Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (14) * Triệu Phong chuyển ngữ
CHƯƠNG MƯỜI
Thành Nội
Ngày 7 tháng Hai bắt đầu bằng một tiếng nổ lớn. Đêm hôm trước đặc công và người nhái địch đã đặt một khối lượng lớn chất nổ để giật sập cầu Trường Tiền. Một đoạn cầu dài 100 mét bị đứt lìa, chìm xuống nước, khiến giao thông bằng xe cộ hoàn toàn bị gián đoạn; về sau chỗ này được tạm sửa chỉ để có thể đi bộ.

Sau khi quân Đồng Minh tái chiếm xong khu Hữu Ngạn, CS giật sập hai vài của cầu Tràng Tiền đêm 7 tháng Hai hòng làm gián đoạn đà tiến đánh của quân Mỹ qua Tả Ngạn sau đó. (DoD.MarineCorps)
Sức nổ làm chọc thủng màn sương và cơn mưa bụi của buổi tinh mơ lúc 5 giờ sáng. Tiếng nổ cũng tạo cơn chấn động như đợt hỏa tiễn mở màn trận đánh 8 ngày trước đây. Tôi bị giật bắn người trong khi đang trực gác ở MACV.
Quyết định giật sập cầu là thái độ dứt khoát của địch đối với khu Hữu Ngạn. Thành Nội mới là trọng điểm họ cần bám giữ. Quân CS đã gởi một tín hiệu cho thấy bây giờ họ đang dồn hết nỗ lực cho khu Tả Ngạn. Sứ mệnh của họ là cố thủ Thành Nội càng lâu càng hay, càng giữ lâu họ càng có lợi thế về mặt chính trị, cái giá mà họ phải đạt được trước dư luận quốc tế. Trong khi phe Đồng Minh muốn đẩy họ ra cần phải sử dụng nhiều sức mạnh, hành động này đưa đến sự tàn phá một thắng tích lịch sử tôn nghiêm mà hậu quả sẽ coi như trút lên đầu quân đội Hoa Kỳ.

Không ảnh một phần sông Hương và khu Tả Ngạn, sau khi cầu Trường Tiền bị giật sập. (DoD.MarineCorps)
Việc đánh sập cây cầu chính bắc qua hai khu vực, người CS đã tỏ rõ cho thấy sức mạnh và quyết tâm của mình. Họ muốn bắn tiếng rằng trận đánh này còn lâu mới xong; mà sự thật sau này diễn tiến sẽ đưa dần đến như vậy.
*
Phe Đồng Minh cũng vậy, cùng hôm ấy họ biểu dương sức mạnh bằng cuộc dội bom của Không Quân Nam Việt. Một oanh tạc cơ A1 Skyraider thả 20 trái bom 500 cân anh xuống dãy tường thành; cuộc oanh tạc được xem như lớn nhất kể từ khi trận đánh bắt đầu. Thoạt đầu một phi cơ quan sát nhỏ bay vào để đánh dấu mục tiêu, sau đó oanh tạc cơ cánh quạt từ từ đâm bổ xuống để trút bom, chiếc này vần vũ lên xuống từ Tây sang Đông và Đông sang Tây ở cao độ chỉ có 100 mét. Tiếng nổ vang dội dưới tầng trời mây thấp trong khi vôi gạch bắn xa lên không trung hằng chục mét.

Một máy bay trinh sát lấy tọa độ cho Skyraider thả bom ở cửa Đông Ba, vừa trong Thành Nội bay ra phía sông Hương. (USMC Archives)
Hai phía coi như đã nhe nanh múa vuốt chuẩn bị cho màn ngoạn mục sẽ diễn ra.
Vì tình trạng mây thấp kéo dài suốt hai tuần lễ đầu, phi cơ cánh quạt một động cơ trở nên thích hợp hơn phi cơ phản lực cao tốc. Mỗi chiếc có thể mang được 12 trái bom 500 cân, tương đương với trọng tải tổng cọng 6000 cân.
*
Vào đầu tháng Hai lực lượng địch ở Thành Nội hầu như đã ngang ngửa hoặc hơn hẳn quân đội Miền Nam. Nhưng kể từ đó quân Miền Nam chỉ nhận được tiếp tế nhỏ giọt và nay đang cạn kiệt dần, họ chỉ đủ khả năng từ Bộ Tư Lệnh SĐ 1 đánh thọc ra được 1000 mét để tái chiếm phi trường Tây Lộc rồi dậm chân tại chỗ. Trong khi đó địch quân vẫn chiếm giữ được 60% diện tích Thành Nội và tiếp tục được chi viện đều đặn từ quân cho đến vũ khí đạn dược, lương thực. Quân CS đang đóng chốt vững vàng và có vẻ quyết bám tới cùng.
“Trên cương vị cá nhân tôi rất lấy làm phẫn uất và thất vọng vì người Mỹ trong suốt 10 ngày đã không cung cấp được cho chúng tôi thực phẩm cũng như đồ tiếp liệu,” Đ/úy Jack Chase cố vấn cho Đại Đội 3 Tiểu Đoàn 7 Kỵ Binh Nam Việt nói. “Việc này người Việt không lo mấy vì nguồn tiếp tế của họ cũng khá dồi dào; dân chúng ở Huế rất vui vẻ san sẻ thực phẩm với chúng tôi đó là nhờ nhà nào cũng dự trữ nhiều đồ ăn để vui chơi dịp Tết. Nhưng có lúc thiếu thốn phải ném lựu đạn xuống hồ để kiếm cá ăn; bởi vậy hậu quả là tôi bị viêm gan là thế.”
