Wednesday, February 12, 2025

 

Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (4) * Triệu Phong chuyển ngữ

 

 

CHƯƠNG HAI (phần hai)

 

Tháng Giêng đến với vùng phụ cận Huế trong khung cảnh cực kỳ hỗn độn một khi mà các lực lượng Mỹ chợt tăng gấp đôi rồi gấp ba. Người và chiến cụ nườm nượp trên đường làm ứ nghẽn giao thông trên các con lộ xuyên qua thành phố. Sự hỗn độn đã vô tình che lấp được các ý đồ của địch quân, kẻ đã lợi dụng thời cơ này để lặng lẽ thâm nhập người và vũ khí vào thành phố, chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp diễn ra.

Một trong những người tôi gặp gỡ khi vừa đến Huế hôm 24 tháng Giêng là Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Sư Đoàn Trưởng SĐ1 BB NV. Ông Trưởng rất thông thạo anh ngữ đã tiếp tôi thân mật khiến tôi cứ ngỡ mình là nhân vật tối quan trọng (VIP: Very Important Person). Ông còn dành nhiều thì giờ để giới thiệu tôi với nhiều người trong ban tham mưu của ông.

Ông Trưởng 38 tuổi, cao 1 mét 7 và gầy gò với trọng lượng chỉ chừng 140 cân. Trên môi luôn có một điếu Salem. Đường nhăn ở hai khoé miệng và mắt trông ông như lúc nào cũng đang nheo, cũng có thể do khói thuốc luôn luôn quyện trước mặt ông. Hai bờ vai ông rụt lại và dáng bước như kéo lê nặng nề nhưng bộ điệu rất quả quyết không vội vàng hấp tấp.

Tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt năm 1954, làm đơn vị trưởng các đơn vị Sư Đoàn Dù VN suốt 12 năm, leo từ trung đội trưởng lên đến phụ tá sư đoàn trưởng. Bắt đầu nhận chức Tư Lệnh SĐ1 BB vào tháng 6/66 thời gian mà phong trào Phật Giáo gây dấy động ở Huế; ông thường được coi như là người khéo léo biết giải quyết các khó khăn trong ôn hoà.

Tướng Trưởng là con người táo bạo, rất kỷ luật, và dâng hiến cuộc đời cho binh nghiệp. Khác với những người khác cùng thời được thăng cấp vì phe đảng bè nhóm hoặc đút lót thì ông kiếm được ngôi sao qua ngả chiến trường. Tướng Trưởng được coi như là người tự bươn chải mà lên, nơi ông không có chút bóng dáng tham nhũng hay vị kỷ. Dưới mắt người Mỹ ông là sĩ quan chiến đấu cao cấp tuyệt vời nhất trong quân đội Miền Nam.

Quảng cáo

Tướng Norman Schwarzkopf trong cuốn hồi ký “It Doesn’t Take a Hero” đã gọi Tướng Trưởng là “nhà chỉ huy chiến thuật lỗi lạc nhất” ông từng gặp trong đời. Schwarzkopf làm cố vấn cho SĐ Dù VN cuối năm 1965 lúc vừa mới được thăng cấp thiếu tá. Tướng Trưởng bấy giờ đã mang cấp bậc trung tá và nắm chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn.

“Các sĩ quan và binh sĩ đều nễ sợ ông ta — Cấp chỉ huy địch biết tiếng ông cũng đều kinh sợ cả,” Schwarzkopf sau đó viết trong cuốn sách được xếp hạng bán chạy nhất xuất bản năm 1993. “Mỗi khi đụng phải những khúc mắt trong hành quân, tư lệnh SĐ bấy giờ là Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống liền trao quyền chỉ huy cho Trưởng; chỉ cần nhìn qua địa thế và rút tỉa từ kinh nghiệm chiến đấu suốt 15 năm, kỳ lạ thay ông có thể đoán được ý định của địch quân … Tướng Trưởng ân hận một điều là ông chưa có dịp để theo học khóa tham mưu cao cấp. Tôi thấy Trưởng không cần phải học ở trường tham mưu Fort Leavenworth — Ông ta có thể viết sách dạy nữa là khác.” Tướng Trưởng biết vận dụng tài tình hỏa lực của Hoa Kỳ mà cấp chỉ huy như ông có quyền đòi hỏi và ông sử dụng thật khôn khéo.

