Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (8) * Triệu Phong chuyển ngữ
CHƯƠNG BỐN
Giải cứu (Phần hai)
Súng nổ ngày càng dữ dội hơn. Rõ ràng là tiếng AK-47 và lằn đạn xanh chứng tỏ đây là đại liên của khối Cộng. Địch đang tấn công với quân số đông đảo.
Những binh sĩ TQLC trông rất trẻ khi họ tiến ra cổng, đến khi trở lại trên các băng ca mới thấy họ trẻ hơn nhiều. Đúng vậy họ còn là trẻ nít mà. Phần nhiều toàn mới lớn cả, chỉ vừa mới xong trung học. Họ tự xưng mình là ‘snuffies’, kẻ đã khôn lớn. Ai không là TQLC thì không là ‘badge of distinction’ (biểu hiện thành phần ưu việt) coi như là ‘poges’, number ten, con gà chết.
Trẻ hay không, họ đổ máu không khác chi những chiến binh lão luyện. Tôi kinh ngạc vì thái độ khắc kỷ và tự kiêu của họ. Dù có người bị vết thương rất kinh hoàng nhưng tôi không thấy họ kêu than. Hình như họ cam chịu đau đớn trong thầm lặng ơ thờ. Điếu thuốc dính trên vành môi rướm máu, họ nhếch mép cười như vừa từ sân tập bắn trở về. Có người đưa ngón cái và ngón trỏ biểu tượng cho một thành tích mỹ mãn hoặc một ngón cái chĩa lên trời. Có người bị thương nặng quá không ra dấu gì cả.
Băng ca chất đầy trước bệnh xá. Ai rồi cũng sẽ được bác sĩ Bernie săn sóc nhưng ưu tiên cho những người bị thương quá nặng trước. Thỉnh thoảng có một trái cối rơi vào khuôn viên MACV, có trái rơi rất gần bệnh xá. Đến cả người chết lẫn bị thương vẫn còn chưa được yên thân.
Bên trong bệnh xá, vài xác chết bọc trong bao đựng xác được xếp dọc theo chân tường; ngày qua ngày con số ấy lại tăng dần lên. Có một xác là bạn thân của Đ/úy Williams là người tôi đã gác chung trạm canh. Chúng tôi vào thăm viếng. Williams quì xuống cạnh bên lấy can đảm mở bao đựng xác ra để nhìn mặt bạn rồi anh oà lên khóc tức tửi. Tôi không biết lấy lời gì an ủi để làm anh ngưng được.
Ấy là kinh nghiệm đầu đời của tôi về bao đựng xác, mà cũng không phải là lần sau cuối.
*
Về phần Tr/tá Gravel, ông đang mang một tâm trạng kinh tởm kỳ quái. Vừa mới đến MACV ông đụng độ ngay với Đ/tá Adkisson bằng trận cãi vã to tiếng. Là một sĩ quan TQLC, Gravel nhận thấy nơi Adkisson vị sĩ quan của Lục Quân, kẻ mang lon cao hơn nhưng thiếu tinh thần hợp tác.
Về sau Gravel kể với một phóng viên, “Adkisson có trữ thật nhiều đạn dược, vũ khí và quân dụng các thứ nhưng không muốn san xẻ, sau phải miễn cưỡng nhân nhượng vì sợ mất nồi gạo, ổng còn giữ được nồi gạo là nhờ chúng tôi, ổng phải biết điều với chúng tôi mới đúng.”
Bây giờ thì thượng cấp ở Phú Bài muốn Gravel dẫn toán quân TQLC mỏi mệt xác xơ vượt qua cầu Trường Tiền vào Thành Nội bắt liên lạc với Tướng Ngô Quang Trưởng. Không có một chút tin tình báo về tình hình địch quân ở Thành Nội mà lại phải bỏ cái MACV tạm yên ổn này để tấn công vào chốn không tên đầy bất trắc thật là phi lí. Nếu bên kia lực lượng địch cũng hùng hậu tương tự như vừa mới đụng độ thì quả là tự sát. Sau khi nêu lên quan điểm của mình Gravel vẫn được lệnh là ‘cứ thế mà tiến’.
