1975 – Ngày 1-4: Bắc Việt chiếm Đà Nẵng, Sài Gòn kêu gọi người dân di tản

Hình nền: Ảnh người dân tỵ nạn chạy khỏi Đà Nẵng trên trang nhất Chính Luận số 1-4-1975. Nguồn: Kho Sách Xưa.
Báo hôm nay viết gì:
Miền Nam:
Tổng hợp từ báo Chính Luận (CL):
Đà Nẵng: thất thủ, giới nghiêm và tiếp tục di tản
Tiêu đề lớn trên trang nhất Chính Luận ghi: “Dù hạ lệnh cho tàu Mỹ lùi ra xa và cấm bắn trả lại nếu bị bắn: TT Ford muốn ‘việc di tản Đà Nẵng tiếp tục’”. Theo đó, “TT Ford nói rằng việc Đà Nẵng thất thủ là một thảm kịch vô cùng lớn lao khiến cho hàng trăm ngàn người tỵ nạn VN bị mắc kẹt một cách tàn nhẫn tại thành phố này và Tổng Thống muốn công cuộc tản cư những người tỵ nạn được tiếp tục”.
Cùng trên trang nhất, báo có bài “VNCH vẫn còn liên lạc với 50 ngàn quân xung quanh; Đà Nẵng giới nghiêm 24/24 giờ không một ai được phép di chuyển”. Bài dẫn lời phát ngôn viên quân sự VNCH là Trung tá Lê Trung Hiền “xác nhận mọi liên lạc với Đà Nẵng đã đột nhiên gián đoạn vào tối 29-3” nhưng “phi cơ vẫn liên lạc vô tuyến với các đơn vị trú phòng trong đêm 29-3 cũng như sáng 30-3”. Đơn vị liên lạc được là “Bộ Binh, Địa Phương Quân và có cả Thủy Quân Lục Chiến nữa và đây là những đơn vị được giao nhiệm vụ giữ an ninh vòng đai Đà Nẵng từ trước, tổng số chừng 50 người”.
Cuối trang nhất là tin “Chủ tịch hãng hàng không Airways lên án việc chần chờ 8 ngày trước khi hạ lệnh di tản Đà Nẵng”, thuật lời ông chủ tịch Ed Daly của World Airways: “Đà Nẵng bây giờ còn đâu nữa và 600 ngàn dân tỵ nạn cũng không còn nữa để chuyên chở. Tôi không thể tha thứ được sự ngu xuẩn của nhiều Cơ quan Mỹ và Việt. Họ không có kinh nghiệm và hoàn toàn bất lực.” Theo Daly,
“ông đã chống lại mọi khuyến cáo của các viên chức Mỹ tại Saigon và chính ông đã ra lệnh cho ba phi cơ Boeing 727 tới Đà Nẵng vào hôm thứ Bảy để cứu thêm những người tỵ nạn […] ‘dù USAID dọa tôi là những chuyến bay đó sẽ không được trả tiền […]’”.
Trang ba có bài “Đà Nẵng trong những phút chót trước khi rơi vào tay địch”. Bài đăng lại ghi chép của hai ký giả báo Tiền Tuyến, Nguyễn Khắc Nhân và Hoàng Lân. Trích: “Sân bay Đà Nẵng coi như tê liệt kể từ sáng thứ Bảy 29/3 sau 1 đêm chịu đựng trận mưa pháo ác liệt chưa từng thấy trong ‘lịch sử’ căn cứ không quân này. ‘Thành phố Đà Nẵng cũng đã trở thành hỗn độn thực sự kể từ thứ Sáu 28-3 sau khi số phần tử vô kỷ luật bắt đầu nổi loạn, cướp của giết người giữa thanh thiên bạch nhật. ‘Kể từ chiều hôm thứ Sáu 28-3 thị xã Đà Nẵng đã bị đặc công trà trộn theo dân tị nạn xâm nhập vào.”
Trang ba cũng đăng tin “Đài phát thanh Sàigòn kêu gọi đồng bào Đà Nẵng chạy ra biển”. Trích “Lời kêu gọi này được lặp lại nhiều lần cho rằng tàu thủy của các quốc gia như Nhật, THQG [Trung Hoa Quốc Gia], Đại Hàn, Mỹ, Thụy Sĩ… hiện đang chờ để tiếp đón đồng bào tại ngoài khơi Đà Nẵng.
Đài phát thanh kêu gọi mọi người hãy cố tìm cách chạy ra ngoài khơi bằng bất cứ phương tiện gì”.

