Giải cứu Huế Tết Mậu Thân (6) * Triệu Phong chuyển ngữ
CHƯƠNG BA
Ráng Sống
Cùng thời gian Trung Đoàn 6 BV tấn công Thành Nội, Trung Đoàn 4 từ vùng núi non phía Tây Huế bắt đầu xâm nhập vùng hữu ngạn sông Hương. Hai lực lượng này tiến quân êm thắm nhờ bóng đêm và sương mù dày đặc.
Ngoài một số TQLC trực gát ở cổng ra vào và tháp canh góc phía Bắc, số quân trú phòng còn lại ở Tòa Công Sự MACV đều mãi mê ngủ không chuẩn bị đề phòng gì cho một cuộc tấn công của địch nào cả.
Đ/úy Coolican con dân của Carbondale, Pennsylvania, làm cố vấn quân sự cho SĐ1 BB từ tháng 4 đến tháng 10 thì chuyển qua làm việc với đại đội tinh nhuệ Hắc Báo. Với chiều cao 6 bộ 5, anh đứng lênh khênh giữa những người lính VN. Nhờ thành thạo tiếng Việt nên anh hiểu rõ tập quán của những người lính VN nhỏ nhắn và rất quí trọng họ.
Bình thường anh ngủ lại với đơn vị này ở trong Thành Nội. Đến phút chót anh quyết định qua ghé chơi với mấy người bạn TQLC HK ở MACV để mặc cho anh em Hắc Báo ở lại ăn Tết với nhau. Leo lên xe lúc sau nửa đêm 30 tháng Giêng 1968, Coolican đem theo đồ trải ngủ lái qua cầu Nguyễn Hoàng (Tràng Tiền) sang phía hữu ngạn sông Hương.
“Tôi nhớ đã dừng lại gần đầu cầu bên kia, nhìn lui vào hướng thành phố; tôi thấy Thành Nội rực sáng ánh đèn như lễ Giáng Sinh,” Coolican kể. “Cảnh sắc thật đẹp mắt. Tôi ngắm một chốc rồi mới dọt xe đi tiếp qua cầu.”
Trước 2 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, Coolican sang đến MACV. Hai lính TQLC phải ra kéo cổng cho anh vào. Anh đậu xe sát hàng rào cạnh bên cổng chính rồi đi thẳng vào phòng mình ở bên trong công sự nơi anh trọ chung với một sĩ quan TQLC khác. Anh hên mới còn chỗ để ngủ vì tối nay nhiều dân cố vấn, được rỗi rảnh do các đơn vị VN đang bận đón Tết, cũng kéo về chơi.
Ở đây không thấy tăng cường an ninh dù Coolican biết Tướng Trưởng đã ban hành lệnh báo động cho các đơn vị VN của mình từ ngày hôm trước. Anh cũng chẳng mảy may quan tâm trước khi buông mình thiếp vào giấc ngủ.
Cố vấn trưởng ở MACV là Đ/Tá George O. Adkisson, vừa mới nhận chức vụ được mấy ngày sau khi về quê nghỉ phép ở Texas trở lại. Tốt nghiệp Võ Bị West Point khóa 1945, ông 43 tuổi, cao lỏng khỏng, dáng dấp quí phái, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng đầy uy lực. Ông khác hẳn với người tiền nhiệm là Đ/Tá hung thần Pete Kelly, vua xì gà. Tôi nghe kể dân cố vấn đều khiếp vía ổng. Ổng rất thân cận với Tướng Trưởng thuở làm việc với SĐ1 BB.
Dĩ nhiên Adkisson biết Tướng Trưởng đã đặt lính của mình trong tình trạng báo động 100 phần trăm nhưng ông không biết rằng Tướng Westmoreland cũng đã ban một lệnh tương tự cho toàn lực lượng Mỹ. Hậu quả là đêm 30 tháng Giêng MACV vẫn sinh hoạt bình thường, không có lệnh báo động, không nhắc nhở đề phòng bất trắc.
*
Tòa nhà MACV không thiết trí gì đặc biệt để phòng khi bị tấn công. Tọa lạc giữa một khu đông đảo dân cư mà dân ngụ trong MACV cũng toàn là dân không tác chiến. Chỉ có vài TQLC và một số cố vấn là có kinh nghiệm chiến đấu, còn lại thì toàn là thư ký văn phòng, đầu bếp, tài xế xe Jeep và một ít nhân viên ngành yểm trợ. Hơn nữa vào đêm 30 tháng Giêng này, dân cố vấn lại đông hơn thường lệ.