Sợ cầu không chịu nỗi sức nặng của các chiến xa, Gravel quyết định để lại hết 5 chiếc cùng một trung đội ở bãi đáp trực thăng để yểm trợ tác xạ lúc tiến qua cầu đồng thời giữ an ninh cho việc tải thương binh và tiếp nhận đồ tiếp tế mà bây giờ thật tối cần thiết.
Cuộc hành quân suýt trở thành một thảm họa nếu sứ mạng ngu ngốc không được phép hủy bỏ. Trả giá cho lệnh lạc ngu ngốc này TQLC Mỹ đã thiệt mất thêm 10 chết và 40 bị thương.
*
Th/úy Steve Hancock, Trung Đội 2, nhận nhiệm vụ dẫn lính vượt cây cầu (Trường Tiền) dài 400 m rồi rẽ trái dọc theo QL1 chừng 300 m rồi vào cửa Thượng Tứ là cửa gần nhất để vào Thành Nội. Vào bên trong rồi anh sẽ tiếp tục tiến thêm 2 km nữa theo hướng Bắc mới đến BTL SĐ1 NV.

Đại Đội Golf 2/5 TQLC Hoa Kỳ băng qua ngã tư Lê Lợi và Duy Tân để vượt qua cầu Tràng Tiền tiến vào Thành Nội. (DoD/MarineCorps)
Mới lên đến giữa cầu thì toán quân bị chận đứng vì đại liên địch bắn xối xả. Quân TQLC giạt ra hai bên cầu kiếm chỗ núp, có người lo chạy ra kéo đồng đội bị trúng đạn. Đạn bay vèo khắp nơi chạm thành cầu kêu leng keng; Th/úy Hancock liên lạc với đại đội trưởng của mình là Đ/úy Meadows bằng vô tuyến, hỏi ý kiến, “Bây giờ phải làm sao?”
Tr/tá Gravel từ chân cầu bên này quan sát thấy diễn tiến như vậy mới quyết định lo tải thương ra khỏi cầu trước đã. Ông gọi về MACV hỏi xin Adkisson gởi lên vài quân xa, ông này thẳng thừng từ chối, viện dẫn không có sẵn xe khiến Gravel lại nỗi thịnh nộ thêm hơn nữa với Adkisson rồi hăm sẽ rút hết quân của mình ra khỏi MACV.
Cuối cùng Th/tá Murphy, sĩ quan hành quân của Gravel đứng ra lo việc di tản thương binh, một sứ mạng đáng giá mạng sống của ông.
Đ/úy Coolican kể lại, “Hôm ấy Murphy là người lo điều động tổ chức cứu thương binh nhưng anh lại đi giành làm một việc đáng ra không phải của mình.”
Ở đầu cầu bên này Murphy đứng nhìn chiếc quân xa có trang bị đại liên 50 bốn nòng phóng qua cầu vừa chạy vừa xả súng vào phía hai bên, những nơi tình nghi có địch. Bỗng đâu xuất hiện hai tên địch chạy ra ôm trên tay bao gì giống như chất nổ rồi thẩy vào sau xe. Sức nổ làm tung bổng chiếc xe lên cao.
Murphy tức tốc chạy lên cầu về phía chiếc xe, lôi mấy người bị thương ra. Ngay Tr/úy Richard Lyons là cha tuyên úy cũng vội lên tiếp cứu nữa. Cả hai lại bị đốn ngã bằng một trái B40. Cha Lyons bị thương ở chân nhưng khập khiễng đứng dậy được, duy Murphy là nằm bất động, vết thương của ông rất trầm trọng. Hai người được đưa ngay về MACV, nơi đây Coolican liền vội lo liên lạc xin trực thăng.
Coolican nhớ lại: “Tôi lại bên Murphy trấn an ông rằng ông sẽ được lập tức đưa đi điều trị ở quân y viện. Ông nói thấy đau ở lưng nhưng chịu đựng được, rồi quay qua hỏi han người khác. Lúc tôi trở lại để mang ông đi thì ông đã chết vì mất máu.”
