Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (18) * Triệu Phong chuyển ngữ
CHƯƠNG MƯỜI BA
Điểm son cho quân đội Miền Nam
Hầu hết các sử gia đương thời đều muốn dành trọn công lao tái chiếm Huế cho TQLC Hoa Kỳ, trong khi chỉ ghi nhận thành tích nhỏ nhoi cho các đơn vị Mỹ khác như SĐ1 Kỵ Binh, SĐ101 Dù, và đặc biệt hơn nữa là quân đội Miền Nam. Sự thật cho thấy nhận định như thế không những quá sơ sài mà còn hoàn toàn sai lạc nữa.
Hiển nhiên là hai Tiểu Đoàn 1 và 5 TQLC Hoa Kỳ với đầy đủ trang bị vũ khí nặng đã có khả năng khởi động một cuộc tấn công vốn đã bị trì trệ kể từ khi họ bắt đầu đặt chân vào Thành Nội hôm 11 tháng Hai. Tuy thế trong một bối cảnh chung của cuộc giao tranh kéo dài 26 ngày đó, sự thành công của TQLC Mỹ sẽ không thể thực hiện được nếu không có công sức đóng góp của lực lượng Kỵ Binh và Dù 101 Hoa Kỳ cũng như quân đội Nam Việt Nam. Hai đơn vị Mỹ này đã giúp làm vơi áp lực đè nặng lên quân TQLC tuy rằng không là bao, trong khi quân Nam Việt có công diệt địch nhiều nhất và cũng phải chịu tổn thất nặng nề nhất ở một số khu vực gay go nhất trong Thành Nội.
Theo lời Đ/úy TQLC Jim Coolican cố vấn quân sự cho Đại Đội Hắc Báo tinh nhuệ thì sự đóng góp của quân đội Miền Nam đã hoàn toàn không được nhắc đến trong khi đa số chỉ nhắm vào hoạt động của TQLC Mỹ mà thôi.
“Tường thuật và sách vở viết về trận chiến này đã phóng đại quá đáng về vai trò của quân TQLC Mỹ trong khi đã đánh giá thấp công lao của quân đội Nam Việt,” Coolican phát biểu, anh là người đã được trao tặng huân chương Chữ Thập của Hải Quân Hoa Kỳ do đã góp công cho công cuộc tái chiếm Huế.
Trước khi TQLC Mỹ vào Thành Nội hôm 11 tháng Hai, có rất ít nhà báo bỏ công vào đây để chứng kiến những gì đã và đang xảy ra. Một số ít ỏi đã từng mạo hiểm vào đó chỉ chụp qua loa vài tấm hình rồi rút về ngay. Rõ ràng là báo chí không hề theo chân một đơn vị quân đội Miền Nam đang hành quân nào cả và cũng không hề phỏng vấn một cố vấn quân sự Mỹ nào đi theo cùng những đơn vị ấy. Các tác giả viết sách hoặc bài ký sự sau cuộc hành quân (follow-up stories) đều dựa theo các bản báo cáo tường trình hành quân do binh chủng TQLC Hoa Kỳ biên soạn.
“Vào tuần đầu tiên ở Thành Nội, lần đầu tiên tôi thấy sự hiện diện của một nhà báo là khi chúng tôi vừa tái chiếm xong phi trường Tây Lộc,” Đ/úy Jack Chase cố vấn cho Tiểu Đoàn 3/7 Kỵ Binh quân đội Miền Nam kể. “Một xe quân sự tới để thu dọn xác các quân nhân phe bạn thì tôi thấy một phóng viên Thông Tấn Xã AP ngồi ở phía sau. Anh ta ngồi trên xe và chỉ vội vàng chụp vài tấm chứ chưa hề nhảy xuống đất. Không lạ gì người Mỹ cứ tưởng TQLC Hoa Kỳ chiến đấu một mình.”
*
Thành thật mà nói binh sĩ Miền Nam VN khi được lãnh đạo đúng mức họ có thể hơn cả TQLC Mỹ về tác chiến trong thành phố, ở Thành Nội là một thí dụ cụ thể. Nhờ nhỏ con họ ít dễ làm mục tiêu cho địch hơn và dễ chui rúc kiếm chổ ẩn nấp từ các đống đổ nát. Lính NV di chuyển nhanh hơn vì họ trang bị ít. Tinh thần chiến đấu họ cao vì đối với đa số binh sĩ, Huế là nhà của họ.

Hình ảnh một quân nhân Nam Việt chết trong hố cá nhân. Số vỏ đạn vung vãi trên miệng hố và dưới đất cao đến đầu gốI là một minh chứng hùng hồn cho thấy người lính này đã liên tục chiến đấu cho đến khi bị bắn gục. FOUGHT TILL THE END – A Vietnamese machine gunner lies dead in his foxhole with hundreds of shells surrounding him. The knee-deep spent shells are silent proof that he fought to his death when Viet Cong overran his position at the Michelin Rubber Plantation, 45 miles northwest of Saigon. The battleground was retaken today and over a hundred corpses recovered. (AP Wire Photo Nov 1965)
Quân Nam Việt hiểu rành địa thế và tâm lý địch quân hơn lính Mỹ. Một khi được lãnh đạo tốt họ sẵn sàng đương đầu và chết cho những gì họ rất trân quí. Họ được thêm điểm tốt là dày dạn kinh nghiệm vì họ đã từng chiến đấu lâu năm. Trong khi quân Mỹ đếm từng ngày chờ lúc mãn công vụ để về nước thì quân NV ngầm hiểu rằng họ sẽ còn ở lại quân ngũ suốt đời.
“Người đại đội trưởng của đơn vị tôi đang cố vấn có thừa khả năng để nắm chỉ huy một đại đội Mỹ không kém gì chúng ta. Anh ta và các binh sĩ trong đơn vị đều là những quân nhân cừ khôi,” phát biểu của Đ/úy Ty Cobb cố vấn cho Tiểu Đoàn 2 Dù quân đội VN.
Đ/úy James Zimmerman cố vấn cho Tiểu Đoàn 2/7 Kỵ Binh NV cho rằng đơn vị anh cừ đến nổi họ có thể đối đầu với bất cứ đơn vị của bất cứ quốc gia nào. Được thành lập từ tháng Giêng 1965, Tiểu Đoàn 2/7 trong ba năm đã sáu lần được trao tặng huy chương Anh Dũng Bội Tinh dành cho toàn đơn vị khiến họ trở thành đơn vị có nhiều chiến công nhất nước.