Quân đội: Quy Nhơn chưa mất, Quân đoàn 2 quyết tử thủ
Trang nhất đăng tựa “Tướng Phạm-Văn-Phú tuyên bố tại Đèo Cả: Quân đoàn 2 quyết tử thủ tại tất cả các tuyến sẵn có”. Dẫn nguồn Việt Tấn Xã, bài đưa tin về việc ban hành “thiết quân luật toàn Quân khu 2”. Bên cạnh đó, bài dẫn lời của Tướng Phạm Văn Phú “nhấn mạnh rằng, sứ mạng của Quân đoàn II, giờ đây là lo cho đồng bào an cư lạc nghiệp, đồng thời tiếp tay tích cực với chính quyền địa phương trong nỗ lực cứu trợ đồng bào tị nạn CS”.
Về tình hình Quy Nhơn, trang nhất đăng tin “Phát ngôn viên quân sự sáng 31-3 quả quyết: Quy Nhơn không hề mất liên lạc, đâu có giao tranh trong tỉnh hay quanh.” Bài dẫn lời phát ngôn viên: “Hai tin của hai hãng thông tấn AFP và AP đánh đi và được một số nhật báo loan tải là hoàn toàn vô căn cứ và thất thiệt.”
Một số tin đáng chú ý khác
Trang nhất đưa tin: “Pháp Tấn Xã tưởng tượng lại lịch sử của quyết định lịch sử rút bỏ Cao Nguyên để tái phối trí”. Theo đó,
“kế hoạch rút lui chiến lược đã được thành hình tại cấp bực cao nhất cách đây nhiều tháng”.
Trên trang nhất, tòa soạn Chính Luận đăng lời kêu gọi “Xin nghĩ tới tình cốt nhục”. Tòa soạn đã “lại mở sổ vàng cứu trợ để góp phần an ủi đồng bào đang đau khổ”. Phía cuối trang nhất của báo đăng dòng biểu ngữ: “Quân dân Miền Nam không thiếu tinh thần chiến đấu mà chỉ cần phương tiện chiến đấu. Quân dân miền Nam quyết tâm đánh đuổi Cộng Sản xâm lược.”
Trang ba đăng “Cuối tuần mới có Nội Các chiến đấu”. Trích: “Báo Độc Lập chiều qua loan tin nguyên văn như sau: ‘Mặc dù chậm trễ nhưng ‘có còn hơn không’, các NS [nghị sĩ] đang lăm le đóng vai trò ‘ông mai’ trong việc giúp Hành Pháp mời gọi những nhân vật đối lập hoặc trung dung từ lâu nay đã ngoảnh mặt với Chánh phủ”. Theo đó, “Chánh phủ đang muốn có 1 Nội các đoàn kết và thật sự chiến đấu để đối phó với tình thế hiện tại”.
Trang ba, mục Tin cần biết, đăng tin “Học miễn phí”. Trích: “Nhà trường thu nhận nhập học miễn phí niên khóa 1974-1975 cho tất cả học sinh di tản chiến nạn từ các tỉnh về Saigon”. Cũng trong mục này là tin “200 học bổng miễn phí” của trường Trung học Tư thục Trí Đức “cho học sinh Chiến Nạn từ lớp 6 đến lớp 12AB”.
Miền Bắc:
Tổng hợp từ báo Nhân Dân (ND):
Miền Nam: Tấn công Quy Nhơn, tiến đến Nha Trang
Trang nhất đăng tin “Bình Định: Tiến công và nổi dậy mãnh liệt, đánh địch khắp nơi trong tỉnh và thành phố Quy Nhơn”. Bài tường thuật: “Quân giải phóng từ nhiều hướng đánh thẳng vào các mục tiêu quân sự địch trong thành phố Quy Nhơn, tỉnh lỵ tỉnh Bình Định. Đồng bào trong thành phố nhanh chóng nổi dậy phối hợp với các chiến sĩ giải phóng bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch. Nhiều đơn vị quân ngụy nổi dậy làm binh biến, trừng trị bọn chỉ huy ngoan cố, mang súng trở về với nhân dân.”
Trang ba có bài “Tên tướng chỉ huy sư đoàn 1 quân ngụy chết trận? Thành phố Nha Trang hoảng loạn như Đà Nẵng trước ngày giải phóng”. Bài ghi: “Theo tin từ Sài Gòn, tên chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh sư đoàn bộ binh số 1 ‘thiện chiến’ của quân đội Thiệu đã toi mạng ngày 29-3. […] Cảnh hỗn loạn ngự trị thành phố Đà Nẵng trước khi thành phố này bị mất, tối hôm qua lại lan tràn xuống thành phố cảng Nha Trang khi bọn lính biệt động trong thành phố bắt đầu cướp bóc. […] Đường dây điện thoại và điện tín Sài Gòn – Nha Trang bị cắt sau khi xảy ra tình trạng hoảng hốt và hỗn loạn do có những tin đồn thành phố này bị bỏ ngỏ.”