Cha tuyên úy Lyons nằm trên băng ca gần đó được khiêng đến bên cạnh Murphy trước khi chết để được làm phép rửa tội lần cuối.
Về sau, Murphy được trao tặng huy chương Ngôi Sao Bạc. Sự mất mát của Murphy quả là một cú sốc lớn. Coolican, Breth, và Swenson vốn là cộng sự viên của ông trước đây, họ rất kính phục tư cách lãnh đạo chỉ huy nơi ông. Riêng Gravel, ông thấy tan nát cõi lòng bởi lẽ Murphy không những là cánh tay mặt của mình mà còn là bạn chí thân nữa.
*
Cuộc hành quân tuy thế vẫn cứ tiến hành. Trung Đội 1 thuộc ĐĐ Alpha dưới quyền chỉ huy của Tr/úy Mike McNeil hạ được chốt giữ đầu cầu bên kia và tiếp tục tiến quân mà không gặp mấy kháng cự. Thành phần còn lại của đại đội lần lượt theo sau. Tiểu đội tiền đạo rẽ trái đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo dưới bóng dáng đồ sộ của tường thành. Đoàn quân đi ngang qua một rạp chiếu bóng (rạp Hưng Đạo) nằm phía bên phải, trên có căng một tấm hình lớn quảng cáo phim Cuốn Theo Chiều Gió bấy giờ đang được trình chiếu.
Kế đó họ quành tay phải rồi tạm dừng chân một lát. Trước mặt họ sừng sững cổng thành có cửa vòm cung, xa hơn về bên trái là lá cờ của MTGP đang phất phơ trong gió trên kỳ đài. Tiểu đội tiền đạo vừa bước xuống lòng đường để thẳng tiến vào cổng thì gặp ngay hỏa lực đại liên dữ dội từ khắp mọi hướng khiến họ phải dừng lại.
Đây là lúc cần phải có một quyết định dứt khoát. Toán dẫn đạo nếu vẫn nằm yên đó ắt sẽ bị tiêu diệt — mà có rút lui thì không gì bảo đảm họ sẽ tránh được tổn thất nặng.
Gravel biết mình phải làm gì. Ông cho lệnh rút quân về. Dùng trái khói làm màn chắn đoàn quân từ từ kéo lui, mang theo những người bị thương. Đến đầu cầu họ được đại pháo của chiến xa và đạn cối từ bờ bên kia bắn qua yểm trợ. Đến 7 giờ tối, cả đại đội về đến bờ Nam. Họ đã mất 4 tiếng đồng hồ kể từ khi khởi hành.
*
Cuộc hành quân thiếu suy xét vừa qua chứng tỏ hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu vẫn cứ tiếp tục. Giá như địch quân để cho hai trung đội của ĐĐ Golf vào được bên trong Thành Nội một cách dễ dàng, ắt rồi họ sẽ bị đốn sạch; sự mất mát đó sẽ tạo một lỗ hổng lớn cho MACV vì thiếu quân trú phòng cần thiết.
Về sau Gravel phải công nhận: “Lực lượng chúng ta lúc ấy quả không sánh nổi với họ.”
Đại Đội Trưởng ĐĐ Golf cũng có lời bình phẩm tương tự về sứ mạng đi đón Tướng Trưởng. Ông chua chát nói:
“Duy mới có qua cầu rồi trở lại thôi mà tôi đã phải chịu thương vong hết 49 mạng.”
Tr/tá Gravel và binh sĩ của mình học được bài học nhớ đời. TQLC sẽ không bao giờ tiến chiếm một mục tiêu được cố thủ kiên cố như vậy mà không có chiến xa yểm trợ. Cuộc hành quân đánh tan được mọi hoài nghi trước đây, cho thấy rõ rằng địch đã vào Huế bằng đội quân thiện chiến có trang bị đầy đủ với quyết tâm bám tới cùng.
*
Cũng trong cùng ngày, vừa thoát cuộc thảm sát, TQLC lại nhận ngay sứ mạng khác. Lệnh từ Phú Bài yêu cầu họ phải giải cứu một số kiều dân Mỹ đang ẩn trốn trong một tòa nhà nằm cách MACV vài khu phố. Một tiểu đội của Alpha 1/1 và vài tình nguyện viên ở MACV có hai chiến xa đi kèm được giao một công tác mà rồi đây sẽ lập đi lập lại mãi đến đôi ba tuần lễ.
