Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (17) * Triệu Phong chuyển ngữ
CHƯƠNG MƯỜI HAI
Khởi đầu của sự kết thúc
Hành động gây áp lực thường xuyên của địch bắt đầu cho thấy có hiệu quả. Lực lượng của quân bạn mà tiêu biểu nhất là tiểu đoàn TQLC của Th/tá Thompson đang lâm vào tình trạng thiếu thốn nhiên liệu, chưa nói đến quân số, đạn dược và lương thực.
Thời tiết âm u và khả năng địch bắn sẻ thật chính xác làm giới hạn mọi sự tiếp tế và tải thương bằng trực thăng. Bãi đáp ở trong sân BTL SĐ1 BB NV đầy những thương binh và tù binh chờ được chở ra khỏi Thành Nội. Xe cộ xếp hàng chờ nhận đồ chuyển ra trận tiền. Ưu tiên dành cho những người bị thương nặng, còn những người ở cấp độ nhẹ hơn và những xác chết tạm để dọc theo bãi đáp. Hình ảnh ghê rợn nhất là mỗi khi trực thăng lên hoặc xuống, sức gió làm bật tung các tấm poncho lộ ra khuôn mặt của những xác chết.

Một chiến binh BV bị bắt làm tù binh. (tate.org.uk)
Trong sân BTL cũng đông đảo dân tị nạn và tù binh địch, cả hai đều phải trải qua một quá trình thẩm vấn thanh lọc. Sau đó người tị nạn được dồn vào hai trường học gần Mang Cá và họ tự túc lo dựng lều tạm trú mà sống trong khi tù binh thì bị bịt mắt, trói gô vào nhau và ngồi chồm hổm gần bãi đáp chờ được bốc đi đến nơi thẩm quyền cao hơn. Thỉnh thoảng binh sĩ quân đội Miền Nam đi ngang qua hoặc nhổ nước bọt hoặc chĩa súng hăm dọa hoặc gõ vào đầu các tù binh địch. Đám tù binh chỉ nín thinh không kêu ca, cam chịu những nhục hình và lời nguyền rủa, không than khóc, mà chỉ biểu tỏ một sự chai lì khiến binh sĩ Nam Việt lẫn Hoa Kỳ phải nguôi ngoai.
Một số tù binh che đầu bằng miếng vải bố. Họ mặc những chiếc áo thun rách bươm với quần cộc, chân thì hoặc mang dép râu hoặc đi chân đất. Tôi không thấy ai mặc binh phục, giầy trận hoặc nón cối. Họ như đám ma-cà-bông dơ dáy không có vẻ gì là một chiến binh thực thụ.
Nơi thẩm vấn là một tòa nhà nằm bên ngoài cao ốc chính; tôi có nghe kể ít nhiều câu chuyện về những gì xảy ra trong đó, thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng la hét từ bên trong vọng ra nhưng tận mắt thì tôi chưa hề chứng kiến gì cả.
*
Mãi cho đến ngày 17 tháng Hai Tướng Westmoreland cảm thấy mình đã từng mục kích và nghe quá đủ về Huế rồi. Ông đáp phi cơ đến Phú Bài để dự một phiên họp hội đồng chiến tranh với Tướng Cushman, tư lệnh TQLC. Vị tướng này hồi Đệ Nhị Thế Chiến từng được thưởng Huy Chương Chữ Thập của Hải Quân (Navy Cross) nhờ công trạng ở đảo Guam; nay đang nắm trong tay 100.000 quân gồm TQLC, lính bộ binh và hải quân ở Quân Khu I (I Corps), vậy mà cuộc giao tranh ở Huế vẫn chưa ngã ngũ. Tướng Westmoreland không ngớt chất vấn ông tướng Cushman mập phì với đôi kính dày cộm, rằng tại sao không tung ra một lực lượng đáng kể nào đó để dứt cho xong cái nợ Huế đi để bây giờ mới ra nông nổi.
Westmoreland, một lý thuyết gia của ngành Bộ Binh từ thời còn ở Trường Võ Bị Westpoint cho đến nay, không hề tỏ ra thông cảm hay hiểu tâm trạng của TQLC. Binh chủng này được tôi luyện với truyền thống tự hào hầu như tuyệt đối, đã phấn đấu thật vất vả để giữ được tính chất độc lập của mình so với các binh chủng khác. Cái gì kẻ khác làm được họ làm được khá hơn mà không cần một trợ lực nào từ bên ngoài. Đó là lí do tại sao một vài TQLC nòng cốt đã chống lại việc hai sư đoàn bộ binh di chuyển đến khu vực trách nhiệm của họ, kể cả sự thiết lập một MACV Tiền Phương.
TQLC tin tưởng sâu xa rằng điều gì do chính họ khởi sự thì sẽ do chính họ kết thúc. Chưa bao giờ có ai dám chỉ trích rằng một lực lượng TQLC nào đó đã không hoàn tất được hoặc sẽ không kết thúc được một công tác do chính họ khởi động. Làm khác đi tức là chấp nhận mình thất bại, mà từ ngữ này thì không có trong bộ từ vựng của binh chủng TQLC. Chính trạng thái tâm lý này đã khiến cho Tướng Westmoreland và các sĩ quan cao cấp khác của Lục Quân phải lắc đầu chán ngán.
Tướng Westmoreland lập tức chỉ định một tiểu đoàn thứ ba (1/7) thuộc SĐ1 Kỵ Binh và một tiểu đoàn (2/501) thuộc SĐ 101 Dù giúp sức để đóng ‘cánh cửa sau’ của Huế lại. Phải mất thêm bốn ngày nữa TQLC mới gom đủ quân để tăng viện cho lực lượng tơi tả của Th/tá Thompson ở Thành Nội.