“Trước Tết đơn vị chúng tôi không hề có lệnh báo động mà thực sự chúng tôi cần gì có lệnh đó,” Zimmerman nói. “Chỉ cần thông báo lần thứ hai là chúng tôi đã lăn bánh rồi.”
Vậy mà quân nhân NV đặc biệt là hàng sĩ quan cao cấp vẫn thường xuyên bị quân Mỹ cũng như báo chí bôi nhọ. Đ/tá Lục Quân David Hackworth một trong những quân nhân Mỹ được trao tặng huy chương cao quí nhất, cũng là tác giả của cuốn sách được hoan nghênh About Face, thay mặt cho đồng đội, đã phát biểu trong một bức thư gởi cho người bạn vào năm 1970. Hackworth, người từng tham chiến ở Việt Nam trong hai đợt công vụ, cho rằng quân lực Miền Nam không thể nào tự mình bảo vệ xứ sở được.
“Từng cá nhân mà nói thì binh sĩ Miền Nam có năng suất chiến đấu cao tuyệt. Nhưng để có được đức tính đó họ cần người lãnh đạo tốt, đó mới là điều khó kiếm,” Hackworth viết. “Người Việt Nam không chịu sản xuất ra người lãnh đạo. Đó là bản chất xã hội (sociological makeup) của họ nó như vậy. Khi còn là cấp sĩ quan trẻ, họ rụt rè không dám quyết định; đến khi già hơn, phẩm trật cao hơn, bắt đầu đòi hỏi lạc thú trong thụ hưởng như nhà cao cửa rộng, đồng hồ Rolex, nhiều bà, kiếm xe gắn máy Honda cho các quí tử con, xe hơi Toyota cho quí tử lớn hơn. Để có những thứ xa hoa này họ phải chạy cho có. Bằng cách nào? Ăn cắp. Đầu óc chỉ lo nghĩ đến chuyện ăn cắp làm sao mà có thì giờ lo chiến tranh. Một người sau khi đã tích lũy tương đối đầy đủ những nhu cầu vật chất mong cầu rồi thì hỏi thử xem còn ai thật sự muốn chiến đấu?”
Trong trận đánh Tết Mậu Thân Đ/tá Hackworth không hề đến Huế mà cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm nào đối với SĐ1 Bộ Binh. Mặc dù lời bình phẩm của ông có thể đúng với các đơn vị khác của quân đội Miền Nam nhưng chưa hẳn là thích hợp với những lực lượng chiến đấu Nam Việt ở Huế.
Bất hạnh thay TQLC Mỹ chiến đấu ở Huế vẫn mang ý nghĩ rập khuôn đó dành cho tất cả lực lượng quân đội Miền Nam, đã vơ đũa cả nắm khi coi SĐ1 BB với các đơn vị khác như cá mè một lứa. Một trong những lời kết tội sơ đẳng nhất phát ra từ cửa miệng của Th/tá Thompson, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1/5 TQLC Hoa Kỳ, có lẽ do quá mệt mỏi vì chiến đấu nên sau cuộc giao tranh đã có lời bình phẩm như sau với báo chí.
“Các báo cáo của Cơ Quan Cố Vấn Quân Sự MACV sẽ ghi nhận rằng quân đội Miền Nam nhờ sự giúp sức của TĐ 1/5 TQLC Hoa Kỳ mới tái chiếm được Thành Nội,” Thompson phát biểu trong buổi họp báo đầu tiên và duy nhất sau khi chiến dịch Huế chấm dứt. “Chính Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 5 TQLC là đơn vị duy nhất đã lấy lại được Thành Nội, quân đội Miền Nam chỉ là kẻ bàng quang không hơn không kém.”
Nhiều cố vấn Mỹ của các đơn vị VN ở Huế đã mạnh mẽ phản đối Th/tá Thompson thái độ ôm trọn gói một mình và công khai chỉ trích sự thiếu công bằng khi phủ nhận công lao của quân đội Miền Nam ở nhiều nơi trong nước. Ví dụ như người Mỹ ưa mỉa mai rằng nếu anh đi đâu mà thấy có lính Miền Nam thì anh cứ yên tâm là ở đó an ninh không có Việt Cộng vì ai cũng biết là lính Miền Nam thấy VC đâu là chạy đó.
“Tôi không nói thay cho những đơn vị khác nhưng chính tôi, tôi chưa hề thấy một người lính nào hay một đơn vị nào bỏ hàng ngũ mà chạy trừ khi cố vấn của họ chạy trước,” Đ/úy Chase nói. “Tôi nói cho các anh biết là tôi đã học nhiều nơi họ cách thức chiến đấu hơn là họ đã học được từ tôi.”
Lời đánh giá kể trên của Đ/úy Chase về tinh thần chiến đấu của quân đội Miền Nam cũng phản ảnh y hệt như các cố vấn Mỹ khác mà tôi từng được tiếp xúc. Hầu hết các cố vấn quân sự làm việc với các đơn vị thuộc SĐ1 NV, thật ra họ chỉ hiện diện cho có danh mà thôi.
“Chúng tôi chỉ hiện diện như là những sĩ quan chuyên lo định vị tọa độ cho hỏa lực tác xạ yểm trợ và phụ trách liên lạc giữa các ngành,” Đ/úy Chuck Jackson cố vấn trưởng cho Tiểu Đoàn 7 Dù VN nói. Các cố vấn chỉ lo nhiệm vụ xin tiếp liệu một cách ‘không chính thức’ vì quân đội NV gặp khó khăn trong hệ thống phân phối của họ. Trong nhiều trường hợp chứ không hẳn là mọi khi, người cố vấn chỉ cùng hợp tác thảo luận vấn đề chiến thuật chứ không phải là người quyết định.
“Nếu anh gây được ấn tượng tốt với kẻ đồng sự thì anh sẽ thành cộng sự viên tin cẩn của họ,” Jackson nói. “Khi đã đánh mất niềm tin hay không biết tạo nên niềm tin ấy anh sẽ trở nên thụ động, không hơn không kém anh chỉ còn là một chuyên viên liên lạc vô tuyến hay chỉ là một trung tâm để người ta đến nhờ gọi xin yểm trợ tác xạ.”
