sĩ NV bị lạc đơn vị đi theo sau để thanh toán nốt những chốt địch còn bỏ sót, đồng thời đối phó với làn sóng dân tị nạn.

Tòa nhà Ty Ngân Khố nhìn từ cửa sổ trường Đại Học. (mca.marines.org)
Ngay từ đầu mọi sự đã không trôi chảy êm xuôi. Cheatham bắt đầu phát giác ra sự khó khăn mà Gravel vẫn thường vấp phải suốt trong ba ngày qua. Từ trường đại học nhìn qua phía bên kia đường là tòa nhà Ngân Khố Tỉnh Thừa Thiên và tòa nhà Bưu Điện thành phố, mỗi nơi đều có quân chính qui BV bên trong, suốt mấy hôm địch đã chận đứng được mọi cuộc tiến quân của TQLC Hoa Kỳ. Đại bác 106 ly và hỏa pháo từ chiến xa được đem ra sử dụng nhưng không hề hấn gì đối với lớp tường kiên cố của hai tòa nhà. Suốt 18 giờ quân của Tr/tá Cheatham mở tổng cộng 6 đợt xung phong nhưng tất cả đều bị địch đẩy lui. Đ/úy Christmas, Đại Đội Trưởng ĐĐ Hotel cho rằng lực lượng của TQLC không đủ mạnh để cáng đáng việc này; một đại đội đã được sử dụng để giữ an ninh một dãy phố trước mặt, còn lại ba đại đội thì phải giữ lại một để làm quân trừ bị trong khi chỉ còn hai để chiến đấu; phối trí quân như vậy tạo nên một khoảng trống bên trái dễ làm mồi cho đại liên địch.
*
Ba ngày vừa qua Tr/tá Gravel đã liên tục cãi vã ồn ào với thượng cấp ở Phú Bài về cuộc tiến quân của mình vẫn dậm chân tại chỗ; bây giờ Tr/tá Cheatham cũng đang có vấn nạn tương tự. Mặc dù không muốn trù ẻo Cheatham nhưng ít ra ông cũng chứng tỏ cho thấy sự khó khăn mình đang vấp phải là xác đáng.
Đặc phái viên hãng thông tấn UPI, Al Webb, chuyên viên thu hình Kyoichi Sawada và tôi, theo chân Trung Đội Hai ĐĐ Fox khi họ vừa rời khuôn viên trường đại học để mở cuộc tấn công hai tòa nhà Kho Bạc và Bưu Điện. Nhìn quang cảnh, chúng tôi linh cảm sự hiện diện của thần chết nơi từng ô cửa sổ, từng mái nhà và từng góc phố. Đạn từ mọi hướng cùng lúc bay đến.
Trên đại lộ Lê Lợi có cây lớn viền hai bên, người lính đi tiền đạo thử bước ra mặt đường lập tức bị địch xả đạn bắn xối xả. Chiến xa hạng nặng 50 tấn liền chạy lên trước để che đạn cho bộ binh tiến quân; sự xuất hiện của xe tăng càng thu hút hỏa lực địch nhiều hơn. Sau trận đánh hôm đó Tr/tá Cheatham kể với một phóng viên rằng có xe bị trúng đạn đến 121 lần gây thương vong cho xa đoàn khiến họ phải thay người đến năm lần. Ông nói, “Nhân viên xa đoàn lúc cuối ngày kể lại họ thấy lâng lâng như người say rượu khi bước ra khỏi xe.” Xác người chết hoặc bị thương cũng thu hút hỏa lực địch không kém vì đó là mồi nhử người khác ra cứu. Hai bên đường người bị trúng đạn nằm la liệt, TQLC kéo họ đến chỗ an toàn rồi vẫn tiếp tục tiến. Trợ y lăng xăng chạy tới chạy lui băng bó vết thương hoặc khiêng người chết đi, chiến xa phải làm lá chắn để họ làm nhiệm vụ. Trong nửa giờ đầu tiên, Trung Đội 2 ĐĐ Fox bị tổn thất hai chết và 19 bị thương. Các Trung Đội khác của ĐĐ Fox cũng chia sẻ chung số phận hẩm hiu. Tối ngày 3 tháng Hai, TQLC một lần nữa phải công nhận là đã không đạt được một thành tích nào.