Tuy nhiên việc tiếp tế đạn dược là vấn đề khác. Đơn vị của Đ/úy Chase thì hoàn toàn thoải mái vì họ trang bị toàn súng Carbine mà đạn dược thì có sẵn trong luồng tiếp tế của quân đội Miền Nam. Riêng quân Dù vì họ được trang bị bằng M-16 nên họ phải trông vào Mỹ tiếp tế đạn dược. Tuy nhiên các thiết vận xa trong đơn vị của Đ/úy Chase phải chịu sự thiếu thốn đạn đại liên 30 và 50. Giải pháp của nhiều đơn vị VN là sử dụng lại vũ khí đạn dược tịch thu được của địch. Trong đa số trường hợp, đó chỉ là cách chọn lựa duy nhất của họ.
“Carbine là loại súng bắn chậm nhất, gần như tôi có thể thấy được đạn bay ra khỏi nòng,” Chase nói. “Nó trở nên vô dụng khi đem ra dùng tác chiến trong thành phố.”
Yếu tố khác khiến quân Miền Nam tiến quân chậm chạp là thiếu vũ khí nặng và phi pháo yểm trợ. Đ/úy Chase tiếp, “tôi biết thời tiết xấu thật nhưng sự thật là hoàn toàn không hề có một yểm trợ nào.”
Rồi ra thì đơn vị của Đ/úy Chase cũng được một tác nhân bất ngờ làm nức lòng chiến sĩ, đó là khi Đ/úy Thi đơn vị trưởng cũ bỗng nhiên tìm đến rồi tái nhập cùng đơn vị hôm 3 tháng Hai. Số là nhiều tuần trước đó Đ/úy Thi được điều về làm việc ở BCH Tiểu Đoàn 7 Kỵ Binh tại An Cựu; hôm Tết ông bị kẹt trong khi đang nghỉ phép với gia đình ở Thành Nội. Ông phải trốn trên gác lửng dưới mái nhà, nằm chờ cơ hội trong nhiều ngày mới trốn về được với đơn vị cũ. Ba tuần lễ tiếp sau này chính sự trở lại của Đ/úy Thi đã mang lại tinh thần chiến đấu cho binh sĩ biết chừng nào.
*
Ba Tiểu Đoàn Dù báo cáo diệt được 200 quân CS trong hai ngày 2 và 3 tháng Hai ở khu vực chung quanh phi trường Tây Lộc. Qua ngày 4, Tiểu Đoàn 1 Trung Đoàn 3 tái chiếm được một cổng thành ở hướng Tây Bắc. Về hướng Đông Nam, Tiểu Đoàn 4 Trung Đoàn 2 lập được một phòng tuyến nằm cách BTL SĐ1 chừng 6 khu phố và họ đã giữ vững được hơn một tuần lễ.
Tuy nhiên trong tuần đầu mọi tin tức liên quan đến Thành Nội chỉ toàn là tin xấu. Th/tá Lê Văn Ngọc Tiểu Đoàn Trưởng Dù 7 và Đ/úy Chuck Jackson cố vấn của đơn vị này bị thương nặng phải tải đi cấp cứu hôm 2 tháng Hai.
“Thật là trúng độc đắc,” Đ/úy Jackson kể lại về quả đạn cối đã làm hai người bị thương và gây tử vong cho người chuyên viên truyền tin. “Chúng tôi vừa thiết lập xong trạm chỉ huy tiểu đoàn và đang đứng coi bản đồ thì bỗng nhiên trái cối từ đâu rơi tòm vào giữa 3 chúng tôi. Đúng là trúng số độc đắc.”
*
Sang đến ngày 4 tháng Hai, tiềm năng chiến đấu của đơn vị 3/7 Kỵ Binh khi quân số giảm xuống còn 40 và chỉ 3 thiết vận xa là còn sử dụng được. Ba đơn vị Dù cũng suy yếu trầm trọng. Tiểu Đoàn 7 và 9 cũng như 1/3, mỗi đơn vị bị thiệt mất một đại đội trong trận giao tranh ác liệt ngày 31 tháng Mười Hai trước khi về đến Thành Nội. Riêng Tiểu Đoàn 2 Dù mới về đến Thành Nội trong cùng ngày, lực lượng tương đối còn nguyên vẹn, họ dự liệu sẽ mở một cuộc tấn công bất ngờ ngay đêm ấy vào dãy tường thành Tây Nam phía bên kia phi trường Tây Lộc, một phần để khai thông cuộc tiến quân của quân lực Nam Việt nói chung.
“Người chiến hữu VN tìm gặp tôi và dặn dò tôi hãy gắng giữ kín miệng về kế hoạch tấn công đêm. Ngay cả Tướng Trưởng, anh ta cũng chưa tiết lộ ý định của mình, sợ rằng truyền miệng cuối cùng sẽ đến tai địch quân,” Đ/úy Cobb cố vấn quân sự của Dù 2 nói. “Cuộc hành quân dự liệu sẽ khởi diễn lúc nửa đêm. Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng kế hoạch kín đáo và bất ngờ như thế ắt phải thành công và cảm thấy hãnh diện về họ vô cùng. Thế rồi lúc 11 giờ chúng tôi được lệnh phải rút về BCH SĐ. Tôi đoán bên đó có thể họ đang có gì bất an cần được tăng cường bảo vệ.”