 

6

Tướng Trưởng và Tướng Schwarzkopf. (nguyentin.tripod.com)

 

Tướng Trưởng rất cảm kích trước vẻ thiện nghệ và lòng tận tụy của các cố vấn Mỹ trong sư đoàn mình. Ông lấy làm lạ sao họ có thể dấn thân hết mình như vậy được trong khi một số sĩ quan thuộc cấp trong đơn vị mình rõ ràng là không có những đức tính đó.

Ai ai cũng hướng mắt về SĐ1 BB bởi nó nổi danh là đơn vị thiện chiến nhất trong quân đội Miền Nam và cũng bởi TT Thiệu từng là sư đoàn trưởng của nó trước đây. Sư đoàn này vẫn giữ được tiếng tăm là đơn vị xuất sắc một phần nhờ nó hoạt động trong cùng phạm vi của TQLC HK, binh sĩ của binh chủng này không ngần ngại tự xem mình là những chiến binh lẫy lừng nhất trên hành tinh.

Tướng Trưởng là người duy nhất đủ tiêu chuẩn để vẫy vùng trong chiếc bể quân sự này. Ông khác với nhiều tướng VN khác là những kẻ chỉ biết lo làm giàu hơn là lo việc quốc gia đại sự. Ông không mưu tìm lạc thú trần gian. Ông là một người dâng hiến đời mình cho binh nghiệp và là một người yêu nước chân chính. Một điều khác biệt nữa nơi ông là khi ra chiến trận ông sát cánh bên anh em binh sĩ, tiến lên phía trước với họ, đích thân giết quân thù. Ông thích như vậy. Trong khi những tướng lãnh khác lo tích lũy của cải, thì ông miệt mài tiêu diệt địch quân. Sự khác biệt này của ông khiến thượng cấp nhìn ông với vẻ quan ngại, e rằng rồi đây biết đâu ông sẽ là một đối thủ lợi hại chống lại họ. Cảm giác đó nảy sinh từ lòng đố kỵ và mặc cảm tự ti về sự bất tài vô tướng của mình.

Nếu cấp trên của ông miễn cưỡng không màng tới việc khen thưởng ông thì ngược lại bộ tham mưu HK sẽ không quên điều đó. Các cố vấn Mỹ đều đánh giá cho sư đoàn ông là sư đoàn số một và thiện chiến nhất. Ngay TQLC HK là đơn vị ít khi bình phẩm đến các đơn vị thuộc các binh chủng khác cũng dành điểm tốt cho SĐ 1 BB NV. Đây là đơn vị duy nhất của VN mà họ hài lòng đi hành quân chung.

Bởi thế, khi quân BV quyết định tấn công Huế, họ đụng đầu phải một đơn vị của miền Nam không những biết đánh giặc mà còn ưa đánh nữa là khác. Hơn nữa địch quân cổ động kêu gọi binh sĩ miền Nam đầu hàng, đó là một trong những điểm chính của chiến lược tấn công Tết Mậu Thân, nhưng họ đã không mấy thành công. Điểm son này dành hết cho Tướng Trưởng, một vị tướng chỉ huy biết chinh phục được sự nễ trọng và lòng trung thành của binh sĩ thuộc cấp.

Quảng cáo
Báo cáo quảng cáo này

*

Tôi thấy nơi Huế có một sự tương phản kỳ thú so với Sài Gòn; dù rằng Huế cũng có chỗ đông đúc như SG nhưng Huế vẫn có vẻ thanh tao hơn. Ở đây không có các quán bar nơi các chàng G.I. (Tiếng gọi tắt chỉ lính Mỹ) và gái điếm tụ họp, không ánh đèn néon màu của các hộp đêm, tuy cũng có những người đứng đường rao bán các đồ chợ đen nhưng ít hơn.