Đã từng chứng kiến những cuộc giao tranh ở hai bên bờ sông Hương, theo tôi địch ở Thành Nội kháng cự ác liệt hơn cả, đặc biệt là ở khu vực Tây và Tây Nam của Thành Nội nơi quân đội NV được giao phó trách nhiệm. Khu vực hành quân đó gần với đường tiếp tế và tổng hành dinh của địch. Các đơn vị quân đội Miền Nam khác với TQLC Mỹ, không có những trang bị vũ khí nặng đặc biệt là chiến xa và đại bác không giật 106 ly, lại phải luôn đương đầu với viện quân của địch đều đặn trong suốt 3 tuần lễ. Tất cả bốn tiểu đoàn tăng viện của địch từ Khe Sanh và Vùng Phi Quân Sự thâm nhập vào Huế đều qua khu vực phía Tây Thành Nội để thay thế cho những đơn vị đã bị đánh tơi tả, hoặc hiện diện với tính cách trừ bị. Một tiểu đoàn trừ bị thứ năm được dùng để bổ sung cho các lực lượng hoạt động trong Đại Nội.
Trong khi có thể có vài đơn vị quân Miền Nam, đặc biệt là TQLC không thể so sánh được với tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ nhưng không thể đánh giá họ thấp như lời của Th/tá Thompson đã phát biểu bừa bãi, rằng trong trận đánh Huế quân đội NV chỉ là kẻ bàng quang. Sự thật ngược lại là khác.
Trong một cuộc phỏng vấn 29 năm sau Thompson vẫn khư khư giữ lời tuyên bố cho rằng quân đội NV chỉ là ‘kẻ bàng quang’ trong cuộc tái chiếm Thành Nội, trừ một vài ngoại lệ.
“Đầu tiên tôi muốn nói Tướng Trưởng là một cấp chỉ huy tuyệt vời. Ông thỏa mãn mọi yêu cầu của tôi,” Thompson nói. “Ông là người giỏi và tôi rất khâm phục ông ta. Nhưng ông ta không thuyết phục được các tiểu đoàn trưởng của ông phải chiến đấu.”
Thompson chưa hề thấy quân Dù của quân đội Miền Nam chiến đấu như thế nào bởi vì khi TQLC Mỹ đến thì họ đã rút đi rồi.
Về những đơn vị quân Nam Việt ông ta từng liên hệ trực tiếp thì ông ngợi khen Đại Đội Hắc Báo của Đ/úy Huế và Đại Đội Thám Báo của Tr/úy Tân nhưng không có lời khen về các đơn vị nào khác.
“Đại Úy Huế là một quân nhân tuyệt diệu kể cả cố vấn của anh ta là Đ/úy Coolican. Cả hai đều hết sẩy,” Thompson nói. Nhưng về các đơn vị NV khác như TQLC, Tiểu Đoàn 2 Dù thuộc Trung Đoàn 3 là những đơn vị được giao nhiệm vụ giữ an ninh mạn sườn và hậu vệ cho đơn vị của ông thì ông ta bình phẩm thật lỗ mãng và cay độc.
“TQLC NV chả đánh đấm gì ráo, còn Dù 2/3 thì hoàn toàn vô dụng. Tiểu Đoàn Trưởng Dù là một tên vô tích sự,” Thompson tiếp.
*
Thật ra nhiều đơn vị NV đã chiến đấu rất ngoạn mục nhưng nổi bật nhất vẫn là lực lượng xung kích của SĐ1: Đại Đội Hắc Báo, quân trú phòng bảo vệ Thành Nội. Cấp chỉ huy của nó là Đ/úy Huế, một nhân vật truyền kỳ, đã trở thành quân nhân được trao tặng nhiều huy chương nhất trong lịch sử Việt Nam. Nếu cần tìm một người đáng được khen thưởng công lao đã ngăn cản địch quân khỏi tràn ngập toàn bộ Thành Nội thì phải nói đó là Huế, người thanh niên 26 tuổi năng động và quả cảm.
Huế được cha mẹ ban cho cái tên của thành phố nơi anh chào đời. (Theo truyền thống của người Việt Nam, họ đi trước, tên theo sau). Anh được gắn cấp bậc thiếu úy sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt năm 1963 và về phục vụ đơn vị Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 3 thuộc SĐ 1 Bộ Binh. Năm 1967 anh nắm quyền chỉ huy đại đội lừng danh Hắc Báo 250 người. Cao to hơn mọi người Việt khác, anh có một khuôn mặt tròn trịa khiến nụ cười của anh càng nổi bật thêm. Đằng sau nụ cười của khuôn mặt nhi đồng ấy lại bẩm sinh là một nhà chỉ huy quân sự. Được các cố vấn gọi tên là ‘Harry’, Huế là khuôn mặt quen thuộc đối với TQLC Mỹ ở cả vùng Phi Quân Sự lẫn Phú Bài. Với tính tình cởi mở và óc khôi hài nên anh dễ dàng chinh phục được cảm tình của quân nhân binh chủng TQLC Hoa Kỳ.
Chỉ vài hôm trước Tết, trong bộ đồ beo và nón bê-rê, Huế lái xe Jeep xuống Phú Bài để thu góp quân dụng như súng M-72, áo giáp, mìn chống biển người Claymore. Vũ khí ưng ý của anh là súng trường SKS 7,62 mm thu được của địch. Huế nói. “TQLC Mỹ không cần đến AK-47 vì họ mang theo về nước không được.”
Chỉ đôi ba tháng trước Tết, đại đội anh vừa được cấp phát M-16, nhưng anh thực sự cần thứ vũ khí có thể chống lại súng bắn hỏa tiển B-40 mà quân CSBV được trang bị. Khẩu LAAWs tức M-72 chính là thứ vũ khí mà anh đang cần, anh cũng biết TQLC Mỹ cũng săn lùng vũ khí và đồ linh tinh thu được của CS.

Trần Ngọc Huế và đồng đội thuộc Đại Đội Hắc Báo. (LowellMilkenCenter.org)
Quân Hắc Báo có phù hiệu riêng là hình một con báo đang nhe nanh mà họ mang trên túi trái của bộ đồ beo và cả trên nón bê-rê. Họ là chuyên viên về hành quân lưu động bằng không vận và được huấn luyện để có thể xuất quân cấp thời. Đơn vị trưởng họ chính là Huế, một thanh niên nhanh nhẹn và đầy nhiệt huyết. Anh không có lòng trắc ẩn đối với quân thù và nếu có lầm lỡ anh cũng không hề nao núng. Đối với anh các thuộc cấp không bao giờ từ nan mà không làm theo lời anh yêu cầu.