Tr/tá Cheatham cau có bực tức họp sĩ quan chỉ huy các đại đội lại chuẩn bị cho một ngày hành quân khác. Mỗi người góp ý về bài học đã rút tỉa được trong ngày đồng thời đề nghị những phương án mới. Một điểm mà tất cả đều đồng ý là cần thêm vũ khí nặng, thiếu nó hỏa lực thường không có hiệu năng trong chiến thuật tác chiến trong thành phố. Mục tiêu chính là làm sao phải lọt vào được bên trong mới hòng tiêu diệt được địch. Cần phải dùng đến đại bác không giật 106 ly và súng bắn hỏa tiễn 3.5-in là loại ‘bazooka’ thông dụng thời Đệ Nhị Thế Chiến, vừa gọn nhẹ dễ di chuyển mà có hiệu năng nữa. TQLC được hướng dẫn phải phá vỡ một lỗ thủng tòa cao ốc rồi xông vào tiêu diệt địch ở từng phòng một, sau đó đặt vị trí để bắn sẻ qua tòa nhà khác. Nếu cần phải vượt qua ngã tư hoặc góc phố thì sử dụng trái khói để làm màn chắn đồng thời tác xạ yểm trợ tối đa.
Nhiều kỹ thuật tác chiến được đem ra thử nhưng ưng ý nhất là lập toán chiến đấu gồm tám người, trong đó bốn người khống chế lối ra vào, hai người xông vào ném lựu đạn còn hai người khác bắn yểm trợ; qua căn nhà khác tám người đó sẽ thay đổi nhiệm vụ lẫn nhau. Vấn đề tính toán thời gian làm sao cho thật ăn khớp mới thật quan trọng. Khi miêu tả về chiến thuật tác chiến này với một đặc phái viên, Tr/tá Cheatham đã so sánh lối hoạt động của toán tám người với môn chơi dã cầu (football) trong đó mỗi thành viên thực hành phần việc của mình nếu không sẽ thua.
“Chúng tôi hy vọng diệt được địch từ bên trong hoặc lùa họ chạy ra cửa sau để bốn tay súng khác đang mai phục sẵn tiêu diệt,” ông nói. “Xong rồi tiếp tục đánh tương tự như vậy ở cao ốc khác. Nghe thì đơn giản nhưng đánh hiệp đồng cho thật ăn khớp mới là khó, y hệt như chơi dã cầu vậy.”
Sự thành công lần này hoàn toàn không nhờ đến pháo binh như TQLC vẫn thường lệ thuộc vào khi hành quân ở các nơi trống trải trước đây; có chăng thì Phú Bài chỉ bắn lên để chặn địch thoát ra ở ngã hậu chứ không bắn tòa nhà. TQLC sẽ dùng đến pháo cối của mình bắn lên nóc nhà để tạo hiệu ứng ‘búa tạ’ lên đầu địch. Cheatham nói: “Khi anh dội đạn cối liên tục lên nóc cao ốc tới một mức độ nào đó thì mái sẽ sụm xuống. Chúng tôi chỉ làm vậy thôi.”
Trong một số trường hợp vì khoảng cách với địch quân quá ngắn khiến pháo bằng đạn cối không thể sử dụng được thì đó là lúc 106 ly không giật đem ra dùng. Bất tiện của súng không giật này là không có màn thép chắn nên nguy hiểm khi sử dụng; ngoài ra phải bắn chọn mục tiêu bằng đạn .50mm trước khi dùng nó; có nghĩa là toán sử dụng súng phải mất nhiều thời gian đứng ra ngoài khoảng trống hơn, dễ làm mồi cho địch.

Đại bác M-40 106 mm không giật được sử dụng để phá sập những cao ốc có tường dày kiên cố hoặc xuyên thủng lớp thép dày của chiến xa. Khi dùng đạn tổ ong súng có thể dùng để chống tấn công biển người vì đạn khi ra khỏi nòng sẽ tỏa ra chừng 8000 mũi tên thép. Súng có tầm bắn chính xác là 1,100 mét. (Marines.mil)
Có ba cách để sử dụng súng 106 ly, nếu sử dụng rời một mình thì hoặc được gắn trên xe Jeep hoặc xe ‘lừa’, hoặc khiêng đi bằng tay dù rằng nó nặng đến 350 cân. Hoặc sử dụng chung sáu khẩu gắn trên xe chạy xích tên gọi là Onto. Onto thoạt trông thật kinh sợ nhưng nó có khuyết điểm quan trọng. Vì xe phải vận hành bằng xăng nên dễ bốc cháy; xạ thủ thường phải đứng ra ngoài để nhắm hoặc nạp đạn khiến địch có dư thì giờ để bắn hủy xe hoặc giết chết xạ thủ. Sức phụt hậu của súng còn là nhược điểm khác nữa. Binh sĩ của Tr/tá Cheatham có lần đứng bắn từ tầng lầu hai, sức phụt hậu làm đổ bức tường phía sau. Trong mọi trường hợp, mỗi khi sử dụng nó thì phải hết sức cẩn thận vì một chút sơ ý có thể gây thương tích hoặc thiệt mạng cho xạ thủ, phụ xạ thủ hay bất cứ ai đang quanh quẩn phía sau.