Phải nói rằng Huế đẹp thật, rất sạch sẽ so với Sài Gòn. Các công viên,vườn cảnh, ao hồ, chùa miếu đều trông như hình trong mấy trang quảng cáo về du lịch. Nhưng có điều lưu thông sao mà chậm quá. Ngày đầu đến Huế tôi phải mất hết 15 phút mới lái xe Jeep qua được cầu Trường Tiền. Người và xe ùn ùn tranh nhau lối đi, nào xe quân sự, xe Lambretta ba bánh, xe Peugeot, xích lô đạp, và xe gắn máy; xe cộ đủ hiệu đủ màu mạnh ai nấy giành quyền ưu tiên. Tôi chỉ biết tận dụng những phút giây chờ đợi đó để thưởng ngoạn cảnh sắc và hương thơm toát ra từ thành phố. Những con đường hai bên bờ sông viền bằng những hàng phượng màu lửa rực, dọc ven sông thơm ngát hương sen và dừa kè. Trên sông thuyền tam bản chuyên chở rau trái, hoa quả lững thững tiến về phía chợ. Đò ngang đưa công chức, học sinh qua về dòng sông. Tôi thầm nhủ trong đầu có dịp sẽ đi thử một chuyến, nhưng nói thì nói thế chứ sau này tôi không hề có dịp.

Dọc bờ sông phía hữu ngạn, tôi thấy một nhà hội quán trông rất thanh lịch, có hàng lan can đưa ra phía ngoài mặt nước. Bên trong có nhiều sân chơi quần vợt. Lối vào tráng xi măng sáng sủa. Trước đây nó là hội quán thể thao của người Pháp (Cercle Sportif), nay là nơi lui tới của dân máu mặt, của mặc khách tao nhân. Về sau tôi cũng lỡ mất dịp đến viếng nơi này.

*

Qua đến hữu ngạn tôi phải tạm dừng xe để nhường đường cho đoàn nữ sinh áo trắng đang đạp xe đi đến trường dọc theo đại lộ Lê Lợi rộng rãi. Tóc buông thả xuống tấm lưng mảnh mai trong chiếc áo dài với quần trắng phủ đến gót. Hai vạt áo xẻ lên đến eo phất phơ nhè nhẹ theo cơn gió mát đưa lên từ mặt sông. Sinh hoạt êm đềm quá, như thể chiến tranh chưa hề đụng đến Huế bao giờ. Chạy thêm vài trăm mét nữa, tôi đến trước cổng vào cơ quan MACV. Hai người lính TQLC gác cổng vẫy tay cho vào. Tôi trình diện sĩ quan trực và được tạm cho tá túc ở phía sau tòa nhà, trong một nhà lều nền đất bụi bặm; sau đó, tôi được dẫn đi giới thiệu một vòng các nơi trong cơ quan và nghe giải thích sơ lược.

 

7

Tòa công sự Phái Bộ Cố Vấn MACV Hoa Kỳ. (Courtesy of The US Army)

 

MACV là hậu cứ của hầu hết dân làm cố vấn như tôi, ngoại trừ một vài tay ở riêng bên ngoài như Tr/úy TQLC James V. DiBernardo là người phụ trách trạm phát thanh và truyền hình quân đội mà trụ sở nằm trên đường Lê Lợi dọc theo bờ sông, cách MACV mấy khu nhà.

Đêm đầu tiên ở Huế, tôi gặp DiBernardo ở câu lạc bộ sĩ quan trong MACV. Anh mời tôi ngày sau ghé thăm chỗ anh làm việc và cũng là chỗ ở, mà hôm sau tôi có đến. Hầu hết những cuộc gặp gỡ sơ khai với những người khác đều diễn ra ở hội quán này vì những cố vấn viên thường ưa lui tới nơi đây mỗi khi họ không cần phải có mặt tại đơn vị.

Đáng chú ý ở đây là đám cố vấn Úc; họ ưa sống tụ bầy với nhau; mấy tay tổ uống rượu hoặc ném tên lên bia cứ thế mà tụ tập. Họ còn ưa ca hát và kể chuyện tàm khào. Ch/úy Terry Eagan, cố vấn cho ĐĐ Thám Báo thuộc SĐ 1 BB NV, ưa kể chuyện lính của mình không bao giờ ngủ trong khi gát, gã nói:

“Lúc mới đến, tôi bắt gặp một tên lính canh đang ngủ. Tôi khẻ bò tới gần, đưa cây colt sát bên tai hắn rồi từ từ lên cò. Bảo đảm lúc đó hắn chỉ có đái trong quần.” Thế là Eagan làm cho mọi người cười ré.