*
Tướng Abrams thì không ngần ngại gì mà không đưa ra ý kiến của mình. Hôm 20 tháng Hai ông gọi điện cho Tướng Cushman cho hay rằng ông nhận thấy cái ‘giải pháp mà Cushman đang áp dụng ở Thành Nội là không thích hợp’. Ông cũng tỏ ra bất mãn về thành tích hoạt động của TQLC NV ở Thành Nội; lực lượng 2000 quân này không thực hiện được việc gì khả quan khiến Tướng Abrams phải đề nghị với Tổng Tham Mưu của quân đội Nam Việt phải thay thế họ bằng lực lượng nào chịu chiến đấu chứ không ù lì như vậy. Đồng thời quân TQLC Mỹ của Th/tá Thompson ở Thành Nội vẫn chậm chạp tiến quân với ĐĐ Delta bên tả, Bravo đi giữa và Charlie bên hữu, còn 1/5 thì đang tiến xuống dãy tường thành Đông Nam của Đại Nội, còn cách mục tiêu 3 khu phố. Oái oăm cho 1/5 là càng tiến gần đến nơi khu vực để càn quét địch quân họ lại càng không dám kêu tác xạ yểm trợ vì sợ trúng quân bạn. Rõ ràng là địch quân đang rút dần nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ có ý định muốn đầu hàng mà chỉ dùng chiến thuật đánh cầm chừng và thủ hậu. Đơn vị của Th/tá Thompson có vẻ muốn kiệt quệ vì cho đến ngày 17, TQLC đã cạn hết đạn cho xe tăng và đại bác không giật 106 mm; trong khi khẩu phần lương khô ration C chỉ còn đủ dùng cho một ngày nữa.
Qua ngày 18, Tướng Trưởng nhận thấy tình trạng khốn đốn của TQLC Mỹ 1/5 nên liền cử Tr/úy Huế cùng Đại Đội Hắc Báo giúp Th/tá Thompson giữ an ninh cánh phải dọc theo bờ tường Đại Nội. Tr/úy Huế còn được Tướng Trưởng bật đèn xanh cho phép đánh ập vào Đại Nội mỗi khi tình hình cho phép.
“Tôi yêu cầu Th/tá Thompson giúp phá một lỗ nơi bức tường để binh sĩ của tôi có thể xông vào tiêu diệt địch,” Tr/úy Huế nói. Sau đó Th/tá Thompson hội ý với Đ/tá Hughes nhưng ông này không chấp thuận lời thỉnh cầu của Tr/úy Huế.
“Tôi cho Th/tá Thompson biết là quân của tôi đã sẵn sàng hết rồi, chúng tôi sẽ lo hết mọi sự miễn sao ông ta giúp phá một lỗ tường để chúng tôi xông vào,” Tr/úy Huế nhiều năm sau kể lại. “Ông ta trả lời không thể làm được. Nhìn thấy lính của ông ta quá mệt mỏi nên tôi đề nghị tạm để chúng tôi đảm nhận trách nhiệm đánh tiên phong, điều này thì Th/tá Thompson đồng ý.”
Th/tá Thompson được lệnh phải nắm hết mọi cuộc hành quân trong khu vực trách nhiệm; có nghĩa là không cho phép một đơn vị nào khác dù là Mỹ hay Nam Việt cướp mất niềm vinh quang của binh chủng TQLC, đặc biệt là hiện có rất nhiều nhà báo đi theo tiểu đoàn để tường thuật về cuộc hành quân này.
TQLC Mỹ giao cho Tr/úy Huế thẩm vấn một tù binh họ bắt được, tuổi chỉ mới 16. Cậu nhóc tù binh cho Tr/úy Huế biết cậu bị quân CS bắt và giao cho một cây AK-47 từ ngày họ mới vào Huế. Đến ngày 13 tháng Hai cậu bị sai đi kiếm thực phẩm, nhưng thay vì làm theo lời, cậu lại đến trình diện thẳng với TQLC Mỹ để xin đầu hàng. Khi ĐĐ Hắc Báo chuyển hướng qua mặt thành Tây Bắc để phụ lực cho quân của Trung Đoàn 3 VN, Huế mang theo người tù binh trẻ. Cậu nhóc tì nói với một trung sĩ trung đội trưởng giao cho cậu hai quả lựu đạn cậu sẽ một mình tấn công địch để chứng minh cậu ta không phải là quân CS. Trước khi thực hiện ý định cậu bé nói với người trung sĩ rằng nếu không may mà cậu bị giết thì xin Tr/úy Huế cho mang xác cậu về với gia đình để chứng tỏ cậu không phải là quân địch. Cuối cùng thì ngược lại, cậu ta sống sót trở về không trầy da tróc vảy chút nào. Dẫu sao thì sao Tr/úy Huế vẫn không giao súng cho cậu ta mà chỉ giữ đó để sai vặt; tuy vậy vài ngày sau rồi ra Tr/úy Huế cũng trao cho cậu một cây súng trường M-16 và cậu tỏ ra là một tay súng cừ khôi.
*
Tr/sĩ Steve Berntson đúng ra là một văn sĩ hơn là một chiến sĩ mới phải. Trong chức vụ đặc phái viên cho TQLC anh đã có mặt tại Huế từ ngày đầu của cuộc giao tranh. Anh cùng bạn đồng sự là Tr/sĩ Dale Dye theo chân TQLC Mỹ 1/1 và 2/5 suốt một tuần rưỡi đi khắp các ngõ đường tang thương của vùng Hữu Ngạn sông Hương trước khi vào Thành Nội.
