Wednesday, February 12, 2025

 

Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (3) * Triệu Phong chuyển ngữ

 

 

CHƯƠNG HAI (phần một)

Hoa sen

 

Thành phố Huế, theo truyền thuyết Phật Giáo, là đóa sen vươn lên từ vũng bùn. Mãi đến đầu năm 1968, Huế vẫn còn là một ốc đảo yên bình trong một đất nước đang bị dày xéo bởi chiến tranh.

Một thành phố với dân số 140.000 người, Huế vốn là kinh đô cũ thời đế chế trước khi đất nước bị chia cắt. Thành phố tỏa hào quang một quá khứ huy hoàng của triều Nguyễn cùng một kỷ nguyên thuộc địa của Pháp gần đây. Đồng thời Huế cũng có một sức quyến rũ huyền hoặc không thể định nghĩa hay giải thích được. Trong khi chiến tranh tàn khốc dày xéo trên mọi miền đất nước thì Huế là một thành phố được để yên như thể được bảo bọc bởi quá khứ và hiện tại hùng tráng của mình. Với vị trí nằm cách vùng phi quân sự chỉ 100 km về phía Nam khiến Huế càng tăng thêm sức hấp dẫn như một trung tâm du lịch.

Huế còn là trung tâm văn hóa và học thuật của VN. Đại học Huế là trường được xếp  hạng cao nhất nước. Trường Quốc Học nổi tiếng là lò đào tạo các tay tổ như cựu Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng. Thành phố này vốn giữ một vị trí độc lập tuyệt đối của mình. Mùa Xuân 1966 Huế từng là một lò lửa sôi sục qua những cuộc biểu tình chống chính phủ. Hai ông, TT Nguyễn Văn Thiệu và PTT Nguyễn Cao Kỳ của chính quyền quân sự đương thời, đắc cử trong cuộc bầu cử Tháng 9/67, quan ngại nhìn dân Huế với vẻ ngờ vực và chán nản. Tướng Kỳ bay bướm vốn là Tư Lệnh Không Quân kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương từ 65-67 đã từng gởi quân ra Huế năm 66 để dẹp một cuộc biến loạn của khối Phật Giáo.

Vai trò của Huế trong lịch sử VN thật lâu dài và rực rỡ. Huế trở thành kinh đô của miền Nam kể từ năm 1687 trong cuộc Nam Bắc Phân Tranh. Hơn một thế kỷ sau, vào năm 1789, Nguyễn Huệ, một vị anh hùng dân tộc, đã đánh bại hai chúa Trịnh và Nguyễn của cả hai miền để thống nhất đất nước. Ông tự xưng hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.

Một thập niên sau, Gia Long, một người cháu 16 tuổi của chúa Nguyễn bị truất ngôi, nhờ sự trợ giúp của quân Pháp đã quyết định phục thù cho tổ tông mình. Khởi binh từ Sài Gòn, ông Bắc tiến, chiếm lại được Huế rồi Thăng Long năm 1802, tái lập lại nhà Nguyễn. Gia Long cho xử tử toàn gia tộc của triều Tây Sơn, kể cả triều thần và thân thích. Ông dành cho Quang Toản, con của Nguyễn Huệ, một cách xử đặc biệt. Toản bị buộc đứng nhìn mộ cha bị khai quật lên rồi trông cảnh bọn lính đái lên xương cốt của Nguyễn Huệ. Sau đó Quang Toản bị trói tay chân vào bốn thớt voi đứng ở bốn hướng khác nhau rồi voi bị quất đau cho chạy đi, xé xác Quang Toản ra từng mảnh.

Tại Huế, Gia Long khởi công xây dựng một kinh thành kiên cố phỏng theo thành Bắc Kinh với gồm đủ tháp canh, hào lủy; bao bọc chung quanh là những tường thành cao bằng đá. Vòng ngoài tạo thành một hình vuông mỗi cạnh dài 2.700 m theo đó ba cạnh thẳng, chỉ một cạnh là hơi cong theo chiều uốn khúc của sông Hương. Các góc thành hướng theo chiều Đông Tây Nam Bắc. Tường cao 9m, bề dày có chổ đến 14m. Nhiều nơi xen kẻ bằng các công sự kiên cố do quân Nhật xây thêm lúc chiếm đóng thời Thế Chiến Thứ Hai. Ba mặt không tiếp giáp với sông Hương thì dích-dắc với hào nước rộng đến 30m và sâu 4m.