Tôi lại tự nhủ, dịp tới lấy ngày phép mình sẽ đi Sidney, Úc Châu. Nhất định phải thực hiện cho được.

Nhớ lại hồi đó tôi nghĩ rằng được về làm tại đây thật có lý. Mọi việc đều có vẻ ô kê và ai ai cũng thân thiện cả. Ở CLB SQ, đồ ăn ngon, bia nhiều và luôn luôn lạnh. Mọi người đều niềm nỡ với tôi thực lòng.

Quả đúng không sai, tôi tự nhủ, mình hên lắm mới được đưa về làm gần đây.

*

Ở Huế có những tay bí ẩn lạ kỳ, xuất hiện khi thì dân chính lúc thì quân nhân. Điển hình là một gã tên Johnson, đến độ tên gã tôi cũng nghi là tên giả nữa. Một người quen ở MACV cho tôi biết gã là CIA nhưng không lấy làm chắc. Sau khi gặp ở CLB SQ, gã mời tôi ghé chơi nơi gã ở cách đó vài khu phố.

Tên Johnson này sống thật như ông hoàng. Gã có lính gát, người hầu và tài xế riêng. Còn có những người Việt có máu mặt lui tới o bế gã nữa. Khi đón tôi ngoài cổng gã có mang bên hông cây súng sáu, một băng đạn đại liên vắt ngang trước bộ ngực trần. Trông gã cứ như mấy tên cướp người Mexico.

Gã sai lấy bia  dọn ra ở hiên ngoài. Khi đồ uống đã được mang ra, gã sai đặt mấy chai rỗng lên bờ tường đối diện chỗ gã ngồi. Xong, gã đứng dậy, rút cây Colt 45 khạc hết băng đạn. Tường ghim lỗ chỗ mấy vết đạn mới cộng thêm một chai bị bể.

“Muốn thử không?” Gã hỏi tôi trong khi người “tà lọt” đang lo thu dọn chiến trường rồi đặt lên thêm mấy chai khác. Tôi tu hết chai bia, đưa mắt nhìn gã với vẻ quái gở.

Rõ ràng Johnson có một vai trò gì đó ở đây nhưng tôi không biết chắc đó là cái quái gì. Tuổi gã có vẻ dưới ba mươi. Gã mang đồng hồ Rolex, lủng lẳng sau băng đạn đại liên là cặp dây chuyền vàng. Trên một mặt bàn, nằm sờ sờ trước mắt là một cọc tiền đô. Máng trên một chiếc ghế là bộ binh phục cấp hàm đại úy. Tôi hỏi gã đang làm gì thì gã nhún vai đáp.

“Thứ này một chút thứ kia một tí vậy thôi.” Tôi hiểu ngay là gã không ưa xì ra một tí gì về gã cho tôi biết.

Bia lại tiếp tục mang ra, tôi vừa sắp khui thì gã vụt đứng dậy khạc đạn tiếp. Một chai bia khác bể tan. “Hết sẩy!” Gã reo lên rồi buông mình xuống ghế.

Một chốc sau tôi cáo về vừa đi vừa cười mím chi. Mình sẽ không bao giờ gặp tên Johnson này nữa, nếu thiệt đó là tên thiệt của gã.