Hóa ra Tướng Trưởng muốn ba tiểu đoàn Dù qua giữ an ninh mặt Đông Nam thay thế cho Tiểu Đoàn 4 Trung Đoàn 2 về giữ trách nhiệm khu vực phi trường. Nhiều cuộc chuyển quân khác đồng thời cũng đang diễn ra. Tướng Trưởng ra lệnh cho Phân Đội 2 Tiểu Đoàn 7 Kỵ Binh di chuyển từ Quảng Trị vào Huế hôm 3 tháng Hai nhưng phải ba ngày sau họ mới chuyển quân được vì đang đụng độ với địch. Đến ngày 6 họ rời Quảng Trị với lực lượng bổ sung gồm 15 thiết vận xa. Cùng tháp tùng đoàn xe có Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 1 Bộ binh. Sau khi dừng quân nghỉ đêm ở căn cứ Evans họ thận trọng tiến xuôi về Nam theo QL 1. Khi cách Huế chừng 12 cây số, đoàn xe rời QL1, chạy băng đồng để về Huế. Họ đến Thành Nội lúc 5 giờ chiều mà không gặp mấy đụng độ.
“Trong khi đang di chuyển mọi người đều mang tâm trạng hoang mang lo lắng,” Đ/úy cố vấn Jim Zimmerman nói. “Lí do là nhiều binh sĩ, kể cả Tr/úy Đại Đội Trưởng Nguyễn Hòa đều có thân nhân đang ở Huế.”
Phân Đội 2/7 Kỵ Binh lập tức thay thế cho 3/7 ở khu vực gần phi trường. Như đã đề cập ở trên, Phân Đội 3/7 quân số chỉ còn 40 người cùng 3 thiết vận xa được coi như bất khiển dụng nên cần rút về để tái tổ chức, bổ sung quân số, sửa chữa quân cụ đồng thời lo giữ an ninh cho BCH SĐ1.
Thành phần còn lại của Trung Đoàn 3 của Tướng Trưởng là ba Tiểu Đoàn 2, 3, và 4 cũng về đến Thành Nội bằng thuyền máy hôm 7 tháng Hai. Mỗi Tiểu Đoàn đã từng đánh vào Thành Nội từ hướng Nam sau khi đánh tan được áp lực của địch vào thời gian đầu cuộc chiến. Hai Tiểu Đoàn 2 và 3 tiến chậm dọc theo khu Tả Ngạn về hướng Đông nhưng thất bại không vào Thành Nội được. Còn Tiểu Đoàn 4/3 hôm 31 tháng Giêng vì đang hành quân cách MACV vài cây số về hướng Đông Nam nên cuộc hành trình vào Thành Nội của họ gay go hơn cả. Cũng như đơn vị chị em 1/3, 4/3 phải chiến đấu để thoát vòng vây của địch. Cuộc đụng độ ác liệt đến nỗi sĩ quan cố vấn Mỹ bị thương trầm trọng phải tải thương bằng trực thăng. Đến khi phá được vòng vây và về đến MACV vào ngày 4 tháng Hai thì lực lượng chỉ còn vỏn vẹn 170 binh sĩ.
Ngày 8 tháng Hai, cả 4 tiểu đoàn của Trung Đoàn 3 được chỉ định đóng chốt gần phi trường Tây Lộc thay thế cho Tiểu Đoàn 4 Trung Đoàn 2, trong khi tiểu đoàn này nhận nhiệm vụ mới là giữ an ninh bãi đậu giang đĩnh ở ven sông góc phía Bắc của bộ tư lệnh.
*
Tôi tái ngộ với các cố vấn quân sự khác ở Thành Nội hôm 8 tháng Hai sau khi theo chuyến tàu đổ bộ LCU đi dọc theo sông Hương, một lộ trình đầy bất trắc. Loại tàu đáy bằng mà TQLC gọi tên là ‘whiskey boat’ này chất đầy đạn dược, đồ tiếp tế, binh lính Miền Nam về tái nhập với đơn vị và cả đám nhà báo. Xạ thủ địch quân ở khoảng cách 600 mét từ trên dãy tường thành phía bên kia sông có thể quan sát bãi đổ bộ thật rõ ràng, chúng tôi có thể bị bắn ngay cả trước khi tàu rời bến.
Nhiều hầm trú ẩn được làm sẵn ở bãi đáp để khi bị pháo kích có chỗ để tránh, nhưng một khi đã lên boong tàu rồi hoặc lúc ở ngoài sông thì chỉ biết phó mạng cho trời.
Chúng tôi chen chúc lên tàu, ngồi khum mình nép sát thành khi tàu bắt đầu rời bến. Khoảng cách theo đường chim bay đến nơi đổ quân ở góc phía bắc của BTL SĐ1 là 3 cây số nhưng vì con sông lượn khúc nên đoạn đường trở thành dài gấp đôi. Lộ trình con tàu đi xuôi dòng về hướng Bắc qua một kênh nước sâu vòng theo cồn đất ở giữa sông (Cồn Hến), cuối cùng thì quẹo thật gắt về hướng Tây để đến bến tàu. Toàn bộ cuộc hành trình là đi xuyên qua vùng địch kiểm soát.