Nhờ được thụ huấn đào tạo thành quân nhân binh chủng TQLC nên khi hữu sự cả Dye lẫn Berntson đều sẵn sàng xếp bút nghiên để lo việc binh đao. Họ cũng như những nhà báo dân sự khác đã giúp tải thương các thương binh, chạy tới chạy lui trận tiền để tiếp tế đạn dược và thực phẩm. Nhiều lần họ chạy vào ngay cả vùng đang giao tranh ác liệt tên đạn tơi bời. Hôm 19 tháng Hai Berntson thoát lưỡi hái tử thần trong đường tơ kẻ tóc. Số là sau khi phụ giúp kéo được một binh sĩ TQLC bị thương trầm trọng ra khỏi nơi lửa đạn nguy hiểm anh bị trúng ngay một quả B40 và ngã lăn ra bất tỉnh. Đến khi tỉnh lại anh nếm thấy mùi máu đang ọc từ trên trán xuống; tứ chi bại liệt, anh cố sức cử động nhưng vẫn không nhúc nhích được; tuy bất khả động đậy nhưng anh vẫn nhìn thấy chung quanh. Anh nhận ra được những phóng viên nhà báo hiện diện lúc đó như Al Webb của hãng thông tấn UPI, David Greenway của tờ báo Time, và Charles Mohr của nhật báo New York Times. Cả ba đều đang xông xáo phụ giúp tải thương thì cũng bị nạn luôn; Webb bị mảnh đạn ghim vào cẳng và mắt cá chân; còn Berntson thì bị ở ngực và cả hai chân. Berntson vẫn tỉnh táo trong suốt thời gian được tải về trạm xá ở Mang Cá nhưng sau đó anh lại hôn mê. Anh hồi tỉnh khi các trợ y đang chuyển anh ra bãi đáp. Khi phi cơ trực thăng Sea Knight đáp xuống, gió mạnh của cánh quạt hất tấm poncho phủ lên che lấy mặt Berntson làm anh kinh hoảng vì sợ người ta sẽ lầm anh với những xác chết nằm chung quanh; khổ nỗi là anh không thể nhúc nhích được. Sau khi ngất đi lần thứ ba anh tỉnh dậy thấy mình đang nằm ở Phú Bài.
Mười hai năm sau Webb, Greenway, và Mohr được binh chủng TQLC trao tặng huy chương Ngôi Sao Đồng (Bronze Star), trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam họ là những người dân sự duy nhất nhận được vinh dự này của binh chủng TQLC. Berntson và Dye cũng được vinh dự tương tự.
*
Tính đến cuối ngày 20, sau sáu ngày kịch chiến, đơn vị 1/5 chịu tổn thất 47 chết và 240 bị thương, cộng thêm 60 nữa chỉ được băng bó rồi trở lại chiến đấu. Bốn đại đội mà quân số chỉ còn chưa đến 100 người trong mỗi đại đội. Chỉ riêng Đại Đội Alpha là đại đội duy nhất còn sĩ quan đó là Đ/úy đại đội trưởng Harrington. Ba trung đội của đại đội Bravo có cấp chỉ huy là hạ sĩ. Quân Mỹ phải ăn uống thiếu thốn trong suốt bốn ngày và tinh thần rất sa sút. Họ không có ai để trút bầu tâm sự. Thiếu tá Lục Quân Aloysius P. McGonigal vốn là cha tuyên úy Công Giáo của MACV đã tình nguyện đi theo tiểu đoàn của Th/tá Thompson khi đơn vị này được vận chuyển bằng đường sông vào Thành Nội hôm 12 tháng Hai. Ông bị mất tích hôm 17 và xác được tìm thấy ngày hôm sau trong một cao ốc gần trận tiền. Ông bị tử thương vì một mảnh đạn trúng sau gáy. Trong thời gian ngắn ngủi với TQLC ông đã kết bạn với nhiều người nên sự ra đi của ông để lại không ít niềm thương xót.
Có hơn hai chục nhà báo theo gót đơn vị 1/5 trong suốt thời kỳ này, cùng căng chiếu giữa trời, ngủ cạnh TQLC Mỹ ở trận tiền và được nghe kể lại nhiều chuyện hãi hùng. Vì nhiều nỗi niềm chồng chất nên lính Mỹ có dịp là tuôn ra hết làm mấy anh nhà báo tha hồ hí hoáy ghi chép và máy thu hình bấm lia lịa. Thật đáng kinh ngạc, cảnh đổ nát tang thương và hình ảnh chết chóc chung quanh không phải là nỗi niềm để than thở của họ. Lum khum sau đám nhà báo để lượm lặt những câu chuyện kể, tôi đã gom góp đầy được hơn hai cuốn tập. Một người lính phong trần tâm tình với một nhà báo như sau:
‘Bị bắn sẻ hay bị pháo kích tôi đều không ngán, nhưng đôi khi tôi cần một đôi phút yên tĩnh để đại tiện một cách thoải mái. Làm gì tôi có được một bữa ăn ngon lành. Khẩu phần sáng trưa chiều tối vẫn là lương khô ration C, ration C nguội lạnh. Thì giờ đâu mà hâm; mà có đốt lửa lên hâm là bị phê bình liền. Anh thích đậu lima lạnh hả, đây tôi đổi cho. Tôi mà được ra khỏi cái chỗ hắc ám này tôi sẽ tắm nước nóng, rước về một em thật hấp dẫn và ăn một miếng bít-tết dày cộm cho đã cơn thèm.’