Toán quân tiến chưa được 100 mét thì bị cầm chân bởi hỏa lực quá mạnh của địch. Chưa cứu được người Mỹ nào nhưng cuộc hành quân lại hé cửa cho đám người tị nạn chạy thoát; nhờ quân Mỹ che chở họ chạy vào được MACV. Trong vài tuần tới, với dòng người tị nạn dồn về ngày càng đông đảo sẽ tạo thành cơn ác mộng cho lực lượng Mỹ ở Huế cả về mặt an ninh lẫn tiếp tế.

Quân Mỹ tái chiếm được tới đâu thì gặp dân tị nạn, bồng bế nhau tràn ra tới đó. (DoD/MarineCorps)

Lính Mỹ trên đường Trương Định, gần cổng vào Đại Học Khoa Học, khiêng phụ dân tị nạn gồng gánh tài sản của họ đến nơi an toàn. (DoD/MarineCorps)
Hoạt động cuối cùng của ngày đầu cuộc chiến là công tác tải thương diễn ra ở công viên Dốc Lão vào lúc nửa đêm. Tám TQLC dự trù sẽ được trực thăng vận về Phú Bài nhưng cuối cùng con số tăng lên thêm bốn nữa; họ là những người khiêng cáng bị tấn công trong lúc đang di chuyển ra bãi đáp.
Ngoài việc đoàn quân cứu viện đến được MACV ra, thành công to lớn nhất trong ngày là sự thiết lập được một bãi đáp tương đối an toàn bên bờ sông Hương. Công lao đó dành cho các cố vấn quân sự vì họ đã lo tổ chức trong khi TQLC đang bận hành quân qua bên kia sông.
Dầu bãi đáp nằm nơi trống trải dễ làm bia cho địch từ Thành Nội bắn qua nhưng ít ra vẫn là địa điểm thuận lợi gần với bệnh xá của MACV nhất. Chiều hôm đó các cố vấn thay phiên nhau khiêng thương binh ra trong khi Đ/úy Coolican lo liên lạc xin tải thương lẫn tiếp tế.
Thoạt đầu trực thăng thu hút hỏa lực mạnh của địch. Loại phi cơ lớn hai cánh quạt CH-46 Sea Knight phải quần xa tầm súng của địch chờ hiệu lệnh sẵn sàng mới đáp xuống. Loài chim tiền sử khổng lồ vụt xà xuống rồi cấp tốc trút sạch đồ tiếp tế và đạn dược trong khi toán khiêng cáng chờ xong là chuyển thương binh lên ngay. Ít khi công việc diễn ra lâu hơn 30 giây.
Nhược điểm của trực thăng là lúc cất và hạ cánh vì thân hình đồ sộ của nó nổi bật trên nền trời ngang tầm các ngọn cây hoặc nhà cửa. Để giảm bớt hiểm nguy trong giai đoạn này, hai giang đĩnh từ bến đậu gần đó sẽ hiện diện giữa sông và bắn vào vị trí địch ở hai bên bờ bằng hỏa lực đại liên 50 hai nòng.
Tải thương đêm đòi hỏi ít nhiều khéo léo, các cố vấn và TQLC phải biết phối hợp mọi thứ thật chu toàn. Đèn bấm được sử dụng để trợ thị cho trực thăng nhưng người cầm đèn phải cẩn thận làm sao để chiếu lên trời cho các phi công thấy được mà thôi.
*
Đêm trực gác thứ hai ở MACV ít đáng lo hơn đêm đầu vì lực lượng an ninh bây giờ trải dày thêm với 300 TQLC cùng bốn chiến xa; tuy vậy tôi vẫn ít ngủ được bao nhiêu vì sự có mặt của TQLC khiến địch gia tăng thêm cường độ pháo kích, cứ mỗi lần như vậy những người ngồi gần lại lao xao ầm lên.