James Coolican lúc nghỉ hưu ở cấp bậc đại tá. Ông từng là cố vấn cho Huế ở Đại Đội Hắc Báo năm Mậu Thân. (LowellMilkenCenter.org)
“Vừa mới tiếp xúc với họ lập tức tôi muốn là một thành viên của họ ngay,” Coolican nói. Ông về sau giải ngũ khỏi TQLC với cấp bậc Đại Tá. “Tôi phải vận động hết sức để được về với đơn vị này vì tôi muốn phục vụ nơi nào người ta thực sự chiến đấu. Trong thời gian làm cố vấn bên cạnh họ tôi vẫn luôn nghĩ mình được ở bên cạnh những con người cừ khôi bậc nhất. Harry và tôi cùng sát cánh làm việc chung với nhau mọi thứ. Nhìn lại đời binh nghiệp, tôi chưa thấy nơi đâu tôi mới thực sự là một phần gắn bó với đơn vị như hồi tôi sống với Hắc Báo.
Có những khi năng lực vô biên của Huế khiến anh có trục trặc với các cố vấn khác là những người không có phẩm chất như anh.
“Khi tôi đến cơ quan MACV ở Huế, mọi người đều cảnh cáo với tôi hãy coi chừng anh chàng Harry nhiều rắc rối cuộc đời. Nào là tên to đầu khó bảo, nào là tên tổ sư ghét các cố vấn Mỹ nếu không muốn nói là ghét Mỹ, nào là hắn ưa đòi hỏi các cố vấn phải theo với hắn bất kỳ nơi đâu hắn đi,” Th/tá TQLC David L. Wiseman nói, ông về sau làm cố vấn cho Huế vào năm 1970. “Kẻ nào trong chúng ta tỏ ra giúp đỡ cho Harry sẽ nhận thấy nơi anh ta một con người cực kỳ biết lo lắng bảo vệ cho chúng ta. Harry quả là một chiến binh vừa là một con người hết lòng tận tụy lo cho gia đình, ai có quan niện tương tự sẽ ăn rơ dễ dàng với anh ta.”
Tiếng tăm của Huế trên chiến trường thì không ai bì kịp. “Trên chiến địa anh có vẻ lớn hơn con người thật của mình,” Đ/úy Coolican nói. Các cố vấn khác thấy anh là một con người ‘tuyệt đối không biết sợ hãi’ khi chiến đấu. Anh ta có thể vẫn bước đi bình thường khi đột nhiên bị pháo kích mà không hề nao núng hay nhảy xuống hố tìm chỗ núp. Hình như anh ta là kẻ say mê hương vị của chiến trường. Chưa có ai đã từng trông thấy anh tỏ ra hốt hoảng trước súng đạn.
Đại Đội Hắc Báo vì phải phân tán lực lượng đi khắp thành phố vào ngày đầu năm, nên chỉ còn 50 người để đương đầu với cuộc tấn công của hai tiểu đoàn địch đánh vào phi trường Tây Lộc lúc sáng sớm ngày 31 tháng Giêng. Tuy quân số ít ỏi nhưng Huế đã biết điều động để làm lệch đường tiến của Cộng quân khiến họ mất cơ hội chiếm trọn Thành Nội trong ngày đầu tiên. Trong khi phản công lại đợt xung phong đầu tiên của địch vào phi trường, Hắc Báo đã tiêu diệt được hơn 50 quân BV đồng thời cứu được hai TQLC Mỹ. Vài tháng sau Huế được đích thân Tướng Creighton Abrams gắn lên áo huy chương Ngôi Sao Bạc (Silver Star) và Ngôi Sao Đồng (Bronze Star). Silver Star là huy chương anh dũng cao quí nhất của Hoa Kỳ dành để tặng cho một chiến sĩ Đồng Minh. Về sau Huế lại được tặng một Silver Star khác nữa về chiến công bên cạnh quân 101 Dù Hoa Kỳ nhưng chưa có dịp để nhận.

Trần Ngọc Huế được Tướng Creighton Abrams tặng huy chương Silver Star và Bronze Star khi còn ở cấp bậc đại úy. Th/tá Phạm Văn Đính đứng bên phải, người về sau đem cả trung đoàn bảo vệ căn cứ Carroll đầu hàng CS năm 1972. (LowellMilkenCenter.org)
“Về huy chương thì tôi giàu lắm,” Huế đáp khi có người hỏi anh có được bao nhiêu cái. Anh được một Bảo Quốc Huân Chương (the National Order) là huy chương cao quí nhất của Nam Việt Nam, cùng khoảng 50 Anh Dũng Bội Tinh (Cross of Gallantry).
Huế và ĐĐ Hắc Báo trở thành lực lượng bảo vệ cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh của Tướng Trưởng từ ngày đầu cuộc giao tranh, một công tác anh phải miễn cưỡng chấp nhận. Bấy giờ mặc dầu chỉ mới là một trung úy nhưng Huế nắm chỉ huy toàn bộ nhiệm vụ phòng vệ Mang Cá và đã đánh bật nhiều đợt tấn công của địch nhằm tràn ngập căn cứ chỉ huy này.
Sau đó Tướng Trưởng cử Hắc Báo đến những nơi nào cam go nhất trong Thành Nội để gây phấn khởi thêm cho tinh thần binh sĩ các nơi ấy. Sự hiện diện của Huế và quân Hắc Báo, tuy cấp số chỉ một đại đội nhưng có giá trị tương đương một tiểu đoàn quân sự. Tuy đôi lúc phải kềm hãm con người của Huế đầy năng lực nhưng Tướng Trưởng và Tr/úy Huế quả là một cặp bài trùng.
“Tôi vẫn luôn luôn nói với Tướng Trưởng tôi muốn ra chiến đấu. Tôi không muốn ngồi yên một chỗ. Tôi muốn chạy,” Huế nói. “Tôi luôn kính trọng ông ta và ông ta cũng nể tôi không kém. Nhiều sĩ quan sợ ông đến té đái nhưng Harry này thì không.”