TQLC Mỹ ngồi trên tàu đổ bộ chĩa súng vào bờ sông, nơi hoàn toàn do địch kiểm soát, khi đang được chuyển vận vào BTL SĐ1 NV. (DoD.MarineCorps)
Địch từ hai bên bờ bắn ra, đạn trúng thành tàu kêu leng keng, hoặc bay rít ngang qua đầu nghe thật ghê rợn. Nhất là khi nghe tiếng đạn cối rời khỏi nòng, bạn chỉ còn biết nín thở chờ chết vì chỉ trúng một quả thôi là con tàu chở đầy đạn sẽ nổ tung. Ai nấy đều thở phào khi trái đạn rơi xuống nước ở ngay phía trước hoặc sau thân tàu. Chúng tôi chỉ biết cúi gập đầu xuống trong khi các xạ thủ đại liên xả tới tấp hàng loạt đạn 50 vào bờ, một vài người bắn cả M-16. Tôi nhìn lại thì thấy mình đang chen vào giữa hai dãy thùng đựng lựu đạn, tôi không dám nghĩ chuyện gì xảy ra nếu địch pháo trúng vào đây.
Kim giờ trên đồng hồ chỉ cho thấy chúng tôi đi chỉ mất chưa đầy nửa tiếng nhưng rõ ràng không ai nghĩ như vậy cả. Cuối cùng thì tôi sung sướng được trở lại bờ an toàn, bến đậu chỉ cách cửa Hậu có 100 mét. Cửa này là cửa duy nhất trong mười cửa vào Thành Nội an toàn nhất.
*
Tôi xúc động mạnh thấy lại được BCH SĐ1.
Vào một buổi mai nắng đẹp chỉ mới mười ngày trước đây tôi đã đứng trong đội ngũ ở sân diễn hành này để chào cờ; ngước nhìn lá cờ VNCH được từ từ kéo lên trong khi ban quân nhạc trỗi bài quốc ca Miền Nam (tôi nghe có âm hưởng giống bài quốc ca Pháp La Marseillaise). Tướng Trưởng cùng ban tham mưu và các cố vấn quân sự trong bộ binh phục ủi hồ thẳng nếp đứng chào nghiêm trong khi lá cờ vàng với những sọc đỏ được kéo lên.
Trở lại lần này tôi thấy có nhiều thay đổi. Tướng Trưởng trông hốc hác hẳn đi. Áo quần mọi người không còn ủi hồ nữa. Ngoài sân cờ bây giờ có nhiều hố đạn và công sự bằng bao cát thì hiện diện khắp nơi. Hai tòa nhà lớn bây giờ lỗ chỗ đầy vết đạn và có nơi hư hại vì đạn cối. Các cửa sổ thì hoặc mất hoặc còn dính lủng lẳng, xe cộ bị trúng đạn hư nằm trơ ra đó, vỏ đạn đủ loại nằm vung vãi khắp nơi. Chỉ nhìn ngần đó cũng dư hiểu được chuyện gì đã xảy ra ở đây và quân của Tướng Trưởng đã suýt bị tràn ngập như thế nào.
Trên mặt giấy tờ thì có vẻ như Tướng Trưởng có nhiều quân hơn địch đang hiện diện ở Thành Nội, phỏng chừng ông có khoảng từ ba đến bốn tiểu đoàn. Sự thật thì vì thoải mái vấn đề phép tắc dành cho thuộc cấp trong dịp Tết nên trước khi địch tấn công, phần lớn đang ở nhà với gia đình; lại thêm lực lượng bị tiêu hao qua những trận giao tranh lớn trong tuần lễ đầu tiên. Ba tiểu đoàn của Lực Lượng Đặc Nhiệm Dù số 1 (các tiểu đoàn 2, 7, và 9) thực lực chỉ còn phân nửa. Bốn tiểu đoàn của Trung Đoàn 3 thuộc SĐ1, Tiểu Đoàn 4 thuộc Trung Đoàn 2, và hai Phân Đội của Tiểu Đoàn 7 Kỵ Binh trực thuộc Sư Đoàn 1 cũng đang lâm vào tình trạng tiêu hào quân số tương tự. Hai đại đội Hắc Báo và Thám Báo cũng yếu hẳn đi. Những tổn thất do tử trận hoặc bị thương làm hao hụt mất những chiến sĩ giàu kinh nghiệm và ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu không ít. Nhiều người đi phép đã tìm về được với đơn vị nhưng một số khác hoặc đã bị giết hoặc bị địch bắt làm tù binh.
Binh sĩ quân đội Miền Nam lại đang lâm vào tình trạng đói khát, mệt mỏi và mất nhuệ khí. Họ đang bị thiếu hụt trầm trọng về đạn dược, thuốc men, áo quần và lương thực. Tinh thần chiến đấu xuống thấp. Họ không còn khả năng tấn công mà chỉ rút về thế phòng thủ bị động. Tướng Trưởng nhờ tài lãnh đạo khéo léo mới giữ được binh sĩ chiến đấu trong khi ông không ngớt kêu gọi xin bổ sung quân số và gia tăng tiếp liệu. Ngay chính ông cũng đang ở mức gần kiệt lực.
Ba tiểu đoàn Dù mà quân số bây giờ gom lại chưa bằng một vậy mà bây giờ lại lâm vào ngỏ bí nữa, đó là họ đang bị thiếu hụt tất cả mọi thứ.