Sáu khẩu M-50 106mm gắn trên xe chạy xích tên gọi là Onto. Xe này trông như một xe tăng tí hon, dùng diệt chiến xa hoặc các công thự đúc bê tông kiên cố. (commons.wikimedia.org)
Trong thời gian huấn luyện tôi đã từng bắn thử 106 ly nhưng hôm 3 tháng Hai tôi mới lần đầu tiên thấy chiếc Onto lăn bánh rầm rì ngang qua MACV rồi dừng lại khạc hết cả 6 nòng. Chiếc xe thì muốn lật ngược ra đằng sau còn khói bụi tung lên mịt mù. Sau khi khói tan dần tôi mới thấy hàng viết bằng sơn đằng sau xe: ‘Tôi Giận, Tôi Khà, Tôi Thổi Nhà Anh Xụm À Nhe.”
*
Ngày hôm sau, Chủ Nhật 4 tháng Hai, hai đại đội xác xơ của Tr/tá Gravel nhập cuộc để chia xẻ bớt gánh nặng cho quân của Tr/tá Cheatham. Gravel lãnh nhiệm vụ đánh chiếm trường nữ trung học Jeanne d’Arc và ngôi nhà thờ ở cạnh bên; địa điểm nằm cách MACV 100 mét về hướng Tây. Tôi đứng bên trong cơ quan nhìn ra trong khi toán quân của Cheatham bắt đầu bắn lựu đạn cay, hơi cay bị gió thổi ngược bay tạt qua toán quân Gravel làm họ phải tạm dừng.
Sau nửa giờ trì hoãn, đại đội Alpha bắt đầu chạy băng qua QL 1, địch từ trên nóc nhà thờ bắn xuống bằng đại liên. Gravel ra lệnh cho xe tăng làm im họng súng; chỉ một trái 90 mm tháp nhà thờ đổ sụm xuống sân. TQLC lập tức ập vào, ném lựu đạn và bắn bất cứ cái gì họ thấy ở bên trong. Trong số những người xung phong đầu tiên có Tr/sĩ Gonzalez và Hạ Sĩ Jackson.

Nhà thờ cạnh trường Jeanne d’Arc sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Đại Đội Alpha TQLC Mỹ. (Marines.mil)
Thanh toán nhà thờ xong họ quay qua trường học ở bên cạnh là một khu nhà chia thành nhiều cánh. Hai binh sĩ TQLC xông vào cánh bên này thì lập tức địch từ cánh bên kia bắn B-40 bay chéo qua sân trường. Gonzalez chạy chuyền cửa sổ này qua cửa sổ khác, anh bắn chừng 6 quả hỏa tiển LAAW khiến địch phải chường mặt ra để xạ thủ khác sẽ bắn tỉa. Trong khi đang nhắm để bắn vào một ô cửa sổ khác thì địch bắn qua một trái B40 trúng ngay bụng Gonzalez khiến anh chết ngay. Jackson sững sờ thấy bạn nằm sóng soài ra đó ruột gan đổ ra ngoài, anh và một binh sĩ khác lấy một cánh cửa đã bị bung lề làm cán khiêng anh ta qua trạm cấp cứu dã chiến ở bên nhà thờ. Tr/tá Gravel đứng đó há hốc miệng nhìn họ đặt Gonzalez xuống sàn.
Jackson cầm chặt tay Gonzalez khóc tức tửi. Một người trợ y đến nói với anh là không thể làm gì hơn được nữa vì Gonzalez đã chết rồi. Lúc ấy bỗng đâu xuất hiện hai phóng viên, họ bắt đầu bấm hình lia lịa, thấy vậy Jackson quạt liền một tràng :
“Cút ra khỏi đây đồ cà chớn,” Jackson hét lớn, anh vung khẩu M16 chĩa vô mặt một người. “ ‘Đ.M.’ cút đi ngay. Để cho tụi tao yên.”