*

Tuần đầu của tôi ở Huế hầu hết thì giờ dành cho sự gặp gỡ các giới chức Mỹ lẫn Việt. Người Việt thì đang lăng xăng chuẩn bị đón Tết. Có thể hiểu Tết cũng như tổng hợp của lễ Giáng Sinh, lễ Độc Lập 4 tháng 7, và sinh nhật gom lại làm một, đủ thấy nó đặc biệt chừng nào đối với người Việt. Lễ này có từ lâu đến 4.000 năm về trước ở bên Tàu, một tập tục tôn giáo cổ xưa, diễn ra vào dịp trăng tròn trước vụ gieo mạ mùa Xuân. Người xưa cúng kiến cầu mong một năm mới được mùa. Ngày nay, Tết là thời gian nghỉ ngơi để ôn lại quá khứ, vui hưởng hiện tại và phác họa cho tương lai. Đó là lúc mà nợ nần phải lo thanh toán, lỗi lầm phải sửa chữa, cầu xin tha thứ những lầm lỗi, đoàn tụ gia đình và nhớ tưởng đến ông bà tổ tiên. Hoa quả thức ăn đem dâng cúng trên mộ người đã khuất để cùng chia xẻ niềm vui ba ngày Tết.

Gần đến Tết các con lộ dẫn vào Huế tấp nập những xe và người. Trà trộn giữa đám hỗn mang đó là những binh lính CS, miền Bắc và miền Nam, họ cải trang làm thường dân hoặc binh sĩ Cộng Hòa đi phép ăn Tết; lợi dụng cơ hội này để chuyển vào Huế vũ khí, đạn dược, quân cụ và nhân lực cho cuộc tấn chiếm sắp tới. Súng đạn như thế đã dễ dàng được chuyển đến khắp thành phố, thậm chí họ còn có thể thử súng khi pháo mừng Xuân đang rền vang.

Người người không phân biệt tôn giáo đều ăn Tết. Đây là ngày mà theo tập tục, con cái từ xa về thăm cha mẹ mang theo quà bánh. Nhà cũng như hàng quán đều giăng đèn kết hoa, đỏ vàng rực rỡ. Bên trong không thể thiếu một cành mai, lớn nhỏ tùy theo túi tiền, phải có một cành như người ta. Pháo nổ rền hằng đêm, phong càng dài, tiếng nổ càng lớn càng tốt để xua đuổi tà ma xúi quẩy. Chợ búa đầy ắp hàng hóa, người mua kẻ bán vào ra tấp nập, không gian ngát thơm mùi đủ các thứ hoa xuân. Khắp toàn cõi nước Việt Nam thực không đâu ăn Tết chu đáo bằng Huế.

Nhiều gia đình có liên hệ với các cố vấn Mỹ không quên mời họ đến dự tiệc tân niên. Hầu hết các món ăn đều đậm đà mùi nước mắm, một thứ nước chấm vị nồng nồng làm từ cá, ngoài ra đâu cũng thấy toàn ớt là ớt, xanh có đỏ có cay xé lưỡi. Mới cắn đâu có một miếng nhỏ là lưỡi tôi đã muốn bốc lửa rồi. Tôi nhớ được mời dùng thử món thịt heo trông chưa được chín tới.

Người khách danh dự hôm ấy là Tướng Trưởng. Tôi thấy như thể ăn món nào người ta cũng cụng rượu đế hoặc scotch whisky tùy thích. Tiếng nhạc tiếng cười rộn rã, tôi cũng thấy người ta vừa cười vừa cúi đầu xá nhau nữa. Con nít thì đuổi bắt nhau chạy vào chạy ra, tựa như  trẻ con Mỹ đùa chơi trong mấy ngày lễ mừng sinh nhật hoặc Giáng Sinh. Vì nễ sự hiện diện của Tướng Trưởng nên các vị cố vấn phải gạt nước mắt ăn túi xụi bất kỳ món nào mà gia chủ mời, không cần biết món đó thấy ra làm sao, vị như thế nào. (Thật tức cười không biết tôi có trông gà hóa cuốc không chứ tôi xin thề là tôi thấy như có món ăn nào đó có cái gì nó nhúc nhích).

“Cứ rán nghĩ coi như mình đang thực tập mưu sinh thoát hiểm, bạ gì cũng rán mà ăn để sống còn là được,” Một cố vấn quân sự khuyên một vị trung úy trẻ tuổi khi phải đối đầu trước một tình huống như thế. “Rán mà nuốt đi không thì nó xơi mày đó.” Một lát sau, ngồi trong này cũng có thể nghe rõ anh ta đang khạc nhổ rền trời ở ngoài hè.