“Vấn đề tiếp liệu nay trở nên trầm kha,” Th/tá Milton Bertrand cố vấn cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Dù viết trong biên bản hành quân. “Tất cả đồ quân cụ trong kho vũ khí của BTL SĐ1 đã được đem phân phát hết trong khi chưa hề nhận thêm bổ sung từ bên ngoài.”
*
Lực Lượng Đặc Nhiệm nhanh chóng nhận thức được rằng họ không đủ quân và vũ khí nặng hòng có thể bứng được địch ra khỏi các trọng điểm kiên cố. Đang hành quân gần mé Bắc đường Mai Thúc Loan ở phía nam BTL, Tiểu Đoàn 9 Dù tiến theo mạn trái còn TĐ 2 bên mạn phải trong khi TĐ7 yếu hơn chỉ đi theo làm trừ bị, tiểu đoàn này có tân cố vấn là Đ/úy James K. Redding về thay thế cho Đ/úy Chuck Jackson bị thương nặng. Các đơn vị tiên phong thường xuyên chịu hỏa lực nặng từ cả chính diện lẫn hai mạn sườn, đặc biệt là từ thượng thành gần cửa Đông Ba và khu vực Đại Nội.
“Rõ ràng là nếu cứ tiến sâu thêm nữa thì Dù sẽ bị bao vây,” Bertrand tiếp. “Địch chốt rất kỹ trong khu vực, cần có phi pháo trước để dọn sạch bớt chướng ngại mới lấy mục tiêu được. Do vậy ở đây các đơn vị có vẻ tương đối thụ động hơn; họ chỉ mở những cuộc tuần tra, phục kích lẻ tẻ và giữ an ninh cho đơn vị.”
Dù sao thì sao tinh thần chiến đấu của binh chủng Dù vẫn cao.
“Chúng tôi ai nấy đều bẩn thỉu, tả tơi như xơ mướp, ống quần rách thấy luôn cả đầu gối,” Tr/sĩ Mike Smith cố vấn của TĐ 9 nói. “Khi bàn giao vị trí chiến đấu với Trung Đoàn 3, lính Dù nhái tiếng gà kêu để nhạo lính bộ binh, chuyện không khác chi chuyện SĐ 101 Dù Hoa Kỳ khi họ đỡ gánh nặng cho một đơn vị bộ binh ở Bastogne thời Đệ Nhị Thế Chiến.”
Smith còn nhớ lại đợt dội bom của phi cơ Skyraider lên thượng thành gần cửa Đông Ba hôm 7 tháng Hai.
“Lúc ấy chúng tôi ở cách nơi dội bom chỉ khoảng 100 mét, mặt đất rung chuyển mạnh dưới chân,” Smith kể. “Phi cơ trút bom xong vừa bay lên thì quân BV lại đứng dậy bắn theo phía sau. Họ không chết mới lạ chứ; vậy thì họ độn thổ đi đâu? Thành phố này kinh khủng thật.”
*
Tiếng súng dịu bớt không gian trở lại yên lặng đến chết người.
“Có lúc không nghe cả tiếng mèo kêu lẫn tiếng chó sủa. Suốt thời gian ở đây tôi chưa hề thấy bóng dáng của người dân nào.´ Đ/úy Ty Cobb, cố vấn của TĐ2 Dù, nói. “Cả người và vật chắc quá sợ nên trốn biệt hết.”
Đối với Đ/uý Donald Erbes phụ tá của Cobb thì người thường dân anh thấy có chăng chỉ toàn là người chết. Erbes nói:
“Ở một số nhà, khi đi vào chúng tôi thấy xác chết của đàn ông, đàn bà và trẻ con. Tôi cam đoan họ đã bị xử tử, không thể lầm vào đâu được.”
Quân Dù thuộc Lực Lượng Trừ Bị Quốc Gia, căn cứ gốc ở Sài Gòn nên việc tiếp tế đến với họ phải theo một dây chuyền dài nhất so với các binh chủng khác; bởi vậy khi họ bị thiếu hụt về đạn dược và thực phẩm thì họ là đơn vị cuối cùng sẽ được nhận tiếp tế.
“Nhiều lúc chúng tôi sống nhờ thức ăn kiếm được ở nhà dân,” Erbes tiếp. “Có hôm tôi nhớ là đã ăn toàn chuối và bánh lạt. Dầu sao chúng tôi cũng không sợ chết đói vì người Việt thường trữ nhiều thức ăn ở nhà.”
Tướng Trưởng vốn từng ở binh chủng Dù thời gian 12 năm đầu tiên lúc mới vào quân ngũ đã cố gắng hết sức mình san sẻ hết kho thực phẩm khiêm nhường với các đơn vị thuộc quyền nhưng cũng không có bao nhiêu để mà phân phối.
Hằng ngày tôi lo việc giám sát đám nhà báo đang ngày càng đổ vào Thành Nội đông thêm, ngoài ra còn lo ghi chép dữ kiện để báo cáo và luôn luôn trong tư thế sẵn sàng, nơi nào cần thì tôi có ngay để giải quyết; mà thường thì người ta tìm tôi không ngớt.