Tr/sĩ Gonzalez làm trưởng toán ngay từ đầu cuộc chiến, từng đạt được nhiều cảm tình, về sau anh được trao tặng Huân Chương Danh Dự (the Medal of Honor) vì đã lập nhiều chiến công ở Huế. Anh là TQLC duy nhất tham chiến tại Huế được nhận huy chương cao quí nhất của nước Mỹ.

Tr/sĩ Alfredo Gonzalez người Mỹ gốc Mễ, tử trận vì trúng một trái rocket của địch vào bụng trong khi đang giao chiến ở trường Jeanne d’Arc. Về sau anh được truy tặng Medal of Honor. Gonzalez được coi là TQLC duy nhất được tặng thưởng huy chương cao quí nhất nước Mỹ. Năm 1996 tên anh được đặt cho một chiếc khu trục hạm mới hạ thủy. (Marines.mil)
Sáng hôm 4 tháng Hai một đoàn công-voa từ Phú Bài lên Huế có chở theo hai hành khách mà những ngày sau họ sẽ đóng những vai trò quan yếu. Người thứ nhất là Tr/tá Robert Hamilton một bác sĩ Hải Quân; ông đến với bốn viên trợ y khác để san xẻ gánh nặng bớt cho Bs Stephen Bernie, người đã làm việc cật lực suốt bốn ngày cùng một số y tá người Việt.
Tr/tá Hamilton, 34 tuổi, tuần lễ trước đã lấy ngày nghỉ để viếng thăm Huế cùng với hai người bạn. Họ dùng bữa tại một quán ăn lộ thiên ở khu Tả Ngạn sông Hương và chụp một số hình lưu niệm. Sau đó họ đi xem Đại Nội nhưng một số lính gác không cho vào. Trên đường trở về họ ghé qua câu lạc bộ sĩ quan ở MACV để uống vài ly với Bs Bernie.
Khi trận đánh Huế mở màn, thì tại Phú Bài ông và một số ít y sĩ phải bận rộn trong trung tâm điều trị thương binh. Đến ngày 4 tháng Hai ông mới hơi rảnh tay để có thể được chấp thuận cho lên phụ giúp Huế. Trước đây, năm đại đội TQLC ở Huế không có bác sĩ riêng để săn sóc họ. Hamilton và 4 người trợ y là thành viên trong đoàn xe 30 chiếc từ Phú Bài lên Huế sáng hôm ấy; họ phải ép mình ngồi trên những quân xa chất đầy đạn dược. Giữ an ninh cho đoàn xe là vài thư ký văn phòng TQLC bị buộc cầm súng để nếu cần phải chiến đấu. Thực vậy, ở khoảng đường 500 mét trước khi đến MACV họ phải bắn để vượt qua.
Sau khi đến MACV, người cảm thấy nhẹ nhỏm nhất lúc bấy giờ là Bs Bernie. Trong khi hai bác sĩ đang hàn huyên thì một trái đạn cối rơi xuống nổ trên mái nhà bên cạnh làm bắn tung mảnh và vôi vữa xuống phía họ. Bernie chỉ bị một vết cắt nhỏ trên cánh tay còn Hamilton thì vô sự. Về sau Hamilton phải nực cười vì sự tương phản giữa hai lần viếng Huế.
*
Nhân vật quan trọng thứ hai vừa đến Huế trong cùng ngày là Th/tá John Salvati sĩ quan điều hành đắc lực của Tr/tá Cheatham, khả năng ứng biến của ông về sau sẽ rất hữu ích cho Tiểu Đoàn 2/5 khi hành quân đánh về phía Tây. Cheatham đặt ông làm sĩ quan chỉ huy lưu động. Salvati hướng dẫn lính sử dụng súng 106 ly và súng phóng hỏa tiển 3.5-in làm sao cho có nhiều hiệu năng hơn, ông còn bày ra cách sử dụng hơi cay làm vũ khí để buộc địch phải ra khỏi công sự chiến đấu hoặc bỏ lỗ châu mai mà chạy. TQLC có thử với trái khói ở Kho Bạc nhưng không mấy kết quả vì gió từ sông thổi vào làm khói tan nhanh. Salvati ưng ý nhất là súng bắn hơi cay E8 mà ông thấy chất đống sát tường trong doanh trại quân đội Nam Việt cạnh bên MACV. Súng cao hơn nửa thước, có thể bắn đi 64 quả hơi cay cỡ 35 mm xa đến 250m; mỗi lần bắn có 4 chu trình mà mỗi chu trình dài chỉ 5 giây và bung ra 16 quả. Khác với lựu đạn, E8 phủ ngập hoàn toàn một vùng khiến phòng nào, hầm nào hơi cay cũng len vô được cả. Theo như ông Salvati được biết thì quân BV vào đánh Huế nhưng không mang theo mặt nạ chống hơi ngạt.