Hôm 1 tháng Hai, một trung đội của Hắc Báo đã dẫn đường cho những lực lượng tăng phái đầu tiên vào đến Thành Nội rồi sau đó giúp họ đặt vị trí canh phòng cho Mang Cá. Ngày hôm sau toán quân đầy kinh nghiệm của Huế đã đưa quân tăng viện đi lấy lại phi trường Tây Lộc. Trong vài ngày sau đó họ lại được gọi đi phản công cuộc tiến công của địch và trám vào chỗ trống nơi chu vi phòng thủ. Điều quan trọng là Huế đã trở thành cố vấn sáng giá của Tướng Trưởng và cũng là người chỉ huy hành quân nhờ am hiểu địa hình thành phố nhất.
Sự am tường từ các con phố đến các ngõ hẻm nơi thành phố sinh trưởng của mình, Huế tỏ ra hữu hiệu gấp bội khi anh có thể gom về được những quân nhân Nam Việt đang ẩn nấp sau cuộc tấn công bất thần của địch. Anh hình dung ra được đâu có thể là nơi ẩn nấp của họ để rồi giúp hằng trăm binh sĩ về lại được với đơn vị mình để cùng chung sức đẩy địch ra khỏi thành phố.
Hôm 14 tháng Hai, Hắc Báo kéo đến khu tường thành phía Tây Bắc để giải cứu Tiểu Đoàn 1/3 đang bị bao vây. Sau đó trong một sứ mạng tương tự Huế giành lại được căn nhà của mình vốn đã bị quân BV chiếm đóng từ ngày đầu của cuộc giao tranh, cứu được cha, mẹ, vợ và đứa con gái sơ sinh.
Bốn ngày sau Hắc Báo đã hà hơi tiếp sức cho TQLC Mỹ 1/5 của Th/tá Thompson đã quá mệt mỏi bằng cách giữ an ninh mạn phải cho họ, dọc theo khu Đại Nội.
Hôm 22 tháng Hai họ lại được gởi trở lại khu tường thành Tây Bắc vừa đúng lúc để đẩy lui một cuộc tấn công của một lực lượng địch vừa mới từ Khe Sanh tăng phái vào cho chiến trường Huế. Hắc Báo tiêu diệt một đại đội mới được tung thêm vào để đánh một cú thốc cuối cùng với hy vọng chiếm lại thành phố.
“Họ mặc quân phục còn mới ken với đầy đủ lon lá là những ngôi sao trên cổ áo. Họ khai với tôi rằng họ vào Huế để diễn hành chiến thắng,” Huế nói. “Chúng tôi giết được cả trăm địch quân và tịch thu được rất nhiều súng lục K-54 và K-58. Về sau những chiến lợi phẩm này trở nên món hàng giá trị để trao đổi vũ khí với quân TQLC Hoa Kỳ.”
Cuối ngày hôm đó Tướng Trưởng ra tận mặt trận và thăng cấp đại úy cho Huế. Tuy nhiên, trước khi Huế nhận lon mới từ tay Tướng Trưởng thì anh đã mang trên áo giáp lon cầu vai lấy từ một sĩ quan địch mới bị giết, kèm với lon đại úy khác của TQLC Mỹ hình sọc khối do viên cố vấn là Đ/úy Coolican tặng.
Ngày hôm sau Huế cùng đơn vị được báo trước chuẩn bị một cuộc tấn công vào Đại Nội. Quân của Tiểu Đoàn 2/3 được chỉ định hạ cờ MTGP trên Kỳ Đài xuống, còn ĐĐ Hắc Báo thì được vinh hạnh đánh chiếm lại Đại Nội.
“Thật quả là một giây phút xúc động,” Huế hồi tưởng lại. “Có nhiều xác địch khắp đó đây và cũng có nhiều hoang tàn do đại bác gây nên. Nhưng bộ đội còn sống thì không thấy ai cả.”
Khoảng một tuần sau khi trận đánh kết thúc, tôi có dịp gặp Huế. Lần đó tôi dẫn theo một đặc phái viên Mỹ đến gặp anh ở văn phòng chỉ huy gần phi trường Tây Lộc. Lúc ấy Huế đang nằm nghỉ xả hơi trên võng căng trước cổng.
“Đại Úy Smith à,” anh ta la ầm lên rồi kéo tôi qua một bên và tỉ tê. “Anh phải gọi báo cho tôi biết trước rằng anh sẽ đến. Coi không được tí nào thấy không. Ít ra phải cho tôi chút thì giờ để ăn bận binh phục cho nó chỉnh tề chứ.”

Đ/úy Huế ở nhà riêng bên ngoài bộ chỉ huy Đại Đội Hắc Báo. (Hình chụp lại từ video của LowellMilkenCenter.org)
Anh ta nói đúng và tôi đã thành thật xin lỗi. Sau đó khi đã mặc xong bộ đồ trận kẽn nhất, Huế mới dẫn nhà báo trẻ tuổi đi xem một vòng doanh trại và dành cho anh chàng một cuộc phỏng vấn đặc biệt mà sau đó bài phóng sự này đã được đăng trên tờ nhật báo Sao và Sọc (Stars and Stripes) của quân đội Mỹ. Nhan đề câu chuyện là ‘Hue’s Panthers Fight Like Tigers.’ (Bầy Báo của Huế Chiến Đấu Như Hổ). Vài tháng sau, anh chàng Huế nay tiếng tăm lẫy lừng được mời ra tham dự một buổi lễ trên một con tàu của Đệ Thất Hạm Đội đậu ngoài khơi biển Đông.
“Họ đưa một trực thăng vào đón tôi ra tàu. Chưa bao giờ tôi được bước chân lên một chiến hạm,” Huế cười toe kể lại câu chuyện. “Rắc rối một điều là tôi quên chưa báo cáo với Tướng Trưởng. Khi ông ta đến tìm tôi tại đơn vị, người của tôi mới cho ông hay rằng tôi đã bay ra ngoài tàu Mỹ chiều mới trở về. Về sau cả hai chúng tôi đều bật cười mỗi khi nhắc đến kỷ niệm đó.”