Từ cổng vào MACV là tòa nhà phụ hai tầng, mỗi tầng có 20 phòng. dãy cao ốc này chạy song song với cổng ra vào và nằm cách 10m. Có một lối đi rộng hơn 3m ở giữa dãy nhà phụ và tòa cao ốc chính của khách sạn. Tòa nhà này giáp ranh với Quốc Lộ 1 bên hướng Tây. (Courtesy of The US Army)
Tòa công sự có hình thể chữ nhật, rộng 300 m, sâu 200 m, bảo bọc bằng tường cao gần 3 m, ngoại trừ cổng chính là một lớp rào cao hơn 3 m. Sát bên cổng này là một ụ chất bằng bao cát kiên cố, ở đây thường có 2 TQLC đứng kiểm soát lưu thông ra vào của cả quân lẫn dân sự. Trên bờ tường bọc theo chu vi là lớp thép gai, cách khoảng có đèn pha chiếu sáng và mìn claymore chống biển người được đặt ở những chỗ trọng yếu.
Có một khoảng trống và rộng ở bên mặt Đông Nam ngó qua Sân Vận Động thành phố, ba mặt còn lại thì tiếp giáp với xóm nhà dân hoặc những cao ốc, nhờ vậy khỏi sợ bị tấn công từ các hướng đó.
Từ cổng vào là tòa nhà phụ hai tầng, mỗi tầng có 20 phòng. dãy cao ốc này chạy song song với cổng ra vào và nằm cách 10m. Có một lối đi rộng hơn 3m ở giữa dãy nhà phụ và tòa cao ốc chính của khách sạn. Tòa nhà này giáp ranh với Quốc Lộ 1 bên hướng Tây. Phòng ăn tập thể nằm ở tầng trệt. Sau dãy nhà phụ là sân thể dục, nơi đây có lớp rào lưới mắt cáo rất cao nên nếu cần trực thăng không thể lên xuống được. Tiếp sau sân thể dục là khu nhà ngủ gồm ba dãy, có cái lợp mái tôn, có cái căng bằng vải bạt. Bên mé Đông Nam thuộc nửa phần sau tòa nhà nơì ngó qua khoảng đất trống cũng có vài công sự phòng thủ. Có hai tháp canh trên đó được bố trí đại liên, một nhìn được hướng lên xuống QL1 cùng cổng chính, một nằm trên công sự chỉ huy nhìn rộng xuống toàn bộ cổng ra vào.
Trong khu vực này còn có câu lạc bộ sĩ quan (nằm bên dãy nhà phụ), nhà nguyện, phòng hớt tóc, và một trạm xá nhỏ. Trạm xá này đúng ra được dùng để băng bó thông thường, gồm hai phòng giấy nhỏ và một phòng mổ tí hon.
Đúng ra thì MAVC chỉ là một cơ sở hậu cần, chuyên trị bít-tết, tôm cua các thứ chứ vũ khí nặng thì không. Cư dân toàn là cố vấn viên, yểm trợ viên, không có sát thủ viên.
Phòng hội quán sĩ quan vào buổi chiều là điểm nóng qui tụ đông đảo nhân viên. Phòng ăn tập thể lớn hơn nằm bên tòa nhà khách sạn chính được biến thành khu trình diễn văn nghệ mỗi khi có USO (Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương Mỹ, gồm các ca nghệ sĩ thượng thặng chuyên đi trình diễn giúp vui các binh sĩ Mỹ tập trung gần các căn cứ lớn) đến giúp vui. Tôi nhớ có lần ban nhạc Tito cùng đoàn kiều nữ Phi đến trình diễn trong nhà ăn tập thể mà khán giả đều phải đứng để xem, họ bị lôi cuốn đến độ cha tuyên uý cũng ra lắc lư.
Ở trong này chúng tôi giải quyết vấn đề giặt giũ bằng cách giao cho dân bản xứ. Mấy người địa phương này đa số là phụ nữ mỗi ngày qua thủ tục khám xét để vào ra cổng nhưng rồi thì họ tự do đi lại khắp nơi. Họ làm công việc thật chu đáo, tôi chưa hề nghe xảy ra một vụ ăn cắp vặt hay phá hoại nào.
*
Thoạt đầu tôi được cho ngủ ở một nhà lều nhỏ nằm cạnh trạm xá. Lúc ấy có khoảng 5, 6 sĩ quan khác cũng ngủ cùng lều với tôi. Trong số họ có một sĩ quan liên lạc mới toanh từ SĐ1 Kỵ Binh dọn đến là Th/tá Joe Gunter. Một vị khác là một đại úy TQLC trẻ tuổi mới từ Khe Sanh được chuyển về làm cố vấn cho một đơn vị lính Nam Việt. Ông này vừa kéo giường ra cách xa khỏi bức tường, vừa cười nói.
