Wednesday, February 12, 2025

 

Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (kỳ 19) * Triệu Phong chuyển ngữ

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Kết quả của trận chiến

Mặt trời chiếu sáng rực rỡ khi chiếc trực thăng chở Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Miền Nam VN đáp xuống bãi đáp ở Mang Cá lúc xế trưa ngày 25 tháng Hai.

TT Thiệu trong bộ đồ trận mới ủi hồ chào tay đáp lại Tướng Trưởng rồi đưa tay ra bắt thật niềm nở. Kế đó ông duyệt qua hàng quân danh dự trong đó có ĐĐ Hắc Báo trong khi ban quân nhạc sư đoàn trỗi khúc quân hành, rồi bắt đầu gắn huy chương cho khoảng vài chục quân nhân Việt và cố vấn Mỹ.

TT Thiệu người từng làm tư lệnh SĐ1 (?) hồi đầu thập niên 60 đã không ngớt tươi cười và cũng ban cho Tướng Trưởng cái nụ cười hiếm xảy ra giữa họ. Cảm giác nhẹ nhỏm cả hai đều cảm thấy lướt qua sân diễn hành như cơn gió thoảng mát mẻ.

Sau bữa ăn trưa ngắn ngủi ông Thiệu lên trực thăng bay trở về trong Nam. Từ trên không TT Thiệu nhìn xuống, thấy cảnh chiến tranh tàn khốc đã biến một thành phố đẹp nhất nước trở nên tan hoang điêu tàn như thế nào. Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương giờ đây là một vết sẹo quăng queo xấu xí. Những vài cầu rỉ sét lộ ra trên mặt sông trông như khúc xương của loài rắn biển. Dãy tường thành của Thành Nội sau ba tuần lễ liên tục bị cày nát bởi bom, đại bác và hải pháo, nay lỗ chỗ những hố to tướng, nhiều nơi đổ sụm xuống chỉ còn là một đống gạch vụn. Ngoại trừ một vài nơi trên đường Lê Lợi, Khu Hữu Ngạn kể ra cũng còn ít hư hại hơn.

1

Đường Trần Hưng Đạo chỗ chân cầu Gia Hội, góc Phan Bội Châu, nhìn từ đồn cảnh sát Đông Ba. (MarineCorpsArchives)

23

Đường Mai Thúc Loan bên trong Thành Nội, mệnh danh là Lằn Tuyến Xanh, nhìn từ cửa Đông Ba. Nơi đây diễn ra những trận ác chiến kéo dài suốt nhiều ngày. (newseumed.org)

17

Cảnh hoang tàn của một con đường trong nội thành lúc đang còn giao tranh. (Catherine Leroy/Mạnh Hải)

21

Nhiều nơi ở Đại Nội đến nay vẫn còn giữ nét hư hại do trận Mậu Thân. (dandlwandering10.blogspot.com)

Tình trạng của dân tị nạn thật cấp bách. Có phỏng chừng 116.000 trong tổng số 140.000 dân đã không có nơi ăn chốn ở. Nhu cầu khẩn cấp chính là thực phẩm, áo quần và thuốc men. Điều đáng lo ngại nhất là bệnh dịch có thể xảy ra nếu không giải quyết vấn đề vệ sinh kịp thời. Hệ thống điện và nước đều hư hỏng cả. Các xác chết tràn lan trên các đường phố, cống rãnh và trong các ngôi nhà đổ nát. Ưu tiên hàng đầu là phải đem chôn ngay lập tức.

16

TQLC Mỹ thu dọn chiến trường, bước gần xác một người lính BV nằm chết trên một đường nhỏ của Thành Nội. (Catherine Leroy/Mạnh Hải)

6

Cứu một mệ già tìm thấy còn sống sót trong mấy căn nhà đổ nát. (Tarih Turdu/Twitter)

11

… một bé gái gầy ốm và bơ vơ giữa hoang tàn. (LowellMilkenCenter.org)

18

Một người mẹ đau lòng với vết thương trên đầu của đứa con nhỏ, sau khi em vừa được lính Mỹ băng bó tạm. (CatherineLeroy/MạnhHải)

22

Khiêng giúp một người dân bị thương ra khỏi vùng chiến sự. (CatherineLeroy/MạnhHải)