Th/tá Salvati phóng xe đến một trại lính VN rồi sau vài lời ngon ngọt lẫn răn đe ông mang chất ra xe bốn dàn phóng lựu đạn cay E8. Nhưng khi trở lại vùng chiến địa và đem ra thử thì bắn không được. Không nản lòng, ông nghĩ chỉ cần một xung động điện để kích hỏa, súng sẽ hoạt động. Một trung sĩ liền mang đến một máy điện thoại dã chiến cổ lổ sỉ, loại quay tay để tự phát điện. Họ nối vào cây E8 và thử ngon lành. Không mấy chốc Ty Ngân Khố tràn ngập hơi cay.

Toán TQLC thuộc Tiểu Đoàn 2/5 có mang mặt nạ chuẩn bị tấn công qua tòa nhà Ty Ngân Khố và Bưu Điện Huế. (DoD/MarineCorps)
TQLC mang mặt nạ bắn một trái 106 ly làm vỡ nát cổng sắt; tiếp đó một trung đội của ĐĐ Fox xông vào qua lỗ hổng trên tường vừa chạy vừa ném lựu đạn và xả súng kẹp bên hông. Quân địch túa chạy ra để thở thì bị quân mai phục trên các nóc nhà bắn tỉa, nhưng đa số đều thoát được. Bên trong, TQLC hạ chừng chục mạng còn lại đang lăn lóc giữa sàn có lẽ bị choáng váng vì hơi cay.
Sau khi thanh toán Kho Bạc, tòa nhà Bưu Điện và Ty Y Tế cũng bị chiếm lại nhanh chóng không tốn một giọt máu.
Khuya hôm đó một trung đội thuộc ĐĐ Fox đang trấn giữ Ty Ngân Khố khám phá ở căn hầm dưới đất chừng hai chục xác quân cs; có thể họ chết vì thùng đạn phát nổ sau khi trúng quả đạn M-72 từ ngoài bắn vào.
Cùng hôm đó một trung đội khác thuộc ĐĐ Hotel 2/5 vì bị bắn quấy rối nên tấn công trả đũa vào hai cao ốc ở dọc bờ sông Hương, một trong hai là Trung Tâm Văn Hóa Pháp; nơi đây họ khám phá 175 dân tị nạn, trong đó có hai người Mỹ.
*
Đến hừng sáng thêm một đoàn công voa từ Phú Bài lên tới, đây cũng là chuyến cuối cùng vì sau đó đặc công địch đánh sập cầu An Cựu. Việc phá sập cầu vào ngày thứ năm từ khi cuộc chiến bắt đầu kể ra cũng khá muộn màng, không có giá trị gì mấy về mặt chiến thuật. Tiếp tế vẫn tiếp tục bằng trực thăng hoặc bằng đường thủy cho đến khi cầu được sửa lại một tuần sau đó.

Cầu An Cựu bị giật sập vào ngày thứ năm của cuộc giao tranh. Quân Mỹ xem đó là một hành động hơi quá muộn màng. (Marines.mil)
Sự thành công của TQLC trong ngày khiến người ta có thể tin tưởng rằng cơn sóng triều bây giờ đã bắt đầu chuyển hướng bên phía Nam của Huế. Cơ quan MACV bắt đầu nghĩ đến chuyện đánh chiếm lại Thành Nội vốn cho đến bây giờ vẫn còn bế tắc. Đợt cố vấn quân sự đầu tiên trong đó có Đ/úy Coolican của ĐĐ Hắc Báo và các sĩ quan tùy viên cho Lực Lượng Đặc Nhiệm X-Ray là Th/tá Wayne Swenson, và Th/tá Joe Gunter của Sư Đoàn 1 Không Kỵ được trực thăng vận vào Thành Nội vào xế chiều ngày 4 tháng Hai. Cố vấn cao cấp là Đ/tá Adkisson ngày sau mới đến.
“Bay vào Thành Nội hôm đó phi cơ phải bay thật nhanh và thấp,” Coolican nói. “Cách mặt đất chỉ khoảng 4, 5 mét và lao qua những lưới đạn của địch. Nhưng cuối cùng cũng đến nơi. Được gặp lại Harry (Tr/úy Huế) thật vui quá.”
Dịp này hai người tha hồ mà hàn huyên tâm sự.
No comments:
Post a Comment