“Tôi thích xếp đặt giường như vậy vì mỗi khi bị pháo kích thì tôi có thể nhào xuống phía nào cũng được.” Dĩ nhiên về vấn đề này hẳn ông ta đã có kinh nghiệm bản thân.
Chiếc giường nhỏ nhắn của tôi được lót bằng một tấm nệm hơi và che bằng mùng để tránh bị muỗi đốt, cạnh giường, tôi để sẵn một máy thu thanh rẻ tiền và một đèn bấm để đọc sách trước khi ngủ. Phòng vệ sinh nằm cách xa 10 m trong một căn nhà có chất bao cát chung quanh; chỗ đi đại tiện là một mặt bằng để ngồi xổm có khoét lỗ chính giữa, gần đó là một đường ống làm nơi đi tiểu. Hầm trú ẩn gần nhất cách 10 m nằm về một hướng khác.
Tôi về giường ngủ lúc trước nửa đêm ngày 30 tháng Giêng. Đêm nay tôi vừa chơi ném tên với mấy người Úc thật vui, đây là trò tiêu khiển ruột của dân Úc, vậy mà tôi hạ họ được hai ván. Họ thật cởi mở và thân tình làm tôi nhớ bè bạn thời đại học. Tôi thấy hài lòng được về làm việc ở đây.
Vào đến lều thì đèn đã tắt ngúm cả. Tôi lặng lẽ cởi giày và máng áo quần lên trên một chiếc ghế gần đó. Tôi nghe một loạt súng M-16 và tiếng nổ như tiếng pháo. Có lẽ có người đang tiễn đưa ngày đầu một năm. Trong lều chẳng thấy ai cựa quậy. Tôi đi vào giấc điệp với nụ cười nở trên môi.
*
ẦM …. Tiếng này thì khó mà lầm được. Sức nổ làm bắn tôi lên khỏi giường. Một trái rocket 122 mm, thứ hỏa tiễn lớn nhất của địch, rơi xuống cách chỗ tôi ngủ chưa quá 16 m.
Theo bản năng, tôi xỏ lẹ quần, đội nón sắt lên đầu, chụp lấy đôi giày trận và khẩu M-16 rồi chạy chân không ra khỏi cửa về phía hầm trú pháo kích, tôi va lung tung với mấy người chung phòng khác. Trong hầm có đến 12 người; thêm hai trái nữa nổ bùm làm lay chuyển tòa nhà. Mấy phút giây đầu tiên chúng tôi lo mặc cho xong quần áo và kiểm lại vũ khí cá nhân. Chỉ có được một hai người là nhớ lấy theo áo giáp. Tôi nhìn đồng hồ, kim chỉ 3 giờ 45 sáng.
Mấy hột mồ hôi chảy xuống thái dương và đọng trước trán tôi. Có chuyện trọng đại đang xảy ra nhưng bọn tôi không biết được chính xác đó là gì. Có người tò mò thò đầu nhìn ra cho biết và thấy đường đạn xanh bay vèo trên trời. Dấu hiệu chẳng lành! Tôi được biết đường đạn xanh là của loại đạn thuộc khối Cộng. Tiếng đạn rít cao là tiếng của AK-47 còn tiếng nổ thật lớn là B-40, hai vũ khí thông dụng của Cộng quân. Tôi có thể phân biệt chúng xen kẻ với tiếng nổ quen thuộc của đại liên M-60, súng phóng lựu M-79 và tiếng ‘pop pop’ của M-16.
Không ai nói với ai một lời nhưng ai cũng nghĩ là không nên nằm đây lâu. Nếu đặc công mà lọt vào được với một túi chất nổ thì chúng tôi sẽ thành miếng mồi ngon lành.
Một trái rocket khác lại nổ nhưng gần hơn, tôi nghe tiếng la rồi tiếng kêu gọi trợ y. Chúng tôi vẫn đợi trong hầm chừng nửa tiếng thì được chỉ định đi tiếp ứng cho các trạm canh nằm khắp quanh khu công sự. Ở đó chúng tôi trong tư thế sẵn sàng. Để làm gì, không ai biết.
*
Đ/úy Coolican lăn ra khỏi giường khi vừa có tiếng nổ. “Chắc chắn mình đang bị pháo rồi,” anh kể lại. “Điều đầu tiên là tôi chui ngay xuống gầm bàn rồi bật radio nghe ngóng, sau đó đi ra ngoài một vòng để quan sát tình hình. Tôi thẳng tới khu bệnh xá xem nơi đó có thiệt hại nào không. Có nhiều lửa bốc lên từ phía sau khu nhà nên tôi thẳng đến hướng đó xem sao. Một hầm trú ẩn bị trúng ngay một quả làm năm người bị thương, họ đều là phi công trực thăng. Tôi cầm lấy băng ca phụ đưa họ về bệnh xá.”