Nhiều người trong số dân tị nạn là những quân nhân đi phép Tết và bị kẹt không trở lại với đơn vị được. Thay vì bỏ hàng ngũ theo địch như CSBV vẫn hằng mong đợi thì họ đã tìm mọi cách để ẩn trốn, họ núp dưới hầm sâu đào dưới đất hay ép mình nằm trên gác lững dưới mái nhà chờ dịp được giải cứu để chạy về với đơn vị. Ba ngày sau khi trận đánh kết thúc tôi tìm gặp anh tài xế riêng bị nhốt trong lao Thừa Phủ cùng một số dân tị nạn. Khi thấy tôi anh ta cười mừng rồi chạy ào về phía tôi, quì xuống hôn tới tấp lên tay tôi. Anh và những người bị địch nhốt ở đây cứ tưởng là địch đã giết hết người Mỹ rồi.

10

Mấy bé gái nô đùa cạnh người lính Mỹ đứng gát trước Ty Kiến Thiết Thừa Thiên Huế. Nơi đây nay trở thành ngã sáu sầm uất nhất ở khu Hữu Ngạn với nhiều nhà cao tầng như VinPearl Hotel …(MarineCorpsArchives)

Một trong những ưu tiên cấp thời là sửa chữa cây cầu hỏa xa (cầu Bạch Hổ) nằm ở phía Tây của sông Hương để xe cộ hai bờ có thể lưu thông qua lại. Cầu Trường Tiền thì đã được chắp nối nhanh chóng khiến bây giờ có thể tạm đi bộ; nhưng phải mất thêm sáu tháng nữa may ra mới tạm sửa xong cho xe cộ qua lại.

24

Công Binh Mỹ làm cầu phao qua đoạn cầu Trường Tiền bị sập, để dân chúng có thể tạm qua lại bằng bộ, kể cả dẫn theo xe đạp. (vietnamnet.vn)

25

Một cây cầu nổi khác, xe gắn máy và xe hơi nhỏ có thể qua được, do Đại Đội Cầu Nổi Công Binh Mỹ bắc gần cầu Trường Tiền. (forums.bohemia.net)

Bay trên cao nhìn xuống thấy cảnh tượng thật thê lương nhưng đi trên mặt đất mới thấy ghê rợn hơn vì dưới này người ta có thể nghe và ngửi được nữa.

Quá nhiều nhà cửa bị tàn phá, không còn nơi cho dân tị nạn trú ngụ và ăn ngủ. Trại tạm cư bằng tôn được mang đến Huế bằng máy bay hoặc quân xa. Chỉ trong vài ngày gạo trồng ở Tiểu Bang Louisiana đựng trong những bao 45 kg được không vận đến Huế.

Từng gia đình quây quần bên đống lửa để đun nước nấu cơm. Rau quả rất hiếm còn thịt thì hoàn toàn không có. Những vườn rau trong khắp thành phố nay hoặc đã bị hư hại hoặc đã trở thành nghĩa địa, còn gà vịt và heo thì đã làm mồi cho binh sĩ quân đội của cả hai bên trong suốt cuộc chiến rồi.

Quân nhân NV được giảm quân vụ để giúp tái thiết lại thành phố. Nhiều người còn phải tự lo sửa chữa nhà cửa của mình nữa. Bác sĩ quân y được biệt phái làm việc ở các trại tị nạn để lo vấn đề chủng ngừa cho dân chúng phòng dịch tả, dịch hạch và thử độ an toàn vệ sinh nước uống. Thuốc chủng ngừa do Hoa kỳ cung cấp.

Mùi xác chết vẫn phảng phất trong không khí suốt mấy tuần lễ vì nhiều xác ở các hào nước, sông hồ, ruộng vườn vẫn chưa thu gom hết được.

*

Chừng một tuần lễ sau khi cuộc giao tranh xem như đã chính thức chấm dứt, tôi nhận được một cú điện thoại từ một bạn đồng sự cho hay người ta vừa phát giác một mồ chôn tập thể ở Bãi Dâu thuộc khu Gia Hội. Tôi lái xe đến nơi và kinh hoàng đứng nhìn bạn bè, thân nhân của nạn nhân đang vừa đào lên được hằng trăm xác chết. Nhiều xác tay bị trói quặt ra phía sau bằng dây kẽm. Những người khác bị chôn khi đang còn sống.