Bên trong tường thành lại có một vòng thành khác bảo bọc đời sống cai trị yên bình của các hoàng đế nhà Nguyễn, cho đến khi quân Pháp bắt đầu xâm lăng vào năm 1883 và đoạt quyền cai trị của triều đình. Cung điện nhà vua với cung son thếp vàng, cột chạm rồng uốn quanh, được xem như là đền thiêng đất nước. Tường bảo bọc khu Đại Nội này cao hơn 6m.

Người Pháp cai trị mãi đến năm 1945 khi mà vị vua cuối cùng là Bảo Đại thoái vị và trao quyền lạì cho Việt Minh. Nhưng năm sau Pháp quay trở lại cho đến lúc thua trận ở Điện Biên Phủ vào mùa Xuân 1954 trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Cuộc thảm bại đưa đến sự chia cắt và thiết lập một vùng phi quân sự giữa hai bên.

Ông Ngô Đình Diệm, sinh trưởng ở Huế, vốn là quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn, sau một thời gian sống lưu đày ở ngoại quốc trở về đảm nhận chức vụ tổng thống vào giữa thập niên 50. Là người theo đạo Thiên Chúa nên không bao lâu có mâu thuẫn với khối Phật Giáo. Những cuộc nổi loạn ở Huế do các sư tăng lãnh đạo đưa dần đến sự sụp đổ của chánh phủ cùng cái chết của ông. Ba năm sau, lại nổi lên cuộc biến loạn khác cũng do nhóm phật tử dẫn đầu suýt làm rớt chánh phủ của chánh đảng quân sự Sài Gòn. Lần này nhờ sự trợ lực của Mỹ họ bị dẹp tan.

Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai dẫu sao cũng không làm phai nhạt mất tính độc lập và tinh thần bất khuất của Huế.

Vào năm 1968, Huế là thành phố lớn thứ ba, chỉ sau Sài Gòn và Đà Nẳng. Về mặt chiến lược, Huế  nằm ở vị trí hẹp nhất của lãnh thổ miền Nam. Cách biển Đông 5 km về hướng Đông, và 5 km về phía Tây là dãy Trường Sơn (Annamite Cordillera). Đi xa thêm 50 cây số nữa là giáp ranh với nước Lào. Giữa khoảng đó có thung lũng A Shau và đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng, con đường thâm nhập quân CS và vũ khí từ Bắc vào Nam tấp nập nhất.

 

4

Bản đồ khu Tả Ngạn sông Hương mà hoàng thành chiếm phần quan trọng nhất. Khởi đắp từ năm 1805, kinh thành Huế choán hết địa phận của 8 làng trong đó làng Phú Xuân bị mất nhiều đất hơn cả, vì thế thành Huế còn có tên là thành Phú Xuân. Ngoài vật liệu lấy tại chỗ còn phải chở thêm rất nhiều đá từ Thanh Hóa vào. Qua nhiều quá trình tu sửa, công việc xây dựng kéo dài đến năm 1824 mới hoàn tất. Nhìn vào bản đồ ta thấy cả bốn mặt kinh thành đều là sông. Ngoại trừ sông Hương ra, ba con sông Gia Hội, Cửa Hậu và An Hòa đều là sông đào, những sông này đều lấy nước từ sông Hương. Sát ngay chân thành lại có hào nước sâu bọc chung quanh, muốn vào thành phải qua cống bắc qua hào. Kinh thành có 10 cửa chính, mỗi cửa ba tầng cao chừng 16 m. (Courtesy of Vietnam Veteran Home Page)

 

Thành phố được chia đôi bởi dòng sông Hương, con sông uốn lượn từ Nam sang Đông trước khi chảy qua Huế, tại đây nó lại quành lên phía Bắc ôm theo mé Đông của thành phố trước khi đổ ra biển. Khu kinh thành nằm ở mạn Bắc của con sông (khu Tả Ngạn) chằng chịt với những con đường chật hẹp và nhà cửa san sát, tuy thế xen vào đó cũng có nhiều khu trống trải. Bên trong tường thành là đền quách lăng miếu và những vườn cảnh đông phương. Có cả một phi đạo nhỏ dành cho phi cơ thám sát nhẹ. Ở góc bắc của tường thành là tổng hành dinh của Sư Đoàn 1 Bộ Binh Quân Đội Miền Nam, đây là một địa điểm kiên cố, từng là căn cứ hành quân của quân đội viễn chinh Pháp, bao bọc xung quanh với thành cao gần 3m bên trên có rào thép gai.

