Saturday, April 12, 2025

 

Xứng đáng được tôn vinh: Nhà bia ghi tên các liệt sỹ tại đồn Kon Braih, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy
Ngày đăng: 24/06/2010  09:55
Mặc địnhCỡ chữ 

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến thắng đồn Kon Braih, tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy của quân ta trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và khu căn cứ cách mạng Huyện ủy H16 (thuộc xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy) trong kháng chiến chống Mỹ đã đi vào lịch sử của địa phương như những mốc son chói lọi. Để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền bối trong công cuộc kháng chiến trước đây cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ ngày nay và mai sau, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng công nhận cho hai di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Kon Braih và khu căn cứ cách mạng Huyện ủy H16 là di tích cấp tỉnh.


 

Chiến thắng Kon Brai-mốc son chói ngời
 
Theo tài liệu từ Phòng Văn hóa và thông tin huyện Kon Rẫy, đồn Kon Brai của quân Pháp tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Plông (nay là huyện Kon Rẫy) có vị trí quan trọng án ngữ con đường số 5-độc đạo nối các tỉnh Nam Trung bộ với Bắc Tây nguyên. Đây là căn cứ quân sự của quân Pháp nhằm thực hiện các chiến dịch càn quét, khống chế một vùng chiếm đóng rộng lớn của huyện Kon Plông, là hậu cứ và yểm trợ cho hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, đồng thời là tiền đồn phía đông bảo vệ thị xã Kon Tum. Đồn Kon Braih được quân Pháp xây dựng vững chắc trên một quả đồi hình yên ngựa chạy theo hướng đông-tây, mỏm chốt đồn hướng về phía đông có dòng sông Đăk Snghé; phía nam có địa hình chia cắt hiểm trở, nhiều con suối nhỏ ngăn cách rất khó tiếp cận; phía tây thoải thấp dần, thuận lợi cho chốt giữ và tăng cường lực lượng. Con đường số 5 và cây cầu Kon Braih nối hai bờ tây-đông sông Đăk Snghé đều nằm dưới sự kiểm soát và khống chế của mỏm chốt đồn giặc. Với địa thế lợi hại, đồn Kon Braih trở thành nơi đắc địa cho việc quan sát và khống chế khu vực xung quanh cũng như phòng thủ và tiến công của địch.
 
Ngày 20/1/1954 khi chiến dịch Át-lăng của quân Pháp bắt đầu, thì quân ta cũng mở chiến dịch Bắc Tây nguyên và bắc Kon Tum được chọn là hướng chính của chiến dịch. Đồn Kon Braih và hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút là mục tiêu tấn công của quân ta mở đầu cho chiến dịch lớn này. Vào lúc 23 giờ 23 phút ngày 27/1/1995, tiểu đoàn 79,19 (Trung đoàn 108) nổ súng tấn công cứ điểm Măng Đen. Theo quy định của Bộ chỉ huy chiến dịch, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) đánh đồn Kon Braih chỉ được nổ súng tiến công khi Trung đoàn 108 đã nổ súng đánh Măng Đen. Nhưng do đồn Kon Braih xa hơn, nên khi Trung đoàn 108 tấn công Măng Đen thì Tiểu đoàn 59 còn cách đồn Kon Braih 5 km. Khi nghe Măng Đen bị tấn công, quân Pháp ở đồn Kon Braih liền kéo ra ngoài đồn mai phục. Các mũi trinh sát của Tiểu đoàn 59 đi đầu phát hiện được địch đang phục kích nên cho bộ đội bí mật bám mục tiêu. Mai phục đến gần sáng nhưng không thấy quân ta động tĩnh, địch cho quân rút vào đồn. Khi quân địch chưa kịp rút hết vào đồn thì tiểu đoàn 59 đã bất ngờ nổ súng. Quân địch hỗn loạn, lớp bị quân ta bắn chết, lớp bị thương, lớp chạy vào rừng, một số chạy được vào đồn chống cự quyết liệt. Đột phá khẩu của Tiểu đoàn 59 đã anh dũng ôm bộc phá lao lên đánh phá hàng rào, vượt hào chông đánh vào lô cốt trước lửa đạn từ các lỗ châu mai bắn ra như mưa. Đồng chí Trần Xưng, Trung đội phó Trung đội đột phá khẩu thấy đơn vị còn vướng thép gai, dù lúc này đồng chí đang bị thương nặng ở cả hai chân nhưng vẫn lết tới hàng rào cuối cùng, lăn mình nằm choàng lên rào thép gai cho đồng đội xung phong lao vào đồn địch. Trời vừa sáng thì lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã phất cao giữa đồn giặc. Phá được đồn Kon Braih, quân ta đã bắt sống gần 40 tên địch, trong đó có tên đại úy chỉ huy Pháp, thu nhiều vũ khí, quân trang và lương thực.
 
Chiến thắng đồn Kon Braih có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quyết định vào chiến dịch  Bắc Tây nguyên trong đông-xuân năm 1953-1954. Hệ thống phòng thủ của địch ở Kon Plông và toàn bộ vùng Bắc Tây nguyên bị sụp đổ. Đây là cơ hội thuận lợi để quân ta tiến lên giải phóng Kon Plông, thị xã Kon Tum và toàn tỉnh.
 
Căn cứ địa Huyện ủy H16
 
Căn cứ Huyện ủy H16 nằm trên địa bàn rộng, nhưng chủ yếu tập trung ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. Đây là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh ta từ những năm 1954 đến năm 1972. Nơi đây vừa là chỗ dựa vững chắc của Mặt trận B3, vừa là nơi đứng chân của các đơn vị Tiểu đoàn 304, 406…và Thị ủy Kon Tum H5-nó còn giữ vai trò là cửa ngõ phía bắc thị xã Kon Tum, làm bàn đạp giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh, Măng Đen, Măng Bút (Kon Plông) và thị xã Kon Tum (thành phố Kon Tum).
 
Trong quá trình hoạt động tại khu căn cứ, Huyện ủy H16 đã tổ chức thành công nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện trong chiến tranh. Từ khu căn cứ này, Đảng bộ H16 đã lãnh đạo quân và dân từng bước chuyển hướng nhiều phong trào đấu tranh, biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tổ chức thành công chiến thuật 3 mũi giáp công đánh địch. Đảng bộ H16 còn phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động được đông đảo quần chúng nhân dân thực hiện 4 tốt (đoàn kết tốt, tư tưởng chính trị tốt, sản xuất tự lực cánh sinh tốt và đánh giặc giữ dân tốt). Từ đó, quân và dân ta đã đánh bại từng đồn, bốt và ấp chiến lược lớn nhỏ của địch như đồn Kon Braih, Kleng, Măng Bút, ấp Kon Stiêu… cũng như giành thắng lợi trong các cuộc càn quét của địch. Nỗi bậc là trong trận chống càn lớn của địch vào H16, quân ta đánh liên tục 16 trận, diệt 16 tên Mỹ, bắn rơi 1máy bay, thu 4 máy bộ đàm và nhiều quân trang, quân dụng khác... Trên cơ sở đó, nhiều địa phương như xã Đăk Kôi, xã Đăk Ui, lực lượng vũ trang huyện Kon Braih và cá nhân đồng chí U Rê, A Tranh, Trần Dũng hoạt động trong vùng căn cứ H16 đã được Nhà nước phong tặng anh hùng.
 
Căn cứ Huyện ủy H16 xứng đáng trở thành di tích lịch sử cách mạng của địa phương. Người dân huyện Kon Rẫy nói riêng và tỉnh ta nói chung, có quyền tự hào về căn cứ H16.

No comments:

Post a Comment