Trong khi Coolican đang lo bố trí việc phòng thủ ở mặt sau thì có người báo cho anh biết nhân viên vô tuyến của anh là Hạ sĩ Frank Doezema, Jr. bị trúng đạn ở chòi canh phía Bắc. Anh liền tức tốc chạy tới đó.
“Tôi bảo vài người lo dập tắt lửa dưới chân tháp còn mình thì trèo lên.” Coolican tiếp, “Doezema bị thương ở cả hai chân, máu tuôn xối xả. Tôi chích cho anh ta một mũi mọt-phin rồi vác anh xuống.”
Sau đó Coolican leo trở lên, lần này cầm theo cây súng phóng lựu M-79 với 30 quả đạn, anh xả hết ra khu vực chung quanh cổng chính.
Chuyên viên truyền tin Doezema vốn là cư dân của Kalamazoo, Michigan. Anh tập trung hỏa lực từ cây đại liên M-60 về hướng cổng chánh, nơi đã phá hỏng được một đợt tấn công của đặc công. Anh giết được sáu địch quân trước khi bị thương. Còn Coolican về sau được Huân Chương của Hải Quân nhờ hạ được 4 mạng làm im họng một ổ chiến đấu địch đang bắn thẳng vào cổng chính.
Trong khi Coolican đang rót M-79 về hướng cổng chính thì Th/Tá TQLC Frank Breth, sĩ quan liên lạc của SĐ3 TQLC, dẫn toán quân đặc biệt trèo lên nóc tòa công sự, từ đó họ thấy được nhiều đặc công và bộ đội CS đang tiến theo QL1 về hướng MACV. Một địch quân thẩy một trái lựu đạn vào hầm chiến đấu ở dưới mặt đất làm một TQLC thiệt mạng, nhưng kế đó toán quân địch còn lại đều bị diệt sạch trước khi tới được cổng. Hành động chớp nhoáng của Th/Tá Breth và những người khác khiến địch phải phân tán mỏng.
Doezema lúc ấy bị thương quá nặng cần được điều trị lập tức nếu không chắc sẽ thiệt mạng. Có hai người khác bị thương nặng cũng đang có nhu cầu tương tự.
Như nhiều lần trước đây, Coolican phải chuẩn bị để gọi trực thăng tải thương nhưng kẹt là tìm đâu ra chỗ cho máy bay đáp. Căn cứ MACV không có khoảng trống nào đủ rộng để cho trực thăng xuống. Anh lật bản đồ ra tìm và chọn được một nơi nằm ở công viên Dốc Lão, bên bờ sông, cách đó chừng 200 m .
Không ai biết địa điểm ấy có an ninh không nhưng vì tình thế quá khẩn trương nên không thể nghĩ ngợi được nữa. Coolican gặp khó khăn liên lạc với TQLC ở Phú Bài, anh quay sang BCH SĐ1 Kỵ Binh ở 25 km phía Bắc Huế. Dù lúc bấy giờ họ không có sẵn trực thăng tải thương nhưng anh cứ tiếp tục năn nỉ.
Đồng thời Coolican còn phải tính toán làm sao đừng để thêm ai bị hạ trong lúc tải thương tới bãi đáp. Anh biết địch đang kiểm soát không những khu vực đó mà còn cả các con đường dẫn tới đó nữa.
Đến xế trưa mới xin được trực thăng. Lập tức một xe tải không mui được trưng dụng để chuyên chở thương binh, họ được chất ngay lên xe. Hai xe Jeep sẽ đi theo hộ tống. Vừa khi phi cơ gọi cho hay họ đang trực chỉ đến Huế thì đoàn xe bắt đầu túa ra cổng và phóng về hướng bãi đáp dưới làn mưa đạn. Trong khi vài sĩ quan cố vấn lo giữ cho thương binh khỏi bị rớt xuống đường thì người khác điều khiển đại liên gắn trên xe Jeep, có người thì bắn M16.
Đến nơi an toàn, Coolican bình tĩnh liên lạc trực thăng để hướng dẫn đáp xuống. Con chim sắt lớn xà xuống thật nhanh trước làn đạn tua tủa; nhận thương binh xong liền bốc khỏi mặt đất trong không đầy 30 giây. Đám cố vấn liền tức tốc quay trở về MACV, họ trở về đến nơi an toàn mà không chịu thêm tổn thất nào, thật là phép lạ.
Theo lịch trình thì Doezema sẽ được về nước trong vòng 20 ngày nữa nhưng rất tiếc anh đã chết khi phi cơ vừa đáp xuống Phú Bài vài phút sau đó.