Một năm rưỡi sau, bộ đội hồi chánh dẫn quân Mỹ đến địa điểm một con suối nằm sâu trong rừng cách Huế chừng mười dặm về phía Tây. Rải đều suốt một chiều dài chừng 100 mét dọc theo khe núi là xương cốt của chừng bốn trăm xác đã được dòng suối rửa sạch trắng hếu. Quan sát xương đầu cho thấy họ đã bị bắn hoặc bị đập vỡ sọ. Chính quyền địa phương sau đó công bố danh sách 428 nạn nhân này gồm các binh sĩ quân đội Miền Nam, sinh viên học sinh, công chức hành chánh, viên chức xã ấp, và luôn cả thường dân. Tính chung các nơi thì số nạn nhân bị hành quyết có khoảng 3000 người.

Năm 1970, Tổng Thống Mỹ Richard M. Nixon trưng ra ý kiến rằng cuộc tàn sát ở Huế như là một chứng cớ sẽ xảy đến cho người dân Nam Việt Nam nếu Hoa Kỳ bất thần rút quân ra khỏi nơi này. Nixon cho rằng thời gian chiếm đóng ngắn ngủi ở Huế của quân CS là ‘một thời kỳ khủng bố đẫm máu khiến 3000 thường dân đã bị bắn hoặc bị đập vỡ sọ chết.’

Giới lãnh đạo BV thẳng thừng từ chối về vụ tàn sát. Một trong những lãnh đạo cao cấp BV trực tiếp tham gia vào cuộc tấn công Tết Mậu Thân tại Huế là Tướng Trần Độ tuyên bố rằng những khúc phim và hình ảnh về cuộc thảm sát do quân đội Đồng Minh trưng ra là hoàn toàn ‘ngụy tạo’. Tuy nhiên vài năm sau giới lãnh đạo BV lại xác nhận vụ này có xảy ra thật nhưng đổ thừa cho chiến tranh.

Trương Như Tảng, người sáng lập Mặt Trận Giải Phóng kiêm Bộ Trưởng Tư Pháp Chính Quyền Cách Mạng Lâm Thời viết: ‘Nhiều người bị xử tử vì họ đã hợp tác với chính quyền Ngụy hoặc có tinh thần phản cách mạng.’

‘Một số đông khác cũng bị giết gồm lính Mỹ bị bắt, kiều dân nước ngoài. Tôi có hỏi riêng vụ này với Chủ Tịch MTGP Huỳnh Tấn Phát. Chủ Tịch có tỏ vẻ hối tiếc và thất vọng về vụ việc đã xảy ra như thế và giải thích do bộ đội ở Huế đã không giữ kỷ luật nghiêm chỉnh. Bộ đội vì quá nhiệt tình với cách mạng nên đã bắn người bừa bãi, còn bà con ở địa phương theo với Cách Mạng vì do lòng quá căm thù Mỹ Ngụy nên đã tự mình cầm cán cân công lý.’ Theo ông Phát thì MTGP không hề có chính sách hay lệnh tàn sát kể trên. Trong chiến tranh việc như thế không thể tránh khỏi được.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tàn sát này là hoàn toàn do chủ ý với động thái để lại niềm sỉ nhục đối với gia đình nạn nhân. Truyền thống người Việt Nam vốn nặng với gia đình kể cả tổ tiên đã khuất bóng. Nghi thức tống táng và chăm sóc mộ phần đều rất tôn nghiêm. Người nông dân khi còn sống thường lo dành dụm tiền sắm hòm trước để lúc chết được chôn cất tử tế. Ngay chính người CS họ cũng quan niện tương tự. Người Mỹ cho rằng địch thường cố gắng thu hồi xác đồng đội trong khi lâm trận để che giấu tổn thất, nhưng lí do sâu xa không hẳn như thế. Họ cố cứu lấy xác vì họ hiểu tầm quan trọng đồng  đội của mình cần được chôn cất tử tế.

*

Thành phố Huế tuy đã được chính thức tuyên bố là hoàn toàn an ninh nhưng vẫn còn giao tranh, vẫn còn người chết. TQLC Mỹ tuy đã đạt được một chiến thắng đẫm máu nhưng họ vẫn tiếp tục truy lùng và tiêu diệt càng nhiều càng tốt tàn dư địch đang trốn chạy. Kể ra thì không còn bao nhiêu.