Giường ngủ của tôi là nền xi măng trong phòng có mái tôn. Cạnh bên là công sự chiến đấu và nhà vệ sinh. Đạn dược chất đầy hai bên công sự. BCH SĐ1 thường xuyên bị pháo kích bằng súng cối cả ngày lẫn đêm, phần lớn do địch pháo từ Đại Nội ở cách đó 1500 mét. Tuy bị pháo nhưng phe Đồng Minh không được phép phản pháo vào khu vực Đại Nội ngoại trừ bắn trả bằng vũ khí nhẹ vì sợ gây thiệt hại cho di tích lịch sử.
Thời tiết vẫn tiếp tục xấu: mưa và mây mù làm giới hạn công cuộc tiếp tế bằng trực thăng cũng như hoạt động của các chiến đấu cơ chiến thuật. Mặc dù có sự hiện diện của một tiểu đoàn đã suy yếu thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ ở cách Huế 5 cây số về phía Tây, lực lượng địch ở Thành Nội vẫn được tiếp tế đều đặn và bổ sung thêm quân mà không hề bị cản trở. Ngày nào đường tiếp tế của địch còn hoạt động êm xuôi ngày ấy việc tái chiếm Thành Nội vẫn còn bị trở ngại.
Đang bị khó khăn, nay Tướng Trưởng gặp thêm khó khăn khác vì thượng cấp ở Sài Gòn muốn ba tiểu đoàn Dù trở về thủ đô vì họ thuộc lực lượng trừ bị quốc gia. Tướng Trưởng được biết 3 tiểu đoàn TQLC Nam Việt sẽ lấp vào khoảng trống này vì họ thuộc lực lượng trừ bị của Quân Khu 1. Tướng Trưởng đáp lại rằng ông cần thi hành ngay lập tức, khó có thể chờ lâu hơn được.
Ngày 9 tháng Hai Tướng Trưởng có một quyết định quan trọng khác đó là cần có vũ khí nặng để tái chiếm Thành Nội mà nhu cầu này thì ông thỉnh cầu ở đồng minh Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch, phe Đồng Minh đã thỏa thuận rằng Mỹ sẽ chịu trách nhiệm lấy lại khu Hữu Ngạn còn khu Thành Nội giao cho quân đội Miền Nam. Chính quyền Sài Gòn và Tướng Trưởng vẫn muốn thi hành đúng như đã thỏa thuận nhưng vì tình thế lúc bấy giờ đòi hỏi một vài thay đổi. Đó là hôm 10 tháng Hai, chính quyền Sài Gòn miễn cưỡng yêu cầu TQLC Hoa Kỳ giúp khai mào cuộc tái chiếm Thành Nội.
*
Thoạt đầu Tr/tướng Robert E. Cushman Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Thủy Bộ TQLC Đệ Tam Hoa Kỳ không muốn phải rây máu của TQLC Mỹ thêm thay cho binh sĩ Miền Nam ở Thành Nội. Tướng Westmoreland phải đích thân thuyết phục Cushman suy nghĩ lại.
Tướng Westmoreland luôn tuôn có vẻ khó chịu về tư thế ‘độc lập’ của binh chủng TQLC ở Vùng 1, và đặc biệt thất vọng về cách hành xử của Tướng Cushman. Để có thể kiểm soát hữu hiệu hơn về các hoạt động ở Vùng 1, đặc biệt là hai tỉnh cực bắc Quảng Trị và Thừa Thiên, Tướng Westmoreland đã công bố hôm 27 tháng Giêng về sự thành lập một BCH MACV Tiền Phương tạm thời ở Phú Bài gồm một ban tham mưu hỗn hợp của cả TQLC lẫn Lục Quân. Tân BCH này còn đòi hỏi được giám sát luôn hai sư đoàn Lục Quân mới dọn đến là SĐ1 Kỵ Binh và SĐ 101 Dù. Quyết định này thoạt đầu đã gây thắc mắc cho binh chủng TQLC vì họ vẫn thường xem Vùng 1 là khu vực hoạt động của mình.
Tướng Westmoreland do bị áp lực nặng từ Washington phải giải quyết cho xong vụ binh biến ở Huế càng sớm càng hay, riêng ông thì lại rất bực mình cách thức Tướng Cushman giải quyết vụ Tết Mậu Thân nên ngày 7 tháng Hai ông phải bay ra Đà Nẵng để gặp vị tư lệnh TQLC này. Về sau ông viết rằng ông nhận thấy Cushman và ban tham mưu ‘có vẻ quá tự mãn mới miễn cưởng nhận trách nhiệm thêm các lực lượng Lục Quân do tôi cài vào.’
Cả giới quân sự lẫn báo chí đều có nhận định, rằng TQLC có khuynh hướng thích thống trị hơn là hợp tác.
Sau cuộc gặp gỡ, Tướng Westmoreland càng quyết tâm muốn biến MACV Tiền Phương trở nên Trung Tâm Chỉ Huy, vững vàng và hữu hiệu, bất chấp sự phản kháng của phía TQLC. Để thực thi ý định, ông giao trọng trách cho phụ tá của ông là Tướng Creighton W. Abrams. Mặc dù quyết định này tạo nên phần nào khó chịu trong mối tương giao ở cấp chỉ huy, nhưng rốt cục nó cũng không đến nỗi làm lung lay đường lối lãnh đạo ở khu vực miền Bắc Trung Phần mà phía TQLC vẫn hằng quan ngại.