*
Hạ sĩ James Mueller đến Huế làm việc từ Tháng Năm 1967 với chức vụ đả tự viên, tức thư ký đánh máy, anh hồi hương với huy chương đồng vì đã anh dũng chiến đấu ở MACV trong hai ngày đầu của cuộc bao vây Huế.
“Tôi la báo động ‘pháo kích’ theo như lệ thường mỗi khi địch rót súng cối hoặc hỏa tiễn vào cơ quan. Bây giờ cái đó đã thành phản xạ rồi,” nhiều năm sau Mueller kể lại.
“Tôi bò ra khỏi giường, xé tung cái mùng, đội nón sắt lên, mặc vội áo giáp. Chưa tới vài giây tôi đã sẵn cây Carbine và băng đạn trên tay và, chân mang dép Nhật biến ra khỏi phòng. Bạn đồng sự luôn luôn đem tôi ra làm đề tài trêu chọc cái tật không bao giờ chịu mặc cho xong bộ đồng phục. Bởi thế họ cứ mãi thấy tôi cụ bị đầy đủ sẳn sàng tác chiến nhưng vẫn còn mặc đồ lót và mang dép đi tắm. Với tôi tốc độ là quan trọng hơn mọi thứ — Tôi muốn được sống.”
Đây không phải lần đầu tiên Muller bị ăn pháo ở MACV nhưng lần này là tệ hơn cả.
*
Theo lệ thường hễ mỗi lần Charlie (Tiếng lóng quân Mỹ ám chỉ quân du kích) pháo kích là chúng tôi phải thi hành lệnh báo động kéo dài chừng nửa giờ là xong, sau đó về giường ngủ tiếp. Lần này thì khác, sau khi chúng tôi đã chui vô hầm an toàn rồi thì mọi sự như trời sập. Đạn súng nhỏ nghe từ mọi hướng, sau tiếng mọt-chê và hỏa tiễn còn nghe thêm mấy tiếng nổ chát chúa khác nữa.
Viên trung sĩ xuất hiện bảo chúng tôi hể cứ thấy cái gì nhúc nhích là tự do bắn bỏ. Một loạt đạn đầu bắn ra chạm phải dây nổ làm kích ngòi hệ thống pháo sáng ở hàng kẽm gai trên bờ tường cao. Cả một vùng tòa nhà sáng loé lên như ban ngày. Tôi nghe tiếng súng nhỏ bắn thật rát từ phía trường học và tiếng súng liên thanh từ khu sĩ quan chỉ huy. Lính VN ở doanh trại đối diện bắn mấy phát sang vị trí chúng tôi, đoán là họ sơ ý nên không bắn trả. Một hai phút sau tiếng súng từ bên đó ngưng bặt. Nhưng tiếp đó thì nào là tiếng nổ inh tai, pháo sáng, súng nhỏ, tiếng huyên náo, tiếng la thất thanh, và những tiếng ồn đó cứ kéo dài như thể bất tận. Chúng tôi không tài nào biết được việc gì đang xảy ra ở chung quanh. Cứ ngồi yên trong hầm chiến đấu, theo lệnh viên trung sĩ lo bảo vệ an ninh mặt bên này là được. Cầu trời sao cho thoát cảnh địa ngục trần gian này.
*
Đây là lần đầu tiên tôi được cắt cử gác ứng chiến và qua cường độ súng nổ tôi đoán được địch đông tới ngần nào nhưng tôi không hề cảm thấy hiểm nguy gì cả. Không biết phải cắt nghĩa sao đây mà thực lòng tôi có cảm giác khoái hơn là sợ.
Trong khi ngồi đảo mắt tìm kẻ muốn giết mình để mà giết họ thì người ta có khối thì giờ để nghĩ ngợi vu vơ. Đêm đầu tiên đó vì điều tiết quá độ, mắt tôi chắc lồi ra to bằng trái banh chơi bóng chày (baseball) là ít. Định bụng sẽ không để xẩy mất tên nào muốn giết mình.
Tôi ngồi canh chung với một đại úy TQLC tên Bob Williams ở tầng lầu hai của dãy nhà phụ trông xuống cổng chính. Suốt hai tiếng đồng hồ chúng tôi nói chuyện cũng nhiều nhưng hầu hết thời gian là im lặng và chăm chú quan sát. Tôi không nhớ lúc ấy mình có thấy sợ không, chắc vì cảm giác này quá mới đối với tôi nên tôi cũng không biết phải nghĩ sao nữa.