Sau khi đã lấy lại Kỳ Đài và Đại Nội, Tiểu Đoàn 1/5 của Th/tá Thompson nhập lại với các đơn vị chị em 1/1 và 2/5 ở khu Hữu Ngạn; trong khi quân đội Miền Nam tiếp tục càn quét tiêu diệt những ổ kháng cự lẻ tẻ còn lại trong Thành Nội. Phải mất thêm nhiều ngày và thêm một ít thương vong nữa Huế mới thực sự an ninh.

Ở vùng Hữu Ngạn TQLC Mỹ tiếp tục săn đuổi những con nhạn lạc đàn của địch. Vào ngày đầu tiên của chiến dịch truy kích, ngày 28 tháng Hai, quân Mỹ giẫm phải mìn do quân Nam Việt chôn gây cho cả tá thương vong, trong đó có 3 chết. Cuối ngày thêm 4 thiệt mạng nữa vì phi cơ phản lực thả bom Napalm ra ngoài mục tiêu. Nói chung là vẫn tiếp tục có người nằm xuống.

Quân Mỹ tiếp tục càn quét về phía Nam tràn qua những cây cầu bắc qua sông đào An Cựu để diệt hết đám quân thủ hậu của địch, trong một số trường hợp địch vẫn đánh trả hòng gây thương vong thêm cho quân Mỹ càng nhiều càng tốt. Ngày 2 tháng Ba, Lực Lượng Đặc Nhiệm X-Ray tuyên bố Cuộc Hành Quân Thành Phố Huế đã chính thức chấm dứt. Hai ngày sau Tiểu Đoàn TQLC 1/5 Hoa Kỳ trở về Phú Bài để dưỡng quân và bổ sung quân số. Ngày hôm sau 5 tháng Ba, Đ/tá Hughes và bộ tham mưu trung đoàn rời cơ quan MACV về lại Phú Bài.

*

Vào đầu tháng Ba 1968, hầu hết các cố vấn đều lần lượt tề tựu về MACV. Vài hôm sau đồ giặt tôi đã giao cách đây một tháng lại trở về, sạch sẽ và được ủi xếp đàng hoàng. Một tuần sau, trong một buổi lễ được tổ chức long trọng do Đ/tá Adkisson chủ tọa, cơ quan MACV được đặt tên là Frank Doezema để vinh danh cho người xạ thủ trẻ tuổi đã xả thân đánh trả cuộc tấn công của địch vào cơ quan này trong buổi sáng đầu tiên của cuộc giao tranh.

Lúc mới trở lại, điều tôi chú ý đầu tiên là những lỗ đạn ở mặt tiền của cơ quan. Đặc biệt nhất là chỗ cháy nám đen ở ô cửa sổ trên tầng hai nơi trước đây tôi đã đặt vị trí trực gát trong thời gian 8 ngày đầu. Tôi được biết có lần một trái đạn đại bác từ chiến xa hoặc 106 ly không giật đã bay lạc từ bên kia sông vào đây và phát nổ. Lúc ấy phòng không có người ở nên không có thương vong nào.

Đ/úy Chase cố vấn trưởng của Tiểu Đoàn 3/7 Kỵ Binh Nam Việt khi cùng đơn vị mình trở về căn cứ ở Cây Số 17 đã nghe kể lại chuyện kinh hoàng hơn nữa. Trong thời gian lên tăng phái ở Huế, một trung úy trẻ vừa mới sang VN đến thay thế và tạm ngủ trong hầm của Chase. Một trái rocket đang đêm bay xuyên vào cửa sổ và cướp mất đời anh trong khi anh đang say mê giấc điệp.

Một số đơn vị TQLC Mỹ khác còn kẹt lại ở Huế thêm một thời gian vài tuần nữa để tiếp tục tảo thanh khu vực Nam sông Hương trước khi rút đi nhận công tác khác. Ngoại trừ một số được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh trong thành phố, bốn tiểu đoàn của Trung Đoàn 3 thuộc SĐ1 BB bắt đầu công việc tuần tra để luôn luôn quen với tình trạng ứng chiến. Ban tham mưu cố vấn quân sự thường xuyên đi về giữa cơ quan MACV và Mang Cá với quân lính có vũ trang hộ tống phòng khi bị tấn công bất ngờ.