Huế với cấp bậc thiếu tá. (LowellMilkenCenter.org)
Năm 1969, Huế được thăng cấp Thiếu Tá và nắm chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 2 thuộc SĐ1 BB. Trung Đoàn 2 mệnh danh là Trung Đoàn Sói Đen (Black Wolf Regiment), cùng một đơn vị mà cha anh đã chỉ huy hồi thập niên 50. Hai năm sau lúc vừa mới được thăng cấp trung tá, Huế bị địch bắt sống trong một cuộc Hành Quân 719 ở trên đất Lào. Trong sứ mạng cuối cùng của Huế vào đất Lào vào tháng Ba năm 1971, các cố vấn Mỹ không được phép tháp tùng theo. Cuộc hành quân được coi như hoàn toàn do quân đội Miền Nam chủ động và cố vấn Mỹ được cảnh cáo trước sẽ bị truy tố ra tòa án binh nếu ai đi theo họ. Sau khi hoàn tất công tác, tiểu đoàn của Huế sẽ bảo vệ cho cuộc triệt thoái của quân đội Nam Việt bằng phi cơ trực thăng. Đơn vị của anh bị phục kích và sau nhiều giờ cận chiến với địch quân Huế bị thương và bị bắt. Trong cuộc giao chiến này anh mất hết bốn ngón bên tay trái. Đây là lần thứ năm Huế bị thương trong khi đánh nhau.
Sau khi bị bắt, quân BV cho phép tất cả sĩ quan được phép nói đôi lời nhắn nhủ về gia đình trên làn sóng phát thanh của quân địch đặt ở ngay phía Bắc vùng Phi Quân Sự. Huế nhắn với Cam, vợ anh, rằng anh được bình yên và nhắc nhở nàng hãy lo nuôi nấng ba đứa con gái nhỏ.
Anh phải sống hết 13 năm trong lao tù CS, luôn luôn từ chối mọi lời dụ dỗ anh đứng về với phía họ. Bốn năm đầu tiên anh bị biệt giam trong nhà tù Hỏa Lò (Hanoi Hilton) nổi tiếng, hơn tám năm sau đó anh bị cầm giữ trong các trại cải tạo; trong thời gian này anh cải đạo thành một tín đồ đạo Cơ Đốc. Những lúc gian khổ anh hướng về ơn trên và nghĩ tới vợ và các con.
Người CS biết rõ anh là một chiến sĩ xuất sắc và một nhà chỉ huy lỗi lạc. Đây là đức tính quí báu mà họ cần cho quân đội họ vì họ đã hao hụt mất nhiều sĩ quan giỏi sau nhiều năm dài chiến tranh. Họ lý luận rằng nếu anh quay về với họ tức là anh theo với phe chiến thắng.
“Họ hứa hẹn sẽ phong cho tôi làm tướng nếu tôi ưng thuận nhưng tôi vẫn nhất mực từ chối,” Huế kể lại.
Chua chát thay kẻ thẩm vấn anh lại là Phạm Văn Đính người trước đây từng là một đồng đội ở Sư Đoàn 1 BB. Đại đội của Đính từng được vinh dự hạ chiếc cờ của CS xuống khỏi Kỳ Đài vào những ngày cuối cùng của trận đánh Huế Tết 68.
Tháng Tư 1972 Đính trong cấp bậc trung tá của quân đội Miền Nam đã làm sững sốt các cố vấn Mỹ khi giao nạp đơn vị là cả một trung đoàn và bộ chỉ huy ở căn cứ Carroll cho địch bằng hành động đầu hàng. Ngày hôm sau Đính xuất hiện trên đài phát thanh Hà Nội tuyên bố rằng anh được đối xử tử tế và kêu gọi binh sĩ Miền Nam hãy buông súng và đừng chiến đấu chống lại BV. Ngày nay Đính nắm chức vụ cao trong chính quyền CS ở Huế.
Trong thời gian có cái gọi là hòa bình giả tạo năm 1973, vợ của Huế đã tìm đến nơi mà người ta đồn sẽ có một cuộc trao trả tù binh, sau đó mới hay chỉ là tin đồn nhảm.
Sau cùng Huế được thả về vào năm 1984 rồi sống chui rúc ở Sài Gòn không dám ra Huế vì sợ bị trả thù. Một năm sau vợ con anh mới tìm đến được với anh, kể từ đó anh coi như bị quản thúc tại gia. Anh được giao cho công việc săn nhặt vàng và quí kim từ những máy thu thanh cũ của Mỹ và được trả đủ để nuôi sống gia đình. Dẫu sao thì cũng còn hơn là chết rục xương ở trong tù.

Tấm hình cựu Tr/tá David Wiseman chụp cho Huế hồi làm cố vấn năm 1970, dùng để dọ hỏi tin tức về Huế. (LowellMilkenCenter.org)
Cùng lúc ấy một trong những cựu cố vấn của Huế là Th/tá TQLC David Wiseman bắt đầu truy tìm người đồng đội cũ của mình. “Năm 76 tôi được một cựu tướng quân đội Miền Nam cho biết Harry đã chết ở trong tù nhưng tôi đâu có dễ tin như vậy được,” Wiseman nói. “Anh ta không bao giờ chết được ngoại trừ bị họ giết.”
Ông bắt đầu đem tấm hình ông đã chụp cho Huế trước đây đi khắp cộng đồng đông đảo người Việt ở Virginia để dọ hỏi, hi vọng có ai đó nhận ra anh và cho biết anh còn sống hay đã chết. Sau cùng, đến năm 1990, sau khi Wiseman đã thăng lên trung tá, ông gặp một di dân ở Nam Việt Nam mới sang, cô ta nhận ra anh trong hình và cho biết cô có thấy anh ở Sài Gòn. Wiseman lập tức viết thư cho Huế và bắt đầu gởi về cho Huế mỗi tháng 100 đô la để giúp anh nuôi sống gia đình. Đồng thời ông nộp đơn với Bộ Ngoại Giao xin được phép giúp bạn ông cùng gia đình sang Mỹ.
Bây giờ đang sống ở Bắc Virginia, Huế cùng vợ là Cam và ba con gái đã tuyên thệ nhập tịch Hoa Kỳ hôm tháng Mười Một 1996.
Với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè, Huế đã lo được cho ba con theo học đại học. Để có đủ tài chánh cho một đời sống sung túc hơn anh phải làm hai việc ở hai nơi và rất tích cực hoạt động với cộng đồng người Việt vùng thủ đô Washington DC. Mỗi tuần anh mua một vé số hy vọng ngày nào đó cơ may đến anh sẽ bảo lãnh cho hai người chị em đang sống túng thiếu ở Huế được qua Mỹ để cùng anh chia xẻ sự may mắn.
Có hôm Huế ước ao được về lại nơi thành phố nơi anh sinh trưởng.
“Bây giờ chưa phải lúc,” Huế nói. “Chế độ CS đang suy tàn ở VN, và vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sứ mạng của tôi trên trần gian này vẫn chưa hoàn tất, tôi sẽ làm những gì có thể làm được để cứu dân tôi.”