Tôi đảo mắt không ngừng đúng theo sách vở đã học ở Fort Benning 4 năm trước đây trong bài tác chiến đêm. Đột nhiên tất cả chợt yên hẳn đi. Bầu trời ở phía Đông sáng dần, rồi bình minh đến. Trước mặt tôi trên mặt đất là một lỗ to tướng do trái rocket nổ lúc sớm. Một chiếc Jeep nằm chổng bánh lên trời, một chiếc khác nằm nghiêng dựa lên hàng rào. Ngoài đường, ở gần cổng có hai cái xác người nho nhỏ, thoạt đầu tôi tưởng của trẻ nít hóa ra đó là của đặc công.
“Mọi người vô sự cả phải không?” Có tiếng hỏi từ bên dưới, rồi từng người một chúng tôi lên tiếng đáp lại từ mỗi vọng gác.
Đã 6 giờ sáng, tòa công sự bao trùm một bầu không khí lạnh và ẩm. Đằng trước tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người qua lại. Chúng tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, mong có ai đó cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra.
Tôi rời chỗ một lát để giải quyết bầu tâm sự; xong, tôi thấy nhẹ hẳn ra. Lúc đứng dậy tôi không quên kiểm tra khắp thân thể xem thử có bị thương chỗ nào không vì kiếng vỡ vung vãi đầy khắp phòng. May thay mọi sự đều tốt đẹp hết.
Một lát sau hai chúng tôi thay phiên nhau canh chừng để về phòng lấy thêm áo quần và mấy thứ khác còn để sót lại. Tôi cúi khum người chạy băng qua một hai tòa nhà tường bị lỗ chỗ vết đạn. Có vài lỗ lớn do đạn B-40. Những người khác cũng đang di chuyển trong tư thế như tôi. Tiếng đạn bắn sẻ vẫn bay rít trên đầu.
Nhìn qua bờ tường phía bên phải tôi thấy mái trên của lầu chuông nhà thờ; tôi tin chắc địch đứng đó để bắn sẻ qua đây. Nhà thờ này nằm trong khuôn viên trường nữ trung học Jeanne d’Arc; tòa kiến trúc sơn vôi vàng, đàng trước được chống đỡ bởi hàng cột. Ngôi trường và một trạm y tế có sơn dấu thập đỏ phía ngoài đều nằm kế cận chúng tôi. Ngày nào địch còn chiếm nóc chuông đó, bên này ai di chuyển cũng phải lẹ và lum khum mà chạy.
Tôi ghé vào lều thật nhanh, mặc thêm áo sơ mi, áo giáp. Chụp lấy bộ đồ cạo râu, đèn pin và máy thu thanh rồi hết tốc lực trở về trạm gác. Có người ghé qua phát khẩu phần C lương khô và đạn M-16, tôi bật radio nghe tin tức thì đài phát thanh quân đội Armed Forces Network loan tin là Sài Gòn đang bị tấn công. Các thành phố khác cũng trong tình trạng tương tự nhưng không nghe đá động gì đến tình hình Huế cả.
*
Đại tá Adkisson cho triệu tập các cố vấn trưởng lại để báo cáo tình hình. Dầu đường dây điện thoại nối với BTL SĐ1 BB VN đã bị cắt đứt nhưng ông vẫn có thể điện đàm được với Tướng Trưởng bằng vô tuyến. Cả hai bên đều rõ là toàn thành phố nay đầy tràn bộ đội CS và du kích. Ông Trưởng cho biết mình đang bị nguy khốn, còn theo Adkisson thì MACV đã thoát qua cơn hiểm nghèo.
“Theo tôi, nếu muốn, quân BV có thể tràn ngập chúng ta dễ dàng,” ông nói. “MACV chắc không phải là mục tiêu mà họ quan tâm. Vậy chúng ta chắc sẽ không bị hiểm nguy đâu.”
Dẫu sao thì sao Adkisson vẫn kêu cứu viện.
*****
Nơi có thể tiếp cứu gần nhất là căn cứ TQLC ở Phú Bài trong khi chính đây cũng đang bị địch tấn công. Cách Huế 11 km, Phú Bài là nơi đặt BCH tiền phương SĐ1 TQLC tên gọi là Lực Lượng Đặc Nhiệm X-Ray (Task force X-Ray). SĐ3 TQLC đã từng đặt tổng hành dinh ở đây mãi cho đến ngày 13 Tháng Giêng. Vào thời gian tấn công Tết, nhiều đơn vị của cả hai sư đoàn vẫn đang di chuyển ra vào vùng này để bàn giao đơn vị.