Bài học Tết Mậu Thân dạy cho mọi người phải luôn đề cao cảnh giác. Chẳng còn ai nhìn cuộc chiến hay công tác thường nhật dưới nhãn quan như ngày trước nữa.

*

Nhìn lại ta thấy rằng quân CS đã không đạt được mục tiêu chính trong cuộc tấn công vừa qua đó là làm cho chính quyền Nam Việt Nam sụp đổ. Người Cộng Sản phương Bắc đã quá chủ quan về tiềm năng sức mạnh chính trị của họ áp đặt lên tâm tư người dân Miền Nam cũng như đã quá tin tưởng dân chúng nơi đây sẽ tổng nổi dậy. Tuy nhiên dù họ đã bị đánh bật ra khỏi Huế họ đã gây được một tiếng vang lớn. Họ đã lôi kéo được sự chú ý của cả thế giới và giữ được sự chú ý đó suốt một tháng trời bằng cách biểu dương sức mạnh và quyết tâm của mình làm phe Đồng Minh phải hoàn toàn sửng sốt.

Từ bỏ chiến thuật du kích thông thường, quân BV và VC vào Huế chọn một sự đối đầu trực tiếp với quân Mỹ bất kể cái giá phải trả nào. Quân Đồng Minh công bố đã tiêu diệt được 5113 địch quân chỉ riêng trong cuộc giao tranh ở Huế, bất kể con số thực sự là bao nhiêu, rõ ràng phe địch đã bị một đòn chí tử. Một tài liệu tịch thu được của địch cho thấy họ xác nhận đã thiệt mất một tư lệnh trung đoàn, tám tiểu đoàn trưởng, 24 đại đội trưởng và 72 trung đội trưởng.

Tổn thất về phía Đồng Minh cũng cao không kém. Quân đội Nam Việt báo cáo có 384 tử trận, 1830 bị thương. Lục Quân Hoa Kỳ có 74 chết, 507 bị thương trong khi TQLC của họ thì thiệt mất 142 và 850 thương tích. Thiệt hại nhân mạng về phía thường dân thì cao hơn nhiều.

Có bốn người được trao tặng huy chương vì chiến công anh dũng là Hạ Sĩ Quan Lục Quân Ferguson, hoa tiêu trực thăng của SĐ1 Kỵ Binh; Thượng Sĩ Joe Hooper và Clifford Sims thuộc SĐ 101 Dù; và Trung Sĩ TQLC Alfredo Gonzalez. Các binh sĩ TQLC còn được tặng 10 Huân Chương Chữ Thập của Hải Quân vì đã chiến đấu anh dũng phi thường.

“Với tư cách là một TQLC tôi lấy làm cảm phục về sự can đảm và tinh thần kỷ luật của quân CSBV và VC nhưng vẫn không bằng sự nễ phục tôi dành cho binh sĩ của tôi,” Đ/úy Myron C. Harrington nói. Ông là ĐĐ Trưởng ĐĐ Delta thuộc Tiểu Đoàn 1/5, đã chiến đấu ở Thành Nội. “Chúng tôi từng mặt đối mặt có khi chỉ cách nhau 20 đến 30 mét, ngay cả có lần chúng tôi hạ được một tay bắn sẻ địch chỉ cách 10 mét. Dù biết tại Huế họ bị bao vây và có thể bị đói nhưng tôi không tin họ sẽ bỏ cuộc. Chúng tôi phải xông vào để tống họ ra, không còn cách nào khác.”

Hoàn tất sứ mạng ấy đã tốn biết bao xương máu vậy mà cuối cùng chẳng đi đến đâu. Bảy năm sau đó và hai năm sau khi quân chiến đấu Mỹ rút khỏi VN, Huế và toàn Miền Nam đã rơi vào tay CS một cách ô nhục.