Có người triết lý hơn:
‘Khác với lúc được huấn luyện, thực tế có bao giờ chúng tôi có cơ hội để tiêu diệt một mục tiêu. Địch đánh giặc theo kiểu vừa đánh vừa chạy trốn. Dĩ nhiên pháo binh yểm trợ có giết được một số nhưng vẫn còn bỏ sót nhiều. Có lúc chúng tôi dụ địch ra rồi bắn nhưng hầu hết chỉ bắn trúng nhà cửa hoặc các ô cửa sổ mà thôi, không thể nào biết được mình có giết được tên nào không. Chắc anh hiểu chúng tôi đang nghĩ thế nào trong trường hợp như vậy chứ? Chúng tôi được dạy để giết nhưng nào có dịp thấy họ sờ sờ trước mắt đâu. Quả tình tôi ganh tị với mấy người lính chuyên bắn sẻ. Có người tôi biết thuộc một đơn vị khác đã đạt thành tích hạ được năm mạng, phát nào phát nấy đều trúng ngay đầu cả. Trời ơi chắc hắn hả dạ lắm.’
Một người khác lại góp ý:
‘Anh có thể tưởng tượng địa ngục có khác hơn như vầy không? Không bao giờ có thể có một giấc ngủ ngon lành. Ban đêm chúng tôi tụ lại với nhau rồi tuần tự từng hai tên gát để cho đám còn lại ngủ; nhưng giấc ngủ đó chỉ là phù du thôi. Anh không thể không quên rằng anh đang nằm ở đâu mà có thể yên lòng để ngủ cho ngon lành được và anh dư biết bất cứ giờ phút nào địch cũng có thể tặng anh một trái cối vào bụng.’
Đúng như lời nhắc nhở, chúng tôi nghe tiếng súng cối ‘đề-pa’ từ hướng Đại Nội; lập tức mọi người giạt ra kiếm chổ núp. Chỉ một trái duy nhất rồi thôi. Chúng tôi đoán rằng địch chắc cũng đang đói đạn như mình.
*
Cổng thành và dãy tường gạch của Thành Nội sừng sững lạnh lùng in trên nền trời xám xịt và mù sương, gợi lại trong tâm trí người chiến binh hình ảnh ngôi pháo đài thời Trung Cổ. Một số người lính mắt đã quầng sâu trông như những bóng ma. Râu tóc họ đã lâu không xén tỉa, mặt mày bê bết bụi bặm, vôi vữa. Áo quần loang lổ mồ hôi lẫn vệt máu khô. Cũng với một bộ đồ đã mặc từ hai tuần lễ, đầu gối và cùi chỏ nay đều lộ ra ngoài.
Đây không phải chuyện kể về ma quái mà là chuyện của người thật.

Người lính TQLC Mỹ ngồi nép đạn ở một bờ tường trong cuộc hành quân hôm 18 tháng 2 ở nội thành. (USMarineCorps)
Quân TQLC được huấn luyện thành một lực lượng lưu động, lưỡng cư vừa ở trên cạn vừa ở nước; vậy mà nay thành con chuột chũi trốn chui trốn rúc. Họ trở nên thụ động, bất động như bầy chuột chui rúc trong đống đổ nát, vây quanh là những bức tường lỗ chỗ những lỗ đạn to oằm, những xe cộ cháy đen, những cây gãy cùng những cột đèn ngã nghiêng. Thần chết đến vỗ vào vai họ bất cứ lúc nào và không ai biết từ đâu đến mà đề phòng. Sự căng thẳng đến mức độ chẳng ai còn thèm màng tới nữa.
Các nhà báo và phóng viên truyền hình từng nhóm hai hoặc ba người lăng xăng di chuyển từ vị trí chiến đấu này qua vị trí khác để ghi nhận những câu chuyện kể và họ thu thập được vô vàn. Theo một cách nào đó sự hiện diện của báo chí là một điều tốt cho các chiến binh TQLC Hoa Kỳ vì đã giúp cho tâm trí họ trút đi được cơn ác mộng kinh hoàng đến mức không còn chịu đựng nỗi nữa. Nhà báo còn giúp làm cho nỗi căng thẳng thành những câu chuyện khôi hài khiến họ thấy nhẹ nhỏm hẳn đi. Để trả lời câu hỏi của một ký giả, một người lính đáp,
“Anh hỏi tôi đã từng thấy cái gì ghê rợn nhất hả? À, tôi thấy một tên địch bị đạn chém ngọt mất chiếc đầu. Chúng tôi đi tìm mãi mà vẫn không thấy cái đầu đâu cả. Làm sao mà anh lại để cho mất đầu của mình được chứ? Còn nữa tôi thấy một gã bị trúng đạn cối văng cao đến 6 thước. Khi trợ y đến khiêng anh đi tải thương thì chân anh đong đưa chỉ còn dính với thân mình bằng một tí thịt. Người trợ y móc ra cây kéo cắt rời miếng thịt đi rồi đặt bàn chân lên bụng của anh chàng. Anh ta không nói năng gì cả, chắc đã ngất đi rồi.”

Sắp tới ngày mãn hạn tham chiến ở VN nên phải bộc lộ nỗi niềm ra trên nón sắt: ‘Khoan đừng bắn, tôi sắp được về rồi.’ (USMC Archives)
Mùi hơi người là vấn đề điên đầu nhất đối với các chiến binh TQLC. Từ hôm vào Thành Nội họ chưa hề được tắm gội và cạo râu, cũng không ai có thừa một đôi vớ sạch để thay. Áo giáp bên ngoài làm áo trận dính sát vào người khiến mùi mồ hôi càng bí thêm.
“Thà chịu hôi chứ ở đây chúng tôi không thể rời áo giáp được,” một người lính tỉ tê với một nhà báo. “Thằng bạn của tôi bị trúng một mảnh pháo ngay ngực làm hắn bắn xa hơn 2 mét, kết quả hắn chỉ bị xây xát thôi, nếu không có áo giáp thì bộ ngực hắn chắc không còn.”