Hôm 31 Tháng Giêng, LLĐN X-Ray gồm có BCH của các Trung Đoàn 1 và 5 TQLC cùng 4 tiểu đoàn bộ binh, mỗi đơn vị đều được trang bị đầy đủ cấp số. Khi có lệnh phải giúp Huế, Chỉ Huy Trưởng X-Ray, Chuẩn Tướng Foster C. LaHue, mới quyết định là ông chỉ thừa một đại đội để gởi đi giúp thôi. Điều mà LaHue và những người khác lúc ấy chưa am tường là Huế đang bị địch với quân số cấp sư đoàn tấn công với đầy đủ tiếp liệu, đạn dược và viện binh đủ để chiến đấu lâu dài.
*
Buổi sáng tiếp tục lên, các viên cố vấn tụ tập ở bên trong MACV bắt đầu thở ra nhẹ nhõm. Chúng tôi ngồi nhắc lại về sự may mắn mà địch quân đã không tấn công bộ binh ồ ạt tiếp sau cuộc xung phong đặc công. Ngăn được địch là một việc. Đẩy được họ ra khỏi Huế mới là chuyện khó nhất trong toàn trận chiến.
Nghĩ là chuyện đã xong, tôi lấy nhật ký ra bắt đầu kể lại:
‘Hôm nay Thứ Tư qua nhanh. Ngoài kia có kẻ không ưa chúng tôi. Họ pháo kích không ngớt, không đếm kịp số lượng đạn cối. Quả đầu nổ nghe lớn lắm (sau này tôi mới biết đó là hỏa tiễn 122 mm). Bình minh còn lâu mới xuất hiện. Tôi không thấy sợ, chẳng biết vì sao. Ngoài đường có hai xác chết nằm cách chỗ tôi ngồi gác hơn 15 mét. Trong này có tiếng kêu la nhưng chung chung thì khá yên tĩnh, ngoại trừ tiếng đại liên, M-16 và đạn cối. Khẩu M-16 của tôi chưa bắn được phát nào. Nhưng tôi vẫn sẵn sàng. Tôi đang ở trung tâm của cơn bão lửa. Thật đó, chính tôi đã từng mong được vậy. Đây là chiến địa mà.’
*
Mười giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, tôi nghe tiếng trực thăng xung trận đầu tiên bay qua về hướng sông kéo theo đằng sau hằng tràng súng. Vài phút sau tôi nghe thêm tiếng súng nhưng chiếc trực thăng không còn bay trở lại. Sau này mới hay nó đã bị bắn hạ, phi hành đoàn thoát được vào một doanh trại lính miền Nam rồi vài giờ sau họ được cứu thoát. Cuộc giải cứu táo bạo do Chuẩn Úy Frederick Ferguson thực hiện mang về cho anh Huân Chương Danh Dự của Quốc Hội (Congressional Medal of Honor).
Ch/úy Frederick Ferguson, một phi công trực thăng kỳ cựu thuộc Đại Đội C, Tiểu Đoàn 277 Không Yểm của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh. Sư đoàn này tạm thời hoạt động gần phía Bắc Chu Lai trong khi đang chuẩn bị dọn về căn cứ Evans ở 25 km Tây Bắc Huế. Bãi đậu trực thăng của đại đội anh là một bãi đất thuộc Tiểu Đoàn Công Binh Kiến Tạo nằm cách Phú Bài chừng 2, 3 cây số. Sáng sớm 31 tháng Giêng địch pháo dữ dội bằng đạn cối và rocket. Khi trận pháo thưa bớt, các phi công liền vội di tản 12 chiếc trực thăng. Họ phải cất cánh mà không mở đèn.
Nhiều năm sau Ferguson kể lại: “Sợ đạn cối gây tỗn hại cho phi cơ nên chúng tôi phải cấp thời cho di chuyển đi ngay.”
Họ chọn bay về hướng căn cứ Evans. Đến nơi thì bị sương mù dày đặc không xuống được phải quay vòng trở lại phía Nam trực chỉ phi trường Tây Lộc nhưng được biết ở đây cũng đang bị tấn công. Sau cùng qua liên lạc vô tuyến họ được Phú Bài cho phép đáp, dù rằng địch vẫn chưa ngưng pháo. Đằng nào họ cũng phải hạ cánh vì phi cơ chỉ còn đủ nhiên liệu cho 20 phút phi hành nữa thôi.
Sau rạng đông, khi đã lấy xong nhiên liệu, họ lại bay về căn cứ cách đó không xa để chờ chỉ thị. Trên điện đài, Ferguson được biết có một trực thăng thuộc đại đội của anh bị bắn rơi ở Huế, năm chiếc khác cùng đơn vị đã tìm cách cứu nhưng không chịu nổi hỏa lực địch từ dưới bắn lên. Lệnh trên đưa xuống rằng đừng nên lai vảng gần Huế.
Lập tức Ferguson hiểu ngay mình cần phải làm gì.