*
Người anh hùng khác của quân đội Miền Nam dĩ nhiên phải nói đến Tướng Ngô Quang Trưởng. Ông ta bây giờ trên 70 và đã về hưu sống ở Bắc Virginia chỉ cách chỗ ở của Huế có vài dặm. Ông chọn cuộc sống ẩn dật xa hẳn ánh đèn sân khấu của chính trường mà ông đã từng một thời nắm lấy trong suốt 21 năm binh nghiệp huy hoàng. Ông sống trong một căn nhà gạch khiêm tốn trên một con phố yên tĩnh ở vùng ngoại ô Washington. Trên tường căn phòng khách ông treo bức ảnh ghi lại giây phút thượng cờ ở Kỳ Đài sau khi tái chiếm hôm 24 tháng Hai năm 1968. Ngoài ra có một khung kiếng khác với phù hiệu của bốn đơn vị ông đã từng phục vụ: Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Quân Đoàn IV, và Quân Đoàn I. Đó là hai món quà do bạn bè và đồng đội trao tặng ông trong một buổi lễ ở trại Fort Leavenworth, Kansas, năm 1975, không lâu sau khi ông vừa đến Mỹ.
Ông hết sức tự hào thời gian làm tư lệnh SĐ1 BB, đặc biệt là trong thời gian Tết Mậu Thân. Một trong những tấm hình ưng ý nhất của ông là hình chụp lúc cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird gắn thêm lá cờ đuôi nheo xanh lên trên cờ hiệu Sư Đoàn 1 Bộ Binh khi đơn vị này được Hoa Kỳ tặng huy chương Khen Thưởng Đơn Vị Xuất Sắc của Tổng Thống Hoa Kỳ (the U.S. Presidential Unit Citation). Sư Đoàn 1 Bộ Binh là sư đoàn quân đội Nam Việt duy nhất nhận được vinh dự đó.

Trung Tướng Ngô Quang Trưởng hồi nắm tư lệnh Quân Khu 1, thời gian có trận “Mùa Hè đỏ lửa 1972”. (RVNHS)
Tướng Trưởng nhận thêm ngôi sao thứ nhì vào thời gian tháng Sáu 1968 để rồi lại được thăng lên cấp trung tướng hai năm sau đó khi ông được trao quyền Tư Lệnh Quân Khu IV. Hai năm sau, do sự thúc bách của các cố vấn Mỹ ông được TT Thiệu đề cử ra nắm chức Tư Lệnh Quân Khu 1 thay thế cựu xếp lớn của ông là Tướng Hoàng Xuân Lãm. Với sự giúp sức của Hoa Kỳ bằng hỏa lực hùng hậu Tướng Trưởng đã chận đứng được cuộc tổng tấn công ‘Mùa Hè Đỏ Lửa’ (Người Mỹ gọi trận này là ‘the Easter Offensive’: Cuộc Tấn Công Lễ Phục Sinh vì nó xảy ra trong thời gian có lễ này của họ), theo đó quân CSBV suýt chiếm trọn Vùng 1 trong âm mưu cắt Miền Nam thành hai phần.
Sự chiến thắng này đã nâng Tướng Trưởng lên đầu danh sách của vài ứng viên tuyển chọn tương lai sẽ thay thế Tổng Thống Thiệu. Dưới nhãn quan của người Mỹ thì Tướng Trưởng có nhiều khả năng được chọn hơn cả. TT Thiệu nhận thấy điều này nên liên hệ giữa hai người có vẻ trở nên không mấy tốt đẹp.
Ba năm sau, khi Cộng Quân xua quân để chiếm trọn Miền Nam, do ngờ vực Tướng Trưởng là đối thủ được Mỹ tích cực ủng hộ, TT Thiệu cho rằng quân CS chiến thắng quá nhanh phần lớn do lỗi Tướng Trưởng. TT Thiệu vì e sợ thế lực Tướng Trưởng quá mạnh đã ra lệnh Sư Đoàn Dù bỏ Vùng 1 rút về Sài Gòn, một nước cờ mà Tướng Trưởng cho là của kẻ điên. Con người của Tướng Trưởng vốn điềm đạm mà cũng phải trở nên mất tự chế, theo một báo cáo cho biết ông đã từng nghĩ đến chuyện từ chức hoặc có thể gây nên một cuộc đảo chánh. Cuối cùng thì ông đã không chọn một quyết định nào, thay vào đó ông quyết định vẫn giữ vai trò của một quân nhân chuyên nghiệp chỉ biết thi hành nhiệm vụ, không phải là một kẻ có mưu đồ chính trị.
Khi Đà Nẳng bị thất thủ vào cuối tháng Ba năm 1975 chính Tướng Trưởng phải bơi ra biển để mà tìm cái sống. Vốn là một tay bơi lội thuộc hạng tồi nhưng nhờ sự trợ giúp của một người phụ tá ông đã từ một căn cứ cũ của TQLC Mỹ chèo ra được đến một tàu tuần của NV đang chờ sẵn. Lúc sớm hơn ngày hôm ấy, Tướng Trưởng trong tinh thần suy nhược và mất định hướng, nhận được điện thoại của TT Thiệu ra lệnh ông phải lập một đầu cầu trên một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi để khơi mào cho một cuộc tái chiếm lại Vùng I. Nghe vậy Trưởng phải rán nín hết sức để khỏi phì cười.
Vài ngày sau về đến Sài Gòn, ông xin vào nằm ở một bịnh viện dã chiến. Ông bị chứng suy nhược tinh thần và viêm màng kết (conjunctivitis). Sau vài ngày nghỉ dưỡng, Tướng Trưởng được giao làm phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng chỉ huy việc phác họa kế hoạch phòng thủ Sài Gòn. Ông dự tính sẽ ở lại đến phút cuối nên lo đưa cho vợ con bay ra khỏi nước trước.
Ngày 30 tháng Tư, PTT Nguyễn Cao Kỳ chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu tìm gặp Tướng Trưởng. Tướng Trưởng lúc ấy đang trong tâm trạng đau đớn xót xa, ông như kẻ mê muội đang bước lang thang qua các hành lang trong Bộ Tổng Tham Mưu. Gặp Tướng Trưởng, ông Kỳ hỏi ông đang làm gì thì Tướng Trưởng cho biết đang chờ lệnh của cấp trên. Nghe vậy ông Kỳ liền ra lệnh cho ông đi theo lên một chiếc trực thăng cùng với 10 người khác bay ra hàng không mẫu hạm USS Midway đang thả neo ngoài khơi biển Đông.