*

Một nghi thức đầu năm nữa là Lễ Thượng Kỳ ở kỳ đài Phu Văn Lâu trước cửa Ngọ Môn. Lễ bắt đầu lúc bình minh ngày Mồng Một Tết nhằm vào Thứ Ba, 30 tháng Giêng; với sự hiện diện của Tướng Trưởng, ba vị trung đoàn trưởng của ông và thị trưởng Thị Xã Huế. Ban quân nhạc sư đoàn trỗi bài quốc thiều trong khi đại đội tinh nhuệ Hắc Báo đứng nghiêm dàn hàng quân danh dự. Trời thật đẹp, điềm báo cho một năm mới tốt đẹp.

Dầu một số tin tình báo ước lượng tình hình địch có thể làm hỏng dịp vui ngày Tết bằng  cuộc tấn công quân sự nhưng không ai nghĩ là cuộc tấn công lại sẽ với quy mô lớn như thế. Cũng không ai nghĩ Huế sẽ là mục tiêu hàng đầu của cả miền Nam. Sự thật mà nói, ngay Tướng Trưởng và các sĩ quan thuộc cấp cũng tin tưởng là Huế sẽ được bỏ qua như vẫn thường xảy ra hằng năm. Xưa nay Huế vốn được xem là lãnh địa an toàn, sĩ quan muốn được về đồn trú tại đây hoặc phải có thần có thế hoặc đút lót mới được. Ngay chính phía BV họ cũng nhìn Huế với vẻ trân trọng vì tính cách lịch sử quan trọng đối với cả đất nước.

Người Mỹ thì e ngại nhiều hơn, rằng BV đang có kế hoạch tấn công vào dịp Tết. Chứng cớ thu thập được từ nhiều tháng cho thấy sẽ có một việc ghê gớm sắp xảy ra. Ngày 18 Tháng Chạp, Tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân HK, Earle G. Wheeler, khuyến cáo rằng “hoàn toàn chắc chắn là CS sẽ tấn công mạnh như cuộc tấn công ồ ạt của quân Đức trong nỗ lực tuyệt vọng trong trận Bulge vào Thế Chiến Thứ Hai.” Hai ngày sau, Tướng Westmoreland báo cáo với sếp lớn ở Washington rằng địch quân đang ‘vận dụng toàn lực toàn quốc cho một chiến dịch ngắn ngày.’

*

Có một thông báo lạ kỳ ở miền Bắc khi đột nhiên thay đổi ngày Tết đầu năm. Lấy lí do vì sự giao hội bất thường giữa mặt trời, mặt trăng và trái đất nên có sự thay đổi ngày mùng một Tết sẽ là 29 Tháng Giêng, sớm một ngày thay vì 30. Sau này phía đồng minh mới vỡ lẽ là Hà Nội muốn cho các cán binh có dịp được hưởng một ngày vui Xuân trước khi xuất trận.

Chỗ tập trung quân của Westmoreland như đã có trước đây vẫn là Khe Sanh nơi đang có 5.000 binh sĩ TQLC HK đồn trú và đang bị từ 20 đến 40 ngàn quân chính qui BV bao vây. Tin tưởng CS sẽ cố tràn ngập căn cứ này trước khi chiếm lấy hai tỉnh cực Bắc khiến Westmoreland càng cương quyết phải giữ Khe Sanh bằng mọi giá. Quyết định này được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Tham Mưu Trưởng Liên Quân và TT Mỹ Johnson, người luôn lo lắng không muốn thấy một Điện Biên Phủ thứ hai.

Tướng Westmoreland vẫn liên tục thúc TT Thiệu nên quyết định hủy bỏ lệnh ngưng bắn dịp Tết Nguyên Đán nhưng Thiệu vẫn thẳng thừng chối từ; lý luận rằng làm vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ quân đội Miền Nam và chỉ có lợi cho bộ máy tuyên truyền của CS mà thôi. Thay vì vậy, Thiệu chỉ đồng ý cho giảm thời gian ngưng bắn xuống còn 36 tiếng, đồng thời ông chỉ thị cho giảm quân số đi phép xuống còn 50 phần trăm.