Nhiều binh sĩ viết tên hoặc khẩu hiệu lên nón sắt. Có người đeo dấu hiệu hòa bình hoặc những thứ trang sức linh tinh khác trên áo trận hoặc áo giáp. Bên trong nón sắt là nơi ưng ý nhất để giữ đồ riêng tư như thư từ, lịch ngày tháng kèm với mẩu bút chì để đánh dấu những ngày còn lại trước khi được về nước. Họ không quên đánh dấu mỗi ngày, có khi đến cả hai ba lần.
Những khẩu hiệu viết trên nón thịnh hành nhất như ‘Cầu nguyện cho Chiến Tranh’ (Pray for War), ‘Sinh ra để Giết’ (Born to Kill), ‘Say Cuộc Chiến’ (High on War), và ‘Cu tòn ten’ (Swinging Dick). Có câu có vẻ triết lý như ‘Sinh ra để mà Chết’ (Born to Die), ‘Sao lại Tôi?’ (Why Me?), hoặc là ‘Tôi tới Số rồi’ (Time Is on My Side). Có người diễn đạt ý tưởng theo lối chữ viết thường thấy kẽ trên tường như ‘Địa ngục Khốn Nạn’ (Hell Sucks). Một số tiêu cực với ‘Tầm nhìn chỉ 1000 mét’ (1000-yard stare), thấy việc ra khỏi Huế mà sống sót là điều vô vọng.

Mới qua VN chưa nóng đít đã ngồi đếm ngày về. Bây giờ tháng Hai, cuối tháng chín mới hy vọng được về nước. (Photo courtesy of USMC)
“Mày biết không, muốn ra khỏi đây chỉ có hai cách: một là trên băng ca hai là trong lớp poncho,” một người lính tâm sự với đồng đội. “bằng băng ca có lý hơn phải không mày.”
Một số quá mệt mỏi và chán ngấy mới ngồi nghĩ đến chỗ nào trên người thích hợp nhất để hủy hoại thân thể. Một vết thương không cần nặng lắm cũng đủ là giấy thông hành tốt để ra khỏi nơi hắc ám này, nhưng phải đủ trầm trọng một chút mới được tải thương bằng trực thăng. Nếu hơi nhẹ thì chỉ có băng bó qua loa rồi vẫn phải trở lại trận tiền.
“Cái giò coi bộ có lí nhất, không phải ở bàn chân mà có thể là bắp chân thì hơn.” Một gã đưa ý kiến. Bấy giờ có người ký giả nghe lóm được bèn lên tiếng:
“Tôi biết ở Khe Sanh có một anh chàng TQLC cũng từng làm như thế. Hắn tự bắn vào bàn chân; sau khi nghe người trợ y báo cáo về việc xảy ra lão già đại đội trưởng nổi giận bảo anh trợ y chỉ cho hắn một viên aspirin thôi. Bấy giờ vết thương mới bắt đầu hành hắn ta biến sang chứng thối hoại (gangrene), ăn lang dần đến đầu gối. Cuối cùng thì chân hắn bị cắt tới tận háng. Bây giờ hắn được về nước trên chiếc xe lăn, không ngớt chửi thề đã lỡ dại gia nhập binh chủng.”
Các anh chàng TQLC phần đông đều tuổi mới lớn nên há hốc ngồi nghe kể mà không biết chuyện có đáng tin hay không. Họ chưa kịp hỏi một lời thì mấy người ký giả đã dọt đi nơi khác.
Tuy nhiên hiếm mà có lời nào về các TQLC để có thể làm ngã lòng họ cả.
“Anh có biết tại sao tôi không sợ bị trúng đạn không? Tại vì trợ y của chúng tôi thuộc loại chiến nhất,” một người lính cho biết. “Họ làm đủ mọi cách để bạn không chết; TQLC cũng không bao giờ buông xuôi. Ngay hồi ở quân trường huấn luyện viên có nói TQLC mà chết là coi như vi phạm nội qui.”
Một số còn có cảm tưởng tích cực về sự tác chiến trong thành phố.
“Đánh ở thành phố được cái khô ráo hơn ở đồng ruộng,” một trung sĩ nói. “Mấy cao ốc che đạn được nhiều hơn, khi nào cần ngủ thì cứ kiếm nhà nào đó rồi vô ngủ đâu cần phải đào hố như ngoài ruộng.”
*
Thiếu tá Thompson suốt tuần lễ không chợp mắt được bao nhiêu, đang tới thời điểm suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Ông ta và cả tiểu đoàn kiệt quệ lắm rồi và có tin đồn ông sắp bị thuyên chuyển nhưng ông ta không mấy bận tâm.
Thật sự Tướng Cushman hôm 20 tháng Hai đã chính thức công bố tin bãi nhiệm này với báo chí. Tướng Cushman đã ra lệnh cho Đ/tá Hughes phải thải hồi Th/tá Thompson nhưng Đ/tá Hughes đáp lại rằng nếu làm vậy thì ông sẽ từ chức trước. Trước sự quyết liệt đó Tướng Cushman đành phải ôm hận nuốt lại lời. Thoạt đầu Thompson biết tin về sự sắp ra đi của mình qua bức thư của vợ, bà biết được qua báo chí địa phương.
Đ/tá Hughes từng nói với Th/tá Thompson ông sẽ can thiệp nếu có trở ngại gì với thượng cấp, và ông đã giữ lời.
“Điều đáng khâm phục về Đ/tá Hughes là ông đã làm vơi được áp lực đè lên tôi. Ông luôn luôn quan tâm đến từng chiến binh một, điều này không thấy nơi những sĩ quan khác trong binh chủng TQLC,” Th/tá Thompson nói.