Đám cố vấn tụ lại thành một cụm nhỏ lo tổ chức phòng thủ ở phía mình, chúng tôi thảo luận về sự thoát chết vừa trải qua. Cho tới bấy giờ vẫn chưa ai rõ quân số bên địch là bao nhiêu, thuộc đơn vị nào, nhưng ai cũng biết là rất đông, đủ để mở một cuộc tấn công đánh phủ đầu MACV. Cuối cùng họ đã không tấn công là một điều mà chúng tôi cho là phép lạ.
Nhiệt độ rớt xuống dưới 50 độ Fahrenheit (dưới 10 độ C). Co ro trong vọng gác ở tầng lầu hai, tôi nhìn qua phía Thành Nội nơi trái sáng đang loé lên trên bầu trời tối đen, đong đưa dưới cánh dù con, chúng trôi vật vờ xuống đất tạo nên những bóng đen kỳ quái trên nền trời. Tiếng đại liên lẫn tiếng pháo cối ì ầm suốt đêm như nhắc nhở một cách quái gở rằng địch đang hiện diện khắp nơi.
*
Trong khi ấy phía bên kia sông, ở Thành Nội, nhúm quân trú phòng nhỏ nhoi của Tướng Trưởng đang cầm cự chờ viện binh đến. Từ hướng Bắc quân tăng viện phải vất vả chiến đấu để có thể tiếp tục tiến xuôi theo QL1 và cuối cùng họ cách khu thành lũy chỉ còn vài mét. Họ nằm đợi đến mai mới tiến vào Thành Nội. Sự hiện diện của họ sẽ giúp Tướng Trưởng đủ sức mạnh để lật ngược cơn sóng triều.
Nhìn trở lại những ngày qua ta thấy phía đối phương đã phạm ba sai lầm quan trọng. Thứ nhất, họ không đánh úp được BCH của Tướng Trưởng, và thứ hai là họ đã không đồng thời tập trung tiến chiếm MACV dù rằng họ thừa quân số để lấy được cả hai. Thứ ba, không giật sập được cầu An Cựu khiến viện quân TQLC có thể thênh thang đến được MACV và quân Mỹ tiếp tục dùng QL1 không bị đứt đoạn để tiếp tế và gởi thêm viện binh trong nhiều ngày sau. Giá như cầu bị phá sập làm TQLC không tiến thêm được, biết MACV có đủ sức cầm cự lâu hơn trước khi được tiếp cứu.
Về sau người ta được biết, kế hoạch đánh úp MACV bị hỏng vì đơn vị nòng cốt của cuộc tấn công bị trận pháo đại bác của lực lượng Đồng Minh ở phía Nam làm chùn bước đã không đến kịp theo giờ hẹn. Đến khi họ tập hợp lại được rồi để tiếp tục tiến đến Huế thì đã trễ kế hoạch. Bởi thế, khi hiệu lệnh là một tràng hỏa tiễn bắn từ hướng Tây bắt đầu nổ, họ không có đó để phối hợp với cuộc tấn công bằng bộ binh. Ngoài ra thời gian để bắt đầu bắn pháo hiệu cũng trễ mất một giờ. Khi hiệu lệnh bằng hỏa tiễn khơi mào cuộc tổng tấn công thì đã 3 giờ 40 lúc trời gần sáng khiến quân địch không còn đủ thời giờ để nắm lấy ưu thế hoàn toàn của bóng tối.
*
Trước khi cố chợp mắt một tí, tôi lại lấy giấy bút ra viết tiếp dòng nhật ký:
‘Quả là một ngày bận rộn. Không rảnh để mà sợ nữa. Không thì giờ cho cả ăn uống lẫn vệ sinh. Dân TQLC ngầu thiệt, can đảm chưa từng thấy. Tôi không thể ngờ sao mà họ trẻ đến thế. Nhận lệnh là họ thi hành ngay, họ tỉnh bơ tiến thẳng vào sự chết. Hôm nay mọi thứ đều quá tệ. Tôi nghĩ cái xấu coi như đã qua hết rồi. Hy vọng là thế.’
No comments:
Post a Comment