*

Sáng 30 tháng Giêng, Tướng Trưởng cảm thấy có điều gì đó bất thường. Sau buổi thượng kỳ đầu năm, thay vì về tư thất ở bên phía hữu ngạn, ông cho lái xe về BTL SĐ để xem tin tình báo có gì mới không. Trên bàn giấy nào là báo cáo về những trận tấn công quy mô lớn vào tám thành phố, tất cả đều vi phạm trắng trợn lệnh ngưng bắn song phương.

Tướng Trưởng cho triệu tập tất cả sĩ quan tham mưu, ngoại trừ những người đang đi phép. Họ duyệt lại hết những báo cáo tình báo về hoạt động địch tại địa phương trong những tuần vừa qua. Càng bàn thảo, càng đọc, Tướng Trưởng càng chắc chắn là Huế đang chịu một nguy cơ tấn công nào đó. Nhưng lớn cỡ nào? Đó mới là vấn đề. Tin tình báo đánh giá rằng lực lượng địch không đủ mạnh để mở cuộc tấn công ồ ạt vào Huế, nhưng sự lượng định sức mạnh của lực lượng địch có thể sai. Ông kiểm lại với các bộ chỉ huy cấp cao hơn thì được biết rằng họ không có tin tức gì về sự tập trung quân đông đảo của địch trong vùng.

Dầu sao Tướng Trưởng cũng vẫn như đã đánh hơi thấy một cái gì đó đang âm ỉ chực nổ bùng. Tuần trước, Tiểu Đoàn 2 Dù khám phá ở cách Huế 5 dặm về phía Tây một hầm vũ khí đủ lớn để trang bị cho một trung đoàn. Là một cấp chỉ huy chiến đấu, linh tính cho biết là ông cần phải hành động. Ông ra lệnh báo động 100 phần trăm toàn sư đoàn cho những ai vẫn còn có mặt tại đơn vị, ai có phép mà chưa đi thì bị thu hồi. Quyết định này quả là táo bạo vì ngày Tết quan trọng đối với người Việt biết dường nào. Ông hiểu rõ việc thu hồi những phép đã xin trước của những người chưa kịp đi có một tác động tâm lý không tốt cho ban tham mưu vì quanh năm họ đã cố gắng làm việc quá sức. Nhưng Tướng Trưởng vẫn vững tin đó là một quyết định rất thích đáng phải làm.

Lệnh đưa ra và được lập tức thi hành. Tất cả sĩ quan tham mưu sư đoàn, các binh sĩ trong BTL ai ở nguyên vị trí nấy. Các trung đoàn trưởng ở các trung đoàn được chỉ thị phải trở về vị trí chỉ huy của mình đồng thời đặt các tiểu đoàn trực thuộc trong tình trạng báo động. Tướng Trưởng còn cố liên lạc với những người đã cầm phép đi về nhà rồi, gọi họ quay về đơn vị nhưng coi bộ khó thành công vì họ đã tứ tán cả.

Tướng Trưởng ra lệnh cho viên chỉ huy đơn vị xung kích của sư đoàn là Tr/úy Trần Ngọc Huế phải báo cáo việc thi hành về những lệnh đã ban xuống. Lực lượng của Tr/úy Huế là Đại Đội Hắc Báo mà tất cả thành viên đều là người tình nguyện; đồn trú trong Thành Nội gần phi trường Tây Lộc. Quân số Hắc Báo tổng cộng là 200 người chia ra làm 6 trung đội. Tr/úy Huế cho gởi 3 trung đội qua phía Hữu Ngạn để giữ an ninh cho Tòa Hành Chánh Tỉnh, Nhà Đèn và Lao Thừa Phủ. Hai trung đội khác bị xé lẻ ra để chia đều đi trấn giữ 10 cổng thành. Tr/úy Huế chỉ còn lại một trung đội cộng thêm thành phần phụ khuyết nằm ở BCH là 50 người nữa để đương đầu với cuộc tấn công vào Thành Nội nếu có.