Cuối cùng thì Thompson lại có thêm viện binh, đó là ĐĐ Lima thuộc Tiểu Đoàn 3 Trung Đoàn 5. TQLC quả quyết rằng lịch sử sẽ cho thấy Thành Nội được giải phóng khỏi tay địch là do công lao của thành phần thuộc Trung Đoàn 5 chứ không ai khác. Sau khi Lima đến, ĐĐ Bravo 1/5 bây giờ chỉ còn 61 mạng, được rút ra khỏi Thành Nội để dưỡng quân.
Được khích lệ về sự thay thế này, Th/tá Thompson ra lệnh mở một cuộc đột kích đêm vào ngày 20 tháng Hai; kết quả là lấy được nhiều tòa nhà cao tầng nằm hai bên lối ra vào cửa Thượng Tứ. Họ chỉ còn cách Kỳ Đài vỏn vẹn có 100 mét. Qua ngày hôm sau Th/tá Thompson bắt đầu đẩy mạnh cuộc tấn công cho quân tiến qua mặt hữu về hướng Đại Nội. Cùng lúc đó ở phía Tây thành phố ba tiểu đoàn Mỹ thuộc Trung Đoàn 1 Kỵ Binh và 1 tiểu đoàn khác thuộc SĐ 101 Dù quét sạch qua vùng BCH trung đoàn và tiếp tế của CSBV, từ từ bóp nghẽn đường thoát của địch. Hai ngày sau, tư lệnh quân CS ở Thành Nội nhận được lệnh cho phép lui quân khỏi thành phố.
Cùng tham gia vào cuộc hành quân ngày 21 còn có 2 tiểu đoàn BĐQ quân đội Miền Nam, họ được giao công tác quét sạch địch quân ở vùng Gia Hội nơi mà lâu nay vẫn được để yên. Hành động này giúp chấm dứt được sự quấy nhiễu của địch vào các chuyến vận chuyển bằng đường sông từ bãi đổ hàng ở khu Hữu Ngạn vào đến cửa sau thành Mang Cá.
Địch quân đang trên đà tháo chạy.

Hôm 21 tháng 2, các đơn vị Công Binh Chiến Đấu bắt đầu làm cầu phao đi bộ để tạm nối liền hai bờ, trong khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Thành Nội. (USMC Archives)
Về mặt chiến lược cuộc giao tranh ở Huế coi như đã kết thúc nhưng địch vẫn chưa muốn rút vội nếu không lưu lại những đổ nát, đau thương và chết chóc. Bộ phận an ninh của CS tăng cường nỗ lực lùa ra ngoài những công cán chính và quân nhân của chính quyền Miền Nam vẫn còn ẩn mình trong thành phố suốt cuộc giao tranh. Hằng trăm dân chúng đủ mọi lứa tuổi bị đưa đi học tập và không bao giờ trở về. Nhiều người khác bị hành quyết tại chỗ.
Sự kháng cự của địch hôm 22 vẫn ác liệt khi những thành phần còn lại đang dần dần rút ra khỏi khu vực bên trong và chung quanh Đại Nội, chuẩn bị cho một cuộc sống mái cuối cùng. Quân Đồng Minh đã có lương tâm tránh sử dụng vũ khí nặng bắn vào vùng Đại Nội, thế nhưng sau khi 3 xe tăng bị nốc-ao bởi B-40 từ trong Đại Nội bắn ra, luật chơi phải thay đổi.
Đối với chiến xa đại khí Ed Scott, ngày 22 tháng Hai là ngày dài nhất của cuộc chiến. Scott, con dân của New Milford, Connecticut, bắt đầu vòng công vụ thứ nhì ở Việt Nam tại Đà Nẵng từ hôm 31 tháng Giêng. Hôm 11 tháng Hai anh theo đoàn công voa 5 chiến xa được vận chuyển đến Thành Nội bằng tàu đổ bộ LCU. Cả 5 chiếc đã hoạt động liên tục trong suốt 2 tuần lễ. Cũng như mọi binh sĩ TQLC khác, anh quan tâm đến tiện ích cá nhân hơn kẻ thù.
“Họ chỉ lo cung cấp đầy đủ đạn dược mà quên nghĩ đến thực phẩm. Nhiều ngày chiến đấu tôi không có gì để lót lòng,” Sau này Scott kể lại. Rồi đến hôm 22 tháng Hai, chiến xa của anh bị trúng đạn trong khi đang hoạt động gần Đại Nội và anh được đưa đi bệnh viện. “Bất ngờ chúng tôi bị bắn trúng. Mãi tới bây giờ tôi cũng không biết địch bắn xe chúng tôi bằng vũ khí gì,” Scott tiếp.
“Tôi cam đoan đây không phải là loại vũ khí cầm tay. Loại đạn này đi xuyên qua hơn một tấc thép. Phát đạn trúng vào pháo tháp rồi xuyên vào xe ở chỗ trợ thủ nạp đạn; người này và xa trưởng bị thiệt mạng, còn tôi thì bị thương. Mảnh đạn bắn ra tứ tung gây hư hại toàn thể bộ phận liên lạc vô tuyến và phát hỏa. Khói dày đặc không thể nhìn thấy được gì cả. Tôi bị mấy xác chết đè lên không thoát ra khỏi vị trí được vì trong khoang xe rất chật hẹp. Tài xế xe không hề hấn gì vì anh ta ngồi trong phòng lái riêng biệt. Anh ta liền đưa chúng tôi ra khỏi vùng nguy hiểm thẳng đến trạm cấp cứu.”