*

Khi tôi giả từ Huế vào mùa Hè năm 1968, Huế đã trở nên một thành phố hoàn toàn khác lạ với thành phố mà tôi mới lần đầu tiên biết đến hồi tháng Giêng. Cuộc chiến đã hút hết sinh khí và linh hồn của một thành phố vốn rất tự hào và  vô tư. Nơi nơi người ta đều thấy những nấm mồ, từ sân trước của ngôi nhà cho đến công viên và sân trường. Người dân bây giờ bước chân lê dài một cách nặng nhọc, không còn tung tăng như ngày nào. Nỗi ưu tư trên nếp gấp trên trán bây giờ thay cho nụ cười. Thật chua chát và buồn thay cho một thành phố đẹp nhất Việt Nam như vậy mà nay  lại phải chịu nỗi đau đớn và bom đạn dày xéo suốt một thời gian dài như vậy.

Trước khi mãn vòng công tác ở VN để về nước, tôi nhận được một giấy cảm tạ từ cố vấn trưởng của cơ quan MACV do tôi đã chịu đựng nhọc nhằn ở nơi chốn này suốt sáu tháng trời.

Đọc xong, tôi chợt nghĩ: chà, té ra thời gian qua cũng có nhiều chuyện thích thú thật mà mình không để ý đến. Thích thú? Phải, tôi không đùa đâu. Suốt bốn tuần kinh khủng như vậy mà tôi không sứt mẻ một tí nào, cả về thể xác lẫn tinh thần, quả là phép lạ.

~*~*~*~*~*~

Phần bổ túc

3

Để tưởng niệm trận đánh Huế Tết Mậu Thân, ngày 14.9.1991, chính phủ Hoa Kỳ đặt tên cho chiếc chiến hạm thuộc lớp Ticonderoga mới hạ thủy là USS – Hue City CG-66. (Wikipedia)

*

4

Sau trận Mậu Thân 1968, cờ đuôi nheo có hàng chữ “Tet Counteroffensive 1968” (Cuộc Phản Công Tết 68) được gắn thêm trên cờ đơn vị của các lực lượng Mỹ có tham chiến trực tiếp.

*

2

Bài báo do cha của một lính Mỹ tham chiến ở VN cắt ra từ tờ báo địa phương nơi ông ở. Sau khi đọc thấy bản tin này ông liền cắt ra và gởi qua VN cho con trai ông. Nội dung tờ báo như sau :

416 lính Mỹ tử trận lập kỷ lục số thương vong cao nhất trong một tuần lễ giao tranh ở VN.

(Tin từ Sài Gòn của hãng thông tấn UPI). Hôm thứ năm giới chức quân sự cho biết tuần vừa qua số lính Mỹ chết trong một tuần lập con số kỷ lục là 416, hậu quả cuộc tấn công của quân du kích CS vào các đô thị ở Miền Nam, đồng thời con số lính Mỹ tham chiến tại VN vượt mức nửa triệu.

Trong tuần lễ đó, quân CS cũng bị thiệt với con số kỷ lục là 15.515, nhiều hơn 1/5 số tổn thất họ bị thiệt suốt cả năm qua.

A Young Dead North Vietnamese Soldier with His Possessions 1968, printed 2013 by Don McCullin born 1935

Đồ cá nhân của một binh sĩ CS hy sinh trong trận đánh. (DonMacCullin/tate.org.uk)

Tổng số quân Đồng Minh bị giết trong một tuần là 1200 cũng là con số kỷ lục. Có tất cả 4987 bị thương trong đó quân Mỹ chiếm 2757.

Như vậy tính từ ngày 1 tháng Giêng năm 1961 con số lính Mỹ chết trong chiến tranh VN vượt quá 17.000.

Các viên chức đưa ra một con số chính thức là 17.296.

Họ còn cho biết thêm 5000 lính bộ binh và 1000 của hải quân vừa mới đến, nâng tổng số quân Mỹ ở VN lên vượt mức nửa triệu, chưa kể đến 35.000 thủy thủ ở ngoài khơi trên các tàu của Đệ Thất Hạm Đội. Quân CS có tổng cộng 248.000 quân.

Họ cũng cho hay rằng trong tổng số quân Đồng Minh bị chết thì phía Nam Việt đã thiệt mất 748 binh sĩ và có thêm 2230 bị thương.

Tổng số người Mỹ bị thương trong cuộc chiến tính đến lúc bấy giờ là 108.428, trong đó 57.647 đủ nặng để phải nhập viện.

Xem lại kỳ trước

Trở lại từ kỳ (1)

No comments:

Post a Comment