Hình chụp bài viết mới nhất về Tướng Trưởng đăng trên HistoryNet năm 2017. Bài của Tướng James H Willbanks, trưởng Trung Tâm Quân Sử Lục Quân George C Marshall, kiêm giám đốc phòng quân sử tại Đại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ ở Fort Leavenworth, Kansas.
Tháng Ba 1997, tôi đến thăm ông Trưởng, dẫn theo Huế người Đại Đội Trưởng Hắc Báo ngày nào. Chúng tôi uống trà và chuyện trò thân mật. Trưởng và Huế mỗi người ngậm một điếu thuốc.
“Anh bỏ thuốc rồi sao?” ông tướng hỏi tôi, nhớ lại những ngày ở Huế khi hai chúng tôi còn hút với nhau.
“Phải, tôi bỏ lâu lắm rồi,” tôi đáp.
“Vậy thì tốt cho anh,” ông Trưởng cười và nói.
Huế vẫn còn gọi Trưởng là ‘sếp’. Khi còn ở ngoài xe Huế đã cho tôi biết trước là ông tướng không thích được phỏng vấn vì ông không ưa nhắc đến dĩ vãng. Tuy nhiên ông rất muốn gặp lại tôi.
Ông Trưởng nhận ra tôi ngay và chúng tôi nói chuyện về trận đánh Tết Mậu Thân ở Huế một cách vui vẻ. Được hỏi khi đọc lại những sách hoặc chuyện kể, nói về trận đánh, ông có thấy chỗ nào thiếu chính xác không thì ông cho biết là tất cả khá chính xác.
Tôi nói với ông tôi vẫn thấy kỳ diệu khi quân số của ông nhỏ nhoi như thế mà có thể ngăn địch không chiếm trọn được Thành Nội.
“Đây là người đã cứu Thành Nội và cũng là người đã cứu mạng tôi,” ông Trưởng nói, chỉ tay về phía Huế. Cả hai cùng trao nhau nụ cười. Ông Trưởng hãnh diện chỉ tấm hình thượng cờ ở Thành Nội và đứng dậy để hạ khung hình có phù hiệu bốn đơn vị xuống.
“Trong đời binh nghiệp tôi đã chỉ huy bốn đơn vị này, đơn vị nào cũng xuất sắc cả,” ông nói với vẻ kiêu hãnh ra mặt.
Chúng tôi lại nói về ngày thượng kỳ ở Kỳ Đài Phu Văn Lâu. Tôi nói với ông đúng ra tôi có thể đi theo để tham dự cuộc tái chiếm đó mà tôi đã không đi, một quyết định mà tôi cứ ân hận mãi. Ông đứng dậy để đi tìm thêm những tấm ảnh khác cho tôi xem.
Trong khi ông tướng đi qua căn phòng khác, Huế cho tôi biết ông ta nghèo lắm. Ông và gia đình rời khỏi Việt Nam chỉ với bộ đồ mặc trên người. Sau một thời gian viết một số binh thư nghiên cứu giá trị cho Lục Quân Mỹ ở Fort Leavenworth, ông Trưởng bắt đầu làm nghề viết lập trình cho máy điện toán và phân tích dữ kiện cho the American Railroad Association (Hiệp Hội Hỏa Xa Hoa Kỳ). Năm 1995 ông về hưu và sống bằng số tiền hưu nhỏ nhoi.
Sau vài phút, ông Trưởng trở lại với một xấp hình khổ 3X5, không hình nào có ông trong đó cả nhưng có một bức thư Tướng Norman Schwarzkopf đã viết gởi ông vào tháng Hai năm 1991, tức chỉ vài tuần sau cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh (Gulf War). Nghĩ là thư riêng tư nên tôi không đọc ngay. Thấy vậy Trưởng nói với Huế bằng tiếng Việt rồi anh liền quay qua dịch lại cho tôi.
“Ông Tướng muốn anh hãy đọc bức thư này”
Thư chỉ có 3 đoạn, được đánh máy trên giấy có in chìm 4 ngôi sao của vị Tổng Tư Lệnh cuộc Hành Quân Bão Sa Mạc (Operation Desert Storm). Trong thư, Tướng Schwarzkopf đã cám ơn Tướng Trưởng vì ông Trưởng đã tỏ niềm hãnh diện khi từng được ông ta làm cố vấn quân sự một thời. Schwarzkopf đáp lại bằng cách nói rằng Tướng Trưởng là một trong những vị thầy lỗi lạc nhất của ông ta, ông còn nói rằng nhiều chiến lược ông dùng trong Cuộc Chiến Vùng Vịnh (Gulf War) đều áp dụng từ những gì ông học được qua Tướng Trưởng. Ông Trưởng mĩm cười trong khi tôi đang đọc bức thư.
“Ông Tướng, tôi có thể copy lại bức thư này để in trong cuốn sách sắp xuất bản của tôi được không?” Tôi hỏi.
“Không, đừng nên thì hơn. Cái này rất là riêng tư,” ông ta trả lời.
Tôi đổi đề tài trở lại câu hỏi làm sao một lực lượng nhỏ của ông mà có thể cầm chân được hai tiểu đoàn quân BV ở Thành Nội năm 68.
Ông nhìn sang phía Huế đang ngồi cạnh tôi.
“Nhờ anh này,” ông nói. “Anh ta sinh trưởng ở đó nên anh ta thuộc hết từng căn nhà, từng con phố.”
Huế cười rồi đáp với một câu mà mọi người đều cười òa.
“Tôi nói với những người bạn Việt của tôi ở đây rằng nếu quân BV mà đến đây tôi sẽ cho họ đi xe mướn chạy vòng mãi trên vòng đai xa lộ quanh thủ đô Washington, D.C.” Huế nói.
Trước khi chia tay tôi hỏi ông Tướng có điều gì trong đời binh nghiệp của ông mà người ta đã bỏ sót không nhắc đến chăng. Ông trả lời rằng không có và nhân cơ hội này để tự chế diễu chính mình.
“Nghĩ thật nực cười, đời binh nghiệp tôi đã chấm dứt bằng một màn bơi trên biển Đông.” Ông vừa nói vừa nhoẻn miệng cười toe.
No comments:
Post a Comment