Đà Nẵng mít tinh, Sài Gòn biểu tình
Trang bốn báo đăng bài: “Đà Nẵng: Hơn 3.000 giáo chức, học sinh, sinh viên họp mít tinh mừng thành phố giải phóng và tổ chức đợt thi đua xây dựng thành phố; Huế: Lực lượng thanh niên, sinh viên và học sinh họp mặt với nhân dân; Sài Gòn: Gần 1.000 nhà sư biểu tình ngồi phản đối bắt lính và đòi Thiệu từ chức”.

Ở trang hai, báo có bài “Vào Đà Nẵng”, với mở đầu:
“Thế là đã ròng rã suốt 117 năm trời, kể từ ngày 31-5-1858, khi tên lính thực dân Pháp đầu tiên đặt chân lên đất Đà Nẵng, đến hôm nay thành phố cửa biển lớn nhất của miền Trung này mới hoàn toàn sạch bóng quân thù.”
Thế giới:
Một số tin quốc tế trên Chính Luận và Nhân Dân dẫn nguồn các hãng tin nước ngoài:
Campuchia: Tổng thống Lon Nol “xuất ngoại”
Trang ba Chính Luận đăng tựa “Chính phủ Cộng Hòa Khmer chính thức loan báo: Lon Nol đưa 26 người xuất ngoại do áp lực Mỹ và các nước Á Châu”, dẫn nguồn AP rằng Tổng thống Campuchia “sẽ đi chữa bệnh tại Hạ Uy Di [Hawaii], sau khi chính thức viếng thăm Nam Dương một thời gian ngắn”.
Trang bốn Nhân Dân đăng bản tin “Lon Non cuốn gói chuồn”, dẫn nguồn AFP “đưa tin Lon Non sẽ rời Nông Pênh vĩnh viễn đi In-đô-nê-xi-a, qua Băng-cốc”.
Mỹ: Henry Kissinger đổ trách nhiệm cho Quốc hội
Trang nhất Chính Luận đăng bản tin “Báo Sunday Times: Kissinger không thể chỉ trút trách nhiệm”. Bài dẫn nguồn AP thuật lại nội dung tờ Sunday Times của Anh: “Đối với biến cố bi thảm này cũng như những biến cố tương tự đang xảy ra tại Cộng Hòa Khmer, NT [Ngoại trưởng] Hoa Kỳ Kissinger chỉ phản ứng một cách quá đơn giản đến mức sống sượng, bằng một lời tố cáo quốc hội Hoa Kỳ là đã không cung cấp viện trợ đầy đủ cho VNCH và Cộng hòa Khmer, gây nguy hại cho đồng minh của Hoa Kỳ và cho chính những quyền lợi của Hoa Kỳ trên thế giới.”
Bấm vào đường dẫn để đọc các số báo được nhắc đến trong bài:
- Nhật báo Chính Luận (lưu trữ tại Kho Sách Xưa). [1]
- Báo Nhân Dân (lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam). [2]
Sống lại năm 1975.
Ủng hộ Quỹ Nghiên cứu Việt Nam Cộng hòa để Dự án 1975 tiếp tục lan tỏa.
Mỗi khoản đóng góp dù lớn hay nhỏ đều giúp ích cho các tác giả viết tiếp và làm sáng tỏ thêm phần lịch sử còn nhiều tranh cãi này của đất nước chúng ta.
Ghi danh làm thiện nguyện viên
Chúng tôi cần bạn giúp:
- phỏng vấn nhân chứng đã trải qua năm 1975 (đó có thể chính là cha mẹ, ông bà của bạn);
- thu thập và số hóa tài liệu (hoàn toàn có thể nằm trong tủ sách của bạn);
- đóng góp bài vở.
Dù ở trong nước hay nước ngoài, bạn đều có thể tham gia.

Phóng viên Lê Minh Thái (1921-2014) đang tác nghiệp trong trận An Lộc năm 1972. Ảnh: Quynh Thai / AP.
LIÊN LẠC
Địa chỉ
Tòa nhà RIIC, Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan (NCCU), 64 Zhinan, Đài Bắc, Đài Loan.
Bình luận