Thế rồi lần đầu tiên trong trận giao tranh giành lại Huế phi cơ được gọi đến oanh kích vùng Đại Nội. Trong lần thả bom này một phi cơ Skyraider bị bắn rơi nhưng viên phi công được cứu thoát.
ĐĐ Lima mới đến sau một ngày làm quen với tác chiến trong thành phố nay bắt đầu mở mũi tiến công, họ chỉ còn cách Hoàng Cung một khu nhà. Ở phần phía tây Thành Nội, TQLC NV thọc mạnh đến gần cửa Hữu một con phố, đây là cửa ngỏ quan trọng địch dùng để ra vào Thành Nội kể từ ngày đầu cuộc chiến.
Ngày 23 tháng Hai với chiến thắng đã gần kề thì Th/tá Thompson và sĩ quan điều hành của ông suýt mất mạng để không được nhìn thấy niềm kiêu hãnh đó. Một chiến xa M-48 trong khi mất định hướng đã vô tình bắn một trái tạc đạn vào bộ chỉ huy tiểu đoàn. May mắn thay cả hai đều thoát hiểm nhưng phải ăn một trận mưa vôi vữa no nê.
Đó không phải là lần đầu tiên mà quân TQLC bị ăn đạn của phe mình bắn nhầm phe ta. Vào thời gian đầu của trận đánh ở Thành Nội một chiếc Ontos đã bắn một loạt 106 mm vào một tòa nhà hai tầng do quân Mỹ chiếm giữ, căn nhà sụp đổ hoàn toàn nhưng may là không ai bị mất mạng.

Một đơn vị Dù NV vừa được trực thăng Chinook CH-46 của TQLC Mỹ thả xuống BTL SĐ 1 hôm 23 tháng 2. (wiki2.org)
Cuộc kháng cự cuối cùng của địch xảy ra hôm 23 tháng Hai khi quân BV tấn công bằng hỏa tiễn và súng cối vào Trung Đoàn 3 quân đội Miền Nam gần khu thành Tây Bắc. BCH trung đoàn bị trúng ngay một quả đạn cối nhưng không bị thương vong nào. Cuộc tấn công tỏ ra là một cử chỉ chia tay đồng thời để che chở cho một cuộc triệt thoái của địch quân.
*
Lời truyền miệng lan nhanh về kế hoạch một cuộc tấn công vào Kỳ Đài và Đại Nội dự trù diễn ra trong ngày hôm sau. Như đã dự tính trước, quân NV sẽ đảm nhiệm công tác chiếm lại hai di tích lịch sử này. Tướng Trưởng mời tôi đi theo cuộc tấn công đánh chiếm Kỳ Đài nhưng vì một lí do nào đó tôi đã từ chối để rồi sau này tôi cứ ân hận mãi.
Hai đơn vị NV trong suốt hai tuần lễ vốn chịu sự phàn nàn của Th/tá Thompson là Tiểu Đoàn 2 Dù và Trung Đoàn 3 Bộ Binh nay được cho cơ hội đánh chiếm địa điểm Kỳ Đài ít phòng thủ vào lúc 5 giờ sáng ngày 24 tháng Hai. Lá cờ khổng lồ của MTGP từng bay phất phới trong suốt 25 ngày cuối cùng bị hạ xuống, cờ vàng với những sọc đỏ được kéo lên thay thế. Binh sĩ Miền Nam tụ tập dưới chân cột reo hò chiến thắng.

Binh sĩ thuộc Đại Đội 212 Trung Đoàn 3 Miền Nam đang chuẩn bị kéo lá cờ Nam Việt lên kỳ đài Phu Văn Lâu sau khi mới tái chiếm lại lúc rạng sáng ngày 24 tháng Hai. (Photo courtesy of Col. Talman C Binlcl II, USMC (Ret))
Việc tái chiếm Đại Nội được giao cho viên sĩ quan mới được thăng chức Đ/úy Huế và Đại Đội Hắc Báo của anh. Sau một loạt trọng pháo ngắn ngủi, quân Hắc Báo tràn vào Đại Nội và chỉ gặp một vài kháng cự lẻ tẻ. Họ tìm thấy 64 xác địch quân có thể bị thiệt mạng do trọng pháo. Địch để lại một két súng trường cùng đạn dược, ngoài ra còn thấy một phần xác ngựa và chó có lẽ bị giết để lấy thịt.
Đến 6 giờ chiều mọi cuộc kháng cự của địch ở Thành Nội kể như chấm dứt.

Quân NV thượng cờ trên tháp cửa Thượng Tứ sau ngày mới tái chiếm. (ArchivesBranch.MarineCorps)

Cửa Thượng Tứ vào giờ phút tuyên bố chiến dịch giải vây Huế chính thức hoàn tất. (Photo by Pfc John Walker, US Army)

Xạ thủ Roger Yagle vác cây đại liên M-60 từ cửa Thượng Tứ đi ra trên đường Trần Hưng Đạo, về hướng cầu Tràng Tiền hôm đầu tháng 3.68. (MarineCorps.Archives)

Dân chúng đi trên cầu Gia Hội về hướng chợ Đông Ba, né qua một xác chết nằm giữa đường. (ArchivesBranch.MarineCorps)

Đường Trần Hưng Đạo đoạn gần chân cầu Gia Hội. (ArchivesBranch.MarineCorps)

Đường Phan Bội Châu gạch ngói ngổn ngang, chỉ có thể tạm đi bằng bộ. (USMC)
Bên ngoài Thành Nội về hướng Tây, thành phần của Lữ Đoàn 3 thuộc Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ tiếp tục phá hủy các bộ chỉ huy thuộc trung đoàn địch ở La Chữ. Trong khi đơn vị 1/7 Kỵ Binh ở lại để thu lượm xác chết và tiêu diệt các ổ kháng cự nhỏ thì ba tiểu đoàn 5/7 và 2/12 Kỵ Binh cùng 2/501 Dù tiếp tục tiến quân về phía Đông hướng thành phố Huế và phía Nam của sông Hương. Họ gặp sự đụng độ ác liệt với địch quân đang trên đường tháo lui.