Khu đông đảo dân cư khác nằm ở phía Đông gọi là khu Gia Hội, khu này ở dọc mép ngoài của thành Huế.

 

5

Bản đồ địa hình chỉ trung tâm thành phố Huế với sông Hương chia Huế thành hai khu vực: Tả Ngạn gồm kinh thành với tường cao bao bọc một khoảng đất lớn gần 8 cây số vuông, mỗi cạnh dài 2.700m; cũng thuộc khu Tả Ngạn có bán đảo Gia Hội nằm ở phía Bắc bao bọc bởi sông đào Gia Hội (sông Đông Ba) và một nhánh của sông Hương. Khu Hữu Ngạn kiến trúc nhà cửa mới hơn vì được Tây xây dựng vào thời thuộc địa nên còn được gọi là Quartier Francais. Cầu Nguyễn Hoàng mà dân chúng vẫn quen gọi là cầu Trường Tiền nối hai bờ sông Hương với nhau cũng là cây cầu chiến lược nối dài Quốc Lộ 1 đến Vĩ Tuyến 17. (Courtesy of Vietnam Veteran Home Page)

 

Một phần ba khác của dân số cư ngụ ở mạn Nam sông Hương (khu Hữu Ngạn), khu này vì tân lập nên có tổng thể mới hơn. Trong số các công thự ở đây có Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên, Tòa Lãnh Sự Mỹ, trường Đại Học Huế được quốc tế công nhận, Bệnh Viện Trung Ương, các ngôi trường công lập, Ngân Khố, Bưu Điện, và Nhà Đèn. Xa hơn về phía nam, điểm đầy các ngọn đồi nhấp nhô là hàng nghìn ngôi mộ, trong đó có sáu ngôi cổ mộ của hoàng triều. Những lăng tẩm này kiến trúc gồm trong những khu vườn cảnh, có thành cổng nguy nga, thu hút hằng ngàn du khách hằng năm.

Cũng bên bờ Nam này là địa điểm của tòa công sự Phái Bộ Cố Vấn MACV Hoa Kỳ, một tòa cao ốc hình chữ nhật không mấy kiên cố, trước đây dùng làm cư xá vãng lai. Dãy tường phía Nam của tòa cao ốc giáp với Quốc Lộ 1, con đường huyết mạch chạy xuyên qua thành phố. Từ đây lên hướng Bắc thêm chừng một khu nhà rưỡi nữa là cầu Nguyễn Hoàng (cầu Trường Tiền) sáu vài mười hai nhịp, cây cầu chính bắc qua sông Hương để qua khu Thành Nội. Ở mé chân cầu bên này có công viên Dốc Lão và bãi đổ hàng của Hải Quân Hoa Kỳ. Trong vài tuần sắp tới, hai nơi này sẽ trở thành địa điểm sinh tử cho sự sống còn của cả hai quân đội Mỹ và Nam Việt.

Huế bấy giờ là một tập hợp của nhiều lãnh địa. Guồng máy cai trị ở mỗi khu vực có chính quyền quân sự lẫn dân sự chồng chéo lên nhau. Ví dụ vị tỉnh trưởng lại là một trung tá của quân đội. Ngoài ra còn thêm các chức sắc Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo cùng đông đảo sinh viên học sinh cộng với kiều dân người Âu. Nơi đây ảnh hưởng của người Pháp vẫn còn mạnh, còn người Đức thì đóng vai trò bảo trợ cho trường Đại Học Y Khoa Huế. Ngay cả cán bộ CS cũng tha hồ tung hoành dẫu rằng trong bóng tối.

Do bất ổn chính trị thường xuyên, Huế là một trong vài thành phố hiếm hoi ở miền Nam thiếu vắng sự hiện hữu của các đơn vị chiến đấu Mỹ.

Vào thời gian có cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, hầu hết các đơn vị của SĐ1 BB VN đang đóng rải rác khắp Quân Khu 1. Ngoài một đại đội biệt lập thuộc SĐ1 đóng ở khu nội thành và một phân đội thiết giáp ở phía Hữu Ngạn ra, thì Huế coi như hoàn toàn bỏ ngỏ, không có phòng thủ.