“Đặt trường hợp tôi là họ, dĩ nhiên tôi muốn có người đến cứu tôi,” Ferguson tiếp. “Đây là nhiệm vụ, trọng trách của tôi là phải mang họ ra.”
Ferguson bảo phi hành đoàn lấy bớt đồ trên phi cơ xuống để giảm tối đa sức nặng và chuẩn bị công tác giải cứu đồng đội. Anh thuyết phục thêm được ba chiếc gunship (loại trực thăng được trang bị đặc biệt để chiến đấu) bay theo yểm trợ tác xạ trong khi anh xuống cứu. Canh thời gian thế nào để hành động cho được ăn khớp là việc vạn nan. Anh hình dung mình chỉ có 20 giây của cơ may để đáp xuống và rồi cất cánh. Lại thêm sự vận hành cơ phi đòi hỏi độ chính xác cao, nơi anh sẽ hạ cánh là một doanh trại VN bé tí, là một sân nhỏ nằm giữa các dãy nhà và một cột cờ. Đường kính cánh quạt lớn của trực thăng chỉ kém bề ngang sân có vài mét.
Khoảng trưa, Ferguson liên lạc với trại lính cho biết anh sẽ xuống ngay khi địch ngưng pháo. Anh thông báo 3 chiếc gunship hãy sẵn sàng, đồng thời dặn dò phi hành đoàn phân công nhiệm vụ cho họ. Anh dự tính sẽ từ hướng Đông bay thấp vào dọc theo Sông Hương rồi rẽ trái sau khi vòng qua khỏi cầu Trường Tiền, kế đến là cho phi cơ đáp thật nhanh vào sân trại.
“Tôi nhớ lại khi nhìn qua bên phải và trông thấy lá cờ của CS trên kỳ đài,” Ferguson kể. “Một gã ngồi bên phía ấy tên Ford bị đặt biệt danh Edsel hay tên là Edsel có biệt danh Ford tôi không nhớ rõ, gã nói, ‘Lúc trở về nhớ bay ngang đó để lấy lá cờ.’ ”
Con tàu của Ferguson xà xuống giữa hàng loạt đạn và anh thả nó rơi tòm ngay giữa sân trại trong bụi đất mịt mờ.
Năm 1997 Ferguson tường thuật lại, “Ba mươi năm rồi, bây giờ tôi không nhận ra trại lính đó nữa, chỉ nhớ là nó nằm ở đâu đó gần sông thôi.”
Chất người lên xong, anh cho phi cơ lên thẳng đứng để khỏi đụng vào nhà hoặc cột cờ, rồi chuồn lẹ. Ngay khi đang cất khỏi mặt đất, một trái cối nổ cạnh bên làm phi cơ xoay đi 180 độ buộc Ferguson phải bay ra khỏi trại lính theo một hướng nghịch xa hẳn chỗ 3 chiếc gunship đang đứng chờ để yểm trợ.
Đúng ra thì có lên từ hướng nào cũng không có chi khác vì mấy chiếc gunship đều bắn hết đạn cả rồi. Chiếc trực thăng của Ferguson bị ghim đầy lỗ đạn của địch, là chiếc duy nhất lết về được đến Phú Bài.
Ferguson kể lại cho nhà văn Tim Lowry năm 1985:
“Lúc ấy nếu không có năm người bị thương trên boong chắc tôi buộc phải đáp xuống đâu đó lâu rồi.
“Máy truyền tin thì hỏng, áp suất dầu rớt xuống gần số không. Mùi hôi chịu không nỗi. Ở đằng sau nóng như lửa. Phi cơ lắc đến độ không đọc được các đồng hồ trước mặt nhưng ít ra là nó vẫn còn bay được và tôi ép nó phải lết cho đến Phú Bài. Vừa vượt qua khỏi vòng rào phòng thủ thì phi cơ vừa trượt xuống đụn cát ngoài phi đạo. Nếu hồi đó hàng thép gai ở dãy rào chỉ cao hơn một sợi tóc thôi là coi như tôi đi đong.
“Thật là một sứ mạng rợn tóc gáy nhưng may chúng tôi không ai chết cả. Thôi thì hết người này đến người kia vỗ lên lưng nhau. Bạn có thể tưởng tượng nỗi xúc động lúc ấy nó như thế nào chăng. Ai cũng quá sức sung sướng, quá khích động vì mừng vui.
“Phải mất một ngày nỗi ngây ngất đó mới lắng xuống, nhưng rồi chúng tôi cũng phải trở lại chiến đấu ngay ngày hôm sau.”
Chuẩn Úy Ferguson rời nhiệm vụ tác chiến năm 1972 nhưng vẫn phục vụ cho Vệ Binh Quốc Gia (National Guard). Năm 1997 anh về hưu sau 39 năm trong quân ngũ.