Tướng Trưởng còn huy động ĐĐ Thám Báo 36 người đi lùng sục mặt phía Tây, chỗ tiếp cận Huế, nơi đáng khả nghi nhất là địch sẽ từ đó mà thâm nhập vào. Việc còn lại trong ngày là kiểm tra chiến cụ, đạn dược, củng cố lại các nơi phòng thủ. Các ban thông tin truyền tin thì lo tu chỉnh máy móc để tiếp nhận tin và đưa tin cho hữu hiệu.

Mệnh lệnh của Tướng Trưởng quả là đáng nễ phục, là cả một quyết định của sinh và tử. Nhiều sĩ quan ban tham mưu cũng sống ở bên phía Hữu Ngạn như ông, giá mà họ không bị thu hồi phép, chắc gì họ về được BTL một khi cuộc tấn công đã bắt đầu.

Cuối ngày hôm đó, chính phủ Nam Việt mới ban hành hủy bỏ lệnh ngưng bắn Tết Nguyên Đán nhưng ít đá động đến chuyện đề cao cảnh giác về việc CS có thể tấn công bất ngờ. Các đơn vị khác có cho thu hồi một số phép nhưng quân sĩ chỉ đặt trong tình trạng sẵn sàng thôi chứ không phải trong tình trạng báo động. TT Thiệu thì rời Sài Gòn bay về ăn Tết bên vợ ở dưới Mỹ Tho, một thành phố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 30 tháng Giêng, Tướng Westmoreland công bố lệnh báo động cho tất cả quân Mỹ, nhưng có điều lệnh đó chưa bao giờ đến tay chúng tôi ở tại Huế. MACV ở trung ương biết rõ CS sẽ mở màn cuộc tấn công dịp Tết này nhưng không tài nào đoán được màn này sẽ ngoạn mục cỡ nào. Sĩ quan tình báo của Tướng Westmoreland là Chuẩn Tướng Philip B. Davidson sau này có tiết lộ quan điểm của mình, “Dù tôi có biết rõ mọi sự sắp diễn ra, nếu tôi báo động cũng không mấy ai muốn tin vì nó nghịch lý quá. Vì sao đối phương lại bỏ đi lợi điểm quan trọng của mình là khả năng né tránh đụng độ và tránh bị tổn thất?”

Câu trả lời cho câu hỏi của Tướng Davidson mà bấy giờ ông chưa hình dung ra được là sự đạt được yếu tố bất ngờ, dù phải trả một giá cực kỳ đắc về nhân mạng.

“ Không ai ngờ địch sẽ thí quân trước hỏa lực hùng hậu của chúng ta bằng những đợt tấn công tự sát.” Ông tiếp, “vậy mà địch vẫn làm.”

Phe đồng minh bị ru ngủ trong niềm tin rằng địch tập trung quân hùng hậu để bao vây cứ điểm Khe Sanh gần giới tuyến, sẽ không còn đủ quân để tung một cuộc tổng tấn công khắp miền Nam. Điểm này phía tình báo cũng đã đánh giá sai nốt.

Đêm 30 Tháng Giêng tôi ghé chơi nhà Tr/U DiBernardo nhưng đã từ chối lời mời ngủ lại đêm của anh. Như thể định mệnh đã an bày, khu doanh trại của DiBernardo bị địch tràn ngập ít hôm sau đó và anh ta bị bắt sống. Tiếp đó anh phải sống hết 5 năm trời trong nhà tù CS, phải chịu đựng nhọc nhằn, những đối xử khắc nghiệt, nhưng cũng cám ơn trời là anh vẫn còn sống. Những cố vấn quân sự khác cùng làm việc ở đó lại không được cái may mắn như anh.

Ở tòa MACV dành cho dân làm cố vấn, tôi đi ngủ giữa tiếng pháo đì đùng xen lẫn với tiếng M-16, trời mát mẻ dễ chịu. Lính Cộng Hòa nghỉ phép ăn Tết tại nhà khuya đêm đó xả hết nguyên băng đạn lên không để mừng tiễn ngày mồng Một Tết Mậu Thân. Tiếng súng phát ra từ cả hai bờ sông Hương tạo ra những lằn lửa đan chéo lên bầu trời. Mấy phút sau không gian chợt trở nên im lặng nặng nề.

 

(Tiếp phần 5)

 

No comments:

Post a Comment