Các đơn vị chiến đấu Mỹ gần nhất đóng ở Phú Bài, nằm trên Quốc Lộ 1 cách Huế 11 km về phía Nam. Phú Bài là tổng hành dinh chính của TQLC HK, còn là điểm tập trung các đơn vị yểm trợ quan trọng; lại là nơi đang diễn ra một cuộc bàn giao đơn vị qui mô. Bấy giờ, Phú Bài là hậu cứ của Lực Lượng Đặc Nhiệm X-Ray (Task Force X-Ray), một tổng hành dinh nhẹ của SĐ1 TQLC HK vừa mới dọn từ Đà Nẳng về để thay thế cho SĐ3 TQLC HK. Đơn vị này đang chuyển về Đông Hà ở phía Bắc, gần vùng phi quân sự.

Đúng 17 km về hướng Tây Bắc Huế trên QL1 là BCH của Trung Đoàn 3 BB thuộc SĐ1. Đơn vị này hoạt động ở một căn cứ cũ của Pháp có tên là PK17 (viết tắt từ tiếng Pháp poste kilomètre 17, người Việt quen gọi là Cây Số 17). Xa hơn một chút về hướng Bắc cũng dọc theo QL1 lại có căn cứ Evans, nơi đây cũng đang diễn ra một cuộc bàn giao căn cứ giữa một số đơn vị thuộc SĐ3 TQLC HK phải dọn đi và SĐ1 Kỵ Binh (1st Cavalry Division) thuộc Lục Quân HK đang dọn đến.

Nghe thì có vẻ như Huế sẽ được tăng viện dễ dàng từ cả hai mặt Nam Bắc mỗi khi có biến động; sự thật thì không hẳn như thế vì chưa hề có kế hoạch giải cứu nào được phác họa cho một cuộc tấn công quá bất ngờ. Hơn nữa, cả Phú Bài lẫn Evans đều đang diễn ra cuộc bàn giao đơn vị qui mô, cả hai nơi đều chưa có sẵn lực lượng phản kích để chống trả một cuộc tấn công lớn.

Hai lữ đoàn của SĐ1 Kỵ Binh HK có một số lớn trực thăng bị phân phối đều khắp một địa bàn rộng lớn chạy dài từ Phú Bài về phía Nam cho đến căn cứ Landing Zone Jane thuộc Quảng Trị ở phía Bắc. Thêm vào đó, Lữ Đoàn 1 thuộc SĐ 101 Dù HK vừa về đến Evans lại phải di chuyển lên hướng Bắc, mọi phương tiện yểm trợ phải chịu ở mức độ tối thiểu, trực thăng thì không có sẵn chiếc nào. Quân Dù không quen lối hành quân trên bộ như của lực lượng Kỵ Binh.

TQLC HK mới dọn đến Phú Bài, còn nhiều bỡ ngỡ, cần thời gian để quen với phong thổ, địa hình địa vật. Lực Lượng Chiến Đấu Thủy Bộ Đệ Tam (The III Marine Amphibious Force) của TQLC HK dự liệu rằng đến giữa Tháng Hai SĐ 1 TQLC mới đủ thời gian để hoạt động hữu hiệu trở lại phần nào trong vùng trách nhiệm chiến thuật vừa mới tiếp nhận và mất thêm một tháng nữa mới đạt hiệu năng toàn phần.

Mới dọn đến Phú Bài lúc này còn có BCH Tiền Phương (Forward Headquarters) mới thành lập của cơ quan MACV, nhờ nó mà Tướng Westmoreland mới rớ tay được nhiều hơn đến các cuộc hành quân ở phía Bắc Quân Khu I, nơi mà trước đây được giao cho TQLC. MACV Tiền Phương sẽ giám sát trực tiếp lên các hoạt động của cả TQLC lẫn Lục Quân ở hai tỉnh địa đầu giới tuyến của VN là Quảng Trị và Thừa Thiên. Sự sắp đặt này khiến ban tham mưu của quân đoàn TQLC thêm quan tâm, ngờ vực.

 

Đọc tiếp kỳ (4)

 

Xem lại kỳ trước : Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (2)

 

No comments:

Post a Comment