Tướng Cushman là người to lớn đẩy đà mang kiếng cận, ông thường giải quyết những cơn rắc rối phong ba theo lối nhà nghề. Về sau ông kiếm thêm được ngôi sao thứ tư và được phong làm Tư Lệnh Binh Chủng TQLC.
Khi lời thỉnh cầu Hoa Kỳ giúp khai mào cuộc tái chiếm Thành Nội bay đến hôm 10 tháng Hai, TQLC do sự thúc giục của Tướng Westmoreland đồng ý đưa Tiểu Đoàn 1/5 đi chiến đấu, tiểu đoàn này vừa mới hành quân tác chiến gần Phú Bài trở về. Westmoreland điện cho Washington báo cáo quyết định về việc đưa quân Mỹ đi tham chiến, điện văn nói rằng ‘địch quân có chừng ba đại đội ở khu Thành Nội’ nên chỉ một tiểu đoàn cũng đủ để đối phó.
9 giờ 30 sáng hôm sau hai trung đội của Đại Đội Bravo vào đến BTL SĐ1 bằng trực thăng. Trung đội thứ ba phải quay về Phú Bài vì phi cơ bị phát hỏa làm viên phi công bị thương. Hai giờ sau khi đến Thành Nội địch dàn chào TQLC Mỹ bằng khoảng 10 trái hỏa tiễn 122mm.
*
Vài giờ sau Th/tá Tiểu Đoàn Trưởng 1/5 TQLC Robert Thompson cùng trung đội còn lại của Bravo và ba đại đội khác đi theo đoàn quân xa lên Huế. Th/tá Thompson trú quán ở Corinth, Mississipi là Sĩ Quan Tiếp Liệu của Sư Đoàn. Ông nhận trách nhiệm Tiểu Đoàn 1/5 hôm 2 tháng Hai sau khi tiểu đoàn trưởng bị thương trầm trọng phải đưa đi điều trị. Dù chỉ là sĩ quan cấp nhỏ nhưng ông được thượng cấp trong binh chủng đặc biệt quan tâm. Sau khi trình diện và báo cáo với Đại Tá Hughes ở cơ quan MACV, ông được cho biết tin tình báo về địch tình ở Thành Nội rằng hiện có rất ít, tuy nhiên vấn đề ở Thành Nội chỉ cần ‘vài ngày’ là giải quyết xong.
Tiểu đoàn của Thompson nằm dưới quyền chỉ huy hành quân trực tiếp của Đ/tá Hughes, ông này thẳng thừng bảo với Th/tá Thompson rằng chỉ nhận lệnh trực tiếp từ ông mà thôi chứ không được nghe theo lệnh của Tướng Trưởng. ĐĐ Delta tạm thời thuộc quyền Đ/tá Hughes ở khu vực Hữu Ngạn.
Sáng hôm sau (12 tháng Hai) Th/tá Thompson dẫn hai đại đội Alpha và Charlie cùng trung đội còn lại của ĐĐ Bravo theo tàu LCU vào Thành Nội.
Cùng vào Thành Nội còn có một người trẻ tuổi tên là Alexander Wells mà trong hai tuần sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phác họa kế hoạch hành quân ở Thành Nội. Tr/úy TQLC Wells chỉ còn ở VN một tuần lễ nữa trước khi về nước nhưng theo sự tình nguyện của thượng cấp anh phải vào Thành Nội để thiết lập một trạm tiền sát pháo binh. Người ta bảo công tác này chỉ đòi hỏi 24 tiếng là cùng. Wells bay vào Thành Nội hôm 11 tháng Hai ngay lúc địch đang pháo kích; anh tạm ở chung trong nhà lều được đặt tên là ‘Quonset hut’, ở đây anh báo cáo là ‘đầy nhóc cả lính Úc và rằng họ đánh bài và uống rượu scotch suốt ngày.’
Rồi ra Tr/úy Wells phải ở lại hai tuần lễ làm tiền sát viên gọi hỏa lực yểm trợ của pháo binh và chiến hạm cho cả TQLC Mỹ lẫn quân đội Nam Việt.
*
Cùng đến Huế hôm 11 tháng Hai có một trung đội TQLC với 5 chiến xa hạng nặng M48 do Tr/úy Ron Morrison chỉ huy. Họ từ Đà Nẳng đến Huế bằng tàu đổ bộ đi dọc theo biển Đông, sau đó ngược dòng sông Hương để vào Huế. Đến bãi đổ bộ gần BCH SĐ1 thì trời vừa tối. Bấy giờ người ta cần có người ra gặp họ để dẫn đường vào. Đ/tá Lục Quân Adkisson đảo mắt quanh phòng một vòng rồi mới chỉ tôi.
Được giao một xe Jeep tôi kiểm soát lại đạn trong hai cây M16 và Colt 45 rồi bảo người tài xế Việt Nam lái ra bãi đổ tàu. Thấy còn ngần ngừ tôi liền tháo cây Colt ra khỏi bao rồi nhét vào ngực anh ta. Làm thế, ngôn ngữ dù bất đồng cỡ nào cũng có thể hiểu nhau ngay, chúng tôi ra khỏi cổng rồi phóng tới nơi trong thời gian kỷ lục.