Trong khi quân của SĐ1 Kỵ Binh tiến quân về hướng Huế từ phía Tây và giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở Thành Nội, việc định vị chính xác cho pháo binh trở nên đáng lưu tâm đặc biệt.
Ngày 21 tháng Hai, Chuẩn Tướng Oscar E. Davis một trong hai phụ tá cao cấp cho Sư Đoàn Trưởng SĐ1 Kỵ Binh đã bay vào Thành Nội để trở thành điều hợp viên hỏa lực tác xạ cho chiến trường ở khu vực này. Ông còn kiêm nhiệm quyền chỉ huy hành quân tổng quát, quả là một quyết định được đưa ra quá ư muộn màng. Trước khi Chuẩn Tướng Davis đến nhận quyền chỉ huy, các lực lượng Đồng Minh đều hành động riêng lẽ. TQLC Mỹ nhận lệnh từ Lực Lượng Đặc Nhiệm X-Ray (X-Ray Task Force), quân đội Miền Nam nhận lệnh của Tướng Trưởng, trong khi Lục Quân Mỹ hành quân ở phía Tây Huế tự hoạt động theo ý mình.
Sự thiếu vắng một vị tướng chỉ huy tổng quát có nghĩa là không có một kế hoạch chung để tái chiếm Huế, không có ai để định đoạt quyền ưu tiên cho một đơn vị nào, và không ai nhận trách nhiệm lỡ khi bị một thất bại nào đó. Cũng không có một hệ thống tổng quát để bảo đảm việc phân phối tiếp liệu được hợp tình hợp lý. TQLC lẫn Lục Quân phải tự lo cho chính đơn vị mình, kế đến là quân đội Miền Nam thì không được gì cả.
Oái oăm thay, đến lúc Tướng Davis vào Huế để nắm quyền chỉ huy thì chẳng còn gì cần để mà điều phối.
*
Ngày 22 tháng Hai, hai Tiểu Đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân VN trong tổng số 2/3 lực lượng phản công của Quân Đoàn I đến Huế và được điều đến vùng Gia Hội thuộc mặt Đông thành phố. BĐQ mở cuộc hành quân càn quyét trong ba ngày và chỉ gặp kháng cự lẻ tẻ.
Ở phía Tây ngoài thành phố Huế, giao tranh vẫn còn ác liệt, ĐĐ B thuộc Tiểu Đoàn 5/7 Kỵ Binh được tăng cường bởi một trung đội Thiết Kỵ hôm 23 tháng Hai đã mở một cuộc càn quét ở khu vực ngay phía bắc Huế và ngày hôm sau họ tiếp cận với Thành Nội. Các đơn vị Kỵ Binh khác cùng đơn vị 2/501 Dù đẩy mạnh về phía Nam rồi xoay qua hướng Đông. Riêng 2/501 Dù đã chiếm được một cây cầu quan trọng bắc qua sông Sau (?) cách thành phố Huế 3 cây số về hướng Tây; còn 2/12 thì khám phá được một cơ sở bệnh viện quan trọng nằm gần cây cầu.
Lữ Đoàn 1 thuộc SĐ 101 Dù Hoa Kỳ được tung ra để mở cuộc hành quân vào những ngày cuối cùng hầu chặn đường thoát của địch từ thành phố về phía Nam. Trong hai tuần kế tiếp quân Dù phối hợp với thành phần còn lại của TQLC để càn quét địch vùng phía Nam thành phố. Đến bấy giờ ngoại trừ một số ít lẻ tẻ thì hầu hết quân CS đã cao chạy xa bay từ lâu.
Cuộc hành quân Operation Hue City được chính thức chấm dứt lúc nửa đêm ngày 2 tháng Ba.

Bản đồ tham khảo về những trận đánh tái chiếm cố đô. (1) Quốc Lộ số 1, Phú Bài cách điểm này chừng 12 km. (2) & (3) Hai đầu cầu An Cựu nơi một trung đội TQLC phải đi vòng sau khi cầu này bị giật sập. (4) Đoạn đường 600 m băng qua đồng Ông Cộ. (5) Cơ quan MACV. (6) Sân Vận Động Tự Do. (7) Bãi trực thăng và bãi tàu đổ bộ. (8) Eo Bãi Dâu nơi tìm thấy mồ chôn tập thể và nơi tàu LCU thường hay bị tấn công. (9) Nơi tàu LCU ghé để vào Mang Cá tức BTL SĐ1. (10) Cửa Hậu. (11) Mang Cá Lớn hay BTL SĐ 1 BB. (12) Nơi ĐĐ Alpha lần đầu tiên đụng độ địch tại Thành Nội. (13) Lằn Tuyến Xanh (Phase Line Green) tức đường Mai Thúc Loan nơi giao tranh bắt đầu diễn ra vào ngày 13 tháng 2. (14) Cửa Đông Ba. (15) Đại Nội. (16) Cửa Thượng Tứ, sau khi chiếm được Tiểu Đoàn 1/5 TQLC Mỹ rút ra khỏi Thành Nội ở cửa này. (17) Ngày 27 tháng 2, đây là nơi quân Mỹ rút về bên kia sông bằng tàu LCU. (Cầu Trường Tiền lúc ấy đã sập rồi.) (Map copied from the book)
No comments:
Post a Comment