Khu vực bến tàu do thành phần còn lại của Tiểu Đoàn 4/2 NV giữ an ninh, họ đến Huế từ đầu tháng Hai. Mới đầu họ hành quân ở khu vực Đông Nam trước khi quân Dù đến thay thế, kế đó họ qua đánh địch ở khu vực quanh phi trường Tây Lộc. Bây giờ đang bị thiếu hụt quân số trầm trọng không còn sử dụng để chiến đấu nữa nên nhận nhiệm vụ mới này từ ngày 8 tháng Hai.
Trong khi chờ đoàn tàu đến, tôi đứng nói chuyện với viên cố vấn của TĐ 4/2 là Đ/úy David Shepard. David quê ở Cincinnati, anh ta người to lớn, đã từng tham dự chiến tranh Triều Tiên. Hỏi về hoạt động của đơn vị anh trong suốt 10 ngày qua thì anh cho biết trước khi được đưa đến Huế anh hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra ở đây.
“Đang đóng quân ở Đông Hà thì có lệnh phải di chuyển vào Huế, chúng tôi được biết thời gian cuộc hành quân ở đây sẽ lâu chừng 4 ngày,” Shepard nói. “Một nửa tiểu đoàn chúng tôi vào trước bằng trực thăng hôm 1 tháng Hai, ngày sau thì đến lượt số còn lại trong đó một ít đi vào bằng thuyền. Lúc mới đến, quân số chỉ có phân nửa vì nửa kia bị kẹt vì đang lấy phép nghỉ Tết.”
Sau 7 ngày giao tranh ở Huế mà không có tiếp tế và viện binh, Tiểu Đoàn bị tổn thất hết phân nửa của tổng số 250 người.
Đêm nay ở khu bến tàu trời tối đen không có ánh trăng và mát lạnh, cảnh vật yên lặng, vẻ chết chóc thê lương nhưng rồi thì chúng tôi nghe tiếng đoàn tàu LCU đến, từng chiếc cập vào bến, các chiến xa nhanh chóng chạy lên bờ. Đ/úy Shepard báo cho BCH SĐ1 biết tàu đã đến, rồi trao cho Tr/úy trưởng đoàn Morrison tấm bản đồ chỉ nơi có cổng để vào doanh trại, đồng thời bảo anh ta chạy theo tôi. Morrison hỏi tôi:
“Anh có chắc cổng đủ lớn để xe tôi vào lọt không?” Tôi chỉ biết đáp là cứ tới đó rồi hay.
Các chiến xa nối đuôi theo xe tôi thẳng đến cổng thành Mang Cá, tất cả đều qua lọt vừa sít sao. Morrison được tiếp đón như một người hùng đi chinh phục miền đất mới; sau đó những chiến xa được bố trí ở các nơi quanh doanh trại.
Không đầy một giờ sau ĐĐ Alpha lại khởi hành để vào Mang Cá bằng LCU, nhờ đêm đen họ di hành đến nơi an toàn.
Tất cả chỉ có 5 chiến xa và một đại đội TQLC nhưng đối với Tướng Trưởng như vậy cũng như quăng cho người sắp chết đuối một cái phao. Tôi nhận thấy ông ta thở ra nhẹ nhỏm và hình như nơi ông có thoáng một nụ cười.
Nhìn vào bản đồ, Tướng Trưởng có đủ lí lẽ để tin tưởng rằng điều ông đang lo ngại nay đã qua. Gần hai đại đội TQLC Mỹ (Alpha 1/5 và 2 trung đội của ĐĐ Bravo 1/5) đã đến để thay thế cho 3 tiểu đoàn Dù NV ở mặt Nam, và 3 đơn vị TQLC NV đang trên đường đến để giải tỏa bớt gánh nặng ở hướng Tây cho Trung Đoàn 3 của ông đã quá mệt mỏi. Phân Đội 2/7 Kỵ Binh NV đến Thành Nội từ hôm 7 tháng Hai với 15 xe thiết giáp và 87 binh sĩ nay đang hoạt động ở khu vực quanh phi trường Tây Lộc, thay thế cho đơn vị chị em Phân Đội 3/7 mà tiềm năng suy giảm xuống chỉ còn 34 quân nhân và 3 thiết vận xa.
*
Mặc dầu hầu hết hoạt động ở vùng nam sông Hương đã giảm thiểu, hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ (1/1 và 2/5) vẫn còn bận rộn công tác tảo thanh và tuần tra khu vực. Hai đại đội của 1/1 (Alpha và Bravo) đã tái lập an ninh chung quanh MACV và bãi đổ hàng, họ còn giữ an ninh cho đoạn QL1 thẳng đến cầu An Cựu; cầu này bị địch phá sập hôm 4 tháng Hai nay đang được một đại đội công binh Mỹ sửa chữa. Địch ở vùng phụ cận thỉnh thoảng bắn qua quấy rối.
Đồng thời ba đại đội của Tiểu Đoàn 2/5 (Fox, Golf and Hotel) tiến quân về hướng Tây dọc theo hữu ngạn sông Hương lên sông đào An Cựu. Ngày 10 tháng Hai, tiểu đoàn được lệnh quay xuống hướng Nam và phá hủy hết bốn cây cầu bắc qua sông An Cựu để chận không cho địch đưa thêm viện binh vào thành phố từ mặt Tây Nam.
Công việc tuần tra và sửa chữa hai cây cầu còn lại ở sông An Cựu vẫn tiếp tục nhưng vùng Hữu Ngạn nói chung được chính thức tuyên bố là hoàn toàn an ninh.
No comments:
Post a Comment